30/05/2012 05:15 GMT+7

Cơm sạn

 ĐÀO VĂN XUẤN
 ĐÀO VĂN XUẤN

AT - Nhà tôi ở cách thị trấn gần 10 cây số. Con đường liên ấp nằm cập mé sông nối dài đến thị trấn quanh năm lầy lội, đó còn chưa kể có khúc bị sạt lở và những chiếc cầu ván mục gần hết đinh nằm chơ vơ mặc cho nắng, cho gió đêm ngày giễu cợt giữa thời gian…

AFXxyZQW.jpgPhóng to
Ảnh: Ngocluong056

Vậy mà hầu như ngày nào mẹ tôi cũng đi trên con đường ấy để đến chợ bán từng lọn rau, con cá, con cua và… nhặt từng hạt thóc, để lo cho năm đứa con được an tâm đến trường, được ngon giấc trong những đêm mưa lạnh lẽo...

Trên đoạn đường gian khó ấy, có một kho lương thực khá lớn. Hàng ngày, ghe của các thương lái gom lúa đổ về đây giao hàng nườm nượp, đậu kín cả một khúc sông. Từ dưới bến lên có một hệ thống máy kéo, lúa được chất lên đấy để đưa vào trong. Công nhân ra vào nhộn nhịp, họ làm việc tất bật từ sáng đến khoảng 10 giờ đêm. Trong quá trình bốc hàng, cân hàng, lúa đổ khắp nơi, từ bên trong cho đến hành lang, bậc thềm, đường đi, cầu tàu…, đâu đâu cũng thấy lúa. Chẳng ai thèm nhặt, không ai thèm hốt, bởi những số lẻ ấy có thấm vào đâu so với một kho lúa hàng ngàn tấn. Để rồi khi mưa xuống, chúng lên xanh như những ruộng mạ vừa mới sạ, như thầm trách con người không biết nâng niu hạt ngọc của trời...

Và giữa cơn đói của gia đình, mẹ tôi lặng lẽ chuẩn bị một cây chổi cọng dừa, một cái thúng nhỏ, một cái bao, để mỗi đêm vào lúc hai giờ là mẹ dậy để đi quét lúa… Sợ ông bảo vệ và sợ làm kinh động đến những nhà xung quanh, nên mẹ quét rất khẽ. Tiếng chổi sột soạt êm êm, đều đều. Sau một hồi cố gắng, mẹ đã có gần một giạ và vội vã chất lên xe... dắt về.

Do quét được khá nhiều nên ngày nào mẹ cũng đi, bất kể trời nắng hay mưa, đường khô hay ướt, mẹ vẫn miệt mài với chiếc xe đạp cũ kỹ của mình để “tải” sự sống về cho cả gia đình. Sau những chuyến xe thành công đầu tiên, rồi mẹ cũng bị phát hiện. Ông bảo vệ kho nghĩ rằng mẹ tôi là dân ăn cắp, những nhà xung quanh đó cũng nghĩ vậy. Bắt được mẹ, họ định làm to chuyện, đòi đưa lên công an, đòi... đánh nữa. Nhưng khi nghe mẹ kể rõ sự tình thì không ai nỡ nhẫn tâm làm khó. Vậy là ông bảo vệ cũng phải động lòng nên rất nhiều lần ông chủ động giữ lúa lại cho mẹ quét, còn những người khác cũng xem việc mẹ đi quét lúa là chuyện thường ngày. Vì ai cũng hiểu, mẹ tôi đang chắt chiu cho gia đình, đang lo cho những đứa con thân yêu của mình mỗi ngày khôn lớn.

Thế nhưng, chỉ một thời gian sau, công việc của mẹ tôi lại gặp phải sự cạnh tranh, ganh ghét, và có một số người cũng đi quét lúa để về cho… gà ăn. Rất nhiều lần mẹ tôi phải về tay không vì lúa đã bị họ quét hết hay không thể giành lại họ. Những ngày bội thu nhất của mẹ chính là những lúc đêm mưa. Sở dĩ như vậy là vì những người khác không có đủ dũng cảm để ra khỏi nhà trong lúc trời đang trút nước. Chỉ có mẹ, người hết lòng vì gia đình, sợ đàn con mình đói khát, mới có đủ quyết tâm cũng như nghị lực để đi ra khỏi nhà trong mưa mà không chút nghĩ suy.

Công việc quét lúa của mẹ tưởng chừng đơn giản nhưng thật ra cũng lắm gian nan. Ngoài việc phải vượt qua đoạn đường gần 10 cây số, mẹ tôi còn gặp vô vàn những khó khăn khác như chiếc xe đạp bỗng dưng xẹp bánh, đường trơn trợt, lúa thì nặng mà mẹ thì quá ốm yếu, mỏng manh, có khi bị mất thế, nguyên bao lúa và xe lọt tỏm xuống rạch. Một mình kéo lên không nổi, mẹ phải đợi trời gần sáng để nhờ những người đi chợ sớm giúp đỡ kéo lên. Kỷ niệm mà mẹ tôi nhớ mãi là có lần đi quét lúa gặp bà sui. Hai sui gia tình cờ gặp nhau trong một hoàn cảnh trớ trêu khi cả hai cùng đi quét lúa và suýt chút giành giật vì không nhận ra nhau vì trời tối. Cả hai đều ngỡ ngàng, ngượng ngùng và sau một vài tiếng chào hỏi sượng sùng, hai người đều chủ động nhường lúa lại và cố không nhìn về nhau.

Không những công việc “tải” lúa gặp nhiều trở ngại mà khi đem lúa về, việc xử lý cũng lắm công phu. Thường thì khi về đến nhà trời cũng gần ửng sáng và mẹ bắt đầu đổ lúa ra phơi. Những hạt lúa ấy lẫn rất nhiều thứ, nào là sạn, là đất, là đá... đều có cả. Sau khi phơi đặng nắng, sàng lấy “tạp chất” qua vài lượt, ba tôi sẽ bỏ vào một cái cối đá rồi dùng chày gỗ giã như cách ông bà mình ngày xưa hay làm. Lấy lúa đã cực, giã gạo còn cực hơn. Ba tôi đã gần 60 tuổi nên cũng không thể gọi là khỏe gì cho công việc ấy. Nhưng với từng nhát chày một, rồi sàng sảy, lượm lặt, cuối cùng gia đình cũng có được gạo để ăn. Dĩ nhiên, đó là một thứ gạo không lấy gì làm trắng bởi chúng còn khá nhiều cám và bị nát. Mẹ tôi lại sàng tiếp một lần nữa để lại nhặt bớt “tạp chất”, sau đó lấy những hạt gạo trọng để ăn, còn gạo nát dùng để nuôi gà và vịt, đôi khi hết gạo trộng vẫn nấu gạo nát ăn bình thường.

Với thứ gạo ấy, mỗi lần cơm chín, dở nắp ra là hương cám bay nồng. Cha tôi bảo cơm có nhiều cám ăn rất bổ. Điều đó đúng chứ không sai, nhưng thật ra ba muốn chúng tôi quên đi nỗi mặc cảm về việc cả gia đình đang ăn gạo xấu, một thứ gạo mà rất nhiều nhà chỉ dùng để nấu cháo cho heo hoặc cho gia cầm ăn mà thôi. Và cứ mỗi lần và một đũa cơm là tôi cảm nhận được những tiếng lốp rốp của những hạt sạn còn sót lại, những hạt sạn mà với đôi mắt của người mẹ già đã không thể nào nhặt hết. Nhưng tôi không lấy đó làm khó chịu mà vẫn nhai và cảm thấy rất ngon, bởi đó là mồ hôi của mẹ, là cách duy nhất để tồn tại trong hoàn cảnh khốn khó này. Nhờ những hạt gạo ấy mà cả gia đình tôi đã có thể tồn tại trong một thời gian dài, cũng nhờ nó mà tôi có hình vóc như ngày hôm nay, để sống và hồi tưởng lại những tháng ngày cơ cực đã qua. Để rồi sau đi khắp bốn phương, trong lòng tôi, cơm sạn vẫn là thứ đáng quý nhất trên cõi đời này...

tKHBgcPC.jpgPhóng toÁo Trắngsố 9 ra ngày 15/05/2012hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

 ĐÀO VĂN XUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên