29/10/2006 06:05 GMT+7

Chuyện quê tôi thu hút nhân tài

BEM (Đà Nẵng)
BEM (Đà Nẵng)

TTC - Cũng như những địa phương khác, tỉnh chúng tôi khao khát nhân tài. Nhìn vào lĩnh vực nào cũng chẳng thấy nhân tài đâu cả.

g3aWQM5u.jpgPhóng to

Đằng này, các ngành cạo giấy, thợ máy vi tính mà thiếu nhân tài thì không thể mua bán như cầu thủ được. Báo cáo nào cũng nêu vấn đề: "Công cuộc phát triển của tỉnh vì thiếu cán bộ tài mà đứng trước nguy cơ tụt hậu" (mặc dù tỉnh tôi có tốc độ tăng trưởng hằng năm vào mức "chót vót" của cả nước). Trước tình hình trên, lãnh đạo tỉnh ra lệnh cho cơ quan chuyên trị phải bằng mọi cách lùng sục nhân tài.

Tỉnh ra ngay một chiêu dụ nhân tài bằng thông báo các tiến sĩ, thạc sĩ, học sinh, sinh viên được xếp loại khá, giỏi nếu muốn đầu quân cho tỉnh nhà thì được hưởng ngay mức tiền "thu hút" từ 5 triệu đến 20 triệu đồng/người và được bố trí ngay công việc. Có lẽ chiêu dụ như trên cũng đã có tác động nhất định khi sau đó một số "nhân tài" hăm hở đến tỉnh tôi nhận công tác. Ngày tháng trôi qua, số "nhân tài" thu hút hàng năm giảm dần, rồi những "nhân tài" thu hút được và đã nhận tiền thu hút cũng lặng lẽ ra đi không một lời giã biệt.

Người khăn gói đi học thêm ở nước ngoài, kẻ thì lấy cớ hợp lý hóa gia đình… rồi ra đi không hẹn ngày trở lại. Thôi thì đến hết rồi đi hết cũng được. Khốn nỗi, những "nhân tài" ở lại bám trụ phần nhiều lại là những cán bộ, chuyên viên mà đưa đi đâu cũng không nhận. Hỏi ra mới biết, mức tiền theo chính sách thu hút nhân tài của tỉnh chúng tôi "qui ra thóc" với thời giá vàng đang ngất ngưởng như hiện nay thì bèo quá!

Ở các nơi khác người ta đang thu hút với giá cao hơn nhiều. Hơn nữa, "nhân tài" nhiều quá! Đầu tiên, người ta còn tích cực bố trí chỗ làm phù hợp, sau đến bố trí chỗ làm không phù hợp mấy, rồi đến bố trí lung tung, và cuối cùng thì chẳng còn chỗ nào nữa mà nhét. Thành ra, nhiều "nhân tài" sau khi gửi hồ sơ chờ đợi mãi không đến lượt, đâm chán nản, bỏ đi. Lo sốt vó việc các "nhân tài" dứt áo ra đi, lãnh đạo tỉnh triệu tập ngay một cuộc họp đối thoại với các "nhân tài" để hỏi hà cớ nguyên nhân.

Kết quả thu được là đầu óc các lãnh đạo muốn nổ tung ra khi các "nhân tài" đặt vấn đề đòi hỏi các ưu đãi nhà ở, cải thiện công việc, nhập hộ khẩu, tăng thu nhập… trong khi chẳng có "nhân tài" nào nói lên một điều gì khả dĩ đóng góp cho tỉnh nhà. Cuối buổi, để giải quyết tình thế, vị chủ toạ mới làm yên lòng các "nhân tài" bằng lời hứa chắc sẽ có chính sách đãi ngộ hàng tháng bằng một khoản tiền vài trăm ngàn đồng để các "nhân tài" yên tâm công tác (!).

Hơn 1 năm sau, lời nói của vị lãnh đạo lẽ ra sẽ trở thành hiện thực nếu không gặp phải sự phản ứng âm ỉ nhưng quyết liệt từ những người không thuộc diện "nhân tài" (ấy là nói các vị cán bộ vào làm việc thời chưa có chính sách thu hút). Nói ra thì lại bảo họ không phải "nhân tài" nên giở trò ganh ghét. Ở bệnh viện, các bác sĩ già phẩy tay bảo: "Ôi, đấy các cậu là nhân tài ăn thêm tiền Nhà nước thì mổ đi, cần gì chúng tớ chỉ bảo!".

Ở các cơ quan "hành chính tội nghiệp", hễ các "nhân tài" có gì muốn hỏi thì sẽ gặp ngay câu trả lời: "Cái đấy phải tự tìm hiểu chứ, "nhân tài" cái gì cũng biết mà..." (!). Thật tức đến phát khóc. Thành ra, chính sách đã thành văn, nhưng chưa biết đến bao giờ mới được thực hiện, và nhân tài cứ tiếp tục… đội nón ra đi. Một "nhân tài" thổ lộ: "Thực ra, chúng em đâu cần phải chính sách ưu đãi nhiều về vật chất. Cái chúng em cần là một môi trường lao động và cống hiến. Được vào làm việc ở cơ quan Nhà nước là tốt rồi, nhưng làm có đúng ngành nghề không, có làm được việc không... mới là quan trọng".

Mấy bác cán bộ sồn sồn ngồi chuyện phiếm với nhau bảo: Tụi mình cũng đâu có phản đối gì việc ưu đãi đối với mấy đứa nhỏ kia, thậm chí cho chúng thêm cũng được, nhưng chúng phải có cái công trình nào ra hồn cho tỉnh mình. Với lại "các cụ" (ý nói lãnh đạo tỉnh) làm như thế thật khập khiễng, chỉ coi trọng "nhân tài" thu hút từ bên ngoài về, còn "nhân tài" tại chỗ thì không quan tâm; chỉ coi trọng lớp trẻ, còn những người đã từng làm việc cống hiến nhiều năm qua thì không để ý.

Chẳng khác gì mấy anh đi bia ôm thì “boa” cho các em thoải mái, còn về nhà thì vợ hỏi tiền chợ cũng nhăn nhó, cáu gắt nhặng xị. Chỉ trách bà già mình không chịu khó sinh mình muộn một tí để được hưởng cái danh "Mẹ của nhân tài". Thôi thì chuyện vỉa hè, góp vui cùng các bác. Cũng chẳng đành nói xấu quê hương. Có gì sai rồi thì sửa thôi mà. Mà hình như "các cụ" cũng đã thấu hiểu rồi hay sao ấy, mà đến nay đã lâu chưa thấy cho các "nhân tài" nhận tiền.

BEM (Đà Nẵng)

Tuổi Trẻ Cười số 318 (ra ngày 15-10-2006) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái!

BEM (Đà Nẵng)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên