![]() |
Những người con của hòa bình: chị Lê Thị Thống Nhất và con trai - Ảnh: Thái Bình |
Nước mắt ngày trở lại
“Vào thời điểm tàu khách Thống Nhất đi chuyến đầu tiên, miền Nam đã được giải phóng bảy tháng. Lúc bấy giờ việc đi lại giữa hai miền Nam - Bắc còn khó khăn, quá trình hiệp thương vẫn đang được tiến hành khẩn trương để “giang sơn thu về một mối”.
Hẳn nhiên, thống nhất đất nước là khát vọng của mọi người VN, song hồi ấy cũng có ý kiến muốn giữ nguyên hiện trạng hai miền thêm một thời gian nữa. Vì lẽ đó, việc ngành hàng hải kiến nghị Đảng - Nhà nước đặt tên cho con tàu khách Bắc - Nam đầu tiên mang tên Thống Nhất có ý nghĩa chính trị rất sâu sắc vào thời điểm đó. Và chuyến đi đầu tiên của con tàu này là một sự kiện có giá trị lịch sử” - ông Minh Sơn kể.
Cùng đi với ông là hơn 600 hành khách (trong đó có hơn 130 thiếu nhi). Trước khi tàu nhổ neo một ngày, báo Nhân Dân đăng trang trọng trên trang nhất một bản tin nóng hổi giới thiệu về chuyến đi đầu tiên với hình ảnh con tàu rất bắt mắt, các thông tin về tiện nghi phục vụ và giá vé: hạng nhất 90 đồng (mỗi buồng hai giường, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt riêng), hạng nhì 75 đồng (mỗi buồng hai giường) và hạng ba 50 đồng (mỗi buồng 10 giường trở lên).
Chiều 30-11-1975, tàu nhổ neo rời cảng Chùa Vẽ (Hải Phòng) bắt đầu hành trình vượt biển. Tàu có hơn 100 thuyền viên do thuyền trưởng Đặng Văn Qua và chính ủy Cao Quang Sản chỉ huy. Khách đi tàu phần lớn là cán bộ, đồng bào trở về quê hương sau mấy mươi năm xa cách, có người đi phép, có người chuyển hẳn gia đình về Nam.
Một số hành khách mang theo xe đạp Thống Nhất, lốp xe Sao Vàng. Cụ Trần Danh Liêm, hơn 70 tuổi, quê miền Đông Nam bộ, mang theo cả chục chiếc nón lá Chuông (Thanh Oai, Hà Tây). Có một cụ bà còn mang theo cả cây nhãn Hưng Yên cao gần nửa mét, lá xanh mơn mởn.
Nằm cùng buồng với nhà báo Minh Sơn là cụ Trương Ngọc Luân, gần 80 tuổi, phơ phơ tóc bạc. Cụ Luân quê Lý Nhân (Hà Nam), năm 20 tuổi vào làm phu đồn điền cao su Phú Riềng. Hồi Cách mạng Tháng Tám, cụ tham gia giành chính quyền ở miền Đông Nam bộ, sau đó tham gia kháng chiến ở Bà Rịa - Vũng Tàu, rồi tập kết ra Bắc biền biệt 20 năm, để lại một vợ hai con ở Sài Gòn. Độ nửa đêm, một hồi còi dài vang lên.
Loa phóng thanh phát đi một thông tin mà ai cũng quan tâm: tàu đến vĩ tuyến 17. Dường như tất cả hành khách đều bừng tỉnh, nhào ra boong. Ai cũng thấy lòng mình nghèn nghẹn. Rất nhiều người đã rưng rức khóc vì xúc động. Vĩ tuyến 17, nơi có cầu Hiền Lương -sông Bến Hải, nơi bao nhiêu gia đình, vợ chồng, con cái hai bờ Nam - Bắc phải ly tán mấy mươi năm...
Sau hai đêm vượt biển, tàu bất ngờ rẽ vào một con sông ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, đến giữa trưa thì cập cảng Nhà Rồng. Tất cả hành khách ùa lên boong. Người ta dùng bất cứ cái gì có trên tay để vẫy chào “Hòn ngọc Viễn Đông”, những giọt nước mắt mừng mừng tủi tủi bất chợt ứa ra, những đôi mắt đỏ hoe cố soi tìm người thân giữa một rừng người trên cầu cảng.
Một bà ngoài 60 ra đón hai người chị xa nhau hơn 20 năm, mắt rưng rưng: “Tôi cứ tưởng hai chị ấy không bao giờ còn được về thăm mộ ba”. Chứng kiến cảnh trùng phùng của hàng ngàn con người trên cầu cảng, thuyền trưởng Đặng Văn Qua và các thuyền viên không khỏi xúc động. Ông chợt nhớ lời của một cán bộ lãnh đạo Đảng thời chiến tranh: “Mai này đất nước hòa bình thống nhất, cậu sẽ được lái những con tàu vượt đại dương”.
Là một thuyền trưởng từng vượt sóng dữ, vượt vòng vây phong tỏa của kẻ thù để vận tải chi viện tiền tuyến, hơn ai hết ông hiểu cái giá cho cuộc sum họp hôm nay.
“Vượt cạn” giữa trùng khơi và những người mang tên Thống Nhất
TS Lê Hùng - nguyên viện trưởng Viện Qui hoạch thiết kế tổng hợp (Bộ Xây dựng), hiện là bí thư chi bộ ấp Phước Hiệp (P. Long Trường, Q.9. TP.HCM) - đến giờ vẫn còn nhớ như in câu chuyện xảy ra đêm 26 rạng 27-2-1976. Đêm đó vợ ông, bà Nguyễn Thị Ngọc Anh (quê Trà Vinh), chuyển dạ. Ông và cậu con trai nháo nhào chạy lên phòng y tế, các bác sĩ trên tàu nhanh chóng có mặt ngay sau đó. Cuộc vượt cạn kéo dài đến khoảng 5 giờ sáng.
Một chỉ huy tàu đến chúc mừng và làm giấy chứng nhận khai sinh. Vị này thuyết phục vợ chồng ông lấy tên tàu đặt tên cho cô con gái mới chào đời và cái tên Lê Thị Thống Nhất bắt đầu từ đó. Lẽ ra Thống Nhất phải được làm giấy khai sinh tại thủ đô Hà Nội theo thông lệ, song cuối cùng ông Hùng đã làm khác đi: “Con trai chúng tôi sinh ra ở Hà Nội, nay con gái phải được khai sinh ở Sài Gòn”.
Khi tàu cập cảng Nhà Rồng, ông Hùng rất ngạc nhiên khi giữa một rừng người lại có một chiếc xe chữ thập đỏ đón sẵn. Nhà tàu thông báo vợ con ông là hai hành khách đầu tiên rời tàu. Mấy chiếc áo blouse trắng hăng hái lao lên tàu và cáng họ ra xe giữa những tràng vỗ tay như không dứt. Chiếc xe hú còi lao đi, để lại ông Hùng và cậu con trai đang xếp hàng chờ xuống cầu cảng.
30 năm sau ông vẫn còn xúc động: “Nhà tàu dường như đã điện báo trước cho Bệnh viện Từ Dũ. Mà cũng lạ, sau chiến tranh bao công việc bộn bề vậy mà người ta vẫn dành được sự quan tâm đặc biệt cho con bé Thống Nhất. Rõ ràng chuyện thống nhất đất nước lúc bấy giờ rất đỗi thiêng liêng”.
Theo ông Hùng, trong lúc chờ vợ sinh, ông biết được trên tàu có tới hai bác sĩ, hai y sĩ, ba y tá và con gái ông không phải là công dân đầu tiên được sinh ra trên tàu và đặt tên Thống Nhất.
Ông Nguyễn Bá Trí - nguyên thuyền phó phụ trách hành khách tàu Thống Nhất - xác nhận “công dân Thống Nhất” đầu tiên là Võ Thị Thống Nhất. Chuyện xảy ra khi tàu Thống Nhất đi chuyến thứ hai vào cuối năm 1975, cũng vào thời điểm nửa đêm về sáng. Lúc này trên tàu có một bác sĩ nhưng không chuyên khoa sản. Ban chỉ huy tàu hội ý chớp nhoáng và chọn phương án tìm người hộ sinh thay vì phải cập tàu khẩn cấp vào cảng Nha Trang còn xa lắc.
Lúc tìm trong danh sách hành khách, chỉ huy tàu mừng khôn xiết khi phát hiện có một bác sĩ sản khoa. Loa phóng thanh phát đi thông tin tìm BS Nguyễn Bích Thanh nhưng vẫn bặt tăm. BS Thanh nhớ lại: “Lúc đó tôi đang lên boong trên hóng mát nên không để ý, khi về phòng tôi cũng hơi ngạc nhiên sao nhà tàu lại cần gặp mình”.
Đó là một trong những ca sinh khó nhất đối với BS Thanh: thai nhỏ (sinh non), ngôi ngang (nằm ngang), sa tay (tay loe ra). Khám xong, BS Thanh yêu cầu tàu chạy hỏa tốc vào Nha Trang để cứu hai mẹ con vì lúc bấy giờ trên tàu chỉ có một cây kéo y tế và hai dụng cụ gắp bông băng. Chỉ huy tàu thuyết phục BS Thanh cố gắng.
Một vị tên Chương, lúc bấy giờ là phó giám đốc Sở Y tế Hải Phòng, tỏ ra rất lo lắng khi nghe báo cáo tình hình, song cuối cùng đã chấp thuận cho BS Thanh toàn quyền xử lý. BS Thanh thực hiện các động tác bấm ối, xoay thai thành ngôi ngược. Bà hướng dẫn ông chồng hỗ trợ bằng cách dùng hai tay giữ chặt đáy tử cung. Mọi việc diễn ra trôi chảy. Khi một hồi còi dài vang lên và loa phát tin mẹ tròn con vuông, cả tàu ồ lên sung sướng.
Người ta đến hỏi thăm, tặng đường, sữa cho bà mẹ may mắn. Lần đó, chính tay ông Trí đã viết giấy chứng nhận cho thuyền trưởng ký tên. BS Thanh cho biết sản phụ người Bắc này đã có mấy đứa con, còn ông chồng người gốc Bến Tre, hai vợ chồng trước đó làm việc tại một nông trường ở An Lão.
“Ông bố lẽ ra đã về trước một mình, song khi đến Hải Phòng bị mất hết tiền bạc nên quay trở lại nông trường và các đồng nghiệp một lần nữa đã giúp gia đình họ về Nam” - BS Thanh kể tiếp câu chuyện về gia đình Võ Thị Thống Nhất.
Theo ông Trí, người nhiều năm đi tàu Thống Nhất, tổng cộng có tới 4-5 công dân được sinh ra và mang tên tàu Thống Nhất. Từ sau “sự kiện Võ Thị Thống Nhất”, tàu chủ trương hạn chế việc sinh nở trên tàu bằng cách kiểm tra hành khách khá gắt gao, nhưng rồi vẫn để “lọt lưới”. Lý do cũng dễ hiểu: mọi người ai cũng muốn nhanh chóng về quê nhà sau nhiều năm xa cách.
Ông Trí cho biết có lẽ do sóng gió nên hầu hết các cô, cậu bé Thống Nhất đều được sinh non, thậm chí có một sản phụ đã sinh con khi tàu về tới Vũng Tàu, sắp cập cảng Nhà Rồng. Ngoài việc ưu tiên mở thiết bị giảm lắc để hỗ trợ các sản phụ vượt cạn, về sau này tàu luôn có ít nhất một nữ hộ sinh để phòng ngừa “bất trắc”.
“Phải đến khi trưởng thành tôi mới hiểu hết ý nghĩa của cái tên Thống Nhất. Đó không chỉ là tên của một con tàu góp phần làm chấm dứt cảnh “ngày Bắc, đêm Nam”. Thế hệ chúng tôi từ lúc chào đời đã không phải nghe tiếng súng, bản thân tôi lại được sinh ra trên đường tàu hòa bình. Tôi hiểu để có được điều này bao nhiêu người đã nằm xuống…” - chị Lê Thị Thống Nhất, người được sinh ra trên tàu khách Thống Nhất chuyến tháng 2-1976, bộc bạch nỗi lòng.
Còn ông Hùng, cha chị, thì nhớ lại: “Tôi giấu biệt tổ chức việc bà xã mang bầu vì sợ bị giữ lại. Đọc báo thấy tàu Thống Nhất quá hiện đại nên tôi nghĩ chắc chắn phải có bác sĩ”. Trên chuyến hải trình năm ấy lòng ông cứ thao thức, rộn ràng không yên: không biết giờ này quê nhà ra sao, ai còn ai mất. Và đứa con Lê Thị Thống Nhất đã ra đời như một món quà lớn dành cho khát vọng được đoàn tụ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận