14/10/2013 09:00 GMT+7

Cô gái thất học thành kiện tướng cờ vua

PHƯƠNG MAI
PHƯƠNG MAI

AT - Câu chuyện về cô gái thất học, lớn lên ở một khu ổ chuột thuộc thủ đô Kampala, Uganda bước lên bục vinh quang của một nhà vô địch cờ vua, sẽ truyền cảm hứng cho những ai đang tìm cho mình động lực sống.

8VFScogy.jpgPhóng to
Cuốn sách viết về cuộc đời của Phiona Mutesi mang tên Nữ hoàng của Katwe - câu chuyện về cuộc đời, cờ vua và ước mơ phi thường của một cô gái trở thành đại kiện tướng cờ vua - của tác giả Tim Crothers được xuất bản tháng 10-2012.

Phiona Mutesi lớn lên ở Katwe, một thị trấn tồi tàn và là điểm nóng tội phạm của thủ đô Kampala. Cô không biết chắc mình được sinh khi nào nhưng Liên đoàn Cờ vua thế giới (FIDE) xác định đó là vào năm 1993.

Giống như hầu hết chàng trai và cô gái đang đấu tranh từng ngày với cuộc sống tại Katwe, Phiona chưa bao giờ biết ước mơ. Ngay lúc sinh ra, tương lai của cô dường như đã được định đoạt. Nếu không có những biến chuyển mạnh mẽ, cuộc sống của Phiona sẽ mãi là một vòng tròn khép kín của thiếu thốn và tuyệt vọng.

Chơi cờ vua để được... ăn cháo

“Cờ vua đã giúp tôi biết tiếng Anh. Tôi có cơ hội gặp được nhiều người quan trọng. Nó còn giúp tôi học cách lập kế hoạch. Tôi muốn khuyến khích cờ vua ở Uganda bằng cách dạy giới trẻ và mang đến cho họ hi vọng” - PHIONA MUTESI

Khi Phiona còn bé, cha cô qua đời vì AIDS. Chị gái của cô cũng mất ngay sau đó mà không rõ nguyên nhân. Còn lại mẹ, anh trai và Phiona sống trong một túp lều thiếc. Cô không được đến trường vì phải theo anh trai bán ngô ở chợ. Tuổi thơ của cô gái nhỏ là chuỗi ngày chật vật để có được miếng ăn.

“Mẹ cô bé không thể trả nổi tiền thuê nhà nên họ bị đuổi ra ngủ ngoài đường” - Robert Katende, cố vấn và huấn luyện viên của Phiona, cho biết. Ông Katende làm việc cho Tổ chức Sport Outreach

Institute (Mỹ) để dạy các môn thể thao cho trẻ em ở Katwe. Trong khi dạy trẻ em làm thế nào chơi cờ vua, ông Katende tặng mỗi em một bát cháo nóng. Không lâu sau, anh trai của Phiona gia nhập câu lạc bộ cờ vua của Katende. Thế rồi Phiona năm ấy 9 tuổi đã theo anh trai chơi cờ vua chỉ để nhận được một phần ăn. Ông Katende kể lại: “Mỗi khi đến, cô bé lấm lem và nặng mùi. Những đứa trẻ khác tỏ vẻ khó chịu và nói rằng Phiona hôi hám nhưng cô bé không quan tâm, cô chỉ muốn có bát cháo”.

Sau sáu tháng, ông Katende nhìn thấy tiềm năng thật sự trong Phiona. Cô bé đã tham gia một giải đấu, chiến thắng và mang về nhà một số tiền thưởng lớn. “Mẹ Phiona không bao giờ nghĩ rằng bằng cách chơi cờ vua, con gái có thể giành được giải thưởng bằng tiền mặt. Điều này cũng tạo động lực nhiều hơn để Phiona giành chiến thắng. Hãy tưởng tượng cảnh người mẹ khổ sở được con gái mang tiền về và nói: Con đã thắng. Mẹ cô bé đã dùng số tiền đó mua thức ăn và trả nợ” - Katende cho hay.

“Tôi đã có hi vọng!”

Không lâu sau, Phiona lên đường đến Nga thi đấu, một nơi cô chưa từng nghe nói đến. Ở tuổi 15, cô được xếp hạng hai trong nước. Năm 2011, cô ba lần chiến thắng Giải Women’s Junior Chess Champion (Giải vô địch cờ vua nữ sinh) của Uganda. Năm 2012, Phiona là nữ kiện tướng đầu tiên giành chiến thắng trong hạng mục mở của National Junior Chess Championships (Giải vô địch cờ vua trẻ toàn quốc). Cô và đồng đội đã đạt danh hiệu Nữ kiện tướng xuất sắc vì những thành công đạt được tại Olympiad cờ vua lần thứ 40 (năm 2012, tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ).

“Ban đầu Phiona không thể đọc hay viết, cũng như không có bất kỳ hi vọng nào vào tương lai. Mọi người đều nghĩ rằng cô là một người nổi tiếng nhưng Phiona cho rằng mình không là gì cả” - Katende nói. Chính thái độ khiêm tốn trước những thành công đã giúp Phiona ngày càng hoàn thiện và phát triển. Và để đạt được danh hiệu đại kiện tướng - thứ hạng cao nhất mà một người chơi cờ vua mong muốn - đòi hỏi Phiona phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

Phiona hiện đang theo học ở trường. Từ một đứa trẻ lớn lên không có bất kỳ hi vọng nào vào bản thân và tương lai, Phiona giờ đây không chỉ ước mơ trở thành một đại kiện tướng cờ vua mà còn là một bác sĩ chữa bệnh cho những đứa trẻ ở khu ổ chuột.

“Trước khi học chơi cờ, tôi cứ nghĩ ai cũng đang sống một cuộc đời như tôi. Nhưng khi đi nhiều nước, tôi nhận ra điều đó không đúng. Tôi không có hi vọng nhưng bây giờ tôi đã hi vọng. Tôi đã không đi học nhưng bây giờ tôi đã ở trường. Thậm chí tôi còn thay đổi cách cư xử của mình” - Phiona nói.

w6GjIXoG.jpgPhóng to

Áo Trắng số 18 ra ngày 1/10/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

PHƯƠNG MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên