01/05/2013 05:11 GMT+7

Cô bé ôsin "đeo" nghề điều dưỡng

LƯU TRANG
LƯU TRANG

TT - Nhà có tám anh chị em thì sáu người không ai học quá lớp 6. Phượng và cô em gái cũng bỏ học giữa chừng lên thành phố kiếm sống. Ai ngờ run rủi gặp được nhiều người tốt, con đường học tập đã gãy ngang được nối lại.

Làm thuê mơ vào trường luật

WdjqFNvw.jpgPhóng to
Thạch Thị Phượng (bìa phải) cùng em tiếp thầy Khoa (thứ hai từ phải sang) và thầy Cường, Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Tân Bình, tại phòng trọ vỏn vẹn 4m2 ở quận Tân Phú, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Giống như truyền thống ở những miền quê nghèo, khi cha mẹ không thể trang trải chuyện học cho con cái nữa thì đứa lớn nghỉ để đứa nhỏ đi học. Thạch Thị Phượng (sinh 1989, quê Châu Thành, Trà Vinh) bỏ học khi xong lớp 9, nhường suất ăn học cho hai đứa em, lên Sài Gòn kiếm kế sinh nhai. Bán báo, bán cá kiểng, làm công nhân đóng giày, rồi thấy bấp bênh quá, nay đây mai đó quá, Phượng xin đi làm ôsin giúp việc nhà, mỗi tháng dư được 500.000 đồng để gửi về quê.

Những người tốt bụng

Ông bà chủ là trí thức về hưu, thấy con bé người làm cứ rảnh rang chút nào là lên tủ sách của ông đọc ngấu nghiến, có khi quên cả nghỉ trưa, liền hỏi: “Chú thấy con thích đọc sách, hồi đó sao con nghỉ học, có muốn đi học lại không?”. Thế là Phượng được cô chú chủ nhà cho đi học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TTGDTX) quận Tân Bình, TP.HCM.

Xong lớp 12 Phượng không thi đại học vì nghĩ không có trường nào chịu dạy buổi tối để ngày đi làm, với lại sợ không đủ tiền trang trải. Cô chú chủ nhà khuyên Phượng đi học trung cấp về thiết kế đồ họa vì có họ hàng công tác trong lĩnh vực này, dự định sẽ xin việc cho Phượng khi ra trường.

Nhưng rồi em gái kế của Phượng là Thạch Thị Hương (sinh 1991) tiếp bước chị, bỏ học để nhường cơ hội cho đứa út (nay đã lên lớp 10), lại khăn gói lên thành phố. Phượng đành “ra riêng”, thuê nhà trọ và đi tìm việc. Thất nghiệp. Lại hành trình đi tìm việc làm. Lại bán báo, dọn dẹp phòng mạch, trông em bé, phục vụ nhà hàng, ai kêu gì làm đó... Ngày đi làm, tối vẫn miệt mài đi học trung cấp dù hết tiền, nhiều lúc chỉ dám lót dạ một ổ bánh mì.

Hồi Phượng còn đi làm ôsin, thầy Nguyễn Mạnh Cường, giáo viên dạy lịch sử của TTGDTX Tân Bình, thấy cô học viên thật thà, lanh lợi lại ham học nên thường tới nhà động viên, xin cô chú chủ nhà cho Phượng “được ra ngoài tiếp xúc với xã hội chứ ở trong nhà mãi sao lớn được”. Đến khi Phượng đi ở trọ, thấy học trò phải đi bộ từ Q.Tân Phú qua quận 10 học trung cấp rồi hết giờ học lại đi bộ về nhà, thầy Cường mua chiếc xe đạp cũ tặng Phượng. Con đường đến trường lại gần hơn. Rồi thấy học trò nặng gánh làm thuê, không đủ thời gian dồn cho việc học, thầy Cường bàn với thầy Phan Minh Khoa, giám đốc TTGDTX Tân Bình, cho Phượng một chân phục vụ căngtin của trung tâm. “Thầy giám đốc” biết Phượng phải bỏ dở việc học ngành thiết kế ở trường trung cấp vì không có máy tính đã đi xin một học bổng cho Phượng được vào học ngành điều dưỡng Trường trung cấp Đại Việt, có cơ sở nằm ngay TTGDTX Tân Bình.

Cuối năm, bà chủ căngtin có chiếc xe máy cũ không dùng tới liền gọi Phượng đến nói “đây là quà thưởng tết”. Phượng có xe máy để đi làm, chiếc xe đạp được chuyển giao cho em gái.

Phượng sắp ra nghề

Năm 2012, Thạch Thị Hương tốt nghiệp lớp 12 tại TTGDTX Tân Phú, thi đậu vào ngành lưu trữ học ĐH KHXH&NV TP.HCM. Nhưng khó khăn lại bủa vây, tiền nhà, học phí, rồi cả nếu đi học thì không đi làm được, cuối cùng Hương đành nghỉ một năm. Nhờ “thầy giám đốc” Phan Minh Khoa, Hương chuyển vào học Trường trung cấp Đại Việt với chị. Chị thì làm thời vụ cho một công ty dược, buổi tối đến lớp. Hương sáng sớm trước khi đi học có công việc lựa rau cho một quán lẩu, làm chừng 3-4 tiếng.

Hỏi sao chọn ngành điều dưỡng, Phượng nói với học trò nghèo thì chỉ học ngành nào để dễ kiếm việc làm, nuôi sống gia đình chứ không có chọn lựa gì hết. “Nên từ lâu rồi em không nghĩ đến chuyện mình thích gì nữa, chỉ chọn ngành xã hội cần thôi”.

Hỏi về số tiền 2 triệu đồng mà cô học trò cũ đã có lần kẹt quá mượn cho em gái mình, “thầy giám đốc” Khoa không vui: “Con nhỏ kể chuyện xa xưa đó chi vậy hè. Thấy em đang lúc khó khăn, tính cho nó luôn nhưng sau này nó cứ một mực trả tiền lại cho thầy”. Thầy nói với Phượng cũng như bất kỳ học trò nào khác, ham học, muốn vươn lên thì thầy không tiếc công tìm việc, xin học bổng để tiếp tục theo đuổi sự học hay giúp cho ít tiền khi cần. Hơn nữa thầy nâng đỡ trò là việc rất bình thường.

Phượng được đi học và sắp có một cái nghề - điều mà cô bé khi chân ướt chân ráo lên thành phố làm ôsin không thể hình dung nổi. Nhưng những người giúp Phượng lại nghĩ khác: chính Phượng mới là người có thể làm thay đổi được cuộc đời mình bằng nghị lực mạnh mẽ của em!

Ông thầy “bao đồng” cao cả

Thầy Cường có hơn 14 năm dạy ở trung tâm, là người nổi tiếng... “bao đồng”! Học trò của thầy đa số phải vừa đi học vừa kiếm việc làm. Thầy giới thiệu em đi làm bảo mẫu trường mầm non, em làm phục vụ nhà hàng, rồi cuối tuần dẫn học trò đi “sô” hát, dẫn chương trình ở các nhà hàng, khách sạn, tạo cho các em công việc thời vụ...

Thầy nói: “Học trò em nào cũng khổ. Như Phượng, sáng đi làm, tối đi học mà cả ngày chỉ ăn một ổ bánh mì. Xót nhất là thấy cảnh học trò đi học mà phải quằn quại vì đói. Qua ban cán sự lớp, tôi thường bí mật tìm hiểu hoàn cảnh từng em để xem có giúp được các em không. Ai đi dạy bổ túc cũng vậy thôi. Ở đây nhiều giáo viên vẫn móc tiền túi giúp các học viên khó khăn như một việc hết sức bình thường”.

___________

Kỳ tới: Cháy bỏng ước mơ

LƯU TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên