17/05/2005 01:02 GMT+7

Có chung mái chèo?

THU HÀ
THU HÀ

TT - Truyền hình Nhà nước đề nghị các hãng phim tư nhân hợp tác sản xuất phim phát sóng: Một chủ trương rất cởi mở và hợp thời , và tất nhiên các DNSXP rất hào hứng và hi vọng, nhưng...

1n4sjRYz.jpgPhóng to

Cảnh trong phim Ngọn nến hoàng cung của TFS - phim nhận giải Cánh diều vàng 2004 (thể loại phim truyền hình), một bộ phim thu hút nhiều khán giả và quảng cáo

Việc có tới gần 30 hãng phim tư nhân cử đại diện đến tham dự cuộc họp bàn về vấn đề hợp tác sản xuất phim truyện truyền hình (TH) giữa Đài TH VN và các doanh nghiệp sản xuất phim chiều 16-5-2005 tại Hà Nội đã khiến chính những người làm phim trong hệ thống nhà nước bị... choáng, vì không ngờ lại có đông nhà sản xuất phim tư nhân đến vậy!

Nhìn nhận và giải pháp của “nhà đài”

Đại diện Đài TH VN - ông Nguyễn Thành Lương, giám đốc Trung tâm quảng cáo và dịch vụ TH, thẳng thắn nhìn nhận: “Thực trạng của phim truyện TH VN là sự bế tắc về tư duy viết kịch bản, thiếu cách thể hiện sáng tạo, thiếu những gương mặt diễn viên mới... Do đó, phim THVN chưa thật sự chinh phục khán giả. Nguyên nhân chủ yếu là các đơn vị sản xuất phim vẫn được bao cấp nên thường quen khai thác một số đề tài cách mạng, nông thôn... quen thuộc mà chưa thật sự đi vào cuộc sống, tìm tòi những đề tài mang tính thời sự, thu hút khán giả để sáng tạo trong cách thể hiện mới. Kinh phí làm phim cũng không đủ để người làm phim sáng tạo”. Hiện tại mỗi năm Đài THVN chỉ sản xuất được khoảng 200 tập phim, chiếm 30% thời lượng phát sóng trong khi yêu cầu của Nhà nước là phải đảm bảo 50% phim VN trên sóng truyền hình.

Đài THVN chủ trương mời các doanh nghiệp sản xuất phim (DNSXP) nhà nước và tư nhân hợp tác sản xuất phim TH hoặc mua phim của họ để phát sóng với các bộ phim dài tập (10 tập trở lên) trong các thể loại khác nhau (tâm lý xã hội, hình sự, hài, dã sử...) . Đài THVN đưa ra một mức giá mua phim... linh hoạt và phương thức thanh toán là... đổi thời lượng quảng cáo lấy phim (một tập phim khoảng 60 phút, sẽ có hai đoạn quảng cáo với thời lượng 10 phút, mỗi phút 2 spot, mỗi spot trung bình thu 30 triệu đồng quảng cáo, tổng cộng khoảng 600 triệu đồng thu về nếu bán hết thời lượng; thông lệ VTV sẽ chỉ trả tương đương khoảng 3 spot cho một tập phim, phần còn lại tính vào chi phí truyền dẫn phát sóng và tái đầu tư sản xuất). Các phim này cũng sẽ được xác định khung giờ phát sóng là “giờ vàng” để đảm bảo việc bán quảng cáo.

Một chủ trương rất cởi mở và hợp thời của THVN, và tất nhiên các DNSXP rất hào hứng và hi vọng, nhưng...

Vẫn còn nhiều dấu hỏi

Giám đốc Việt Phim Vũ Minh Hoàng đặt câu hỏi: “Phim quảng cáo cho sản phẩm, ai quảng cáo cho phim?”, vì theo ông, phim chỉ bán được quảng cáo khi nó có nhiều người xem, và muốn có nhiều người xem thì bản thân bộ phim lại phải được... quảng cáo. Vậy THVN có chịu dành thời lượng cho các quảng cáo phim này không (tất nhiên là phải miễn phí), ngoài ra lại còn phải có bộ phận chuyên làm quảng cáo phim, mà không phải DNSXP nào cũng có hoặc cũng làm hiệu quả.

Đại diện Hãng phim Thăng Long, Công ty quảng cáo Đất Việt và đại diện Hãng phim Thế Giới Mới cũng chung câu hỏi và cũng là kiến nghị này. Đại diện Hãng phim Thăng Long còn đưa ra hẳn một đề nghị thẳng thắn: muốn phim Việt được nhiều nhà quảng cáo quan tâm thì đầu tiên phải…giảm giá quảng cáo vào giờ vàng của phim Việt cái đã. Đụng đến chuyện tiền là cả một vấn đề quá quan trọng và nhạy cảm nên đại diện THVN bèn... tươi cười ghi nhận mà thôi.

Đạo diễn Vương Đức, phó giám đốc Hãng Phim truyện VN, tạt một gáo nước lạnh vào sự hồ hởi của cử tọa: “Người đâu mà làm phim? Chúng ta có bao nhiêu đạo diễn, bao nhiêu biên kịch, bao nhiêu quay phim, bao nhiêu diễn viên... thì đã bày ra đấy hết cả rồi - trong 10 năm làm phim TH vừa qua. Đào tạo mới thì không được bao nhiêu, tái đào tạo thì còn ít hơn nữa!”.

Đạo diễn Tất Bình - giám đốc Hãng Phim truyện 1 kiêm phó ban biên tập Điện ảnh chiều thứ bảy - nói thẳng điều mà ông Vương Đức tế nhị chưa muốn nói: “Lại tranh giành người làm của nhau thôi, lại sẽ có đủ chiêu để lôi kéo kịch bản, đạo diễn, quay phim của hãng nọ hãng kia về cho mình. Vậy trong kế hoạch sản xuất của các DNSXP có nhất thiết phải trình bày đầy đủ các khả năng về nhân lực để hạn chế sự co kéo người lẫn nhau của các nhà sản xuất hay không?”.

Cuối cùng, tất cả các doanh nghiệp còn chung nhau một nỗi băn khoăn: Ai sẽ duyệt phim của họ? Một tác phẩm TH cũng là một sản phẩm hàng hóa, không bán được đồng nghĩa với thua lỗ và phá sản, vậy mà rất có thể chỉ cần việc thích hay không thích rất cảm tính của người duyệt là vài trăm triệu hay cả tỉ bạc thành mây thành khói.

Đại diện THVN ghi nhận tất cả, nhưng chưa có câu trả lời, vì tất cả chỉ mới bắt đầu. Dù ông Nguyễn Thành Lương có nói là từ giờ phút này, các DNSXP và THVN đã ngồi chung một con thuyền, nhưng liệu đã chung một mái chèo hay chưa?

THU HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên