31/08/2013 07:19 GMT+7

Chuyện “kiến càng” trước ngày đi thi

HUY ĐĂNG
HUY ĐĂNG

Nhân Giải vô địch thể hình châu Á 2013 diễn ra tại VN (từ ngày 30-8 đến 1-9 ở CLB Phú Thọ, TP.HCM), Tuổi Trẻ tìm hiểu câu chuyện ăn uống, tập luyện của các lực sĩ đội tuyển thể hình VN.

Một ngày của lực sĩ Nguyễn Văn Lâm (hạng cân 65kg) thường bắt đầu vào lúc 6g sáng với việc di chuyển quãng đường dài 22km từ Hóc Môn đến trung tâm thành phố để tập luyện cùng đội tuyển thể hình VN. Những ngày trước giải, anh dường như chỉ “ăn ngủ” với các quả tạ. Ngoài ra anh còn phải chịu đựng “cuộc đua” với trọng lượng cơ thể trước khi giải khởi tranh.

Chạy đua với trọng lượng

Để có được những cơ bắp sắc nét, VĐV thể hình phải tập luyện rất nhiều, nhưng gian nan hơn cả vẫn là bài toán ép cân. Cứ sau mỗi giải đấu, VĐV lại có một khoảng thời gian “xả” với việc được tự do trong ăn uống, tập luyện.

Nhưng sau mỗi lần “xả”, họ phải tốn thời gian gấp đôi để “khắc phục hậu quả” nhằm chuẩn bị cho giải đấu mới. Với một VĐV đẳng cấp cao thi đấu quanh năm như Nguyễn Văn Lâm, thời gian “xả” của anh thường chỉ có 2-3 tháng trong một năm. Và với một giải đấu lớn như giải châu Á, Lâm thường phải chuẩn bị trước khoảng bốn tháng rưỡi và chia đều làm hai giai đoạn, trong đó việc giảm cân là quan trọng nhất. Anh cho biết: “Sau khoảng thời gian xả, trọng lượng của tôi thường lên đến 80kg. Do đó, trong vòng bốn tháng phải tính toán làm sao để giảm được 15kg, nếu sụt nhiều quá thể hình mất đẹp, còn chỉ cần lố lên một chút thì bắt buộc phải thi ở hạng cân 70kg”.

Để giảm cân hiệu quả, các VĐV phải tuân theo một chế độ tập luyện, ăn uống khoa học. Trong đó việc tập luyện mất khoảng sáu  giờ/ngày (chia làm hai ca) với lượng vận động trung bình lên đến 20 tấn mỗi ngày. Anh Phạm Văn Lực - chồng và cũng là HLV của VĐV Nguyễn Thị Mỹ Linh - cho biết bên cạnh thời gian tập luyện ở trung tâm cùng đội, việc sinh hoạt của Mỹ Linh vẫn diễn ra bình thường. Sau mỗi ca tập vào buổi chiều, anh Lực vẫn thường dẫn vợ con đi dạo mát. “Trại tập trung” của các lực sĩ vì thế cũng thoải mái thêm ít nhiều.

Ăn - uống là bài toán khó khăn nhất với các VĐV thể hình trước thềm giải đấu. Khoảng sáu giờ trước khi bước lên bàn cân chính thức của giải, VĐV Phạm Văn Mách đau khổ cho biết vẫn còn thừa nửa ký. Trong vỏn vẹn vài giờ đồng hồ, VĐV hạng cân 55kg này phải nỗ lực hết mình để giảm nốt nửa ký còn lại, bao gồm việc tập thêm tại CLB ở Tao Đàn và cả việc nhịn ăn uống.

Khi lực sĩ ăn như “đạo sĩ”

Hầu hết VĐV đều có chung một nỗi khổ như Phạm Văn Mách. Chỉ đến khi đã qua cửa trót lọt, họ mới được thoải mái một chút trong bữa ăn tối cuối cùng trước ngày thi đấu nhằm phục hồi sức lực sau nửa ngày trời nhịn ăn. Ngay cả nước uống cũng phải giảm tối đa. VĐV Nguyễn Văn Lâm cho biết trung bình một ngày anh chỉ uống 1,8 lít nước nhưng phải làm sao để thoát bớt 2 lít (như vậy mỗi ngày giảm được 200g). Một VĐV chia sẻ: “Đôi lúc tính khoa học quá mức của bộ môn này khiến chúng tôi phải làm những việc... phi khoa học”.

Đó là chuyện phải nhịn ăn và chịu đựng những bữa ăn khoa học nhạt nhẽo và vô vị. Để bảo đảm việc không sử dụng gia vị, VĐV Nguyễn Văn Lâm phải tự tay chuẩn bị bữa ăn cho mình trong suốt 13 năm thi đấu chuyên nghiệp. Anh kể đôi lúc nhờ người khác nấu giùm, ai cũng thấy tội và cho thêm một chút muối, đường vào. Hệ quả là công sức tập luyện cả ngày trời cũng theo đó mà ra đi.

Một số VĐV nữ khác như Đinh Kim Loan lại thường sử dụng một loại thực phẩm ăn kiêng là thanh thực phẩm dinh dưỡng. Loại thức ăn có hình thỏi chocolate này có thể thay thế cả việc ăn và uống, rất được các VĐV phương Tây chuộng sử dụng. Ông Nguyễn Văn Hải, trưởng bộ môn thể hình cử tạ An Giang, cho biết: “Loại thực phẩm này rất tốt. Vấn đề là giá khá mắc, từ 50.000-80.000 đồng/thanh nên các VĐV chỉ có thể sử dụng cầm chừng trước thềm những giải đấu”.

Thay vào đó, phần đông VĐV thể hình sử dụng thức ăn hấp và luộc, các loại đường, chất béo, dầu mỡ và đến cả muối hầu như không được sử dụng. Khi ăn trứng gà, họ chỉ ăn lòng trắng và bỏ lòng đỏ nhằm tăng protein, bỏ bớt cholesterol. Trung bình một ngày các VĐV ăn 10-20 lòng trắng trứng.

Ngồi trước đĩa thức ăn nhạt chỉ gồm trứng luộc và rau củ, VĐV Nguyễn Văn Lâm nói khẩu vị của anh đã hoàn toàn bị “chai” sau mười mấy năm trời tập luyện chuyên nghiệp.

[box]Phóng viên đánh nhau giành chỗ tác nghiệp

Ngày 30-8, Giải vô địch thể dục thể hình và fitness châu Á 2013 đã xảy ra sự cố phóng viên VN đánh nhau với một phóng viên nước ngoài do mâu thuẫn vì tranh giành chỗ đứng tác nghiệp. Phóng viên nước ngoài là người Hàn Quốc, là người của ban tổ chức giải.Trong đêm thi đấu 30-8, phóng viên người Hàn Quốc bị một thành viên Hội Nhiếp ảnh TP.HCM che khuất tầm chụp ảnh nên xảy ra cự cãi. Phóng viên Đào Tùng (báo Người Lao Động) đứng gần đó bênh vực đồng nghiệp. Tranh cãi không xong, phóng viên người nước ngoài xông vào đánh phóng viên Đào Tùng, sau đó phóng viên Đào Tùng trả đũa. Rất may là các thành viên ban tổ chức, đồng nghiệp và lực lượng an ninh kịp thời can thiệp nên không có sự cố đáng tiếc xảy ra. T.P.[/box]

[box]Chủ nhà VN giành 5 HCV

Các lực sĩ chủ nhà VN đã giành 5/7 HCV trong ngày thi đấu đầu tiên (30-8) tại Giải vô địch thể dục thể hình và fitness châu Á 2013 diễn ra ở nhà thi đấu Phú Thọ (TP.HCM).Ở hạng cân 55kg nam, Phạm Văn Mách không mấy khó khăn để giành HCV. Đây là lần thứ tám Phạm Văn Mách đăng quang ở giải đấu cấp châu lục này.

Lực sĩ Nguyễn Anh Thông xuất sắc mang về thêm HCV hạng cân 60kg nam. Trước đó, đoàn VN đã đoạt 2 HCV giải trẻ ở hạng cân 60kg nam (Nguyễn Văn Mỹ) và 70kg nam (Phạm Đức Đại).

Ở nội dung fitness, VN giành HCV ở nội dung dành cho nữ dưới 155cm do công của Trần Thị Cẩm Tú.

Hôm nay (31-8), giải tiếp tục với 23 nội dung thi đấu và niềm hi vọng vàng của chủ nhà VN đặt trên vai Nguyễn Thị Mỹ Linh (52kg nữ) và Nguyễn Văn Lâm (65kg nam).

T.PHÚC[/box]

HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên