Để được hưởng mức thuế tối ưu trong TPP, ngành dệt may VN phải đáp ứng hàng loạt tiêu chuẩn, trong đó thách thức nhất vẫn là nguồn gốc xuất xứ từ sợi trở đi - Ảnh: Thanh Tùng |
Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại VN Eric Sidgwick đã khẳng định như vậy trong bài phỏng vấn dành riêng cho Tuổi Trẻ sau sự kiện Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết.
Ông nói: “Theo tôi, TPP sẽ mang lại nhiều lợi ích cho VN, ngay cả những người dân bình thường cũng được hưởng lợi dù các lợi ích đó không hữu hình ngay lập tức. Nhưng sẽ có thời điểm, sau một đêm thức dậy, bạn phát hiện nhiều sản phẩm và dịch vụ với giá cạnh tranh mà bạn chưa bao giờ thấy trước đó.
Cùng lúc, thu nhập của đất nước tăng lên nhờ tăng xuất khẩu và giá trị gia tăng. Mọi người sẽ bắt đầu có cảm giác rằng cuộc sống của họ sẽ tốt đẹp hơn một vài năm trước.
Tuy nhiên, tác động của TPP sẽ không đến ngay lập tức mà còn phải chờ khoảng 4 - 5 năm nữa, tùy thuộc vào sự cải cách của Chính phủ và quyết tâm đổi mới của các doanh nghiệp trong nước”.
|
||
Ông ERIC SIDGWICK |
* Nhiều ý kiến cho rằng VN sẽ là nước hưởng lợi nhiều nhất từ TPP xét về khả năng tiếp cận thị trường, tăng xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư nước ngoài, quan điểm ông như thế nào?
- Với TPP, cả xuất khẩu và nhập khẩu của VN đều hưởng lợi. Cụ thể, thị trường xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của VN - như quần áo, dệt may, da giày, và có thể là nông sản như gạo, cà phê... - sẽ được mở rộng.
Đặc biệt, việc giảm thuế quan cũng giúp các doanh nghiệp VN tiết kiệm được hàng tỉ USD tiền thuế nộp cho nước nhập khẩu mỗi năm. Chẳng hạn, theo Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC), VN là nước trả thuế nhập khẩu lớn nhất cho Hoa Kỳ trong năm 2014 với hơn 3,28 tỉ USD.
Về lĩnh vực nhập khẩu, VN có thể trở thành một trung tâm sản xuất nhiều mặt hàng và thu hút thêm nhiều nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI).
Vốn FDI và sức ép cạnh tranh sẽ giúp nâng giá trị gia tăng của các hàng hóa được sản xuất ở VN, chưa kể sự cạnh tranh và tiếp cận thị trường tăng lên có thể giúp thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp mới ở VN.
Tuy nhiên, VN cũng đối mặt với nhiều thách thức lớn bởi không chỉ giảm thuế quan, TPP còn quy định các rào cản phi thuế quan như các tiêu chuẩn về lao động và môi trường. Người tiêu dùng các nước sẽ đòi hỏi các sản phẩm có chất lượng cao nhất, cùng các tiêu chuẩn cao về môi trường, không sử dụng lao động trẻ em...
Trong các thành viên TPP, nhiều nước đã hoàn toàn đáp ứng các tiêu chuẩn cao này rồi, nên đây là một thách thức to lớn đối với VN. Vấn đề còn lại là VN sẽ mất bao lâu để đáp ứng các tiêu chuẩn này.
* Theo ông, VN cần làm gì để có thể đáp ứng các tiêu chuẩn cao của TPP nhằm tận dụng những cơ hội mà hiệp định này mang lại?
- Muốn đáp ứng tiêu chuẩn cao của TPP cần phải có thời gian. Tuy nhiên, trước hết VN cần phải có những chính sách phù hợp như cải cách hiệu quả khu vực dịch vụ công, cải cách doanh nghiệp nhà nước, nâng cấp các cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng... để có thể thu hút vốn nước ngoài tốt hơn và tiếp cận thêm nhiều thị trường xuất khẩu.
Bản thân các doanh nghiệp VN cũng cần cải thiện năng suất và khả năng cạnh tranh toàn cầu để có thể cạnh tranh ở các thị trường mới, tận đụng được cơ hội do TPP mang lại.
Theo tôi, Chính phủ VN đã đúng khi tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, tạo ra một môi trường thuận lợi và minh bạch hơn bằng cách đưa ra nhiều quy định mới. Tuy nhiên, quan trọng nhất chính là việc thực thi những quy định như thế nào, chứ không phải là ban hành mới hay sửa đổi bao nhiêu quy định.
Bởi nếu không được thực thi, các quy định cũng chẳng có ý nghĩa gì. Ngoài ra, cần phải có sự phối hợp đồng bộ của tất cả các cấp chính quyền để thực thi luật, đó không phải là điều đơn giản.
* Sau TPP, liệu VN có thể thu hút mạnh hơn nữa các dòng vốn đầu tư nước ngoài?
- VN đã chứng minh có thể thu hút đầu tư nước ngoài thành công thông qua những chính sách nhất quán và kịp thời. Tuy nhiên, đừng nên nói về mức độ đầu tư như thế nào hoặc vốn đầu tư bao nhiêu, mà hãy bàn về những gì đi kèm theo FDI, chẳng hạn như chuyển giao công nghệ, kiến thức, những hỗ trợ nâng cao môi trường kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực.
Ngoài ra, sự hiệu quả của nguồn vốn đầu tư nước ngoài cũng cần phải được tính đến. Nó cần phải được đầu tư đúng chỗ, mang lại lợi nhuận cao và lợi ích cho toàn xã hội. Nghĩ như vậy mới mang lại lợi ích cho VN, qua đó đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận