11/11/2007 06:01 GMT+7

Cô giáo đi đá bóng!

Trong mắt đồng nghiệp
Trong mắt đồng nghiệp

TT - Ngày 15-11 tới đây, Phùng Thị Minh Nguyệt nhận bằng tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội (khoa giáo dục thể chất). Đó là kết quả từ những năm tháng phấn đấu không ngừng của một nữ cầu thủ nổi tiếng trong làng bóng đá nữ VN...

TT - Ngày 15-11 tới đây, Phùng Thị Minh Nguyệt nhận bằng tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội (khoa giáo dục thể chất). Đó là kết quả từ những năm tháng phấn đấu không ngừng của một nữ cầu thủ nổi tiếng trong làng bóng đá nữ VN...

Nghe đọc nội dung toàn bài:

Đây là câu chuyện của một cô gái mê bóng đá đến lạ kỳ. Nhưng điều khác thường hơn nhiều đồng nghiệp (cả nam), cô gái ấy không chỉ loanh quanh với trái bóng mà song song đó còn lao vào học hành rất dữ, để vài ngày tới đây chính thức nhận bằng tốt nghiệp ĐH sư phạm.

Cái thuở ban đầu

Nguyệt thú nhận mình là một cô bé tinh nghịch và hiếu động hồi nhỏ, nhưng thay vì chọn chơi một môn thể thao nào đó, mẩu tin nhỏ mở lớp bóng đá nữ trên báo Hoa Học Trò hồi năm 1994 khiến cô nữ sinh 17 tuổi này tò mò quyết định đi học thử.

Nhà chỉ có hai anh em, bố mất sớm từ khi Nguyệt mới 12 tuổi nên cô chẳng dám xin mẹ cho đi tập bóng đá mà len lén đi. Không dám nói mẹ nghe nhưng cô học trò nhỏ này lại kể bác trai nghe và còn nhờ bác chở đến nơi tập bóng đá ở Trường 10-10 (Giảng Võ, Hà Nội) cách nhà khoảng 7km vào mỗi chiều cuối tuần.

Dự định sẽ kiếm dịp nào đó thuận lợi để "hợp thức hóa" với mẹ việc đi tập bóng đá, nhưng sự thật lại đến sớm hơn dự kiến khi các thầy thấy Nguyệt đá bóng hay đã đến nhà xin gia đình cho Nguyệt vào lớp năng khiếu. Mẹ cô - bà Đoàn Thị Ngại - nhớ lại: "Tôi đâu biết nó học xong ở trường là trốn đi tập bóng. Chỉ khi các HLV đến nhà tôi mới giật mình. Có mỗi đứa con gái nhưng nó mê quá thì biết làm sao, đành cho nó theo bóng đá”.

Khỏi phải nói Nguyệt vui như thế nào khi được mẹ đồng ý. "Không còn cảm giác thấp thỏm sợ phải chia tay với tình yêu bóng đá ngày một sâu đậm" - cô kể. Nguyệt nhớ lắm quãng thời gian đầu tiên mình đến với bóng đá, nhớ bởi nó đầy kỷ niệm đẹp dù tiền tập mỗi ngày chỉ 2.000 đồng đủ để uống trà đá! Ngày ấy, mỗi nữ cầu thủ tự đạp xe đến tập luyện để rồi sau đó kéo nhau về nhà một bạn trong nhóm ăn uống vui đùa. Những ngày ấy, bóng đá với Nguyệt toàn tiếng cười dù rất khổ!

Các tuyển thủ bóng đá nữ hiện nay còn hạnh phúc khi có kem chống nắng và có nhiều tiền để mua kem bôi mặt lúc thi đấu nhằm giữ gìn làn da của mình. Chứ thời của Minh Nguyệt thì không có nhiều kem chống nắng, và quan trọng nhất là chẳng cầu thủ nào dư dả tiền bạc để mua thứ xa xỉ đó. Vì thế nắng cứ mặc nắng, Nguyệt và các đồng đội hằng ngày cứ lao vào tập luyện dù hậu quả để lại chẳng hề nhẹ nhàng chút nào với làn da đen đúa, sẹo đầy chân.

Trong mắt đồng nghiệp

* "Với tôi, Nguyệt là một người bạn, một đồng nghiệp tuyệt vời. Nguyệt làm việc hết mình và không ngừng cố gắng vươn lên. Sự cần cù của Nguyệt khiến nhiều người phải thán phục. Nguyệt không thích nhắc đến những thành tích của mình trên sân. Cô ấy thật nghiêm túc, cần cù, nữ tính và luôn nhiệt tình với tất cả mọi người".

Nguyễn Thị Thúy Nga Trợ lý HLV đội nữ quốc gia đồng thời cũng đồng đội

* "Trong thời gian Nguyệt làm việc ở đây, quả thật cô ấy đã để lại dấu ấn đậm nét trong phong trào TDTT của nhà trường. Từ khi có Nguyệt, đội bóng ném của trường phát triển mạnh hơn và phát triển liên tục, trường đoạt giải 3 thành phố về công tác diễu hành, đội bóng đá nam của trường cũng lần đầu tiên được giải 3 cấp quận... trong suốt gần năm năm đó, phong trào văn hóa văn nghệ và TDTT của trường rất rầm rộ vì có một cô giáo là cầu thủ đội bóng đá quốc gia.

Dù cô ấy đã chuyển đi hơn hai năm rồi nhưng về trường nhắc đến cô Nguyệt thể dục ai cũng biết. Thậm chí những người trực bảo vệ ở cổng trường cũng say sưa kể với nhau về cô Nguyệt ngày xưa là thành viên đội tuyển bóng đá quốc gia giành HCV SEA Games, dạy giỏi và rất được mọi người yêu mến".

Cô Lê Thị Lâmhiệu phó Trường THCS Tô Hoàng

* "Tôi nhớ dịp SEA Games 22, khi đội nữ VN đá trận chung kết với Myanmar ở sân Lạch Tray (Hải Phòng), các thầy cô giáo của Trường THCS Tô Hoàng và Phòng GD-ĐT quận Hai Bà Trưng đã thuê ôtô chạy đến Hải Phòng, mua bằng được vé vào sân để cổ vũ cho Nguyệt. Chúng tôi đi vì yêu quí Nguyệt. Chưa có giáo viên nào ở trường được ưu ái, được yêu mến nhiều như cô Nguyệt thể dục ngày nào".

Cô Hoàng Thị Thanh Tổng phụ trách Đội Trường THCS Tô Hoàng

KHƯƠNG XUÂN ghi

Nỗi sợ lớn nhất

Chiều con cho theo tập bóng đá nhưng bà Ngại không thể không lo lắng cho đứa con gái duy nhất của mình cứ dãi dầu tập luyện suốt ngoài nắng gió và giá rét. Lương hưu công nhân hơn triệu đồng tháng chỉ cho phép thỉnh thoảng mua thức ăn bổ dưỡng về nấu cho con gái ăn mỗi khi tập nặng về nhưng một ngày, bà dám bỏ cả tháng lương để mua về máy massage.

Bà giải thích: "Mỗi khi nó đi đá bóng về, tôi hay bóp chân cho nó. Nhưng tập luyện riết chân nó ngày một cứng như đá, mà tay tôi thì lớn tuổi yếu rồi nên đâu bóp nổi nữa, đành mua cái máy về làm thay mình".

Và Nguyệt đã không làm mẹ phải thất vọng, như lời nhận xét của hàng xóm: "Chị có đứa con gái giỏi thật!". Không chỉ trở thành một trong những trụ cột của bóng đá nữ Hà Nội, cô còn góp công đưa đội tuyển bóng đá nữ VN hai lần liên tiếp vô địch SEA Games 21, 22 bằng những đường chuyền cho đồng đội ghi bàn, cũng như tự mình ghi những bàn thắng quyết định.

Nhưng nữ tiền vệ mang áo số 7 này cho rằng bàn thắng mà cô không bao giờ quên là cú sút phạt tuyệt đẹp ghi bàn vào lưới đương kim á quân thế giới Trung Quốc tại Asiad 2002.

Chỉ có hai đứa con, nhưng ông trời lại bắt mất đứa con trai đầu năm 2002 vì bệnh, càng khiến bà Ngại dồn thêm tình cảm vào Nguyệt. Lủi thủi hai mẹ con riết, Nguyệt cũng muốn ừ đại một tấm chồng cho mẹ vui, nhưng sao trên sân chẳng ngại ai cả, vậy mà cứ nghĩ cái nỗi đến nhà bạn trai khi các cụ hỏi nghề nghiệp, thì chả lẽ bảo mình đá bóng! Ngại thế nên 30 tuổi rồi, nhưng Nguyệt vẫn chưa làm mẹ hài lòng, dù cô có không ít chàng săn đón!

Trót mang cái nghiệp vào thân!

Tốt nghiệp CĐSP năm 2001, song song với việc tập luyện và thi đấu bóng đá, Nguyệt nhận lời về Trường THCS Tô Hoàng dạy thể dục thể chất. Những tưởng Nguyệt sẽ dừng chân làm một cô giáo dạy thể dục, không còn dính dáng gì đến bóng đá nữa; nhất là khi cô đăng ký học lên ĐH vào cuối năm 2004.

Vậy mà chuyến dẫn các học trò Trường THCS Tô Hoàng đi diễu hành tại Hội khỏe Phù Đổng Hà Nội và tình cờ gặp ban giám đốc Sở TDTT đã khiến mọi chuyện thay đổi. Cô được đề nghị về tham gia huấn luyện đội tuyển bóng đá nữ Hà Nội vào năm ngoái. Suy nghĩ lung lắm, nhưng cuối cùng máu mê bóng đá đã thắng. 

Cũng chính vì mê được thi đấu, nên ngay khi được gọi vào đội tuyển Futsal VN thi đấu tại Indoor Games 2007 vừa qua, Nguyệt đã thu xếp việc học tại ĐH Sư phạm Hà Nội để sang Macau. Gần ba năm không thi đấu với cường độ cao, nhưng cô vẫn thi đấu xuất sắc với sáu bàn thắng, trong đó ghi đến năm bàn trong trận thắng Philippines, đưa Futsal VN xếp hạng 4 chung cuộc.

Có điều, phải ngả mũ chào thán phục cô gái nhỏ nhắn này chính là việc chịu khó học tập văn hóa bên cạnh rèn luyện bóng đá. Tiền lương ít ỏi gần 900.000 đồng/tháng từ việc dạy thể dục ở Trường THCS Tô Hoàng và rồi sau này là ăn lương Sở TDTT Hà Nội, cô đều góp vào tiền ăn cho mẹ và để dành đóng tiền học phí học ĐH để không phải xin thêm mẹ vốn cũng chẳng dư dả gì với tiền lương hưu.

Thấy cuộc sống khó khăn của Nguyệt và nhiều nữ tuyển thủ khác mới thấy buồn cho bóng đá nữ VN sau khi các chị giải nghệ. Phần lớn tuyển thủ ai cũng bị đau gối do vận động nhiều khi còn thi đấu. Cái gối luôn nhức nhối khi mùa đông đến, khiến mỗi khi xuống cầu thang cũng phải đi ngang! Nhưng sự quan tâm nhiều khi là quá ít hoặc không có...

NGUYÊN KHÔI

Trong mắt đồng nghiệp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên