![]() |
Bác sĩ Phạm Thị Nguyệt Ánh (bìa trái) đang cấp cứu tù chính trị được trao trả tại sân bay Thiện Ngôn năm 1973 (bệnh nhân đang động kinh) |
Trong lửa đỏ...
Sinh ra tại vùng quê có trái vú sữa Lò Rèn nổi tiếng (Châu Thành, Tiền Giang), 14 tuổi Nguyệt Ánh rời ghế nhà trường theo cha vào chiến khu. Cha đưa qua quân y, chú Mười Năng (BS Trần Năng ở đoàn 180 - quân y) “chê”: “Còn nhỏ quá, về đi, chờ lớn chút nữa hãy vô đây học”. Cuối năm 1964, cha lại dẫn đi gặp chú Bảy Thủ (BS Nguyễn Văn Thủ), lúc đó là trưởng Ban dân y miền Nam.
Chú Bảy giao làm đủ thứ việc. Một thời gian sau “thấy được”, chú mới cho chị đi học y tá. Học một năm, chị được đưa về BV B24 (thuộc Ban dân y R ở miền Đông Nam bộ), sau sang BV B9... Chiến dịch Mậu Thân năm 1968 nổ ra, chị có mặt trong đội phẫu thuật tiền phương gồm tám người... Từ đó đời chị gắn mãi với ngành y...
Đã gần 40 năm, nhưng mỗi lần nhắc đến đồng đội chị vẫn không cầm được nước mắt. Tất cả như đột ngột quay về, như hiển hiện trước mặt tiếng cười, giọng nói, những kỷ niệm nhói lòng. Có những cái chết đau xót cứ theo mãi trên đường đời của chị.
Đó là anh Lâm. “Mình cũng chưa biết đầy đủ họ tên của anh ấy, chỉ biết là một BS tai mũi họng người Hà Nội còn rất trẻ, khoảng dưới 30 tuổi, tình nguyện vô Nam rồi tham gia chiến dịch Mậu Thân. Một buổi chiều cả đội phẫu thuật đang ở trong lùm chăm sóc thương binh thì bị máy bay bắn dữ dội. Anh Lâm vừa bước xuống thì bị máy bay bắn trúng. Anh chết. Không đưa đi đâu được, không còn cách nào khác, chúng tôi đành chờ đêm xuống chôn anh ngay tại hầm”.
Đó là y tá Nguyễn Tải Hưng. Anh Hưng lớn hơn chị bốn tuổi, cũng được cha đưa vô chiến khu. Anh thương chị. Má anh từ Sài Gòn vô thăm có cho hai chiếc nhẫn, anh đưa chị một chiếc, chị không nhận. Chị khóc: “Vì chiến tranh biết có còn gặp lại...”. Thời gian ngắn sau đó, cũng năm 1968, trong một chuyến công tác anh Hưng bị biệt kích bắn thủng tim... Lúc ấy anh mới 22 tuổi.
Dưới đám dừa nước trong chiến trường Mậu Thân, chị được kết nạp Đảng đúng năm18 tuổi và trở thành đảng viên chính thức ngày 17-9-1969.
![]() |
Bác sĩ Phạm Thị Nguyệt Ánh - Ảnh: Kim Sơn |
Với thời gian làm công tác quản lý BV 23 năm liên tục, chị đã góp phần không nhỏ trong việc đưa Chợ Rẫy trở thành đơn vị được Nhà nước phong tặng Anh hùng trong thời kỳ đổi mới (năm 2000). Và cũng từ đề xuất của chị mà một chính sách xã hội cho người nghèo, người có công với nước và người gặp khó khăn trong thời gian điều trị tại BV đã được thực hiện với số tiền miễn giảm viện phí làm nhiều người kinh ngạc: trung bình 15 tỉ đồng/năm.
Chị tâm sự: “Đối với người nghèo thì qui định Nhà nước đã rõ. Nhưng thực tế có những người bệnh lâu ngày hết sạch tiền thì còn đâu mà đóng cho BV! Nên BV đưa ra hai phương án: cho ký nợ hoặc người ta nghèo quá thì cho miễn...
Khác với nhiều BV đến nay vẫn còn diễn ra cảnh BS kê toa bắt người bệnh đang nằm viện phải chạy đi mua thuốc, kể cả trong cấp cứu, còn ở Chợ Rẫy từ năm 1995 đến nay BV đã cung cấp 100% thuốc cho bệnh nhân nội trú. Đó là quyết tâm của chị và Đảng bộ, nhất quyết không để người bệnh, nhất là bệnh nhân nghèo, phải chạy vạy mua thuốc từng ngày theo đơn.
Mấy lần cùng dự hội nghị về bảo hiểm y tế, tôi đều thấy chị lên diễn đàn thẳng thắn góp ý về những bất hợp lý của bảo hiểm y tế cứ tồn tại triền miên, làm thiệt thòi quyền lợi người bệnh. Tại BV, chị nắm bắt hoàn cảnh bệnh nhân và can thiệp trực tiếp với bảo hiểm y tế để giải quyết cả những ngoại lệ.
Chị cũng để lại nhiều dấu ấn trong chuyển giao kỹ thuật cho y tế cơ sở. Nhiều cơ sở được hỗ trợ đã phát triển rất tốt như Phú Quốc, Bình Phước, Kiên Giang, Khánh Hòa... Chị tâm sự hỗ trợ tuyến trước giải quyết được chuyên môn khoa học thì bệnh nhân đỡ dồn về Chợ Rẫy và họ cũng đỡ vất vả, tốn kém hơn. Nhiệm vụ của chị là phải làm cho BS thông suốt, sẵn sàng lên đường đi BV tuyến trước bất cứ lúc nào, với tư thế như người lính ra trận.
Tôi hỏi: “Khi phát hiện đảng viên sai trái chị có đấu tranh?”. “Có chứ” - chị đáp. Theo chị, “người trí thức rất sĩ diện, mặc cảm khi mắc sai lầm, trước hết mình phải nhắc nhở để họ sửa.
Còn với tiêu cực trong BV thì mình đấu tranh không khoan nhượng”. Có lần nghe người quen phản ảnh có một đảng viên ở phòng tổ chức ăn tiền của người khám sức khỏe xuất cảnh, đòi 500.000 đồng rồi hẹn hò đi nhậu. Chị kêu lên, anh không nhận, yêu cầu phải làm kiểm điểm đến lần thứ tư mới nhận.
Đến bây giờ chị vẫn giữ một thói quen: cùng đồng đội, bạn bè đi tìm mồ mả anh em, tìm nhà đồng đội nghèo có hoàn cảnh khó khăn rồi vận động góp sức chia sẻ. Chị tâm sự: “Vẫn còn vài chục đồng chí đồng đội mình có hoàn cảnh quá nghèo khổ. Anh em nào có điều kiện thì cứ gom góp lại, giúp được ai thì mừng.
Mới đây, khi ghé thăm người bạn ở Vĩnh Long, thấy vợ chồng bạn nghèo quá, 6-7 đứa con nheo nhóc, chị đã rủ anh Khánh (giám đốc BV Nhân Dân 115) xin quĩ từ thiện được 5 triệu đồng, bạn bè mỗi người góp 200.000 đồng, tổng cộng 15 triệu, xây được cho bạn cái nhà tình nghĩa...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận