06/04/2015 05:33 GMT+7

“Cơ hội vàng để thể thao TP.HCM cất cánh”

TẤN PHÚC thực hiện
TẤN PHÚC thực hiện

TT - Ông Trần Văn Nghĩa (ảnh) - một chuyên gia kinh tế thể thao, đồng thời là người nhiều năm gắn bó với thể thao TP.HCM - cho rằng tổ chức SEA Games 2021 sẽ là cơ hội vàng để thể thao TP.HCM cất cánh.

Ông Nghĩa cho biết: “Tôi nghĩ nếu được chọn tổ chức SEA Games 2021, TP.HCM cần có phương án riêng phù hợp với thực trạng phát triển kinh tế - xã hội và cơ sở vật chất thể thao sẵn có”.

* Thưa ông, đăng cai SEA Games 2021 có ý nghĩa gì với TP.HCM?

- Tôi cho rằng đăng cai SEA Games 2021 là cơ hội ngàn vàng để TP.HCM cất cánh cả về thể thao lẫn kinh tế, xã hội. TP.HCM sẽ có dịp tổng rà soát lực lượng VĐV, HLV và thực trạng cơ sở vật chất thể thao để có hướng đầu tư, phát triển phù hợp với sự đi lên của cả nước.

Ngoài ra, TP.HCM là trung tâm kinh tế năng động bậc nhất cả nước. Vì vậy, SEA Games 2021 sẽ là cơ hội để quảng bá thành phố mang tên Bác, phát triển du lịch thông qua các dịch vụ mua sắm, ẩm thực... Bạn bè quốc tế cũng sẽ quan tâm hơn đến việc đầu tư cho TP.HCM. Vấn đề là phải tổ chức SEA Games thế nào để đảm bảo cho sự phát triển bền vững lâu dài.

* Ông có thể nói rõ hơn về sự phát triển bền vững lâu dài?

- Tôi có dịp đi tham quan một số quốc gia ở khu vực Đông Nam Á từng tổ chức SEA Games và nhận thấy họ sử dụng các công trình thể thao sau SEA Games rất hiệu quả. Chẳng hạn như Philippines - quốc gia đăng cai SEA Games 2005, một số cơ sở vật chất ở thủ đô Manila hiện tại trở thành sân chơi cho người dân, một số được sử dụng rất hiệu quả trong các trường học. Thái Lan cũng vậy, họ có tầm nhìn xa để biến các công trình thể thao thành những sân chơi bổ ích trong tương lai cho cộng đồng.

Tôi nghĩ TP.HCM cần có cái nhìn lâu dài hướng đến sự phát triển bền vững. Kinh phí ban đầu để nâng cấp, xây dựng lấy từ ngân sách nhưng sau SEA Games, các công trình này phải tính toán làm sao để có thể tự sống bằng nguồn thu của mình, phục vụ mục tiêu tập luyện thể thao của cộng đồng, của VĐV chuyên nghiệp.

Hầu hết quận huyện tại TP.HCM đều có nhà thi đấu thể thao. Tôi nghĩ các công trình này chỉ cần được nâng cấp lên là đủ chuẩn tổ chức SEA Games vì thực chất tiêu chuẩn của đại hội này không quá cao. Và sau đó, các công trình này sẽ phục vụ lâu dài cho người dân TP.HCM.

Việc cần làm là nâng cấp trung tâm TDTT Phú Thọ thành cơ sở hiện đại bậc nhất Đông Nam Á để phục vụ SEA Games 2021 như một khu liên hợp thu nhỏ để tiết kiệm chi phí mà sau này có nơi để VĐV TP.HCM tập luyện, thi đấu. Trung tâm TDTT Phú Thọ hiện đã có sẵn cụm sân quần vợt, hồ bơi, nhà thi đấu trong nhà, trung tâm võ thuật... Sau SEA Games trung tâm sẽ trở thành nơi ăn ở, tập luyện và thi đấu của VĐV, giúp phát triển lâu dài cho lực lượng thể thao TP.HCM.

Đối với những môn thể thao ít được người dân VN quan tâm như bóng chày, golf hay polo thì TP.HCM nên có những giải pháp xã hội hóa. Theo tôi được biết, hiện nay ở quận 7 đã có sân bóng chày khá đẹp, huyện Long Thành (Đồng Nai) có sân polo, sân golf thì rất nhiều.

* Rõ ràng việc Hà Nội từng tổ chức SEA Games (2003) sẽ là bài học lớn để TP.HCM rút kinh nghiệm?

- Tôi nghĩ như vậy. Nói một cách khác, tổ chức sau Hà Nội là lợi thế của TP.HCM. Chúng ta sẽ có cơ hội quan sát khách quan những công trình thể thao phục vụ SEA Games 2003 hiện nay như thế nào. Bạn cũng thấy rồi đấy, điều đáng buồn là nhiều công trình đã xuống cấp, bị rơi vào quên lãng, lãng phí hoặc hoạt động không đúng chức năng. Tôi nghĩ muốn tránh được chuyện này, đội ngũ làm thể thao TP.HCM phải có tầm nhìn đến năm 2030 hay 2040 chứ đừng chăm bẳm vào SEA Games 2021.

* Ông nghĩ sao khi có luồng ý kiến cho rằng TP.HCM cần xây dựng sân vận động hoành tráng 50.000 - 60.000 chỗ ngồi phục vụ SEA Games 2021?

- Tôi nghĩ đây là điều mà TP.HCM nên cân nhắc. Rõ ràng TP.HCM cần một sân vận động tương xứng với tầm vóc của đầu tàu kinh tế cả nước. Nhưng xét ở góc độ khác, chúng ta cũng phải tự phản biện là liệu có thật cần thiết xây sân vận động mới hoành tráng tại TP.HCM khi sân Thống Nhất còn chưa khai thác hết công năng? Thêm vào đó, xây dựng công trình mới đồng nghĩa phát sinh chi phí bảo dưỡng, trả lương đội ngũ phục vụ, quản lý... mà mỗi năm cũng không có nhiều sự kiện. Ngay cả sân vận động quốc gia Mỹ Đình mỗi năm cũng chẳng có mấy sự kiện lớn. Để rồi ban quản lý khu liên hợp quốc gia Mỹ Đình nhiều lần xuất hiện trên mặt báo vì cho thuê mặt bằng làm quán ăn, cơ sở matxa, bán cà phê.

Nếu cần sân bóng đá phục vụ SEA Games thì TP.HCM, ngoài sân vận động Thống Nhất còn có sân Thành Long, sân Quân khu 7 cũng đủ chuẩn, các tỉnh lân cận thì có sân Gò Đậu (Bình Dương), sân Long An...

Tôi hi vọng những nhà tổ chức sẽ có kế hoạch phù hợp để làm sao SEA Games 2021 trở thành kỳ tranh tài tiết kiệm nhất, nhưng người dân sẽ được thụ hưởng nhiều nhất.

Sở TDTT TP.HCM từng đề xuất xây sân vận động mới

Ông Phạm Văn Kiết - nguyên giám đốc Sở TDTT TP.HCM - cho biết năm 1998 ông từng đề xuất xây sân vận động mới. Ông Kiết cho biết: “Từ năm 1998 khi còn là giám đốc Sở TDTT TP.HCM, tôi đã đề xuất xây dựng khu liên hợp thể thao tại Rạch Chiếc trên diện tích 410ha với sự hậu thuẫn của nhiều tập đoàn giàu tiềm lực. Khu liên hợp bao gồm một sân vận động hiện đại có sức chứa 50.000 chỗ ngồi, cụm hồ bơi với hồ chính trong nhà có khán đài 2.000 chỗ, cụm 10 sân quần vợt với sân trung tâm có sức chứa 2.000 khán giả...

Những nhà thi đấu nhỏ của khu liên hợp thể thao này sẽ kịp hoàn tất phục vụ SEA Games 2003, phần còn lại sẽ xây dần để phục vụ cộng đồng và những sự kiện quốc tế. Trong đó sân vận động chính sẽ hoàn tất năm 2010. Dự án này cũng nhằm phục vụ việc tập thể thao cho sinh viên làng Đại học Quốc gia Thủ Đức. Tuy nhiên, đề xuất của tôi đã bị bác vào giờ chót”.

Theo ông Phạm Văn Kiết, đó cũng là lý do giúp Hà Nội trở thành nơi đăng cai chính SEA Games 2003 thay vì hai địa điểm là Hà Nội và TP.HCM như dự kiến ban đầu. Hà Nội đã có khu liên hợp Mỹ Đình, còn TP.HCM không có nên chỉ tổ chức 7-8 môn thi đấu nhỏ lẻ ở SEA Games 2003.

TẤN PHÚC thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên