“Chủ xị” nhóm thực hiện không công này là chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương (nguyên giảng viên bóng đá đại học TDTT TP.HCM, hiện phụ trách công tác đào tạo trẻ và bóng đá học đường Trung tâm TDTT Thống Nhất) cùng sự góp sức của Nguyễn Hữu Hoàng Phúc (giảng viên đại học TDTT TP.HCM) và các sinh viên năm 4 của trường như Nguyễn Anh Tuấn (con trai cựu thủ môn Nguyễn Văn Cường - Bình Định), Nguyễn Hải Bằng, Nguyễn Quang Thăng...
Những thông số kỹ thuật quý giá
Khi nghe thầy Xương rủ làm công việc ghi chép, thống kê số liệu chuyên môn về đội tuyển U-19 VN, tất cả cùng hào hứng nhập cuộc với sự tự nguyện và không thù lao. Thậm chí ông Xương còn móc tiền túi để lo cho cả nhóm nước uống, ăn lót dạ sau mỗi trận đấu.
Dựa trên những quy định hướng dẫn về cách thức theo dõi, quan sát một trận đấu do FIFA ban hành, Hoàng Phúc đảm trách việc theo dõi những cầu thủ tiêu biểu của U-19 VN và các đội khách mời. Hải Bằng giữ đồng hồ bấm giờ ghi chép thời gian bóng trong và ngoài cuộc. Anh Tuấn thống kê tính hiệu quả trong việc chuyền bóng ngắn, trung bình và cự ly dài. Quang Thăng theo dõi tính hiệu quả của việc sút cầu môn, chiến thuật cố định đá phạt. Phần khó nhất là theo dõi, đánh giá kỹ thuật, chiến thuật của cá nhân, đội bóng thuộc về “chủ xị” Đoàn Minh Xương.
Cuộc chơi hạ màn, những thông số mà họ thống kê được về U-19 VN như sau:
Về thể hình: U-19 VN là đội thấp bé nhẹ cân nhất với chiều cao trung bình của các tuyển thủ là 1,68m (hậu vệ), 1,69m (tiền vệ và tiền đạo), duy chỉ có thủ môn cao nhất với 1,79m. Thời gian kiểm soát bóng trận gặp AS Roma là 74,5%, gặp Nhật Bản: 50% và gặp Tottenham Hotspur: 48%.
Cả bốn đội cùng chọn lối chơi kiểm soát bóng làm nền tảng để tổ chức tấn công. Tuy nhiên, sức mạnh của U-19 VN bị hạn chế bởi tỉ lệ sử dụng bóng ngắn quá nhiều (91,08% trận gặp AS Roma, 88,7% trận gặp Nhật Bản và 66% trận gặpTottenham Hotspur). Điều này khiến lối chơi của U-19 VN sớm bị đối phương bắt bài, dẫn tới việc thua đậm trước U-19 Nhật Bản.
AS Roma phòng ngự có chiều sâu, chấp nhận nhường đất cho đối phương khai thác để chờ cơ hội phản công, nhờ vậy U-19 VN có thời gian kiểm soát bóng nhiều hơn. Nhưng khi gặp U-19 Nhật Bản, việc họ chủ động đá pressing từ xa, bao vây truy cản quyết liệt và luôn áp sát nên cách chơi của U-19 VN xem như phá sản. Sang đến trận gặp Tottenham Hotspur, U-19 VN có thêm những quả tấn công dọc biên chứ không “nhăm nhăm” đánh thẳng vào trung lộ nên trận đấu khá hấp dẫn nhờ có 20,2% đường chuyền trung bình, 13,8% đường chuyền dài bên cạnh 66% đường chuyền ngắn.
Xét về sự hiệu quả trong tấn công, U-19 VN là đội kém nhất (dựa trên thang điểm tranh cướp bóng, tổ chức phòng ngự và hiệu quả gây áp lực tranh cướp bóng) khi chỉ được 130 điểm cho toàn giải. Trong khi đó, AS Roma được 287 điểm, Nhật Bản 257 điểm và Tottenham Hotspur 210 điểm.
Về sút cầu môn, chủ nhà cũng là đội kém nhất khi sút 35 lần, ghi được 3 bàn thắng (bình quân gần 9 cú sút mới có được một pha lập công), hiệu suất sút cầu môn cao nhất thuộc về Nhật Bản với 9 bàn thắng sau 36 pha sút cầu môn, AS Roma sút 32 lần, ghi 4 bàn và Tottenham Hotspur ghi 6 bàn thắng sau 51 lần dứt điểm.
Một thông số kém vui khác với U-19 VN là trong tổng số 16 đường chuyền bóng dài vượt tuyến chỉ có ba lần bóng đi đến mục tiêu. Do hạn chế bởi những pha chuyền dài thiếu chính xác nên U-19 VN buộc phải đá bóng ngắn. Cách chơi này đòi hỏi cầu thủ phải có kỹ thuật cá nhân khéo, bật tường chuẩn xác nhưng muốn nâng cao tính hiệu quả thì đòi hỏi họ cần phải có nền tảng sức bền thể lực dồi dào.
“U-19 VN còn nhiều khiếm khuyết”
Sau giải đấu, là một trong những người hiểu rõ về đội U-19 VN nhất, ông Xương chia sẻ ý định của nhóm là đưa ra cái nhìn toàn diện nhất về U-19 VN dựa trên những số liệu cụ thể để từ đó giúp khán giả có đánh giá xác đáng về hiện tượng U-19 VN. Ông Xương cho biết: “Các cầu thủ U-19 VN xứng đáng nhận sự ngợi khen nhưng cũng đừng quá ảo tưởng rằng lứa cầu thủ này là vạn năng bởi họ còn lắm khiếm khuyết, cần có thêm thời gian và sự đầu tư để hoàn thiện, trưởng thành hơn trong tương lai”.
Ông Xương góp ý: “Điểm lại năm 2013, U-19 VN chỉ chơi tổng cộng 15 trận là quá ít trong khi FIFA khuyến cáo các tài năng trẻ chỉ có thể trưởng thành thông qua việc cọ xát liên tục, ít nhất là 40-50 trận/năm. Tôi tìm hiểu và được biết U-19 Nhật Bản từng chơi không dưới 30 trận trong năm qua. Và cũng nhờ việc được tập trung cọ xát liên tục như vậy nên họ có được sự ăn ý, nhuần nhuyễn trong tấn công lẫn phòng ngự. Và đó chính là đội bóng có lối chơi hiện đại, cân bằng trong tấn công lẫn phòng thủ hiệu quả nhất ở giải đấu vừa rồi. Cũng là dân châu Á như nhau, cách chơi cũng tương đồng như nhau cho nên tôi thấy rằng chúng ta cần nên học hỏi từ Nhật Bản bởi cách chơi ấy phù hợp với thể hình của người VN”.
Cuối cùng, ông Đoàn Minh Xương khuyên LĐBĐ VN (VFF) và ban đào tạo trẻ VFF nên thành lập bộ phận chuyên môn để theo dõi đầy đủ các trận đấu từ vòng loại đến chung kết. Ông nói: “VFF thậm chí nên đi đến các lò đào tạo trẻ trên cả nước để tìm kiếm thêm tài năng giới thiệu cho U-19 VN, đặc biệt là bổ sung các vị trí như hậu vệ phải, tiền đạo. Sự chênh lệch về trình độ chuyên môn giữa cầu thủ chính thức với dự bị là quá lớn, dẫn tới sự chênh lệch, mất cân đối khi một trụ cột rời sân. Ngoài ra, hệ thống thi đấu các giải trẻ trong năm cũng nên được xem xét và tổ chức lại bằng cách kéo dài thời gian và số lượng trận đấu nhiều hơn”.
[quote]"Cách làm bóng đá táo bạo của bầu Đức đáng trân trọng, nhưng mỗi mình ông bầu chịu chơi này không thôi thì làm sao vực dậy nền bóng đá nước nhà"Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương
[/quote]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận