Phóng to |
Một bộ thiết bị để đọc và nhân bản sim - Ảnh: www.gsm... |
Nhận dạng sim “nhân bản”
Cách đây khoảng ba năm, do đọc được cách hướng dẫn nhân bản (clone) sim điện thoại di động (ĐTDĐ) nên anh G. (Thủ Đức, TP.HCM) đã mày mò nhân bản sim. Vào thời điểm đó, anh G. đã mua một chiếc sim trắng với giá 250.000 đồng, một đầu đọc thẻ nhớ và tiến hành nhân bản chiếc sim của mình đang sử dụng (091391xxxx). Theo anh G., để nhân bản sim, đầu tiên phải có một thiết bị đọc thẻ sim, sau đó lấy chiếc sim đang sử dụng thông qua đầu đọc này chuyển dữ liệu vào máy tính. Cuối cùng, chuyển dữ liệu đã lấy từ chiếc sim đang hoạt động qua chiếc sim trắng, thế là một số đã được sử dụng cho hai sim.
Tuy nhiên, anh G. cho biết khi hoạt động, sim nhân bản cũng gặp phải một số vấn đề. Nếu một cuộc gọi đến, chiếc máy nào gần trạm BTS (trạm thu phát sóng) nhất thì sẽ bắt được tín hiệu và đổ chuông, chiếc máy còn lại vẫn ở trạng thái bình thường. Gần như vậy, khi tiến hành gọi đi cùng một lúc thì một trong hai máy này sẽ có một máy báo lỗi và cũng chỉ có một máy gần trạm BTS (cường độ sóng- tín hiệu mạnh hơn) mới có thể kết nối được.
Như vậy có thể hiểu, nếu một người có một chiếc sim A và bị nhân bản thành một sim khác là A' thì khi A hoạt động, A' sẽ bị lỗi hoặc ngược lại. Trong trường hợp bị nhân bản, khi đối tượng đánh cắp đang thực hiện cuộc gọi, “khổ chủ” sẽ chỉ biết máy mình bị lỗi (mất sóng, lỗi hệ thống mạng) chứ không hề biết chuyện gì đang xảy ra. Tất nhiên, những cuộc gọi từ A hoặc A' đều sẽ tính chung cho một số là A và người đứng tên thuê bao A đó sẽ phải thanh toán cước.
Ông Hoàng Sơn, phó giám đốc Viettel Mobile, cho rằng để nhân bản được sim thì điều tiên quyết là phải có thẻ sim gốc. Bởi lẽ có thẻ sim gốc thì mới đọc được các thông số trong thẻ và copy các thông số này. Vì vậy, người sử dụng điện thoại không nên mang sim đi lắp, ghép vì như vậy đã vô tình để lộ những thông số bên trong sim.
Sim nào có thể nhân bản?
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết có một vài website nước ngoài hướng dẫn việc nhân bản sim điện thoại như www.gsm..., www.gsmh..., hướng dẫn rất cụ thể thiết bị nhân bản cũng như cách thức nhân bản một chiếc sim. Tuy nhiên, những website này cũng đã được xây dựng khá lâu và những nội dung trên đó cũng được cập nhật từ năm 2002, thời điểm này tại VN các mạng di động vẫn còn sử dụng loại sim 8k song song với loại sim mới.
Theo anh G., với thẻ sim như thời điểm hiện nay khi tiến hành nhân bản sẽ bị hỏng (tự hủy) mặc dù anh vẫn sử dụng những thiết bị như trước đây đã từng thử. Loại sim mà anh thử nhân bản trước đây là loại sim 8k (danh bạ chỉ có thể chứa 100 số điện thoại), còn loại sim bây giờ tối thiểu cũng chứa được 250 hoặc 750 số thì không thể nhân bản.
Đại diện của các nhà cung cấp mạng khác cho rằng hiện nay họ chỉ cung cấp loại sim chống nhân bản ra thị trường nên chuyện nhân bản sim là không thể thực hiện. Một chuyên gia của một mạng viễn thông khá lớn tại VN cho rằng hiện nay các mạng đều sử dụng sim có công nghệ chống nhân bản và những chiếc sim này sẽ có chế độ tự hủy khi bị bỏ vào ổ đọc. Tuy vậy, chuyên gia này cho rằng điều này vẫn có thể xảy ra nếu được thực hiện từ nội bộ nhà cung cấp mạng do nhân viên thiếu đạo đức nghề nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận