15/08/2004 07:12 GMT+7

Cô nhạc trưởng VN ở Mỹ

NGUYỄN MẠNH HÀ
NGUYỄN MẠNH HÀ

TTCN - Orpheus- dàn nhạc không nhạc trưởng của Mỹ, sau lần biểu diễn ở VN về đã đặt Paul Chihara viết một bản nhạc về VN. Ông nhạc sĩ người Nhật chưa từng đến VN phải tìm đủ các tư liệu để có hình dung về đề tài.

6xLKwZTu.jpgPhóng to
TTCN - Orpheus- dàn nhạc không nhạc trưởng của Mỹ, sau lần biểu diễn ở VN về đã đặt Paul Chihara viết một bản nhạc về VN. Ông nhạc sĩ người Nhật chưa từng đến VN phải tìm đủ các tư liệu để có hình dung về đề tài.

Cảm hứng đến khi ông đọc trong một tuyển thơ cựu chiến binh VN bài Chiều Hương Giang của Nguyễn Khoa Điềm. Một ngày tháng 2-2004, tại Carnegie Hall, trước khi bản nhạc được tấu lên, khán giả được nghe một cô gái cao gầy trong tà áo dài đọc nguyên tác bài thơ ấy dù chỉ 5/2.800 người có mặt hiểu được tiếng Việt. Cô gái chính là người VN duy nhất đang học tại Juilliard, trường nhạc danh tiếng ở New York.

Trong lịch sử gần 40 năm của Trường Juilliard, Bội Cơ (nghĩa tiếng Hán là khay ngọc) là cái tên Việt đầu tiên trong danh sách sinh viên - không kể một người Mỹ gốc Việt cũng đang theo học tại đây.

Nguyễn Bội Cơ sinh năm 1974, là một trong hai thạc sĩ ngành chỉ huy tốt nghiệp khóa 2000- 2003 của Trường âm nhạc Curtis (Philadelphia). Từ một nhạc trưởng mới ra trường đến một nhạc trưởng chuyên nghiệp là cả một khoảng cách. Được Juilliard chọn, Bội Cơ may mắn có ngay một cách để lấp đầy khoảng cách ấy. Ngoài ra cô còn có cơ hội trở thành giảng viên của trường. Nếu được như thế, biết đâu cô sẽ thu hút nhiều nữ sinh hơn đến học làm nhạc trưởng!

Cho đến giờ mỗi khi tự giới thiệu nghề của mình, Cơ vẫn đọc thấy qua vẻ mặt các bạn Mỹ một sự ngạc nhiên không che giấu. Trên thế giới, trong số 20-30 nhạc trưởng có tên tuổi, theo Cơ biết, chỉ có bốn phụ nữ (nữ trong vai trò chỉ huy hợp xướng thường thấy hơn). Đợt Cơ thi vào Curtis chỉ có 5/80 thí sinh là nữ.

Trong ba người lọt vào vòng 5, trình độ cô chưa hẳn trội nhất nhưng qua thử khả năng tiếp thu, cô vẫn thắng. Năm rồi Juilliard có 70 thí sinh thi vào khoa chỉ huy, bốn là nữ và đều trượt. Có mặt trong nhóm chấm bài thi (ký âm và lịch sử âm nhạc), cứ đến bài của thí sinh nữ, Cơ luôn giành được chấm để còn… nâng điểm!

qRHM6zQL.jpgPhóng to
Nhạc trưởng Bội Cơ chỉ huy biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội tháng 7-2002 và trong những ngày nghỉ hè 2004
Người chịu trách nhiệm hướng dẫn cô năm qua là thầy Otto Werner (78 tuổi, người Đức), từng dạy những sinh viên như Alan Gilbert, chỉ huy chính Dàn nhạc hoàng gia Stockholm (Thụy Điển), hay Paave Jarvi của Dàn nhạc Cincinnati (Mỹ). Hiện công việc chính của Bội Cơ là làm trợ lý cho các nhạc trưởng quốc tế đến biểu diễn và giảng dạy tại trường.

Chương trình làm việc năm học tới của cô có những tên tuổi: James Conlon, Hugh Walt và James DePriest. Ngoài ra cô dạy lý thuyết âm nhạc và vẫn theo học các khóa học tùy chọn về khoa học xã hội và ngoại ngữ.

Thoạt đầu cô đã định học cùng một lúc cả tiếng Ý và tiếng Đức, nhưng đã có chuyện trong giờ tiếng Đức cô lại trả bài bằng tiếng Ý nên Cơ quyết định chinh phục… Beethoven trước. Theo Bội Cơ, một nhạc trưởng có “lương tâm nghề nghiệp” phải thông thạo năm thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Ý, Nga. Vì nhạc trưởng phải hiểu cả nhạc kịch, hợp xướng, phải hiểu cả bối cảnh sáng tác và tiểu sử tác giả, chưa kể phải giao tiếp với dàn nhạc.

Tốt nghiệp đại học chỉ huy tại Nhạc viện Hà Nội dù không phải loại kém nhưng khi sang Mỹ, sau kiểm tra trình độ, Cơ mới được xếp vào cuối năm 2 đại học tại Mannes - trường nhạc hạng III ở Mỹ. Học ở Mannes ba năm mới thi được vào trường hạng I Curtis. Ở Curtis, Cơ vẫn học thêm nhiều tín chỉ khác không tính vào bảng điểm vì “nếu chỉ học phần ngọn khó có thể giỏi và phải học ba năm mới biết mình dốt như thế nào!”. Tốt nghiệp, Cơ đến Áo trong chương trình trao đổi sinh viên của Curtis, và từng chỉ huy Dàn nhạc Nhạc viện Vienna mới tự tin thấy mình cũng không đến nỗi nào!

Vào Juilliard từ tháng 9-2003, cô thực tập sinh VN đã có hai lần chỉ huy dàn nhạc 90 nhạc công của trường (12-2003 và 4-2004), trình diễn tại Lincoln Center - trung tâm biểu diễn nghệ thuật 1.120 chỗ ngồi vào cỡ “oách” nhất của New York.

Lâu lâu mới về nhà nghỉ hè mà mỗi sáng thức dậy Cơ vẫn không ngăn nổi cảm giác tiếc thời gian. Thật ra lần về này cô có mang “trọng trách” tìm hiểu âm nhạc truyền thống. Nhân có Festival Huế, Cơ đã được nghe ca Huế, cải lương và ca trù. Tuần cuối cùng ở Hà Nội, Cơ dành cho các nghệ nhân chèo... Hai năm trước, một lần sau ba giờ liên tục tập với dàn nhạc đến mệt lả Cơ quyết đi học yoga, nay mỗi ngày hai lần sáng, chiều tập yoga mới đủ sức vung đũa.

Làm nên bước ngoặt trong đời cô nhạc trưởng, trước hết là nhờ bố mẹ Cơ mê âm nhạc và nhạc cổ điển là thứ nhạc duy nhất Cơ biết từ nhỏ. Cơ học piano tại nhà từ 8 - 14 tuổi, thi vào trung cấp lý luận. Bố mẹ cô lại đều là giáo viên dạy tiếng Anh nên Cơ sớm có ý thức trong việc học ngoại ngữ.

Sắp tốt nghiệp đại học chỉ huy, tình cờ trong một “múa đũa” tại phòng gương Nhà hát lớn Hà Nội, cô được vợ chồng một luật sư người Mỹ hỏi han và tận tình làm cầu nối tới cơ quan cấp học bổng Asian Cultural Council. Khi Cơ sang chuẩn bị thi vào Mannes, họ còn cho cô ở nhờ một tháng, làm hàng xóm với… Diana Ross. Vì đó là khu Greenwich, chỉ dành cho những người thu nhập bạc triệu USD/năm.

Bội Cơ cho biết ngay ở Mỹ, chỉ khoảng 5% số người học nhạc theo và sống được bằng nghề. Đã thế, chỉ huy dàn nhạc còn là ngành có tính cạnh tranh cao nhất trong các ngành biểu diễn nhạc cổ điển. “Một pianist có thể biết tất cả các bản nhạc dành cho piano, còn nhạc trưởng không thể biết tất cả các tác phẩm âm nhạc cần chỉ huy được!”. Vì thế, việc học đối với nhạc trưởng không bao giờ chấm dứt.

NGUYỄN MẠNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên