04/05/2022 11:52 GMT+7

Có thật cha mẹ không đủ quan tâm?

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Có một luận điểm ngày càng phổ biến trên truyền thông rằng một trong những nguyên nhân khiến nhiều người trẻ hôm nay cô độc, trầm cảm và có những hành xử nông nổi, dại dột là do cha mẹ vì quá bận rộn (hoặc ích kỷ) đã không đủ quan tâm tới con.

Có thật cha mẹ không đủ quan tâm? - Ảnh 1.

Để con cái làm việc nhà từ nhỏ là một cách để tăng cường kết nối cha mẹ và con cái cũng như kéo con về với đời sống thật - Ảnh: NH.HUY

Nhưng có thật là cha mẹ ngày nay không đủ quan tâm đối với con cái hay không?

Chuyện ngày xưa

Hãy cùng nhớ lại một chút về những thế hệ không lâu trước đây, có thể tạm tính từ thế hệ 8X về trước, khi nước ta chưa phổ biến Internet. 

Có bao nhiêu người trong các thế hệ này được tận hưởng những cái mà báo chí hiện nay thường mô tả như những biểu hiện của sự quan tâm của cha mẹ: tâm sự/trò chuyện với con hằng ngày, dạy bảo, trở thành một người bạn, người thầy của con, chỉ dẫn cho con làm việc nọ việc kia...?

Có lẽ những điều đó thời xưa cũng có ở một vài gia đình, nhưng chắc chắn không phổ biến. Là vì ở những giai đoạn đất nước còn nhiều khó khăn, mỗi gia đình thường khá đông con, cuộc mưu sinh đã ngốn gần như toàn bộ thời gian trong ngày của cha mẹ. 

Chút ít thời gian được ngồi với các con đôi khi chỉ là bữa cơm gia đình, hay lúc ngồi xem tivi buổi tối, những ngày lễ Tết. Dù thế nào thì thời gian để "tâm tình", "lắng nghe" như các nhà tâm lý và giáo dục hiện nay thường khuyên là rất hiếm hoi, nếu không muốn nói là không bao giờ có.

Nhưng chúng ta vẫn thấy rất nhiều những con người đã trưởng thành từ các thế hệ đó đều sống có trách nhiệm với gia đình, hiếu đạo với cha mẹ và luôn biết quan tâm tới người khác? 

Vì sao thời đó trẻ con ít trầm cảm hơn, và hẳn là cũng chẳng mấy đứa tự tử vì buồn chán hay thất vọng nếu bị điểm kém hay không học bằng bạn bè?

Có thể ai đó sẽ bảo vì thời ấy không có Internet, không có mạng xã hội nên có khi có mà ta chẳng biết. Cũng có thể, nhưng cái ngày xưa đó, chuyện một ai đó tự tử cũng thường lan ra khắp làng khắp xóm khắp huyện nhanh như điện giật, nên nếu bạn không thường nghe thấy những chuyện đó thì cũng có nghĩa nó không phổ biến lắm đâu.

Thật và ảo

Trở lại câu chuyện vì sao lại có sự khác biệt ở người trẻ xưa để phần nào tìm ra một cách lý giải khả dĩ cho vấn đề "người trẻ cô đơn" hôm nay. 

Về quan điểm cá nhân, tôi cho rằng yếu tố quan trọng nhất làm nên khác biệt chính là những đứa trẻ ngày xưa dù không được cha mẹ trò chuyện mỗi ngày nhưng lại được sống một đời sống rất "thật", khác rất xa với những gì của thế giới ngày càng "ảo" hơn của người trẻ hôm nay.

Thế giới đó thật theo mọi phương diện nghĩa của nó. Người trẻ trước đây sống với những lo toan thật của đời sống. Họ tham gia vào công việc thường nhật của gia đình, biết cha mẹ mình đang làm gì và bản thân cũng biết mình cần làm gì. 

Người vô tư (hay hồn nhiên, vô tâm) có thể không rành hết chuyện của cha mẹ, nhưng cuộc sống thật và tự nhiên thấm vào họ qua mọi điều bình thường hằng ngày mà không cần phải nói hay giảng dạy quá nhiều.

Cha mẹ dạy (hay không dạy) con cái, họ có quan tâm (hay không quan tâm) các con đều thể hiện qua chính việc làm, lối cư xử mỗi ngày, hoặc đôi khi chỉ qua một cử chỉ chứ không phải (và không thể) nhiều lời rao giảng. 

Tất cả đều được thấm vào một con người theo cách tự nhiên nhất, và đó chính là mối liên hệ cha mẹ - con cái vô cùng ít lời lẽ trong các gia đình trước đây. Nếu có thể chọn một khái niệm tương đương của hôm nay thì tôi nghĩ tới cái gọi là "giáo dục nêu gương". Cha mẹ không nói, nhưng lối sống, cách xử sự của họ tự bản thân đã là cách dạy con tốt nhất, hiệu quả nhất.

Vậy nay thì sao? Trẻ em bây giờ phần lớn đang "thừa" quá nhiều thứ nhưng lại thiếu thốn chính cái đời sống "thật" đã nói ở trên. 

Ngay cả những kỹ năng sống bình thường, làm việc nhà, kỹ năng sinh tồn và kỹ năng giải quyết vấn đề, nhiều gia đình hiện chỉ trông đợi ở các lớp học ngoại khóa, những đợt dự trại hè hay học kỳ quân đội... 

Những cái đó tốt thôi, nhưng phải chăng chúng cũng chỉ giống như những "sân khấu" mô phỏng, ngắn hạn và đôi khi đầy tính kịch bản, làm sao sánh được với những tình huống vô cùng sinh động và thấm thía của đời sống thật?

Trở lại với câu hỏi đặt ra từ đầu: Có phải cha mẹ hôm nay vì quá bận bịu mà không quan tâm tới con không? 

Cần phải nói ngay rằng thời nào cha mẹ cũng bận bịu vì con cả, và lúc nào cũng bận tới mức không thể nói chuyện nhiều với con một cách lý tưởng như các nhà tâm lý, giáo dục kỳ vọng. 

Nhưng có lẽ, thời trước, sự kết nối trong gia đình may mắn thay chưa bị những cái "ảo" can thiệp vào nhiều như hiện nay. Có lẽ những thiếu thốn, khó khăn của một thời đã tự nhiên trở thành yếu tố làm nên sự gần gũi, chia sẻ thực giữa cha mẹ và con cái, nên dù không nói nhiều mà vẫn hiểu nhau, khác với "nói nhiều mà như nước đổ lá khoai" hiện nay ở một số gia đình.

Để người trẻ hết cô đơn

Hãy cố gắng để con được sống trong thế giới "thật" theo đúng nghĩa của nó bởi có rất nhiều điều không dễ để "được như xưa".

Bởi chỉ thông qua những chia sẻ thật, sống thật, làm việc thật, và đôi khi phải chấp nhận cả những đau thương, mất mát thật thì lòng tốt - sự quan tâm tới người khác sẽ lớn dần, theo đó bản lĩnh sống của người trẻ cũng sẽ mạnh mẽ hơn. Khi không chỉ còn thấy "có mỗi mình", người trẻ sẽ tự nhiên hết cô đơn!

Hệ lụy của "ảo hóa"

Thế giới mạng và công cuộc "ảo hóa" hiện nay đang ngày càng kéo người trẻ thoát ly cuộc sống hiện thực. Sự chăm chút "tận răng" của nhiều gia đình lại càng khiến thế giới xung quanh "ảo" nhiều hơn nữa. Xa rời cuộc sống, mất dần cảm xúc và ngày càng trở nên ích kỷ, bản lĩnh đương đầu của người trẻ cũng ngày càng nhợt nhạt, xám mòn.

'Thầy quan tâm tới hạnh phúc của trò thì bạo lực sẽ giảm'

TTO - 'Nhà trường và thầy cô quan tâm tới hạnh phúc của học trò thì bạo lực sẽ giảm, chuyện to thành nhỏ, nhỏ thành không có gì'.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên