25/08/2018 15:57 GMT+7

Có nên công khai tên người vi phạm vệ sinh nơi công cộng?

MINH ÚT - SONG ANH - LÊ PHAN
MINH ÚT - SONG ANH - LÊ PHAN

TTO - Sử dụng hình ảnh từ camera để lập biên bản phạt nguội hành vi xả rác, “đi vệ sinh” nơi công cộng, công khai thông tin, hình ảnh của người vi phạm. Điều này khả thi không? Tuổi Trẻ giới thiệu ý kiến bạn đọc phản hồi thông tin này.

Có nên công khai tên người vi phạm vệ sinh nơi công cộng? - Ảnh 1.

Nhiều người đi tiểu bậy nơi công cộng (ảnh chụp ở Q.Gò Vấp, TP.HCM) - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM vừa đề xuất UBND TP.HCM giải pháp tăng cường kiểm tra, xử lý hành chính hành vi vi phạm vệ sinh nơi công cộng trên địa bàn, đặc biệt là hành vi tiểu bậy.

Khu vực có WC công cộng mà người dân cố tình đi ở ngoài thì nêu tên là đúng. Không có WC thì biết đi đâu? Ở thành phố, biết ai người ngay người gian, khơi khơi xin vào nhà người dân thì ai cho?!

Bạn đọc NGUYỄN VĂN THỚI

Liệu có khả thi?

Nhiều người không đồng tình với đề xuất trên. Vì sao? Hầu hết người có hành vi trên là khách vãng lai, người làm việc ngoài đường. Sẽ khó nắm bắt thông tin về người vi phạm bởi họ không ở địa phương đó.

Số tiền phạt từ 1.000.000 đến 3.000.000 đồng cũng khó có khả năng thực hiện.

Hành vi này diễn ra nhanh, kín đáo, lực lượng chức năng nào kiểm tra, xử lý cho xuể và làm sao xử phạt kịp thời? Phạt nguội qua camera càng rối rắm nhiều hơn bởi không thể truy tìm người vi phạm nếu họ từ xa đến.

Giải pháp tốt nhất cho vấn đề này: nên xây dựng nhiều nhà vệ sinh (WC) công cộng, cũng có thể thu phí với giá quy định sẽ hạn chế được tình trạng trên. Đây cũng là vấn đề mà rất nhiều du khách đến TP.HCM yêu cầu trước tình trạng thiếu vắng nhà vệ sinh lâu nay.

Nếu chỉ bỏ ra một số tiền rất nhỏ để "giải quyết bức xúc", sẽ không ai "đi lộ thiên" để (có thể) bị bêu tên, đưa hình ảnh xấu hổ đến mọi người.

Chưa có cơ sở pháp lý

Việc công khai danh tính người vi phạm vệ sinh nơi công cộng hiện nay chưa có cơ sở pháp lý, rất dễ phát sinh khiếu nại về sau vì liên quan đến quyền nhân thân, danh dự con người. Vì vậy cần hết sức thận trọng, cân nhắc từ nhiều phía trước khi thực hiện đề xuất này.

Không khó để gặp cảnh rác rưởi vứt bừa bãi ra đường, xuống cống. Trên vỉa hè, những tấm biển cấm đổ rác to đùng, ghi rõ ràng những điều, khoản luật, số tiền phạt nặng hẳn hoi nhưng phía dưới vẫn toàn là... rác.

Có bao nhiêu trường hợp như trên từng được xử lý phạt về vệ sinh môi trường? Ít đến mức không nghe nói đến. Hành vi vi phạm thì mọi lúc mọi nơi nhưng rất nhanh chóng, cơ quan chức năng khó có thể phát hiện, xử lý.

Chuyện tiểu tiện không đúng chỗ hầu như nơi nào cũng có, từ những bức tường nhà đến bên hông xe tải, xe buýt dừng đỗ bên đường, thậm chí ở ngay trong bến xe... Có thể do không có nhà vệ sinh, cũng có thể do thói quen xấu khó bỏ.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể công bố trên cộng đồng những thông tin thuộc về đời tư của những người có hành vi vô ý thức đó.

Thứ nhất, người được nêu tên có thể bị tổn thương nếu phải hứng chịu "gạch đá" từ cộng đồng và hệ lụy khác nghiêm trọng hơn.

Thứ hai, việc công bố những thông tin cá nhân cùng hình ảnh người vi phạm mà không được sự đồng ý của đương sự là vi phạm điều 31 Bộ luật dân sự năm 2015.

Hành vi làm ảnh hưởng đến uy tín cá nhân thì có thể bị xử phạt từ 10-20 triệu đồng theo điểm e, g, điều 66, nghị định 174/2013.

Mỗi người có thể cung cấp cho cơ quan chức năng thông tin, chứng cứ để xử lý người sai phạm, cùng góp ý tuyên truyền mọi người hiến kế xử lý hành vi vứt rác bừa bãi, tiểu tiện không đúng nơi quy định.

Từng địa phương cần tuyên truyền vận động, thuyết phục người dân theo kiểu "mưa dầm thấm lâu", thay vì phải công khai thông tin người vi phạm (chưa đến mức độ phải công khai), một việc vừa không có hiệu quả tốt, vừa vi phạm luật pháp.

Trước năm 2016, TP.HCM từng có kiểm tra và xử phạt đối với người có hành vi tiểu bậy nơi công cộng. Mức phạt lúc này là 200.000 đồng, tái phạm tăng lên 300.000 đồng. Có trường hợp chỉ bắt người vi phạm giội nước dọn sạch.

Đến năm 2016, nghị định 155 quy định tăng mức phạt tiền với hành vi gây mất vệ sinh công cộng. Theo đó, mức phạt từ 1.000.000 đến 3.000.000 đồng với hành vi tiểu tiện nơi công cộng.

Đội trật tự đô thị quận 1, TP.HCM là đơn vị thực hiện tuần tra, xử phạt vụ này. Đã có rất nhiều trường hợp bị xử phạt hành chính kèm theo phải giội nước dọn khu vực tiểu bậy.

Nên xây thêm WC thay vì công khai tên người vi phạm

daothithanhvan

* Bạn đọc ĐÀO THỊ THANH VÂN (buôn bán):

Người đi tiểu bậy thì xử phạt, bắt giội nước, dọn sạch để không tái phạm, nhưng nêu tên thì không nên. Có thể người đó chỉ vi phạm một lần nhưng nêu tên sẽ ảnh hưởng gia đình và bản thân lâu dài.

Ở TP.HCM, nhiều nơi không có WC công cộng, nơi có lại chưa... vệ sinh, có nơi mở cửa theo một số giờ trong ngày. Không có WC công cộng, phạt là vô lý!

Phí đi vệ sinh cũng nên xem xét sao cho vừa với người dân lao động (có người ngày đi nhiều lần). Nếu miễn phí được là tốt nhất.

phamthanhloc

* Ông PHẠM THÀNH LỘC (76 tuổi, chạy xe ôm):

Việc đi vệ sinh ngoài đường là chuyện bất khả kháng, không ai muốn. Nhiều người ở nơi khác tới lỡ đường, không người quen, không biết đường sá nên mới đi tiểu bậy chứ họ không hề muốn.

Tôi chạy xe ôm, có người đang đi tập thể dục mà mắc vệ sinh phải thuê tôi chở về nhà. Chính quyền nên xem xét xây dựng nhiều nhà vệ sinh công cộng để giải quyết được vấn đề trên.

MINH ÚT - SONG ANH - LÊ PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên