09/03/2011 09:52 GMT+7

Chuyện kể về những quả trứng vịt vá giấc mơ hóa rồng - kỳ 1

MICHAEL SCHUMAN
MICHAEL SCHUMAN

TTO - Tưởng Giới Thạch, lãnh đạo Quốc dân đảng Trung Quốc, đã nguệch ngoạc trong nhật ký của mình vào ngày 31/10/1949, ngày sinh nhật lần thứ 62: “Năm vừa qua là khoảng thời gian đen tối nhất và ảm đạm nhất trong cuộc đời tôi”. Cuộc nội chiến mà Tưởng đang tiến hành để chống lại lực lượng Đảng Cộng sản của Mao Trạch Đông hòng giành quyền kiểm soát Trung Quốc đang diễn biến xấu.

QBKlpJyu.jpgPhóng to
TTO - Tưởng Giới Thạch, lãnh đạo Quốc dân đảng Trung Quốc, đã nguệch ngoạc trong nhật ký của mình vào ngày 31/10/1949, ngày sinh nhật lần thứ 62: “Năm vừa qua là khoảng thời gian đen tối nhất và ảm đạm nhất trong cuộc đời tôi”. Cuộc nội chiến mà Tưởng đang tiến hành để chống lại lực lượng Đảng Cộng sản của Mao Trạch Đông hòng giành quyền kiểm soát Trung Quốc đang diễn biến xấu.

Quân đội của Quốc dân đảng liên tiếp hứng chịu một loạt thất bại thê thảm và đang bị đẩy lùi tới những vùng xa xôi của Trung Quốc. Người Mỹ, đồng minh chính của Tưởng Giới Thạch, đã bỏ rơi Tưởng. Tổng thống Mỹ Franklin Delano Roosevelt có lần đã từng nhìn nhận Tưởng Giới Thạch là đồng minh chủ chốt trong cuộc chiến chống lại Nhật Bản và là trụ cột trong trật tự thế giới sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Thế nhưng, đến cuối thập niên 1940, Washington đã chán ngấy với chế độ chuyên quyền, tham nhũng và sự chỉ huy quân sự sai lầm của Tưởng.

Joseph Stilwell “chanh chua”, một quan chức Mỹ được Washington cử sang làm Tổng tham mưu trưởng các lực lượng liên minh của Mỹ tại Trung Quốc trong suốt thời gian Chiến tranh Thế giới thứ II, đã từng có lần nói với Roosevelt rằng Tưởng Giới Thạch là “một tên du thủ du thực già nua, không đáng tin cậy, xảo quyệt và hay dao động”. Sau khi Roosevelt chết, lo sợ cuộc chiến của Tưởng Giới Thạch là một sự nghiệp thất bại, Tổng thống Mỹ Harry Truman đã hạn chế viện trợ cho Quốc dân đảng.

“Tất cả bọn họ, từng kẻ chết tiệt trong số đó, đều là phường trộm cắp,” Truman từng có lần than. Trong khi đó, Tưởng Giới Thạch vẫn ôm mộng có thể khôi phục lại cơ đồ của mình. Tưởng viết trong nhật ký: “Mình đã hứng chịu sự nhục nhã và thất bại nhưng mình không nên lo lắng, giận dữ; cũng không nên tự phụ... Khó khăn, nguy hiểm đang rình ở phía trước. Mình phải nâng cao cảnh giác để rồi có thể làm sống dậy Trung Quốc và tái lập nền cộng hòa.”

Điều đó đã không xảy ra. Ngày 1/12, quân của Đảng Cộng sản đánh chiếm Trùng Khánh, đại bản doanh thời chiến của Tưởng Giới Thạch. Quốc dân đảng quyết định bỏ chạy khỏi Trung Quốc đại lục và thành lập chính quyền mới tại hòn đảo Đài Loan. Ngày 10/12, Tưởng Giới Thạch đến sân bay ở Thành Đô, tỉnh lỵ của tỉnh Tứ Xuyên thuộc vùng tây nam Trung Quốc, lên một chiếc DC-4 để bay sang Đài Loan. Mây mù khiến cho viên phi công không thể định vị được bằng những chi tiết dưới mặt đất. Anh ta phải thực hiện phần lớn chặng đường bay thuê bằng bản năng của mình.

Tưởng Giới Thạch đáp xuống an toàn. Ông cùng với con trai là Tưởng Kinh Quốc nghỉ ngơi tại một khách sạn thuộc một trong những khu vực có cảnh vật đẹp nhất hòn đảo là Hồ Nhật Nguyệt. Theo như lời kể lại, trong khi tàn quân Quốc dân đảng hoặc đang đầu hàng lực lượng của Mao Trạch Đông hoặc chết trong nỗ lực kháng cự một sống một còn cuối cùng thì Tưởng Giới Thạch lại thuê một chiếc thuyền và đi câu cá. Tưởng Giới Thạch viết vào dịp lễ Giáng sinh: “Nếu mình có thể tiếp tục tham vọng của mình và thực hiện tham vọng đó, mình cần phải nhận ra rằng nhiệm vụ và lịch sử mới nên bắt đầu từ ngày hôm nay”.

Những lời này chứng tỏ là có giá trị tiên đoán nhưng không phải theo cách mà Tưởng Giới Thạch đã tưởng tượng. Tưởng Giới Thạch dự kiến chỉ nhất thời tạm lánh sang tại Đài Loan, chờ cơ hội để tập hợp lại lực lượng, tái vũ trang và phát động một cuộc chiến mới giành lại toàn bộ Trung Quốc. Hi vọng đó hoàn toàn là một điều tưởng tượng viển vông vào thời điểm Tưởng Giới Thạch đi câu cá trên Hồ Nhật Nguyệt.

Lực lượng bị tiêu hao của Tưởng có rất ít hi vọng đánh lại được Hồng quân của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong khi Washington thì kiểm soát chặt Tưởng vì lo ngại một cuộc xâm lấn như vậy có thể sẽ làm cho Chiến tranh lạnh trở thành nóng. Thay vào đó, Tưởng Giới Thạch ở lại hòn đảo nhỏ và lãnh đạo chính quyền mới của mình với tư cách là một nhà độc tài trong hơn 25 năm. Quốc dân đảng bắt đầu thực hiện điều mà họ đã có rất ít cơ hội làm được trong quá khứ: điều hành một chính quyền trong bối cảnh tương đối hòa bình.

Họ tỏ ra khá giỏi về việc này. Xây dựng nền kinh tế là ưu tiên hàng đầu ngay từ khi mới hình thành chính quyền mới. Khoảng 1,6 triệu người tị nạn, trong đó có vài trăm nghìn binh lính Quốc dân đảng chạy qua Eo biển Đài Loan, để trốn chạy khỏi sự truy đuổi của Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa. Tất cả cần phải được tái định cư. Lạm phát diễn ra dữ dội và lương thực thì khan hiếm. Chỉ dựa vào kinh nghiệm lãnh đạo trong quá khứ, nên Quốc dân đảng lúng túng đối phó với những vấn đề nghiêm trọng như vậy.

Khi còn ở đại lục, nền tảng kiến thức về kinh tế của Tưởng Giới Thạch rất mỏng và từng dẫn dắt nhiều khu vực của Trung Quốc tới bờ vực sụp đổ tài chính. Nhưng Tưởng Giới Thạch đã rút ra bài học cho riêng mình. Nạn tham nhũng tràn lan trong giới chức của Tưởng và tình trạng thống khổ của người dân nghèo Trung Quốc dưới quyền cai trị của Tưởng đã đẩy hàng triệu người ngả theo lý tưởng công bằng của Đảng Cộng sản do Mao Trạch Đông lãnh đạo; làm suy yếu khả năng và tinh thần chiến đấu của quân đội Quốc dân đảng.

Với suy nghĩ rất giống với Park Chung Hee của Hàn Quốc, tại Đài Loan, Tưởng Giới Thạch nhận ra rằng thành công của chế độ do mình lãnh đạo sẽ phụ thuộc vào tiến bộ kinh tế. Tưởng tự tách mình ra khỏi các quyết sách kinh tế và nhường nó lại cho một nhóm các nhà kỹ trị.

Người đầu tiên trong số những nhà kỹ trị này là Lý Quốc Đỉnh, người mà Thi Chấn Vinh mô tả là “có tầm nhìn xa trông rộng.” Lý Quốc Đỉnh sinh năm 1910 tại Nam Kinh, Trung Quốc. Cha Lý Quốc Đỉnh làm nghề sản xuất ống điếu. Chịu ảnh hưởng bởi những cảm hứng nguyên sơ của chủ nghĩa dân tộc, Lý Quốc Đỉnh chọn con đường trở thành nhà vật lý vì cho rằng sở dĩ Trung Quốc yếu kém so với phương Tây là do nước này đã để cho mình tụt hậu trong khoa học.

Nhận được một học bổng, Lý Quốc Đỉnh sang học tại trường đại học Cambridge (Anh) vào năm 1934. Nhưng, khi cuộc chiến tranh Trung-Nhật nổ ra sau đó 3 năm, Lý Quốc Đỉnh tự cảm thấy xấu hổ trước việc mình ung dung học tập tại nước ngoài trong khi phong trào chống Nhật trong nước đang diễn ra sôi nổi nên quyết định ngưng việc học tập và vội quay trở về nước. Trong suốt thời gian diễn ra chiến tranh, ông làm nhiệm vụ sửa chữa các loại vũ khí phòng không và ô tô cho lực lượng Quốc dân đảng.

Sau đó, ông trở thành nhà quản lý một nhà máy thép rồi tiếp theo là nhà điều hành các công ty đóng tàu tại Thượng Hải và Đài Loan sau khi Nhật đầu hàng. Thành công của Lý Quốc Đỉnh trong vai trò là nhà điều hành các doanh nghiệp quốc doanh này đã dẫn dắt sự nghiệp của ông đến chỗ trở thành một nhà kỹ trị. Năm 1953, ông được bổ nhiệm vào Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp (ITRI) của Đài Loan. Viện này chịu trách nhiệm kiến tạo một nền kinh tế hiện đại cho hòn đảo nhỏ bé.

Trong suốt 40 năm tiếp theo, qua nhiều vị trí khác nhau, Lý Quốc Đỉnh cùng với một nhóm được tuyển lựa gồm những công chức có quan điểm giống nhau đã lèo lái nền kinh tế bằng tính thực dụng và mưu mẹo, gạt bỏ nhiều chiến lược cũ và khéo léo áp dụng những chiến lược mới khi nền kinh tế Đài Loan thay đổi và đi lên, rất giống với cách thức mà Lý Quang Diệu đã làm tại Singapore. Phần nhiều sự chịu đựng ngoan cường không nao núng của Lý Quốc Đỉnh xuất phát từ niềm tin tôn giáo. Là một tín đồ Thiên chúa giáo sùng đạo, ông đọc kinh thánh mỗi ngày và hằng đêm cùng vợ quỳ gối bên cạnh giường ngủ cầu nguyện thật lâu.

Lý Quốc Đỉnh là nhân vật tiêu biểu đại diện cho nhiều nhà hoạch định chính sách hàng đầu của Đài Loan. Ông không có nền tảng kiến thức của một nhà kinh tế thực sự. Đôi khi, nhóm hoạch định kinh tế của hòn đảo này dường như chẳng có một kế hoạch hành động dài hạn và rõ ràng nào. Về sau Lý Quốc Đỉnh viết: “Vào đầu những năm 50, chúng tôi không đưa ra được bất cứ thứ gì giống như cái mà sau này tôi gọi là chiến lược toàn diện”.

Giống như Lý Quang Diệu và các trợ lý của ông này tại Singapore, nhóm kinh tế của Đài Loan thường tránh xa việc gắn mình quá chặt với một học thuyết kinh tế bất kỳ. Lý Quốc Đỉnh viết: “Việc nghiên cứu tư tưởng là tốt nhưng quá nhiều cái tốt lại hóa thành dở và rồi thiệt hại do mục đích võ đoán biện minh cho phương tiện gây ra sẽ không bao giờ chấm dứt.”

Tuy nhiên, có một học thuyết mà họ vẫn cố gắng trung thành triệt để là cương lĩnh của Tôn Dật Tiên, người sáng lập ra Quốc dân đảng. Là một anh hùng cách mạng có lực lượng đi theo ủng hộ đã góp phần lật đổ chế độ phong kiến cuối cùng của Trung Quốc vào năm 1911, Tôn Dật Tiên, kỳ lạ thay, lại được cả hai phía Đảng Cộng sản và Quốc dân đảng sùng kính và tự nhận mình là lớp hậu sinh thực sự của ông.

Tôn Dật Tiên đã soạn thảo ra một cương lĩnh thể hiện tư tưởng chính trị của mình trong 3 nguyên lý của chủ nghĩa Tam dân. Một trong 3 nguyên lý đó là “chủ nghĩa dân sinh”, chủ trương kết hợp chủ nghĩa tư bản đã bị kiểm soát, hạn chế với chủ nghĩa xã hội có sự lãnh đạo của nhà nước thành con đường đi tới thịnh vượng. Tôn Dật Tiên cho rằng chính phủ phải có trách nhiệm đưa nhân dân thoát khỏi đói nghèo bằng cách đảm bảo cho họ có cơm no, áo ấm và nhà cao cửa rộng.

Ông lập luận, để làm được điều đó, nhà nước phải đạt được sự phát triển tổng thể ở qui mô quốc gia. Khái niệm nhà nước phải can thiệp, có nhiệm vụ bảo vệ người dân bị áp bức là một sự thoát ly cấp tiến khỏi triều đình bàng quan, xa rời nhân dân của chế độ phong kiến suy yếu tại Trung Quốc. Theo Lý Quốc Đỉnh, lời dạy của Tôn Dật Tiên “đã đem lại cho Đài Loan không chỉ một khung cơ cấu mà còn gán cho chính phủ nhiệm vụ phải đạt được một mục tiêu: “cải thiện đời sống của nhân dân’”.

Quốc dân đảng theo đuổi nhiệm vụ đó với một sự hào hứng. Điểm cốt yếu trong chương trình của Tôn Dật Tiên là cấp đất cho nông dân nghèo nhằm giảm đói nghèo ở khu vực nông thôn. Đầu năm 1949, chính quyền của Tưởng Giới Thạch đưa ra một chính sách cải cách ruộng đất táo bạo ở Đài Loan.

Quốc dân đảng bán đất công cho nông dân và tái phân bổ ruộng điền thuộc sở hữu của các địa chủ lớn cho các nông hộ nhỏ. Số lượng nông dân sở hữu ruộng đất tăng lên đáng kể và thu nhập của họ cũng tăng theo. Trần Thành, tỉnh trưởng tỉnh Đài Loan, người đã đấu tranh cho chương trình này, về sau viết rằng “chỉ có cải cách ruộng đất mới đem lại sự ổn định xã hội, đời sống nhân dân được cải thiện và phát triển kinh tế”.

Trần Thành không cường điệu. Việc nâng cao mức sống nông thôn giúp hình thành một thị trường có sẵn cho hàng hóa sản xuất ra, tạo một nguồn tiết kiệm dành cho đầu tư, tạo lập một nền tảng cho bước đi kinh tế tiếp theo của Đài Loan là công nghiệp hóa. Với suy nghĩ rất giống Park Chung Hee của Hàn Quốc, Tưởng Giới Thạch và nhóm kinh tế của mình đánh đồng công nghiệp với độc lập và quyền lực.

Quốc dân đảng tin rằng một nền kinh tế công nghiệp hóa là điều cần thiết để bảo vệ Đài Loan trước Trung Quốc đại lục, cũng giống như Park cho rằng phát triển là yếu tố quyết định khả năng phòng thủ của Hàn Quốc trước sự tấn công của CHDCND Triều Tiên. Hơn nữa, Tưởng Giới Thạch muốn biến Đài Loan thành “một tỉnh mẫu điển hình” tỏa sáng hơn, làm tốt hơn Trung Quốc đại lục; chứng minh rằng sự cầm quyền của Tưởng có giá trị hơn sự lãnh đạo của Mao.

Một lần nữa, lời dạy của Tôn Dật Tiên lại chỉ ra con đường tiến lên phía trước. Theo ông, nhà nước nên đóng vai trò lãnh đạo trong phát triển tại một quốc gia nghèo đói. Trong một bài diễn thuyết năm 1924, Tôn Dật Tiên nói: “Hàng hóa được sử dụng ở khắp Trung Quốc phụ thuộc vào sự sản xuất và giao thông tại các nước khác. Hậu quả là, các quyền lợi và lợi ích kinh tế của chúng ta đang mất đi một cách dễ dàng. Nếu chúng ta muốn khôi phục lại những quyền lợi và lợi ích này, chúng ta phải nhanh chóng tận dụng quyền lực của nhà nước để thúc đẩy công nghiệp, sử dụng máy móc trong sản xuất và tạo việc làm cho công nhân trên toàn đất nước”. Nhóm chính sách của Đài Loan hết sức nghe theo lời dạy bảo này. Suốt 40 năm sau, chính quyền Đài Loan đã chỉ đạo, nâng đỡ và thúc đẩy công nghiệp.

Ban đầu, Quốc dân đảng áp dụng những chính sách thay thế xuất khẩu truyền thống bằng cách thúc đẩy các lĩnh vực như phân bón, xi măng và dệt sợi đằng sau những hàng rào thuế quan cao ngất. Chiến lược đó tạo ra sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất định vào những năm 50 nhưng chương trình sau đó nhanh chóng hết hơi. Thị trường nội địa nhỏ bé của Đài Loan không đủ sức tự thân nâng đỡ cho một ngành công nghiệp quy mô lớn.

Nền kinh tế Đài Loan trở nên bão hòa bởi sự sản xuất quá mức. Thậm chí, tình hình còn trở nên rắc rối, nan giải hơn đối với Quốc dân đảng khi nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào viện trợ của Mỹ. Từ năm 1951 đến năm 1965, Mỹ đã chi cho Đài Loan 4 tỉ USD, tài trợ 40% cho nhập khẩu và đầu tư của hòn đảo này. Vào cuối thập niên 50, Lý Quốc Đỉnh và những thành viên năng nổ trong nhóm của mình đã dẫn dắt Đài Loan đi theo một hướng mới: tiến tới mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu mà người Nhật Bản đã làm cho nổi tiếng.

Mỹ đã bị lôi sâu vào trong quá trình thay đổi này. Năm 1958, Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles thăm Đài Loan và ký một thỏa thuận với chính quyền hòn đảo này. Theo đó, Quốc dân đảng đồng ý tập trung vào phát triển kinh tế thay vì quan tâm đến việc giành lại Trung Quốc đại lục bằng quân sự. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ gắn điều kiện tiếp tục viện trợ kinh tế với đòi hỏi Đài Loan phải thực hiện cải cách xây dựng nền kinh tế thị trường.

Một trong những người ủng hộ thẳng thắn nhất đối với chủ trương xây dựng một nền kinh tế Đài Loan cởi mở hơn là Wesley Haraldson, lãnh đạo bộ phận quan hệ với Trung Quốc trực thuộc Cơ quan An ninh tương hỗ Hoa Kỳ. Ông này đã công khai đả kích chính quyền Tưởng Giới Thạch chi tiêu quá mức cho quân sự nhưng lại đạt thành tích tồi tệ trong việc khuyến khích đầu tư tư nhân. Nhiều nhà hoạch định chính sách Đài Loan lấy làm khó chịu trước những lời lẽ tấn công của Haraldson nhưng cuối cùng, Lý Quốc Đỉnh và các đồng nghiệp cũng nghe theo nhiều lời khuyên của ông.

Bắt đầu vào cuối thập niên 50, chính quyền Đài Loan giới thiệu một loạt các cuộc cải cách sâu rộng tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu. Những cuộc cải cách này đã tạo ra một hệ thống tiền tệ mới và đem đến cho các nhà xuất khẩu những chính sách khuyến khích thuế và những khoản vay lãi suất thấp. Đài Loan bắt đầu áp dụng nhiều khía cạnh của “mô hình châu Á” và những bước đi này đã mở đường cho Phép màu của hòn đảo.

Yếu tố đổi mới quan trọng nhất do các nhà hoạch định chính sách Đài Loan đưa ra là khái niệm khu chế xuất (export-processing zone – EPZ), một hình ảnh sẽ xuất hiện nổi bật trong câu chuyện này về sau. Các nhà hoạch định chính sách đã qui hoạch những khu vực địa lý cụ thể được phép có cơ chế quản lý và điều hành riêng nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà xuất khẩu. Các công ty mở tại EPZ được hưởng nhiều đặc quyền, chẳng hạn như được miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu thô và được đơn giản hóa các thủ tục đầu tư. Đổi lại, họ phải xuất khẩu 100% hàng hóa sản xuất của mình.

Thị trường nội địa vốn bị nhà nước can thiệp mạnh tay hơn rất nhiều vẫn tiếp tục được bảo hộ. Để ngăn chặn chuyện buôn lậu, chính quyền đã vây các EPZ với tường rào, tháp canh và lính gác. Xét theo phương diện này, các EPZ là một sự thử nghiệm hoạt động kinh doanh trong môi trường chủ nghĩa tư bản tự do, một thử thách gắt gao đối với chính sách cấp tiến trong nền kinh tế chịu sự chỉ đạo của nhà nước. Mặc dù ngày nay các EPZ nghe có vẻ như đơn giản và hợp lý nhưng vào lúc đó, khái niệm này đầy tính tiến bộ.

Lý Quốc Đỉnh hồi tưởng: “Đã có ý kiến thành thật lo ngại rằng Đài Loan đang nhường chủ quyền của mình trong các khu chế xuất cho các nhà đầu tư nước ngoài dưới danh nghĩa là thương mại và đầu tư.” EPZ ban đầu được các nhà kỹ trị có đầu óc tự do hơn của Đài Loan nghĩ đến chuyện thành lập từ năm 1956. Tuy nhiên, phải mất đúng 10 năm sau, khu chế xuất đầu tiên đặt tại cảng Cao Hùng ở phía nam Đài Loan mới được mở cửa. Ngay lập tức, nó đã hoạt động thành công. Chỉ trong vòng 2 năm, 128 công ty đã đồng ý mở nhà máy trong khu chế xuất, vượt xa sự mong đợi của chính quyền Đài Loan. Hai EPZ khác tiếp tục được khai trương sau đó.

Các EPZ là một phần trong chiến dịch thu hút đầu tư nước ngoài vào khu vực sản xuất. Các công ty đa quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành điện tử của Đài Loan vào giai đoạn ban đầu. RCA, Zenith, Philips và Texas Instruments nằm trong số những nhà đầu tư sớm nhất. Trong thời gian từ năm 1963 đến năm 1972, xuất khẩu của Đài Loan đã tăng 9 lần.39 Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông và Singapore trở nên nổi tiếng là bốn Con rồng châu Á, hay gọi theo các nhà kinh tế học là những nền kinh tế công nghiệp mới (newly industrialized economies - NIE).

Tuy nhiên, vào cuối thập niên 60, với những “ăngten” vươn ra dò bắt sự thay đổi, Lý Quốc Đỉnh và các đồng nghiệp nhận ra rằng Đài Loan cần phải điều chỉnh lại hướng đi của họ một lần nữa. Lương nhân công tăng làm cho những ngành công nghiệp xuất khẩu thâm dụng lao động như dệt sợi trở nên kém cạnh tranh hơn.

Các nhà kỹ trị nhận thấy cần thiết phải chuyển hướng sang những ngành sản xuất phức tạp hơn để chống đỡ được sự tăng cao tiền lương nhân công. Công nghệ có vẻ như là đáp án cho bài toán này. Lý Quốc Đỉnh và các nhà kỹ trị của ông bắt đầu dồn sức phát triển các ngành kỹ thuật của Đài Loan. Nỗ lực của họ khuyến khích mối quan hệ hợp tác kiểu “mô hình châu Á” giữa chính quyền và doanh nghiệp.

Lý Quốc Đỉnh có lần nói: “Thông qua nỗ lực chung của chính quyền, ngành công nghiệp và hệ thống giáo dục, chúng tôi hi vọng sẽ tạo ra được một môi trường mà trong đó khoa học và công nghệ có thể phát triển mạnh một cách tự nhiên, đem lại lợi ích ngày càng lớn cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao và cho toàn xã hội”. Thi Chấn Vinh đã thành lập công ty trong căn hộ chật hẹp ở Đài Bắc vào đúng thời điểm này.

MICHAEL SCHUMAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên