10/01/2004 06:09 GMT+7

Chuyển hóa độc quyền nhà nước sang doanh nghiệp

QUANG THIỆN
QUANG THIỆN

TT - Độc quyền đã gây ra biết bao phiền toái và thiệt hại cho người tiêu dùng. Đáng ngạc nhiên là trong xu thế hội nhập và đẩy mạnh cải cách thể chế, xu hướng độc quyền chẳng những không giảm mà còn biến hóa từ độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp.

Ion146gh.jpgPhóng to
Bưu chính viễn thông là một ngành còn nhiều độc quyền, khách hàng chưa có nhiều lựa chọn - Ảnh: N.C.T.
TT - Độc quyền đã gây ra biết bao phiền toái và thiệt hại cho người tiêu dùng. Đáng ngạc nhiên là trong xu thế hội nhập và đẩy mạnh cải cách thể chế, xu hướng độc quyền chẳng những không giảm mà còn biến hóa từ độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp.

Hai trong một”!

Một thành viên trong ban soạn thảo Luật cạnh tranh và chống độc quyền nói: ở những nền kinh tế duy trì độc quyền nhà nước trong lĩnh vực viễn thông thì Luật viễn thông của họ thường chia lĩnh vực này làm hai dạng doanh nghiệp (DN): cung cấp hạ tầng và cung cấp dịch vụ.

Như vậy là đường trục điện thoại hay Internet sẽ do một DN độc quyền (có thể là doanh nghiệp nhà nước - DNNN) nắm giữ. DN này không tham gia kinh doanh dịch vụ, được tách riêng quyền lợi với các DN cung cấp dịch vụ và được một bộ luật chuyên ngành quản lý, giám sát.

Khi đó, các DN cung cấp dịch vụ đấu nối vào đường trục được thực hiện công bằng và vô tư theo những điều luật công khai...

Ở VN trước đây chỉ có hai dạng DN là DNNN hoặc DN cổ phần mà Nhà nước chiếm cổ phần chi phối được hoạt động trong ngành bưu chính viễn thông (BCVT). Sau này pháp lệnh BCVT chia DN viễn thông làm hai loại: cung cấp hạ tầng và cung cấp dịch vụ.

Loại thứ nhất vẫn như qui định cũ. Loại DN dịch vụ tuy nhiều DN được tham gia nhưng nhất định họ phải sử dụng mạng của DN cung cấp hạ tầng. Tổng công ty BCVT VN (VNPT) nắm giữ đường trục nhưng cũng chiếm tới trên 90% thị phần dịch vụ.

Lúc này thị trường sẽ có hàng loạt DN ngoài VNPT phải “nắm đằng lưỡi” và duy chỉ VNPT được “nắm đằng chuôi”. Lúc này quyền cho các DN khác đấu nối vào đường trục hoàn toàn do VNPT quyết định mặc dù đường trục chính là tài sản quốc gia.

Theo một quan chức Công ty Điện tử viễn thông quân đội (Viettel), Nhà nước qui định thời gian đấu nối (từ lúc thông qua kế hoạch) không được quá 45 ngày, nhưng ở tất cả địa phương mà Viettel đã có mặt thì chưa nơi nào thời hạn này dưới bốn tháng. Trong thời gian đó tiền bạc, thiết bị, máy móc, nhân sự, nhà xưởng của Viettel cứ nằm chờ.

Khi được đấu rồi Viettel còn chịu muôn vàn trở ngại khác do nhân viên bưu điện các cấp gây ra như: chủ động gây trục trặc thiết bị đấu nối, đối xử và tuyên truyền không tốt với khách hàng dùng dịch vụ của Viettel...

Với điện lực thì chỉ có Tổng công ty Điện lực VN (EVN) được nắm giữ khâu truyền tải đồng thời là DN bán điện. Các DN kinh doanh điện đều phải phụ thuộc một nhà kinh doanh cùng thị trường là EVN.

Các chuyên gia còn cho rằng với cơ chế định giá hiện nay, Nhà nước đã trao cho các DN độc quyền một vũ khí lợi hại. Nếu như ở các nền kinh tế thị trường thông thường, khi định giá dịch vụ hay sản phẩm đặc biệt phải thành lập một hội đồng định giá có đại diện DN, khách hàng (người tiêu dùng), trọng tài kinh tế... tham gia để đảm bảo có tiếng nói công bằng, hợp lý.

Tuy nhiên các loại giá cước của BCVT VN do VNPT đề xuất phương án giá. Theo ông Trần Mạnh Hùng, phó tổng giám đốc VNPT, giá này hình thành trên những yếu tố chi phí như: khấu hao, lương nhân công, thuế, lợi nhuận để tái đầu tư... và để bù lỗ những chi phí vì nghĩa vụ chính sách, công ích.

Một số quan điểm về kiểm soát độc quyền trong kinh doanh:

“Hình thành đồng bộ và tiếp tục phát triển, hoàn thiện các loại thị trường đi đôi với xây dựng khuôn khổ pháp lý và thể chế để thị trường hoạt động năng động, có hiệu quả, trật tự, kỷ cương trong môi trường lành mạnh, công khai, minh bạch, hạn chế và kiểm soát độc quyền kinh doanh” (trích nghị quyết Đại hội Đảng IX, tháng 4-2001).

“Thực hiện độc quyền nhà nước trong lĩnh vực cần thiết nhưng không biến độc quyền nhà nước thành độc quyền DN”. (Hội nghị III BCH T.Ư Đảng khóa IX về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN - tháng 9- 2001)

Các chuyên gia phân tích: Thứ nhất, yếu tố chi phí trong lương nhân công không hợp lý vì bộ máy của VNPT quá cồng kềnh, năng suất lao động thấp, hiệu quả lao động không cao. Thứ hai là chính sách giá bù chéo. Theo ông Trần Mạnh Hùng, hiện VNPT phải chịu trách nhiệm đầu tư vào vùng sâu, vùng xa nên lỗ vẫn phải đầu tư.

Để bù lỗ, VNPT phải nâng cước di động và cước điện thoại quốc tế cao hơn nhiều giá thành. Các chuyên gia kinh tế cho rằng nghĩa vụ xã hội, công tác chính sách nên giải quyết bằng cơ chế chính sách riêng. Sự lồng ghép này làm mất tính công bằng và bất hợp lý trong kinh doanh. Giá này đã chứa sự bất hợp lý trong cấu trúc lại do chính DN độc quyền (VNPT) “tham mưu” và người duyệt là Bộ BCVT.

Khi sự kiểm soát giá chỉ để hoàn thành thủ tục thì cơ quan soạn giá hoàn toàn có thể tính gộp những chi phí không liên quan đến kinh doanh hay phí do trình độ quản lý, tổ chức yếu kém gây ra vào giá thành.

Tương tự, ông Đặng Hùng, chủ tịch hội đồng quản trị EVN, cũng thừa nhận giá điện thương phẩm bán cho DN cũng phải gánh phần thua lỗ của điện bán cho miền núi, nông thôn. Giá điện của EVN thì như vậy nhưng khi các DN ngoài EVN được phép bán điện thì phải cho một khách hàng là EVN.

Giá bán, theo ông Hùng, là sự thỏa thuận đôi bên. Trong khi chỉ được phép bán cho một khách hàng duy nhất thì sự “thỏa thuận” này khá tế nhị.

Mô hình những “ông lớn”

Ngày 24-4-1995 Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định 249/TTg thành lập VNPT. VNPT có quyền kinh doanh các dịch vụ BCVT; khảo sát thiết kế, xây dựng các công trình BCVT; xuất nhập khẩu, cung ứng vật tư thiết bị BCVT; sản xuất công nghiệp BCVT và tư vấn về lĩnh vực BCVT...

Nhà nước cấp toàn bộ tài sản là cơ sở hạ tầng cùng 2.500 tỉ đồng vốn; cấp trụ sở là tòa nhà số18 Nguyễn Du, Hà Nội cho tổng công ty. Từ đây thị trường kinh doanh các dịch vụ BCVT VN sẽ hoàn toàn do DN cung cấp không như thời bao cấp là các cơ quan nhà nước đầu tư, phân phối.

Tuy nhiên DN chỉ có duy nhất nắm giữ tuyệt đối hạ tầng, gần tuyệt đối thị trường dịch vụ, hoạt động theo một văn bản dưới luật dành riêng cho mình. Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, đây là mô hình không đúng nguyên tắc kinh tế thị trường.

Khi chuyển cơ chế kinh tế, các DN quốc doanh được sắp xếp lại theo các quyết định 90, 91 của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 1994. 17 tổng công ty 91 trực thuộc Chính phủ và 74 tổng công ty 90 trực thuộc bộ; chiếm khoảng 70% tổng vốn, nhân công trong các DN cả nước ra đời.

Với mục đích phát triển nền kinh tế thị trường có định hướng XHCN, Nhà nước trông cậy vào tính hiệu quả; bảo đảm an ninh quốc phòng, lợi ích và chiến lược quốc gia; khả năng điều tiết thị trường, giá cả và đảm bảo các mục tiêu xã hội...

Nhà nước đã thành lập và trao cho các tổng công ty những sức mạnh kinh tế, quyền hạn hành chính đặc biệt. Nhà nước đầu tư trực tiếp vào đây hoặc bằng nguồn vốn ưu đãi (trong và ngoài nước), trực tiếp cho phép liên doanh với các đối tác nước ngoài, trực tiếp xử lý các vướng mắc trong kinh doanh, hoãn nợ, giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi hay bù lãi suất khi cần thiết...

Các tổng công ty được cấp đất, giao đất, chiếm các vị trí thuận lợi nhất trong kinh doanh, được ưu tiên đặc biệt với những đề xuất trong hoạt động...

Các chuyên gia kinh tế cho rằng VN đang tồn tại hai trạng thái độc quyền là độc quyền tuyệt đối (như hàng không, điện lực, thuốc lá, đường sắt, BCVT, vận tải biển...) và độc quyền nhóm như xăng dầu, bảo hiểm, ximăng, sắt thép, mía đường, xuất nhập khẩu cà phê, xuất nhập khẩu gạo...

Ngoài ra, ở các thành phố, tính độc quyền còn chi phối cả các lĩnh vực cấp thoát nước, công chánh... Nhiều địa phương có tình trạng buộc phải sử dụng bia, ximăng của tỉnh sản xuất và có ngành buộc đơn vị cấp dưới phải sử dụng sản phẩm do ngành sản xuất. Sự lạm dụng độc quyền đã bùng phát ngoài tầm khống chế

Kỳ tới: Phó ban soạn thảo Luật cạnh tranh và chống độc quyền nói gì?

QUANG THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên