04/07/2005 00:27 GMT+7

Cô cán bộ Đoàn & đội banh nữ rừng U Minh

QUANG VINH
QUANG VINH

TT - Đến cầu treo thứ 11 của miệt rừng U Minh Thượng (huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang), tôi đã nghe tiếng í ới của nhóm các cầu thủ nữ độ tuổi mười tám, đôi mươi rủ nhau ra sân bóng nằm lọt thỏm giữa rừng tràm ngào ngạt hương.

w8A9A4P2.jpgPhóng to

Niềm vui chiến thắng của những nữ cầu thủ trẻ An Minh trên sân ruộng tràm - Ảnh: Quang Vinh

TT - Đến cầu treo thứ 11 của miệt rừng U Minh Thượng (huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang), tôi đã nghe tiếng í ới của nhóm các cầu thủ nữ độ tuổi mười tám, đôi mươi rủ nhau ra sân bóng nằm lọt thỏm giữa rừng tràm ngào ngạt hương.

Tôi ngạc nhiên hỏi một lão nông tri điền: “Con gái ở rừng cũng đá banh hả bác?”. “Chớ bộ chú em nghĩ tụi con gái trong này chỉ biết lội rừng kiếm mật không sao? Đá banh nhứt tỉnh à nghen!” - ông lão trả lời tỉnh rụi.

“Món độc” trong ngày hội tòng quân!

Mọi chuyện bắt đầu từ ngày hội tòng quân của huyện năm 1999, mà Huyện đoàn An Minh được cấp ủy chỉ đạo không chỉ làm cho thanh niên thấy được trách nhiệm của mình với đất nước, mà còn phải là một ngày hội của những người trẻ giữa những cánh rừng tràm bạt ngàn trong ruột rừng U Minh Thượng.

Lúc đó bí thư huyện đoàn Hồng Lam lo lắng lắm, đập nồi, kéo co, múa hát tập thể thì thanh niên trai tráng của tám xã và thị trấn đều đã quá quen, “xào đi xào lại” thấy sượng sượng làm sao! Đứng nhìn cảnh gái làng bịn rịn chia tay với trai làng sao yếu đuối quá. “Sao không thể tiễn các bạn nam lên đường nhập ngũ bằng những hình ảnh lạ mắt, khỏe khoắn, khó quên?”.

Bí thư Đoàn khều mấy cô thôn nữ ra bàn rầm rì... 40 cô gái được chia làm bốn đội xắn quần, xắn áo thi đấu bóng đá trước tân binh! Cả cánh rừng tràm như bùng nổ bởi tiếng reo hò, cổ vũ của hơn trăm tân binh nam: “Huệ ơi, coi chừng té em!...; Lan sút đi... sút đi...! Dzô...!”. Ở trận chung kết, bí thư huyện đoàn Hồng Lam xắn quần lên tới bắp vế đá vai tiền đạo và đã ghi “bàn thắng vàng” làm các chàng trai bên ngoài lác mắt thán phục. Hội trại tòng quân năm đó náo nhiệt chưa từng thấy!

Các thiếu nữ không chỉ khỏe chuyện làm lúa, trồng rừng mà quên phong trào, chiều nào cũng í ới rủ nhau ra ruộng, ra rừng đá bóng. Mấy “ông cụ non” suốt ngày rượu chè be bét giờ đã bỏ dần để chiều chiều cũng ra sân đá đá, vờn vờn cho “khỏe cái người”. Bí thư huyện đoàn Hồng Lam mạnh dạn trình huyện đề cương “phát động phong trào bóng đá nữ trong toàn huyện”.

Lúc đầu lãnh đạo huyện do dự vì nhiều lý do về công tác tổ chức, sân bãi, tài chính… Hồng Lam và các cán bộ Đoàn, Hội kiên trì vào các trường phổ thông, đến các xã đoàn trong huyện An Minh vận động phong trào “nữ đá bóng” lồng ghép trong chương trình “khỏe để làm lúa trồng rừng” của huyện.

Đúng dịp 8-3 năm đó, Hồng Lam lại một lần đem “hàng độc” ra thuyết phục lãnh đạo bằng giải bóng đá cho chị em khối công đoàn dân vận cơ sở huyện. 50 chị em trong các ban ngành xã huyện đủ lứa tuổi từ U-18 đến U-45, có người lên hàng bà ngoại đã phấn khởi ra sân hưởng ứng. Sân bóng rộng 20x45m không đủ chỗ cho người xem. Mấy chị văn phòng ủy ban tập dượt đều hơn nên đã thắng mấy cô văn phòng huyện ủy 2-0. Có cả cúp vô địch, cờ hoa của ngày 8-3 năm ấy chục lần vui hơn mọi năm, mấy chú ở huyện gật đầu cái rụp liền.

Được trớn, phong trào đá bóng nữ thừa thắng xông lên. Tháng 12-2000, khi vừa kết thúc vụ lúa mùa, huyện An Minh quyết định tổ chức giải bóng đá nữ toàn huyện. Tám đội xã, thị trấn mỗi đội bảy cầu thủ đại diện trên 60.000 chị em phụ nữ về sân vận động thị trấn An Minh tranh giải vui như trẩy hội. Đội xã Đông Hưng A - là đội sâu tít tắp trong ruột rừng, nơi có nhiều cầu thủ gia cảnh nghèo nhất - đoạt chức vô địch, được chọn làm nòng cốt cho đội tuyển huyện lần đầu tiên đi tranh giải cấp tỉnh.

Mô hình từ rừng U Minh

BtiXuOYT.jpgPhóng to
Cầu thủ Lê Thúy Hiền một thời mò bắt ba khía nay đã là vua phá lưới của tỉnh - Ảnh: Quang Vinh

Năm 2001, từ phong trào bóng đá nữ huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang quyết định tổ chức giải bóng đá nữ toàn tỉnh. Cô bí thư huyện đoàn và ban huấn luyện đội An Minh đã tuyển chọn được 14 cầu thủ, bảy chính thức, bảy dự bị đi so giày với chín đội tuyển các huyện.

Đội “ruột rừng” ít có điều kiện, chuyên đá sân ruộng, gò đất vậy mà vào tới bán kết và “ẵm” giải ba, “rinh” luôn giải phong cách. Ghe tam bản đưa đội bóng rời bến Rạch Giá về rừng U Minh Thượng mà trên bờ vẫn còn hàng trăm chàng trai thị xã hâm mộ vẫy tay rần rần.

Sau giải tỉnh năm ấy, phong trào bóng đá nữ vùng ruột U Minh Thượng lớn lên rất nhiều; đi tới đâu cũng thấy sân ruộng thành sân bóng. Xã nào cũng có một đội banh tóc dài sẵn sàng thi thố, kể cả với nam nhi! “Mùa bóng” 2002, đài truyền thanh huyện ngày nào cũng thông báo “tuyển cầu thủ nữ”. Hôm nghe đài thông báo tuyển cầu thủ, từ sáng sớm ông Tám “chèo bèo” ở tận cửa vàm kênh Chống Mỹ liền chở hai chị em Nhạn, Hương ra huyện gửi cho ban huấn luyện.

Huyện đoàn cũng toan tính “cơ cấu” lắm, không chỉ dân ở thị trấn, ấp ngoài bìa rừng mà còn dân mép biển, dân vùng ngập mặn, vì theo như Hồng Lam, “đã là phong trào thì phải rộng khắp”. Có người mách ở Vân Khánh có cô bé tên Hiền nghèo lắm lại không cha, tối tối ra biển mò ba khía, sáng vào rừng chặt củi, làm thuê. Thế là Hồng Lam quyết đi tìm gặp để “xem giò, xem cẳng”; đưa ra thị trấn chăm sóc, huấn luyện thành tuyển thủ...

Năm 2003 đội bóng nữ “ruột rừng” lại chèo ghe ra Rạch Giá và thắng như chẻ tre, lọt vào chung kết, “ẵm” luôn chức vô địch trước sự ngỡ ngàng của các cô gái thị thành. Năm 2004, các cô lại tiếp tục “rinh” cúp về rừng trưng bày, coi mà sướng con mắt!

Trận chung kết giải tỉnh năm nay, bí thư Hồng Lam đã vào hàng “lão tướng” nên treo giày nhường vị trí tiền đạo cho các cô gái trẻ ra sân theo đội hình 2-3-1 công thủ toàn sân nhịp nhàng. Đội thị xã Rạch Giá đá cứng nên thủ hòa để bước vào loạt sút luân lưu với tỉ số chung cuộc là 2-0, lần thứ ba mang cúp vô địch về rừng U Minh Thượng, Hồng Lam bật khóc ngay trên sân khi cô bé Hiền mò cua bắt ốc ngày nào được nhận giải “vua phá lưới” với tám bàn thắng!...

Câu chuyện bóng đá nữ ở rừng U Minh có nhiều đoạn kết đẹp. Tiền vệ Nguyễn Thị Trân, cô bé ngây ngô ngày nào, đã được huyện cử đi học lớp thanh vận ngoài tỉnh. Vua phá lưới một thời mò cua bắt cá Lê Thúy Hiền được nhận vào làm phụ trách nhà thiếu nhi huyện làm nòng cốt cho phong trào bóng đá nữ. Nhiều cô gái suốt một thời niên thiếu chỉ biết con ong, con cá trong rừng giờ đã quyết tâm đi học, học nghề, học chữ...

Hồng Lam tâm sự: “Làm công tác Đoàn ở vùng sâu vậy mà vui, không chỉ vì ba năm liền vô địch mà vui nhất là thanh niên nơi này đã thấy Đoàn luôn mang lại cái hay, cái tốt cho cuộc sống tinh thần vốn còn nghèo nàn ở đây…”.

QUANG VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên