19/02/2013 10:16 GMT+7

Cô gái đến từ cổ tích

ĐỖ ĐỨC ANH (TP.HCM)
ĐỖ ĐỨC ANH (TP.HCM)

AT - Chuyến xe ngày cuối năm mà không đông người như tôi tưởng. Nghe đâu Vietnam

VTcTM3yl.jpgPhóng to

Minh họa: La Nguyễn Quốc Vinh

Airlines giảm giá vé xuống đến mức tối đa để đáp ứng nhu cầu đi lại, về quê ăn tết của người dân. Nhờ thế, những chuyến xe đò cũng không còn cảnh chen chúc nữa. Mẹ bảo tôi đi máy bay về cho nhanh dù mẹ biết con trai mẹ sợ độ cao đến phát khiếp. Tôi, một thằng con trai ngoan ngoãn và chưa bao giờ cãi lời mẹ, vẫn quyết định đi xe khách Bắc - Nam, lâu một chút nhưng không phải thót tim khi chiếc phi cơ bay vào vùng không khí loãng.

Buồn! Lôi mãi mới được cuốn Cửa sổ tâm hồn nhét trong balô ra đọc. Cố tình lật qua trang đầu tiên vì tôi biết trong ấy có dòng chữ Phong Linh viết: “Hạnh phúc đôi khi không phải là nụ cười mà còn là được khóc trên một bờ vai tin cậy. Có những giấc mơ tớ chỉ nhìn thấy hình ảnh cậu đi trong mưa, cười trong mưa và cậu khóc. Cậu gục đầu trên vai tớ, nói với tớ về một điều bình dị của tình yêu. Rằng: Anh không bao giờ quên em”.

Linh tặng tôi cuốn sách này khi tôi và em cùng tạt qua nhà sách Nguyễn Văn Cừ nằm sát ngay Trường đại học Sư phạm - ngôi trường mà tôi và em đang theo học. Em thường nói “tạt qua”, vậy nhưng, cả tôi và em hiểu nó có nghĩa là ngồi lì ở nhà sách cả ngày để ngốn cho xong cuốn tiểu thuyết trinh thám mới ra. “Sinh viên mà chị!”, đó là câu nói cố hữu kèm theo nụ cười tinh nghịch của em khi bắt gặp một cái liếc xéo của nhân viên bán hàng. Rồi em kéo tay tôi… “chuồn”. Cũng vì lẽ đó, tôi đặt tên em là con cá biết tính (sơ lược là cá tính).

Thứ bảy tuần nào em cũng cùng tôi đến nhà thờ dù em không phải là người Công giáo. Em giải thích em yêu nhà thờ, chỉ thế thôi. Có lúc, tôi cảm thấy em giống mẹ tôi đến kỳ lạ - yêu nhà thờ hơn bất cứ gì khác trên đời.

Bây giờ là mùa xuân thứ hai kể từ vụ tai nạn khủng khiếp ấy, đâu có lâu như khoảng thời gian tôi và em bên nhau, nhưng quá lâu so với những ngày không có em bên cạnh. Những cơn đau đã qua, tôi bằng an trở lại khi không em…

oOo

Cô gái ngồi bên chìa ra trước mặt tôi xấp khăn giấy. Tôi giật mình, vội vàng quay đi giấu đôi mắt ướt. Cô gái chỉ vào những trang sách thấm ướt và dúi xấp khăn giấy vào tay tôi. Rồi cô quay đi chẳng nói lời nào.

Những đốm nắng loang đầy con đường. Xe chậm chạp bò lên con dốc cao. Lúc này, tôi mới để ý kỹ cô gái. Tôi đoán chừng cô gái cũng cỡ tuổi tôi, hai mươi là cùng. Mái tóc ngang vai cột hờ hững bằng một sợi vải đăng-ten. Cô mặc bộ váy liền màu trắng sữa. Ở cô, có cái gì đó toát lên sự thánh thiện. Chỉ có đôi mắt là hơi buồn. Không dưng, trong tôi lại diễn ra một sự so sánh: “Cô ấy rất giống em, Phong Linh ạ”…

Mẹ tôi gọi lúc giữa khuya, sóng chập chờn: “Mẹ nói đi máy bay có phải hơn không. Cả năm được mấy ngày Tết, về nhà sớm được phút nào hay phút ấy. Bố con đang giúp mẹ sửa lại cái bóng điện nhà bếp. Gớm khổ! Tối nay ông ấy lại không được ngủ vì phải trông nồi bánh chưng. Thế con đi tới đâu rồi?”.

Tôi nhìn tấm biển báo dọc đường “Hầm đường bộ Hải Vân: 3km”, nói khẽ:

- Trưa mai con về tới. Trời lạnh, mẹ ngủ sớm đi.

Chuyến xe vẫn trôi đi trong đêm. Cô gái tựa đầu vào vai tôi ngủ ngon lành. Tôi nhẹ nhàng đẩy đầu cô gái sang phía cửa kính. Được một lúc, xe vào khúc cua gấp, đầu cô gái lại ngả vào vai tôi. Đành vậy! Dù sao tôi cũng chưa cảm ơn cô gái vì xấp khăn giấy thì bây giờ chịu khó tê tay một chút có sao đâu.

Đêm chậm chạp trôi qua từng hơi thở…

Tôi trở giấc lúc những giọt sương đọng trên những tán cây bên đường đã tan hết. Cô gái nhìn tôi với một nụ cười. Lúc cô cười, trông cô xinh hơn. Nhưng đôi mắt vẫn ẩn chứa một nỗi buồn. Tự nhiên tôi mạnh dạn hẳn:

- Bạn tên gì nhỉ?

Cô không trả lời tôi mà vớ tìm cái giỏ xách. Cô lấy ra trong ấy cuốn tiểu thuyết Chuyện tình hoa oải hương (cái tên cuốn tiểu thuyết nghe sến hết sức), cô lấy bút bi gạch chân chữ hương, và tôi hiểu cô muốn nói gì. Kể cả cuốn tiểu thuyết kia tôi cũng biết. Có lần Phong Linh đã đọc cho tôi nghe cả một buổi chiều bên tháp chuông cổ. Chuyện kể về một cô gái câm yêu chàng nghệ sĩ dương cầm. Tình yêu của họ bị gia đình cấm cản. Vì thế, họ chọn ra đi vĩnh viễn cùng nhau. Vào mùa xuân, hoa oải hương phủ tím đồi mộ địa. Đó là loài hoa cô gái câm thích nhất…

“Tình yêu của họ thật đẹp. Nhưng không phải tình yêu nào cũng là vĩnh cửu”. Nhìn tấm giấy cô gái vừa viết ra đưa cho tôi, tôi khẽ gật đầu. Nắng cuối đông rớt từng giọt ngoài ô cửa…

oOo

Tôi về lúc giữa trưa. Phố nhỏ của tôi vẫn vậy, lặng lẽ và thâm trầm. Cô gái cũng xuống xe cùng tôi. Chúng tôi chia tay ở ngã tư phố. Cô gọi xe ôm đi đâu đó. Tôi hỏi cô về đâu nhưng dường như cô không nghe tôi gọi. Cô gái biến mất giữa phố xá nhộn nhịp người đổ ra đường mua sắm ngày cuối năm.

Mẹ đón tôi bằng những giọt nước mắt mừng tủi:

- Bố vẫn chưa về. Mẹ chỉ nói dối con thôi.

Những con tàu lênh đênh trên biển mùa đông thoáng qua trong ý nghĩ của tôi. “Bố đang ở trên ấy!”.

Chiều ba mươi Tết, tôi cùng mẹ đi lễ cuối năm. Tôi ngồi ở hàng ghế xa nhất ngắm thánh đường thênh thang. Bao giờ Linh cũng bắt tôi ngồi ở hàng ghế cuối cùng. Lâu dần thành thói quen. Giờ thì không còn em nữa nhưng thói quen ấy tôi không sao bỏ được. Nghe mẹ tôi nói người đệm đàn piano cho giàn thánh ca nhà thờ hôm nay là một cô gái mới đến. Tôi bắt đầu để ý đến cô gái ngồi ở một góc khuất của tấm phông đỏ đang đệm đàn. Vì xa quá nên tôi nhìn không rõ lắm. Nhưng rõ ràng là rất quen!

Tan lễ, mẹ ghé qua tu viện của mấy sơ. Tôi hơi mệt song vẫn đi theo. Thấy tôi, sơ Hồng cười:

- Ái chà, thầy giáo tương lai về quê đón Tết hả?

“Thầy giáo tương lai”, Linh cũng thường gọi tôi như thế. Tôi dù sao vẫn thích cái tên Lam Phong của mình hơn. Đó là cái tên do ông nội tôi đặt. Còn “thầy giáo tương lai”, tôi thừa nhận là mình chưa bao giờ yêu cái biệt danh ấy. Có lẽ mẹ tôi yêu nó hơn vì bà nhất quyết bắt tôi thi vào sư phạm trong khi tôi thích trở thành một thủy thủ như bố.

Mẹ tôi cùng sơ Hồng đi thăm mấy đứa trẻ trong tu viện. Bọn trẻ ở đây đều gọi sơ Hồng là mẹ. Sơ đã ngoài năm mươi, vậy nhưng nét cương nghị không hề già nua theo những nếp nhăn xô lệch. Vì thế, bọn trẻ ở đây đều rất ngoan. Sơ nói gì chúng nghe răm rắp. Chỉ cần sơ quát to một tiếng là thế nào cũng có đứa… tè trong quần. Nhưng không vì thế mà lũ trẻ không quý mến sơ. Sơ cũng vậy, yêu bọn trẻ như chính núm ruột của mình. Cứ mỗi lần có gia đình nước ngoài đến tu viện làm thủ tục xin nhận con nuôi lại thấy sơ buồn dù ngoài miệng sơ luôn nói “Ừ, mừng cho con bé. Nó luôn ao ước điều này".

Bọn trẻ đùa vui bên cầu bập bênh xanh đỏ. Có đứa như tôi - sợ độ cao, không dám trèo lên tuột xuống ở cầu trượt, chỉ đứng nhìn. Những người đàn ông, đàn bà đã bỏ rơi đứa con sinh ra từ chính dục vọng của mình không biết sẽ nghĩ gì khi một ngày quay lại đây và nhìn thấy đứa trẻ có nụ cười giống mình như đúc?!

Mẹ tôi đã chuẩn bị từ trước những bao lì xì đỏ cho bọn trẻ. Niềm vui được nhận lì xì của chúng làm mọi người vui lây, cả tôi cũng vậy.

Tôi đi cùng mấy đứa trẻ đến vườn hoa. Những bông hoa ngậm nắng xòe cánh như mặt trời. Chúng muốn hái nhưng lại không dám. Một đứa nói với tôi:

- Sơ Hồng không cho tụi con hái hoa chơi.

Nhìn khuôn mặt bí xị của nó thật tội nghiệp, tôi hái cho nó một bông. Nó cười rồi kéo tôi đến chỗ tượng Đức Mẹ. Bức tượng Đức Mẹ giang hai tay như ban phép mầu cho trần thế uy nghi đứng đó, nơi khóe mắt là giọt sương đêm hay là nước mắt?

Dưới chân Đức Mẹ Maria là một cô gái đang quỳ xuống thành kính. Thấy tôi dẫn thằng nhỏ tới, cô quay sang chào. Thằng nhỏ đưa cho cô gái bông hoa tôi vừa hái cho nó:

- Anh này tặng cô đó.

Nói xong nó chạy mất, bỏ lại phía sau tiếng cười khanh khách. Lúc này, tôi mới chợt nhận ra cô gái. Cô chính là người đi cùng xe với tôi hôm trước.

Dường như cũng nhận ra tôi, cô cười. Rồi cô loay hoay tìm gì đó. Tôi đoán là tìm giấy bút. Không thấy nên cô cố gắng diễn tả bằng tay điều muốn nói. Tôi cũng cố gắng để hiểu xem cô muốn nói gì, nhưng… chịu. Vừa lúc thằng nhỏ ban nãy chạy đến hét to:

- Cô con nói: “Em yêu anh”.

Nó đứng cười sằng sặc. Còn cô gái thì đỏ mặt ngượng ngùng. Thình lình, sơ Hồng tới véo lỗ tai thằng nhỏ làm nó sợ chết khiếp. Sơ phân trần giùm cô gái:

- Cô ấy muốn nói: Thực ra cô ấy thích hoa oải hương hơn nhưng dù sao cũng cảm ơn con vì bông hoa này.

Và để giải thích cho sự có mặt của cô gái ở đây, sơ lại tiếp:

- Hương mới đến tu viện để dạy đàn cho bọn trẻ. Một cô giáo mầm non trẻ mà tình nguyện đến đây, thật đáng quý. Sơ cũng đang cần một giáo viên dạy chữ cho chúng nhưng chưa tìm được.

Rồi sơ thở dài:

- Tội nghiệp, chúng cũng cần được học hành để đánh vần thành thạo hai tiếng “Ba Mẹ” dù rằng họ chỉ tồn tại trong những giấc mơ của chúng…

Tôi chợt nghĩ đến cha tôi - một thủy thủ tài ba, ăn sóng nói gió nhưng ông không phải là một người cha hoàn hảo. Chưa bao giờ ông xoa đầu tôi bảo rằng: “Bố yêu con, con trai ạ!”. Ông luôn vắng nhà kể cả khi ngày đó là sinh nhật tôi hay kỷ niệm ngày cưới của bố mẹ. Nhưng tôi biết những người đàn ông thường yêu bằng một tình yêu không thể hiện thành lời. Tôi may mắn hơn những đứa trẻ kia vì rằng tôi có một người cha như thế. Còn chúng thì không...

Bọn trẻ đến, kéo cô gái đi. Cô quay lại, mỉm cười chào tôi. Đôi mắt cô vẫn buồn như lần đầu tôi bắt gặp. Sẽ có bao giờ đôi mắt ấy hết buồn khi người đàn ông bội bạc tạo ra cô quên mất rằng mình có một giọt máu ở trên đời, khi người đàn bà đau thắt bụng sinh ra cô không hề có ý định tìm lại cô bé năm nào bị bỏ rơi bên bồn hoa của một tu viện nhỏ xa xôi?

Những bản thánh ca vọng lại làm lòng người ta trở nên thanh thản và bình yên đến lạ lùng. Lần đầu tiên, tôi nhận biết mình xa em, xa thật rồi phải không “con cá biết tính” của tôi? Ước mơ của em, rằng khi ra trường sẽ tình nguyện về dạy ở một tu viện nhỏ. Giờ tôi sẽ thay em thực hiện điều đó.

Trời vào xuân mà vẫn còn lạnh. Mưa phùn lay ray. Phía đằng kia, bọn trẻ đang chơi trò đuổi bắt với cô gái bên gốc đào đã trổ bông hồng rực. Chúng cười vang làm náo động cả khuôn viên tu viện. Cả cô gái cũng cười. Nhìn cô sao mà giống nàng Bạch Tuyết trong truyện cổ tích đến vậy?

Ừ, phải! Cô gái ấy còn giống cả một người đã ra đi…

Tôi chở mẹ về trên con đường mang tên loài hoa mùa xuân - Hoa Đào. Mẹ kể rằng ngày xưa, lúc yêu nhau, bố vẫn thường chở mẹ qua con đường này.

Không dưng tôi lại muốn biết ai đã đặt tên cho con phố ấy.

“Cô con nói: Em yêu anh!”. Tôi mỉm cười nghĩ đến câu “phiên dịch” của thằng nhóc ranh mãnh ở tu viện. Ừ! Mà “Anh yêu em” thì phải ra hiệu bằng tay như thế nào nhỉ?

iEX0uZKY.jpgPhóng to

Áo Trắng số 3 ra ngày 01/02/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

ĐỖ ĐỨC ANH (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Đỗ Đức Anh