![]() |
Một phần bị hư hỏng của đường băng tại sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok ngày 25-1 - Ảnh: AP |
Trong vòng hai tháng tới, các chuyến bay nội địa sẽ được chuyển qua sân bay cũ nhằm tháo gỡ bớt tình trạng ách tắc và lộn xộn tại Suvarnabhumi.
Trong vòng vài tuần qua, báo chí Thái Lan đưa đầy rẫy tin tức về những trục trặc tại sân bay quốc tế mới, từ hàng loạt vết nứt xuất hiện trên đường băng đến tình trạng kém chất lượng của các thiết bị nhà ga. Chính phủ hiện tại đổ lỗi này cho chính phủ thời Thaksin Shinawatra. Dù lỗi của ai, tình trạng trớ trêu của dự án hơn 4 tỉ USD này chẳng khác gì muối xát vào vết thương đang còn mới nguyên của Thái Lan, khi đất nước này đang đối mặt với một năm mới u ám cả về triển vọng kinh tế lẫn chính trị.
Sân bay quốc tế Suvarnabhumi được xem là dự án con cưng của cựu thủ tướng Thaksin. Tuy hình thành cách đây vài chục năm, dự án này chỉ thật sự khởi động khi ông Thaksin lên nắm quyền. Dự án này cũng đánh dấu những tai ương đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của ông: sau khi có những cáo giác tham nhũng trong dự án thầu mua máy soi hành lý từ Công ty GE của Mỹ, giới báo chí bắt đầu tấn công tình trạng cửa quyền, tham nhũng của chính quyền Thaksin.
Nhưng những cáo buộc tham nhũng này đã không được điều tra kỹ càng dưới thời Thaksin. Thay vào đó, Thaksin đã liên tục dùng Suvarnabhumi để đánh bóng hình ảnh hoặc để tránh né những vấn đề khác. Ông ta đã xuất hiện trên những phim quảng cáo dài dằng dặc của CNN, giới thiệu về sân bay mới và triển vọng trở thành trung tâm khu vực của Thái Lan. Thaksin hi vọng việc nhanh chóng mở cửa sân bay sẽ gỡ rối cho thế bí chính trị cho ông, nhưng chỉ sau hơn hai tuần Suvarnabhumi mở cửa, cuộc đảo chính nổ ra ngày 19-9 khiến Thaksin không hạ cánh trở lại được đất Thái.
Sân bay quốc tế Suvarnabhumi được coi là sân bay một nhà ga lớn nhất thế giới, với cấu trúc chủ yếu là kính và thép. Được xây dựng với công suất đón khoảng 45 triệu lượt hành khách mỗi năm, nhưng chỉ vài tháng sau khi mở cửa, sân bay đã phải đối mặt với tình trạng quá tải.
Bên cạnh đó, việc sửa chữa những vết rạn nứt trên đường băng những ngày qua khiến nhiều máy bay đã không hạ cánh đúng giờ, phải bay lòng vòng hoặc hạ cánh ở một sân bay quân sự gần kề. Vùng đất nơi xây dựng sân bay được biết đến như một “đầm rắn hổ mang” vốn thường xuyên ngập lụt khiến việc xử lý thoát nước khó khăn, dẫn đến tình trạng đường băng rạn nứt.
Với vị trí thuận lợi, Bangkok là một trung tâm hàng không của khu vực với hơn 70 hãng hàng không khai thác thị trường và hàng ngàn chuyến bay mỗi ngày. Giờ đây Chính phủ Thái phải đối mặt với thách thức duy trì sự thuận tiện của sân bay quốc tế này và giữ chân các hãng hàng không. Hơn thế nữa là vấn đề duy trì bộ mặt quốc gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận