![]() |
Má Lời tại lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang của Thành đoàn TP.HCM (1996) |
Cuộc đời má Năm Lời gắn liền với các hoạt động cách mạng, các hoạt động của Thành đoàn TP.HCM. Trong lý lịch công tác, công việc của má được ghi bằng những từ đơn giản “giao liên, bình phong”.
Chị Út Sương (Nguyễn Thị Tư) bảo: “Đúng là má coi chúng tôi như con cháu thật sự nên mới có thể khiến mấy anh em mỗi đứa một phương xáp vô thành một nhà rất tự nhiên. Má dạy mỗi đứa mỗi kiểu để che mắt địch”.
Hồi ấy Út Sương, Lục Lạc, Mười Minh - hai gái, một trai - “đổ bộ” vào nhà má ở xóm Tro (Q.5). Má phân vai: má là dì Năm, dì ruột của Mười Minh. Lục Lạc là em, và còn Út Sương là vợ Mười Minh.
|
Mười Minh tướng cao, trắng trẻo, Út Sương lại thấp và đen, có người thắc mắc, má giải thích: “Thằng Mười cãi cha, cãi mẹ, tướng tá vậy mà đi lấy con nhỏ “chà cái”...”. Út Sương lúc ấy mới 18, 19 tuổi, không chịu để bị gọi là “chà cái” nên cãi với má dữ lắm, cả khóc nữa. Dì Năm chỉ cười, bảo: “Vì tổ chức mà”.
Chị Út khóc: “Hôm vào Bệnh viện Chợ Rẫy thăm, má đã gần hôn mê rồi. Chị gọi: “Má nhận ra con không? Con “chà cái” đây nè”; má mở mắt ra, lại cười: “Giờ mày chịu rồi hả?”. Không ngờ má lại nhớ từng li từng tí như vậy”.
Danh sách những người từng đóng vai con cháu của dì Năm còn dài như Ba Châu (Lê Minh Châu), Ba Vạn (Phan Chánh Tâm), Hồ Hảo Hớn… Anh Ba Vạn vẫn còn nhớ những bữa ăn má nấu hồi ấy rất ngon và cũng rất tiết kiệm. Toàn bộ ban chỉ huy Khu đoàn Sài Gòn - Gia Định ở trong nhà má mà ai cũng rất yên tâm, tổ chức hoạt động vất vả vậy mà còn… mập ra.
|
Sau nữa là anh Đỗ Văn Mai, đứa con má nuôi dưỡng từ lúc hai tháng tuổi và coi là con thừa tự. Lúc nhỏ, má hoạt động ở đâu là anh Mai theo đó, lớn lên anh cũng trở thành cán bộ Thành đoàn, và trở thành một trong những liệt sĩ của Thành đoàn. Đây là một giai đoạn khó khăn, đau đớn nhất của đời má.
Trước đó, kho vũ khí phục vụ chiến dịch Mậu Thân được ngụy trang là một vựa trái cây bị lộ, má bị bắt. Hơn hai năm khảo cung, tra tấn, địch không lấy được lời khai nào đành phải thả má ra. Ra tù, đứt liên lạc, má dò la, tìm hỏi thì chỉ biết được tin người con trai, mà lại là tin anh đã hi sinh. Má đau đớn trở về quê cũ…
Những người đứng đầu phong trào như anh Ba Vạn, chị Tư Liêm bảo lúc ấy má đã lớn tuổi, lại ốm yếu vì bị tra tấn, lại đau đớn vì mất mát nên ai cũng nghĩ má sẽ không tiếp tục hoạt động được. Nhưng rồi sau giải phóng lại thấy má tới Thành đoàn nhận công tác, tiếp tục con đường cách mạng.
|
Có một thời gian bị bắt, bị giam chung với chị Nguyễn Thị Minh Khai, cô Lời càng nung nấu tinh thân cách mạng sắt đá. Bối cảnh trước và sau Cách mạng Tháng Tám thật nhiều phức tạp, nhiều hướng đi, chồng của cô Năm Lời là người của lực lượng Bình Xuyên đã rất hăng hái tham gia cướp chính quyền.
Anh Ba Châu, trên đầu chít khăn tang, đứng vai trò chủ tang trong tang lễ, ngậm ngùi: “Đi hoạt động, gặp một ngày là má đã coi như con. Tin cách mạng, tin các con nên việc gì má cũng làm và làm tốt, không nề nguy hiểm. Có lần má bỏ cả xấp tài liệu mật vào giỏ trầu, tới lui tỉnh khô. Tụi tôi lo toát mồ hôi nhưng rồi cũng quen…”.
Trong chiến tranh thì không nề nguy hiểm, hòa bình rồi má lại không màng vật chất, không một lời đòi hỏi. Phải lâu sau má được công ty chất đốt xây cho căn nhà tình nghĩa ở Hóc Môn. Má lúc ấy mắt đã mờ, chân đã chậm, đau yếu thường xuyên. Má ở nhà anh Ba Châu, ở bệnh viện, rồi những ngày cuối đời lại dưỡng bệnh tại Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè.
“Tôi phải nài nỉ mãi má mới đồng ý cho an táng tại nghĩa trang thành phố thay vì về quê nhà tại Hóc Môn. Má nói thế này: Thì tao theo thằng Châu thôi”. Bàn thờ của má từ nay sẽ đặt tại nhà anh Ba Châu.
Má không có gì cho riêng mình, nhưng lại có tất cả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận