Phóng to |
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và vợ là ca sĩ Thúy Nga |
Trong các ngày 13, 17, 22 và 23-9, lần lượt tại Hà Nội, Kiên Giang, Tiền Giang và TP.HCM, sáu ca khúc này sẽ có mặt trong chương trình từ thiện “Tiếng hát từ nguồn cội” giúp kiều bào nghèo tại Campuchia, Lào, do Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao và Tập đoàn RASS tổ chức.
Vậy là sau 33 năm sinh sống và mất ở hải ngoại, lần đầu tiên nhạc sĩ tài hoa Hoàng Thi Thơ đã chính thức “rước tình về với quê hương” như tên bản nhạc chan chứa tình quê hương xứ sở của mình.
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sinh năm 1928 tại Quảng Trị và mất năm 2001, để lại cho đời hơn 600 ca khúc đủ thể loại, có sức sống mạnh mẽ với thời gian. Với nhạc tình yêu, ông có nhiều bài nổi tiếng: Đám cưới trên đường quê, Tà áo cưới, Hình ảnh người em không đợi, Một lần cuối, Túp lều lý tưởng…
Với nhạc quê hương, âm hưởng dân ca, nhiều bài của ông được nhớ như Rước tình về với quê hương, Mấy nhịp cầu tre, Múc ánh trăng vàng, Gạo trắng trăng thanh… Ông cũng có nhiều bài nhạc mang tính lãng mạn, kể chuyện quen thuộc với người nghe như Rong chơi cuối trời quên lãng, Chuyện tình nàng thiếu nữ tên Thi, Chuyện nàng La Lan…
Ông còn bước sang thể loại nhạc cảnh, phong cách sống động, phù hợp với hình thức sân khấu như Từ Thức, Lộng Ngọc, Người nghệ sĩ mù… Thể loại nhạc kịch, ông để lại bốn tác phẩm công phu, có giá trị: Từ Thức lạc lối bích đào, Dương Quý Phi, Cô gái điên, Ả đào say. Ông viết cả trường ca như Tiếng trống Diên Hồng…
Năm 1961, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ lập Đoàn văn nghệ Việt Nam (nhạc sĩ Lê Thương làm phó đoàn) quy tụ gần 100 nghệ sĩ, chuyên viên nghệ thuật tài hoa, suốt bốn năm lưu diễn và được hoan nghênh ở nhiều quốc gia, lãnh thổ: Nhật, Singapore, Hong Kong, Đài Loan, Lào.
Từ sáng tác âm nhạc thuần túy bắt đầu từ năm 1945, đến năm 1967 ông lập ra Đoàn ca vũ nhạc kịch Hoàng Thi Thơ trình diễn tại khắp Sài Gòn, nhấn mạnh vào hình thức múa. Cùng một số vũ sư, ông tiên phong xây dựng được một số điệu vũ vừa hiện đại vừa đậm chất dân tộc như múa xòe, múa quạt, múa trống bồng, múa nón quai thao, múa K’Ho, múa Ê Đê... Không dừng lại đó, ông còn trở thành đạo diễn kiêm nhà sản xuất một số phim như Cô gái điên, Người cô đơn...
Dù trong giai đoạn nào, sống trong nước hay ngoài nước, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ vẫn không ngừng sáng tác và hoạt động nghệ thuật. Những năm cuối đời ông tập trung vào hướng sáng tác mang màu sắc thiền. Ông ví cuộc sống hiện tại của mình như là cuộc sống tiên và bảo không có gì để ân hận. Tuy nhiên, đến cuối đời ông cũng luôn khẳng định mình mãi mãi là một người nghệ sĩ với trái tim luôn rung động để sáng tác cho đời: “Buổi sáng thức dậy, tôi uống nước, tôi nhìn ra dàn hoa, tôi ngắm những chú chim. Tôi nghe vang vọng lại những ca khúc của tôi hay của người khác. Rồi tôi đọc sách. Tôi thấy cuộc đời đẹp đẽ quá... Và cứ thế tôi sáng tác hoài”.
Và rồi, sự rung động của ông hằng mấy mươi qua đã lan truyền mạnh mẽ đến khán giả. Bởi có thể nói hầu hết người Việt Nam đều thuộc ít nhất một câu hát rất ngọt ngào và gần gũi bởi tình yêu nam nữ lẫn tình yêu quê hương nơi âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ như “Em gái vườn quê, cuộc đời trong trắng, dầm mưa dãi nắng mà em biết yêu trăng đẹp ngày rằm...”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận