01/05/2016 10:40 GMT+7

Chuyện kể sau 41 năm...

SĨ HUYÊN - HUY ĐĂNG (sihuyenho@tuoitre.com.vn)
SĨ HUYÊN - HUY ĐĂNG (sihuyenho@tuoitre.com.vn)

TT - Với các cựu tuyển thủ thể thao miền Nam, ngày 30-4-1975 chính là cột mốc đổi đời với họ.

Ông Nguyễn Trung Hinh (trái) về nhì ở cự ly 100m tại Giải vô địch điền kinh toàn quốc năm 1976 trên sân Hàng Đẫy - Ảnh: SĨ HUYÊN chụp lại
Ông Nguyễn Trung Hinh (trái) về nhì ở cự ly 100m tại Giải vô địch điền kinh toàn quốc năm 1976 trên sân Hàng Đẫy - Ảnh: SĨ HUYÊN chụp lại

Hồi tưởng lại chặng đường 41 năm, cựu tuyển thủ Hồ Thanh Cang, 73 tuổi, từng đoạt HCB SEAP Games (nay là SEA Games) 1973 nói: “Đến giờ này, tôi cứ nghĩ đó là một giấc mơ. Mọi chuyện thay đổi quá đột ngột”.

Cả nhà chung một màu áo

Ông Cang kể: “Sau gần ba tuần sang Thái Lan dự giải bóng đá quốc tế, chiều 25-4-1975, đội tuyển miền Nam về đến Sài Gòn và vài hôm sau, đời cầu thủ của tôi sang trang mới. Không còn chơi cho đội Không Quân, nhiều anh em rủ nhau về đầu quân cho đội Hải Quan. Sau bốn tháng tập luyện, chiều 2-9-1975 Hải Quan đến sân Thống Nhất đá với đội Ngân Hàng (3-1, ông Cang ghi hai bàn). Trận cầu đầy ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh đầu tiên cả nước thống nhất. Trên khán đài danh dự ngày ấy có Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam - cố luật sư Nguyễn Hữu Thọ.

Thú vị là lúc ấy bốn anh em tôi (Hồ Thanh Hưng, Hồ Thanh Chinh, Hồ Thanh Cang và Hồ Thanh Dũng) cùng chung màu áo Hải Quan, trong đó anh Hưng vừa là cầu thủ kiêm luôn HLV trưởng. Năm 1976, Hải Quan vô địch Giải Cửu Long (dành cho các đội từ TP.HCM xuống miền Tây và miền Đông Nam bộ). Năm 1977, Hải Quan được chọn làm nòng cốt thi đấu với Thiên Tân (Trung Quốc) - trận cầu giao hữu quốc tế đầu tiên diễn ra trên sân Thống Nhất sau 30-4-1975. Hải Quan hạ “đo ván” Thiên Tân 4-1, trong đó có hai bàn thắng của tôi...”.

Ngược xuôi khắp mọi miền đất nước

“Nếu không có ngày 30-4 lịch sử ấy thì dân đá bóng tụi tôi làm gì có cơ hội đi khắp mọi miền đất nước để đá bóng, cống hiến cho người hâm mộ lối chơi đậm chất kỹ thuật và hào hoa làm nên thương hiệu Cảng Sài Gòn lừng danh một thời”. Cựu danh thủ Lê Văn Tư (Tư Lê, 74 tuổi, HCB SEAP Games 1973) nói vậy về bước ngoặt trong đời cầu thủ của mình.

Ông kể: “Sau ngày đất nước thống nhất, tôi và Tam Lang được lãnh đạo đội Hải Quan mời về đá. Dù đã nhận lời nhưng chúng tôi rút lui ngay ở ngày đầu tiên vì một số lý do cảm thấy không phù hợp. Sau đó tụi tôi đi thẳng sang Cảng Sài Gòn để đầu quân.

Năm 1980, tôi được chọn ra Hà Nội theo học lớp HLV quốc tế do giảng viên Liên Xô dạy trong một tháng rưỡi. Trở về CLB, dù được chỉ định làm trợ lý HLV nhưng khi ấy, do đội CSG thiếu tiền đạo nên tôi xin đá tiếp cho đến năm 1983 thì giải nghệ vì lớn tuổi. Tuy thu nhập của đời cầu thủ không nhiều nhưng tôi rất “giàu” nhờ quen biết bạn bè khắp đất nước qua những chuyến đi thi đấu. Đó là cái “giàu” thật sự mà dù có tiền muôn bạc vạn cũng không mua được...”.

Võ sư Hồ Tường (phải) biểu diễn đòn đá bay khi võ cổ truyền được cho phép hoạt động trở lại vào năm 1979 - Ảnh: Huy Đăng chụp lại
Võ sư Hồ Tường (phải) biểu diễn đòn đá bay khi võ cổ truyền được cho phép hoạt động trở lại vào năm 1979 - Ảnh: Huy Đăng chụp lại

Hạnh phúc với con đường thể thao

Môn điền kinh ở miền Nam thời điểm 1975 có 8 lực sĩ quốc gia (tương đương với đẳng cấp kiện tướng sau này) và ông Nguyễn Trung Hinh (60 tuổi, vô địch 100m, 200m và 400m) là một trong tám người ấy. Lúc đó, ông Hinh đang tập luyện trong Biệt đoàn thể thao (gần giống như Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia ngày nay) và là sinh viên năm nhất của hai trường đại học Vạn Hạnh (khoa báo chí), Nông lâm súc (khoa chăn nuôi).

Ông Hinh kể: “Tôi là con út trong nhà nên được miễn đi quân dịch, chỉ chuyên tâm ăn học và chơi thể thao. Trong lớp học, do có nhiều bạn hoạt động phong trào nên ít nhiều tôi cũng biết đôi chút về cách mạng. Vì vậy, tôi cũng không quá âu lo về những lời đồn thổi. Ngày ấy gia đình có điều kiện nhưng tôi khước từ việc ra đi như nhiều bè bạn khác vì tâm niệm rằng chiến tranh đã qua, mình là dân thể thao cần có chỗ có nơi để thi tài.

Vài tháng sau ngày 30-4, tôi được cán bộ TDTT từ miền Bắc vào gọi tập luyện trở lại trên sân Tao Đàn. Suốt từ năm 1976 cho đến ngày nhận quyết định nghỉ hưu, tôi vừa đi học trung cấp rồi đại học TDTT, vừa đi thi đấu, huấn luyện (ông Hinh từng đào tạo nhiều VĐV nổi tiếng, trong đó có hai kỷ lục gia 400m của VN là Trịnh Đức Thanh và Nguyễn Thị Hoàng Thủy) rồi theo học tiếp các lớp HLV, lớp quản lý tổ chức thi đấu điền kinh ở nước ngoài. Nghiệm lại chặng đường hơn bốn thập niên qua, tôi hạnh phúc và tự hào khi thấy mình đã có quyết định đúng đắn là ở lại với đất nước để cống hiến cho nghiệp thể thao...”.

Một đời gắn với nghiệp bơi

Ngày 30-4-1975 cũng là lúc sự nghiệp của tay bơi 21 tuổi Đỗ Như Minh ở trong giai đoạn rực rỡ nhất. Hai năm trước đó, ông Minh đoạt HCB SEAP Games 1973 ở nội dung bơi 100m bướm.

Ông Minh kể: “Sau ngày 30-4, trung tâm bơi lội Yết Kiêu, nơi tập luyện của đội tuyển bơi, bị đóng cửa nên các VĐV bọn tôi cũng bơ vơ do không có nghề nghiệp gì. Lúc ấy nhiều người khuyên tôi đi nước ngoài, có người thân còn bảo lãnh tôi đi Pháp. Tuy nhiên tôi nhất quyết ở lại vì muốn tiếp tục cống hiến cho thể thao nước nhà. Suốt năm 1975, tôi lang thang khắp các hồ bơi trong Sài Gòn, vừa tập luyện vừa nghe ngóng chờ đợi một quyết định của lãnh đạo ngành thể thao. Khi ấy cũng sốt ruột, lo lắng lắm!”.

Và rồi sự nhẫn nại của ông Minh cũng được đền đáp. Sau Tết dương lịch năm 1976, đội tuyển bơi lội được thành lập trở lại. “Tôi vẫn nhớ rất rõ ngày đó, hơn 100 VĐV tề tựu ở CLB thể thao Sài Gòn (nay là Cung văn hóa Lao động). Chúng tôi được cho bơi thử để kiểm tra trình độ và khi ấy ai cũng háo hức dốc hết bản lĩnh để thể hiện trình độ. Từ đây, tôi được trở lại nghiệp VĐV và ba năm sau mới giải nghệ”.

Bên cạnh đó, quyết định của ông Minh còn để lại một “món quà” tuyệt vời cho làng quần vợt VN khi con trai ông - Đỗ Minh Quân sau này trở thành tay vợt xuất sắc của quần vợt VN trong suốt một thập niên với thành tích giành 10 chức vô địch quốc gia.

Hai anh em Hồ Thanh Chinh - Hồ Thanh Cang (phải) từng khoác chung màu áo đội tuyển bóng đá miền Nam tại SEAP Games 1973 rồi đội Hải Quan sau ngày 30-4-1975 - Ảnh: Sĩ Huyên
Hai anh em Hồ Thanh Chinh - Hồ Thanh Cang (phải) từng khoác chung màu áo đội tuyển bóng đá miền Nam tại SEAP Games 1973 rồi đội Hải Quan sau ngày 30-4-1975 - Ảnh: Sĩ Huyên

3 năm chờ đợi và 500 chữ tâm huyết

Trước 1975, nhiều người biết đến gia đình của võ sư Hồ Văn Lành (thường gọi là Từ Thiện, đã qua đời) cùng con trai Hồ Tường (nay 62 tuổi) với môn phái Tân Khánh Bà Trà nổi danh. Những năm đầu thập niên 1970, lò võ của nhà họ Hồ có lúc lên đến 500 võ sinh. Nhưng sau ngày giải phóng, lớp võ cạn kiệt dần. Từ chỗ quy tụ hàng trăm người mỗi buổi tập, lò võ nơi đây chỉ còn lèo tèo mười mấy hai mươi người chủ yếu là những môn sinh thân tín nhất của võ sư Hồ Văn Lành.

Võ sư Hồ Tường kể: “Những năm đó, gia đình chúng tôi vừa hoang mang và buồn bã. Buồn không chỉ vì thu nhập gia đình giảm mà còn vì nguy cơ thất truyền của môn phái. Ngày đó anh em chúng tôi chỉ biết “bế quan tu luyện” chứ không ai thu nhận thêm môn sinh”.

Sau đó ba năm, lãnh đạo TP.HCM phát động phong trào khuyến khích người dân đóng góp ý kiến để cải tiến xã hội, điển hình nhất là mục “Những điều cần làm ngay” của báo Sài Gòn Giải Phóng. Ông Hồ Tường nói: “Khi đó, tôi viết một bài dài 500 chữ gửi cho báo Sài Gòn Giải Phóng, bày tỏ nguyện vọng phong trào võ thuật cần được khuyến khích phát triển trở lại. Thật may là bài đó được đăng”.

Và một năm sau, phong trào võ thuật được khôi phục trở lại. Góp ý của võ sư Hồ Tường đã đóng góp một phần nhất định vào sự trở lại của phong trào luyện võ. Kể từ đó, những lớp học của võ phái Tân Khánh Bà Trà lại sáng đèn hằng đêm.

“Không có ngày 30-4, tôi đã bỏ nghiệp bóng bàn”

Cựu danh thủ Lê Văn Tiết bên những kỷ vật và huy chương một thời thi đấu - Ảnh: Huy Đăng
Cựu danh thủ Lê Văn Tiết bên những kỷ vật và huy chương một thời thi đấu - Ảnh: Huy Đăng

Đó là một bất ngờ vì tượng đài hàng đầu của làng banh nhựa VN, người từng được xếp vị trí thứ 6 thế giới vào năm 1959, cựu tay vợt bóng bàn Lê Văn Tiết tình cờ quay trở lại với niềm đam mê của mình sau ngày 30-4 lịch sử. Nói vậy bởi trước đó ông Tiết đã gác vợt vào năm 1970 ở tuổi 31 và chuyển hẳn sang làm việc trong quân đội Việt Nam Cộng hòa thời bấy giờ.

Sau ngày 30-4, ông Tiết đi học tập cải tạo ba năm. “Ngày ấy, ở nơi học tập cải tạo, do mọi người biết tên tuổi của tôi nên trong các buổi tập luyện thể thao, tôi được mời ra để dợt banh. Dần dà tôi giống như kiêm luôn vị trí HLV bóng bàn ở đây” - ông Tiết kể lại.

Trở về sau khi học tập cải tạo, ông Tiết lập tức nhận được lời mời về làm công tác huấn luyện cho Trung tâm TDTT quận Tân Bình (TP.HCM). Vậy là từ chỗ đã giã từ nghiệp bóng bàn, ông Tiết trở lại với đam mê của mình trên cương vị HLV mà ông chưa từng nghĩ đến trước đây.

Suốt tám năm sau đó, ông Tiết gắn với đội bóng bàn quận Tân Bình trước khi chuyển sang dẫn dắt đội Công An Nhân Dân giai đoạn 1986-1990 rồi mới giải nghệ hẳn. Trong 12 năm đó, ông Tiết đào tạo ra hàng loạt những cái tên lừng lẫy cho bóng bàn VN như các tay vợt Trương Thới Nhiệm, Lý Minh Triết, chị em Trần Lê Mỹ Linh, Trần Lê Khánh Linh, Lê Ngọc Phương Lan (con gái ông Tiết)...

“Nếu không có ngày 30-4-1975, chắc tôi đã chia tay với bóng bàn hẳn rồi” - ông Tiết xúc động nói.

SĨ HUYÊN - HUY ĐĂNG (sihuyenho@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên