Người Trung Quốc đã để lỡ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất… nên không thể chấp nhận để vuột mất cơ hội một lần nữa.
Thi Chấn Vinh
![]() |
Năm 1976, Qualitron là một trong những công ty phát triển nhanh nhất Đài Loan nhưng giờ thì đang trôi theo khoản nợ mà nó không thể trả được. Thi Chấn Vinh nhận thấy nguy cơ phá sản đã đe dọa toàn bộ công ty. Là một kỹ sư làm ở bộ phận nghiên cứu và phát triển (R & D), ông tự mình quyết định cố gắng cứu công ty.
Thi Chấn Vinh lên lịch tổ chức một cuộc họp với Vincent Lâm, thành viên của gia đình chịu trách nhiệm quản lý Qualitron, và khẩn khoản nài nỉ anh ta ngưng rút tiền vốn khỏi công ty”. Vincent Lâm không chịu nghe lời nài xin. “Đây không phải là chuyện của anh,” Vincent Lân trả lời. “Chuyện này là việc riêng của gia đình tôi.” Nhưng Thi Chấn Vinh không dễ dàng đầu hàng như vậy. Ông bí mật tiếp cận hai công ty khác và ép họ đầu tư vào Qualitron, nhưng vô hiệu. Thi Chấn Vinh thừa nhận Qualitron đã đến ngày tàn. Ông phải tìm việc làm ở một nơi khác.
Và đó chứng tỏ là một thách thức. Dù nền kinh tế Đài Loan đang phát triển tăng vọt nhưng những nguyện vọng mong đợi của Thi Chấn Vinh thật khó có công ty thích hợp nào thỏa mãn. Dù chỉ mới 31 tuổi nhưng ông đại loại đã là một ngôi sao trong ngành điện tử đang nảy nở của Đài Loan. Thi Chấn Vinh đã thiết kế chiếc máy tính điện tử cầm tay nội địa đầu tiên của Đài Loan và chiếc bút máy có gắn màn hình LED đầu tiên trên thế giới.
Thi Chấn Vinh muốn được tiếp tục bản nghiên cứu gốc của mình và tìm tòi, nghiên cứu sâu trong những công nghệ mới. Nhưng, thời đó, Qualitron là một trong số rất ít công ty tại Đài Loan đầu tư mạnh vào R&D. Hầu hết các công ty đều là những doanh nghiệp có công nghệ thấp chỉ đơn thuần lắp ráp ti vi, máy thu thanh và các mặt hàng đơn giản khác. Thi Chấn Vinh nói: “Tôi là nhà tiên phong”. Các công ty khác “không cho tôi một nền tảng cơ sở để thực hiện những sáng kiến phát triển mới”.
Những “sáng kiến phát triển mới” này bao gồm cả một công nghệ đã trở thành nỗi đam mê ám ảnh: bộ vi xử lý. Dù ngày nay những con chip đặc biệt này hiện diện trong tất cả mọi thứ từ xe hơi đến tủ lạnh nhưng vào giữa thập niên 1970, chúng vẫn là lĩnh vực mới trong ngành điện tử. Thi Chấn Vinh đã được nghe về bộ vi xử lý trong một buổi hội thảo ở Los Angeles năm 1974 do công ty Rockwell International, nhà phát triển công nghệ bộ vi xử lý đầu tiên, tổ chức.
Khi quay trở về Đài Loan, Thi Chấn Vinh ra lệnh cho các kỹ sư của Qualitron lục tìm tất cả mọi thứ mà họ có thể tìm được về những con chip mới đầy triển vọng. Giống như Morita đã nhìn thấy bóng bán dẫn là một công nghệ đột phá trong ngành điện tử trước đó hai thập niên, Thi Chấn Vinh cho rằng bộ vi xử lý “sẽ là một bước ngoặt nữa trong lịch sử phát triển công nghiệp”.
Thế nhưng, vì Qualitron suy tàn dần nên hi vọng được làm việc nghiên cứu về bộ vi xử lý của Thi Chấn Vinh cũng tàn lụi theo. Ông hạ quyết tâm rằng mình chỉ có một sự lựa chọn duy nhất: phải khởi dựng sự nghiệp kinh doanh của riêng mình.
Quyết định của Thi Chấn Vinh là một thời khắc quyết định đối với Đài Loan. Doanh nghiệp mà Thi Chấn Vinh khởi lập đã phát triển thành Acer, nhà sản xuất máy vi tính lớn thứ ba trên thế giới và là công ty nổi tiếng nhất tại Đài Loan. Bản thân Thi Chấn Vinh trở thành ông tổ của ngành điện tử hùng mạnh của Đài Loan. Tấm gương của ông đã khơi gợi cảm hứng cho các doanh nhân lanh lợi, năng nổ của hòn đảo này.
Giống như trường hợp của Hồng Kông, họ là những người đóng vai trò biến Đài Loan trở thành một nhân tố không thể thiếu được của nền kinh tế toàn cầu. Thi Chấn Vinh cũng để lại một dấu ấn mãi mãi không phai mờ lên toàn bộ ngành công nghiệp sản xuất máy vi tính cá nhân (PC) trên toàn cầu. Ông tiên phong phát minh ra một phương pháp sản xuất máy vi tính đã trở thành chuẩn mực đối với hầu hết các công ty sản xuất PC. Phương pháp này được gọi là “mô hình thức ăn nhanh”.
Thi Chấn Vinh đã học cách làm PC giống cách mà công ty thức ăn nhanh Burger King sản xuất bánh hamburger: điều chỉnh sản xuất phù hợp với các đơn hàng sắp có của khách hàng và quản lý cẩn thận việc cung cấp các linh kiện để qua đó có thể tận dụng hầu hết những linh kiện mới nhất. Phương pháp này đã giúp giảm chi phí và tăng tốc độ đưa những công nghệ mới nhất đến các kệ trưng bày của những cửa hàng.
Paul Otellini, Giám đốc điều hành của hãng Intel, từng có lần nói Thi Chấn Vinh là “nguyên nhân lớn quyết định vì sao PC của bạn chỉ có giá 1.000 USD thay vì 10.000 USD”. Ông ấy “đã nhìn thấy trước rằng mối quan hệ giữa những con chip giá rẻ với sản xuất hiệu quả rồi đây sẽ là nhân tố giúp phổ biến sức mạnh của máy vi tính tới quảng đại người dân như thế nào”.
Câu chuyện về Thi Chấn Vinh và Acer đã chứng minh một nhân tố chủ chốt nhưng thường bị bỏ qua trong Phép màu: khả năng phi thường của các nền kinh tế châu Á trong cuộc chơi đuổi bắt công nghệ với phương Tây. Trong một khoảng thời gian ngắn đáng kinh ngạc, Đài Loan đã xây dựng một ngành điện tử đẳng cấp thế giới đã và đang trở thành trung tâm sản xuất các sản phẩm công nghệ thông tin toàn cầu.
Năm 2005, các công ty Đài Loan chiếm khoảng 80% thị phần thiết bị kỹ thuật số hỗ trợ cá nhân (PDA), hơn 70% thị phần máy tính xách tay và 2/3 thị phần màn hình vi tính phẳng. Sự “bắt kịp” này thể hiện trong tất cả mọi “kẻ đi đầu” và ở khắp mọi ngành nghề khác nhau, từ sự tiến bộ nhanh chóng của Hàn Quốc trong lĩnh vực đóng tàu tới sự đổi mới của Sony trong lĩnh vực hàng điện tử tiêu dùng. Như Thi Chấn Vinh phát biểu: “Chúng tôi đã chứng minh rằng mình có thể phát triển công nghệ tiên tiến so với thị trường toàn cầu.”
Châu Á đã “bắt kịp” như thế nào? Những người khởi xướng “mô hình châu Á” cho rằng đó là nhờ vào hành động của chính phủ. Trường hợp của Đài Loan là một bằng chứng cho thấy có thể họ đã đúng. Dù các nhà kỹ trị Đài Loan không áp dụng toàn bộ “mô hình châu Á” giống như Hàn Quốc nhưng họ đã có công dẫn dắt sự phát triển của Đài Loan lớn hơn nhiều so với giới chức Anh tại Hồng Kông. Sự khác biệt về vai trò của nhà nước tại Đài Loan và Hồng Kông cho ta một cơ hội hiếm có để nghiên cứu tác động của “mô hình châu Á” lên sự tiến bộ của công nghiệp.
Xét về nhiều phương diện, nền kinh tế Đài Loan và Hồng Kông tương tự nhau. Cả hai đều có rất nhiều công ty quy mô nhỏ mà thường là do các doanh nhân khởi dựng. Cả hai đều phụ thuộc mạnh vào xuất khẩu và thu được nhiều lợi ích từ lĩnh vực kinh doanh của mình thông qua việc nhận làm dịch vụ gia công cho các công ty nước ngoài. Cả hai cũng phát triển ngành hàng điện tử tiêu dùng gần như ở cùng một thời điểm.
Tuy nhiên, qua nhiều năm, hai nền kinh tế này đi theo những hướng xa rời nhau. Các công ty của Đài Loan tiến bộ hơn trong sản xuất những sản phẩm công nghệ cao và thu hẹp khoảng cách với các đối thủ cạnh tranh Mỹ nhanh hơn nhiều so với các công ty của Hồng Kông. Các công ty tại Đài Loan cũng lành nghề hơn trong lĩnh vực thiết kế, nghiên cứu và phát triển sản phẩm.
Ngược lại, các công ty điện tử Hồng Kông vẫn duy trì mô hình kinh doanh ban đầu của mình ở mức độ lớn hơn, tức là vẫn dựa vào lao động giá rẻ và sự linh hoạt trong sản xuất thay vì dựa vào khả năng kỹ thuật. Có một sự khác biệt chủ chốt nằm ở chính sách của chính phủ. Các nhà kỹ trị Đài Loan đã đưa ra vô số chính sách giúp các công ty điện tử của hòn đảo này phát triển và tiếp thị các sản phẩm tiên tiến.
Câu chuyện về Acer sẽ cho thấy sự tương tác giữa các doanh nhân tháo vát như Thi Chấn Vinh với các nhà kỹ trị có đầu óc sáng tạo đã thúc đẩy nền kinh tế Đài Loan tiến tới công nghệ cao như thế nào. Ở Hồng Kông, giới công chức Anh thụ động hơn đã triển khai những chính sách nhìn chung là ủng hộ kinh doanh nhưng không hỗ trợ cho bất cứ ngành nghề cụ thể nào. Trong khi đó, tại Đài Loan, sự giúp sức thêm của nhà nước là lý do khiến cho cho ngành điện tử của hòn đảo này phát triển tiến bộ hơn của Hồng Kông.
Những người khởi xướng “mô hình châu Á” cho rằng hành động của nhà nước đã làm tăng tốc không chỉ tốc độ tăng trưởng của nhiều nền kinh tế châu Á áp dụng mô hình này mà còn góp phần vào sự chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế tới những ngành thâm dụng công nghệ nhiều hơn, có giá trị gia tăng cao hơn. Trong trường hợp của ngành điện tử Đài Loan, lập luận này có vẻ là đúng.
Tuy nhiên, một lần nữa, thật là sáng suốt khi thận trọng trong việc dành cho chính phủ quá nhiều lời khen ngợi, tán thành. Mặc dù các nhà kỹ trị Đài Loan đúng là đã tạo điều kiện cho các doanh nhân nước này bắt kịp công nghệ với phương Tây nhưng các doanh nhân giống Thi Chấn Vinh quả thực cũng phải làm việc cật lực. Ngay cả các quan chức đã hoạch định chính sách cho Đài Loan cũng chỉ nhìn nhận mình đóng vai trò đơn giản là người hỗ trợ cho các doanh nghiệp mà thôi.
Lý Quốc Đỉnh, một trong những nhà hoạch định chính sách hàng đầu của Đài Loan, đã phát biểu vào năm 1980 rằng “chính phủ đóng vai trò chủ chốt” trong Phép màu Đài Loan. Nhưng, ông này cũng nhanh chóng nói thêm “sở dĩ Đài Loan đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, bền vững trong sản xuất và xuất khẩu suốt 20 năm qua phần lớn là nhờ vào nỗ lực của khu vực kinh tế tư nhân”.
Thi Chấn Vinh trông không mấy giống một nhân vật chủ chốt có khả năng thành công trong câu chuyện phức tạp này. Với cặp mắt kính quá khổ và cách nói năng nhỏ nhẹ, từ tốn như một ông cụ, Thi Chấn Vinh giống như một giáo viên dạy hóa ở trường trung học hơn là một doanh nhân quyền lực. Vợ của ông, Diệp Tử Hoa, có lần viết rằng Thi Chấn Vinh “không bị ám ảnh với thức ăn ngon hay quần áo đẹp. Chồng tôi ăn bất cứ thứ gì có sẵn và mua quần áo giảm giá cho mình”.
Ông vẫn còn yêu thích trò thể thao khuấy động là đánh bóng bàn, một thói quen mà Thi Chấn Vinh có được từ thời học đại học. Lý Côn Diệu, Giám đốc điều hành công ty sản xuất hàng điện tử Đài Loan BenQ, một trong những nhân viên đầu tiên của Acer, đã mô tả Thi Chấn Vinh là người chân thật và ngay thẳng, “giống như một người đến từ nông thôn mà bạn cảm thấy rất niềm nở, nồng hậu, là kiểu người mà khi bạn không biết con đường nào dẫn tới nơi mình cần đến thì bạn có thể hỏi và anh ta sẽ chào đón bạn một cách rất nhiệt tình rồi cố gắng làm bất cứ điều gì mà anh ta có thể làm được để giúp đỡ bạn”.
Tuy vậy, trong suốt sự nghiệp của mình, Thi Chấn Vinh lại thể hiện một khả năng gần như là huyền bí trong việc phát hiện và lợi dụng những xu hướng mới trong lĩnh vực vi tính, trong việc nuôi dưỡng những công nghệ mới nhất của ngành này. Theo lời kể của Lý Côn Diệu, Thi Chấn Vinh “gần như dành toàn bộ thời gian của mình để nghĩ về kinh doanh”. Thi Chấn Vinh cho biết: “Sáng tạo ra giá trị mới là ý nghĩa của cuộc đời tôi”.
Thi Chấn Vinh sử dụng triết lý đơn giản này để thành lập công ty Acer (khi đó còn tên là Multitech) vào năm 1976. Ông thuyết phục ba nhà nghiên cứu khác của Qualitron cùng tham gia vào doanh nghiệp mới của mình và họ đã góp nhặt được 25.000 USD rồi chung lại với nhau làm vốn đầu tư. Số cổ phần 40% của Thi Chấn Vinh chủ yếu từ một khoản tiền mà mẹ ông đã đưa cho ông và được ông giữ làm tiền tiết kiệm.
Diệp Tử Hoa hơi bất ngờ trước việc mở công ty của chồng. Bà nhớ lại: “Tôi chưa bao giờ nghĩ chồng tôi sẽ mở công ty riêng của mình. Ông ấy rụt rè và không giỏi giao tiếp xã hội. Thời còn đi học, ông ấy cũng chẳng có tham vọng gì”. Tuy vậy, Diệp Tử Hoa vẫn ủng hộ chồng và trở thành người đồng sáng lập Acer. Bà đã từng làm một số công việc tính toán sổ sách cho công ty của cha mình nên bây giờ bà đảm trách giải quyết khâu tài chính kế toán.
Diệp Tử Hoa nói: “Họ không có đủ tiền để thuê một nhân viên kế toán”. Diệp Tử Hoa được chỉ định giữ chức “Chủ tịch Hội đồng quản trị”, một chức danh với nhiều trách nhiệm mà trong đó có cả việc lau chùi bậc cầu thang ở mặt tiền văn phòng. Nhóm làm việc, cả thảy là 11 người, chen chúc nhau trong một căn hộ rộng chừng 112 mét vuông được cải tạo thành một văn phòng làm việc và phòng thí nghiệm nghiên cứu để bắt đầu xây dựng cái mà Thi Chấn Vinh gọi là “doanh nghiệp tập thể”. Thi Chấn Vinh và Diệp Tử Hoa sống trong một căn hộ nhỏ ở tòa nhà sát bên cùng với ba đứa con nhỏ. Vì tiền bạc của công ty thiếu thốn nên Diệp Tử Hoa chẳng lấy một đồng lương nào trong suốt hai năm.
Tuy vậy, vào lúc đó, tiền bạc không phải là vấn đề bận tâm của những kỹ sư trẻ làm việc tại Acer, chẳng hạn như Lý Côn Diệu. Lần đầu tiên Lý Côn Diệu gặp Thi Chấn Vinh là khi anh nộp đơn tìm việc ở Qualitron. Lý Côn Diệu được gọi vào văn phòng của Thi Chấn Vinh để phỏng vấn nhưng Thi Chấn Vinh lại chuyển cuộc phỏng vấn thành một buổi thuyết giảng mở rộng về những điều kỳ diệu của bộ vi xử lý. Lý Côn Diệu trở nên thích thú với công nghệ này và thích Thi Chấn Vinh.
Anh vào làm việc cho Qualitron nhưng rồi chỉ vài tháng sau khi Thi Chấn Vinh thành lập Acer, Thi Chấn Vinh đã mời Lý Côn Diệu sang đầu quân cho bộ phận R & D của Acer. Mức lương khoảng 215 USD/tháng mà Thi Chấn Vinh trả cho Lý Côn Diệu chỉ bằng một nửa so với những gì mà anh có thể kiếm được ở bất kỳ một công ty nào khác. Nhưng, cũng giống như Thi Chấn Vinh, Lý Côn Diệu muốn làm một công việc “không có khuôn mẫu sẵn”, “có gì đó sáng tạo hơn.” Lý Côn Diệu tin Acer rất có tương lai.
Bất chấp sự khởi đầu nhỏ bé của công ty, Thi Chấn Vinh cũng nghĩ về một viễn cảnh tươi sáng của công ty trong tương lai, điều mà ông gọi là một “giấc mơ hóa rồng.” Acer không chỉ thành công lớn mà còn nâng xã hội Đài Loan và Trung Quốc lên cao cùng với nó. “Khi chúng ta còn nhỏ, các thầy cô giáo luôn luôn nói với chúng ta rằng người Trung Quốc vĩ đại như thế nào, nhưng không phải là ngày nay,” Thi Chấn Vinh nói.
“Giấc mơ hóa rồng là nhằm khẳng định chắc chắn rằng người Trung Quốc sẽ đóng góp nhiều hơn cho xã hội toàn cầu, nhằm khẳng định chắc chắn rằng chúng tôi không tụt lại ở đằng sau”. Bộ vi xử lý là câu trả lời. “Người Trung Quốc đã để lỡ cuộc Cách mạng công nghiệp đầu tiên. Điều này đã dẫn đến hậu quả là đất nước suy yếu.
Vì vậy cho nên không thể để vuột mất cơ hội một lần nữa”. Tại sao lại không dám suy nghĩ lớn lao như vậy? Ở Đài Loan, vào những năm 1970, bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra. Hòn đảo này đã dấn thân vào Phép màu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận