11/06/2013 03:20 GMT+7

Cô nàng ngủ gật

NGUYỄN TRẦN HOÀNG UYỂN(Quảng Nam)
NGUYỄN TRẦN HOÀNG UYỂN(Quảng Nam)

AT - Tôi gặp bạn trong ngày đầu bước chân vào giảng đường đại học. Bạn là đồng hương của tôi, cái tên nghe là lạ: Lọ Lem.

Lọ Lem khó gần bởi gương mặt lầm lì, lúc nào cũng lừ đừ, áo quần luộm thuộm. Đến lớp, nhỏ thường “gục lên sách vở bỏ quên đời”, chỉ tỉnh giấc khi cô giáo bắt gặp quả tang hoặc khi chuông báo hết giờ. Nhiều lúc không chống chọi nổi cơn buồn ngủ trong lớp, Lọ Lem còn vào cả toilet trường để... ngủ. Tôi nhớ như in những giờ học thể dục, khi cả lớp ra sức luyện tập theo hướng dẫn của cô giáo thì Lọ Lem mất tăm mất dạng. Tan học mọi người mới phát hiện ra nhỏ đang mơ màng ngủ dưới gốc cây cổ thụ cạnh khu ký túc xá. Lần đầu tiên trong đời tôi tận mắt chứng kiến một đứa con gái quái đản và mê ngủ đến vậy. Tôi thật sự không thích Lọ Lem và chẳng bao giờ bắt chuyện với nhỏ, vì Lọ Lem làm ảnh hưởng đến con gái Quảng Nam là tôi.

Một lần, đang trong giờ học, Lọ Lem chợt giật mình tỉnh giấc khi cô giáo đến bên cạnh đánh thức. Cô hỏi: “Em ngủ vậy có hiểu lời cô giảng không?”. Lọ Lem lúng túng: “Dạ, lời cô văng vẳng văng vẳng và xa dần”. Cả lớp cười ran. Cô giáo khẽ lắc đầu khi quay đi. Lọ Lem lại gục xuống bàn ngủ tiếp. Sau lần ấy, “sự nổi tiếng” của bạn đồng hương còn lan sang những lớp bên cạnh và cả những khoa khác.

Thời gian trôi, Lọ Lem vẫn ngủ gật đều đều trong những giờ hiếm hoi có mặt ở lớp, nhưng có điều, bạn ấy vẫn vượt qua được các kỳ thi cho dù điểm số chỉ ở mức trung bình. Kể cũng tài thật.

Sang năm cuối, tôi dọn đến nơi ở mới và tình cờ trở thành hàng xóm của Lọ Lem. Từ đây, tôi mới hiểu được phần nào bạn ấy. Lọ Lem sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo đông con, ba mẹ bệnh tật quanh năm. Lên phố trọ học, Lọ Lem luôn phải nỗ lực bươn chải. Hằng ngày, nhỏ thường đến một nhà hàng bưng bê phục vụ từ 17g30 đến tận 0 giờ. Số tiền kiếm được mỗi tháng sau khi chi tiêu tiết kiệm, Lọ Lem mua thuốc gửi về cho ba mẹ. Nhỏ thường xuyên được chủ nhà hàng khen thưởng vì làm việc chăm chỉ, lanh lợi, nhiệt tình. Cuối tháng nào Lọ Lem cũng được tuyên dương là nhân viên xuất sắc, phần thưởng là một món ngon tự chọn của nhà hàng. Thế là cả dãy trọ được ăn ké. Tôi thấy lạ, hình như trong bạn ấy có hai con người: con người lừ đừ ngủ gật khi đi học và con người năng động khi đi làm.

Thoắt cái, chúng tôi ra trường và lao vào cuộc mưu sinh. Được người quen giới thiệu cho một công ty, Lọ Lem rủ tôi: “Đi phỏng vấn với ta đi, nếu ta rớt thì vẫn còn mày”. Tôi không khỏi ngỡ ngàng. Giữa thời buổi “kinh tế buồn” này, người ta sẵn sàng bỏ qua mọi giá trị đạo đức, không ngần ngại chà đạp lên mọi thứ để giành giật từng cơ hội tồn tại, sao Lọ Lem chân thật vậy không biết? Thấy nhỏ năn nỉ quá, nên tôi quyết định đi cùng. Ai ngờ, cả hai đều được nhận vào làm. Chúng tôi vui lắm.

Có lần trên đường đi làm về, Lọ Lem nhặt được năm trăm ngàn đồng, nhỏ bảo tôi: “Mày đứng đây đợi ta một lát” rồi phóng xe đi. Mười lăm phút sau, nhỏ quay lại với trăm ổ bánh mì nóng hổi trên tay và giục tôi: “Đi theo ta, mau lên!”. Lọ Lem phóng xe chở tôi đến bệnh viện ung bướu gần đó phát cho bệnh nhân nghèo. Thì ra, nhỏ hay đi làm từ thiện nên các bệnh nhân đã quen mặt, họ mừng rỡ nhận bánh mì và không ngớt cảm ơn nhỏ. Lọ Lem cười, mắt long lanh hạnh phúc. Tôi cũng thấy vui lây.

Vì hoàn cảnh gia đình, Lọ Lem tạm biệt tôi lên núi làm dự án với mức lương cao hơn, hi vọng có nhiều tiền cho ba đi Sài Gòn chữa bệnh.

Một tháng sau, tôi đột ngột nhận được cuộc gọi thông báo Lọ Lem bị xe tải công trình cán, đang cấp cứu tại bệnh viện đa khoa thành phố. Tôi vội chạy đến ngay. Lọ Lem nằm đó, trước mắt tôi, toàn thân đầy máu, chân tay gãy và đôi mắt bạn nhắm nghiền, bất tỉnh. Tôi thầm mong, đó chỉ là giây phút bạn ấy “tạm thời ngủ gật”, rồi Lọ Lem sẽ thức thôi mà. Nhưng cuộc đời, có ai ngờ, nhỏ bạn tôi đã về cõi vĩnh hằng trong đêm hôm ấy...

Hôm nay tròn một năm kể từ ngày Lọ Lem rời xa chúng tôi. Ngồi bên nấm mộ bạn, tôi suy ngẫm về nhân tình thế thái, về lần đầu tôi gặp Lọ Lem, về những ngày chúng tôi đi học, về giai đoạn cùng nhau làm việc, về khoảnh khắc Lọ Lem nhặt được năm trăm ngàn đồng... Tôi chợt ngẫm ra một điều: Chiếc áo cà sa không làm nên thầy tu. Cũng như Lọ Lem của tôi, vẻ mặt lừ đừ, quần áo luôn nhầu nhĩ của cô bạn nhưng đằng sau đó là những vẻ đẹp không lẫn vào ai khác.

sFdo5D9Y.jpgPhóng to

Áo Trắng số 10 ra ngày 01/06/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

NGUYỄN TRẦN HOÀNG UYỂN(Quảng Nam)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên