Giải pháp này theo phương châm “lấy nó nuôi nó”, tạo ra quỹ vàng quay vòng can thiệp thị trường. Việc can thiệp theo phương châm “hiệp đồng tác chiến” dưới sự chỉ huy của NH Nhà nước. NH và SJC cùng bán theo một mức giá và liên tục tung hàng cho đến khi giá vàng trở về bình thường.
Phóng to |
Đồ họa: V.Cường |
“Lấy nó nuôi nó” là khi giá vàng tăng cao bất thường, nhóm các NH và SJC dùng số vàng có trong tay (với NH là một phần vốn vàng huy động của dân, với SJC là vàng tự có) để bán ra thị trường nhằm duy trì giá vàng trong nước chỉ nhỉnh hơn giá vàng thế giới.
Đồng thời các đơn vị này cũng được mở tài khoản vàng ở nước ngoài để mua/bán cân đối với số đã bán/mua ở trong nước nhằm tránh bị thiệt hại do giá tăng giảm thất thường. Khi giá vàng trở lại bình thường, các NH và SJC sẽ mua lại vàng. Giá lại tăng cao thì tiếp tục bán (xem sơ đồ).
Theo ước tính, quỹ vàng quay vòng của NH và SJC ít nhất cũng 20 tấn (530.000 lượng vàng). Số vàng này gấp nhiều lần hạn ngạch nhập khẩu vàng mà NH Nhà nước từng cấp trong mỗi đợt, vì thế khả năng bình ổn thị trường cao hơn. Dùng vàng trong nước để can thiệp thị trường sẽ tiết kiệm được ngoại tệ, chỉ nhập khi thật cần thiết.
Để thực hiện toa thuốc này, có hai điều chỉnh về chính sách: NH được bán một phần vốn vàng đã huy động; được trở lại giao dịch vàng tài khoản ở nước ngoài. Trước đây hai nghiệp vụ này bị dừng sau khi NH Nhà nước chấn chỉnh thị trường vàng.
Cũng có băn khoăn liệu việc cho mở lại vàng tài khoản có giúp ổn định thị trường vàng hay lại tạo ra những cơn sốc giá như khi còn vàng tài khoản và sàn vàng? Theo NH tham gia bình ổn giá vàng, tỉ lệ mua/bán vàng đều nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của NH Nhà nước và khác trước là cá nhân không được kinh doanh vàng tài khoản.
Một nguồn tin cũng cho biết NH Nhà nước sẽ áp trần lãi suất huy động vàng, chỉ còn 0,5%/năm. Sau VND, USD, đến lượt vàng phải chịu trần lãi suất. Quy định này nhằm giảm đến mức thấp nhất lợi nhuận phát sinh từ vàng để hạn chế người dân đầu tư hoặc giữ vàng.
Câu hỏi được đặt ra là giá vàng trong nước cao hơn thế giới bao nhiêu được xem là bất thường để NH can thiệp? Chưa có quy định cụ thể về chênh lệch này, nhưng theo NH Nhà nước, giá trong nước cao hơn thế giới 400.000 đồng/lượng là có yếu tố đầu cơ. Như vậy, giữ giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch dưới 400.000 đồng/lượng là hợp lý. Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng trong giai đoạn đầu nên can thiệp để khống chế chênh lệch ở mức 500.000-700.000 đồng/lượng...
Một chuyên gia NH nói rằng nếu quỹ vàng quay vòng, ít là 20 tấn, trị giá trên 1,2 tỉ USD (khoảng 25.000 tỉ đồng) được tung ra thị trường theo kiểu “hiệp đồng tác chiến” thì khó có tổ chức đầu cơ nào có thể “hốt” hết số này để tiếp tục làm giá.
Chưa kể, nếu cần, số này có thể tăng thêm vì NH Nhà nước cho phép các NH và SJC được nhập khẩu số vàng đã mua trên tài khoản ở nước ngoài để can thiệp ở trong nước. Vấn đề quan trọng là NH Nhà nước điều hành thật nhịp nhàng để NH và SJC hướng tới mục tiêu giữ giá vàng trong nước ở mức hợp lý so với giá thế giới.
Cũng theo nguồn tin từ NH, toa thuốc vừa kê nêu trên là bước đi tiến tới thực hiện các quy định mới về quản lý vàng mà Chính phủ sẽ ban hành theo hướng tập trung quản lý vàng vào tay NH Nhà nước.
Giá vàng thế giới tăng vọt Giá vàng thế giới ngày 3-10 bất ngờ tăng 24 USD/ounce (hơn 600.000 đồng/lượng), lúc 21g đạt 1.654 USD/ounce, tương đương 42,65 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước ngày 3-10 chỉ tăng 280.000 đồng/lượng, lên 44,53 triệu đồng/lượng, nhưng vẫn cao hơn 1,88 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới. Các công ty vàng cho biết nhu cầu mua vàng giảm hẳn sau khi có thông tin Ngân hàng Nhà nước đang tính đến giải pháp cho một số ngân hàng mở tài khoản kinh doanh vàng tại nước ngoài, sau đó dùng chính vàng “nội” để can thiệp thị trường trong nước. Giá USD tự do ngày 3-10 ở mức 21.280 đồng/USD (mua vào) và 21.350 đồng/USD (bán ra). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận