![]() |
Tất cả cho con - Ảnh: Trần Hữu Cường |
Bây giờ, đồng nát không thu gom lông gà, lông vịt, mảnh chai vỡ, và cũng không đổi kẹo nữa. Thậm chí, nhiều người thu mua đồng nát hiện đại còn rao bằng băng casette với những câu vần vè kiểu như: “Bàn là, quạt cháy, máy bơm. Tivi, tủ lạnh, nồi cơm, đầu màn. Côngtơ, catxet, bộ đàm. Hỏng không dùng nữa thành hàng bán đi...”. Khi tiếng nhạc của người mua đồng nát vọng đến là lũ trẻ xóm phố tôi lại chạy ào ra hát nhại: “A! Bà già làm cháy máy bơm... đến rồi” (chúng nhại câu: “Bàn là, quạt cháy, máy bơm...”). Tôi bật cười.
Có một cô đồng nát vẫn cứ rao bằng lời: “Ai đồng nát, dép rách, nhôm bẹp... bán không”. Tiếng cuối cùng kéo dài ra, nhẹ bẫng. Giọng rao thật ngọt. Tôi chú ý đến cô vì lời rao mộc mạc, giản dị trong muôn âm thanh loạn xị của những lời rao bằng catxet.
Một sáng chủ nhật, tôi mang ít sách vở cũ, lon bia, nước ngọt và một đống phong bì sau đám cưới con gái, tôi chờ cô tới. Hôm ấy cô bỏ khăn che mặt, tôi mới nhìn rõ cô tầm tuổi ngoài bốn mươi, vóc dáng khỏe mạnh. Cô kể: “Em thuê nhà trọ trên phố, để cơm nước nuôi thằng con học đại học dân lập. Ruộng ở quê ít, cứ cày bừa cấy hái xong là đi làm thêm nghề này”...
Sáng hôm sau, tôi chưa kịp dắt xe ra cửa đi làm thì cô đã tới: “Trong đống giấy lộn hôm qua có một phong bì chưa bóc, em vội mang đến cho bác”. Tôi sửng sốt, ngỡ ngàng. Bóc phong bì thấy có hai tờ năm mươi nghìn, tôi đưa cho cô một tờ: “Đây là lộc của cô”. Cô nhất định không nhận: “Năm ngoái em phải mang trả lại phong bì hai triệu đồng của một bác về hưu dành dụm để lẫn vào đống giấy lộn”. Cô vội lên xe, tiếng rao lại xa dần... Tôi đứng ngẩn ra đấy rồi chợt nhận ra: “Đến bây giờ mình vẫn chưa biết tên cô. Bấy lâu nay ta chỉ quen gọi là cô đồng nát”.
Áo Trắng số 32 (ra ngày 15-9-2008) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận