17/07/2010 18:30 GMT+7

Chuyện đá bóng của tôi

PHẠM VĂN TRUNG(ĐH Cần Thơ)
PHẠM VĂN TRUNG(ĐH Cần Thơ)

AT - Vào năm nhất đại học, lớp tôi mở một cuộc tuyển chọn cầu thủ cho đội bóng của lớp. Đứa nào đứa nấy đều háo hức mong mình có một suất.

Hai chục thằng con trai chỉ lấy mười một đứa đá chính, mấy đứa kia sẽ ngồi dự bị nên đứa nào cũng muốn mình có một vé để lấy le cùng tụi con gái. Tôi hào hứng tham gia ngay vì tin rằng dù thế nào thì mình cũng sẽ có một suất... dự bị!

HmE8CzDZ.jpgPhóng to

Minh họa: Duy Nguyên

Đúng là cầu được ước thấy, xin gì trời cũng cho, chạy mấy vòng sân thì tôi thở khè khè như người lên cơn suyễn. Mấy đứa con gái chưa kịp hoàn hồn vì sợ "cặp đũa" của tôi bị gãy lại thêm một phen hoảng vía khi tôi bị say nắng té ngay giữa sân. Trong khi mấy đứa kia cố sức thể hiện mình trên sân giữa trưa nắng hầm hầm thì tôi ngồi dưới gốc cây uống nước mía, ăn bánh snack, lại còn được mấy đứa con gái quạt quạt cho nữa. Quá đã.

Tôi cứ ước gì bị say nắng thế này mãi mãi. Mà dễ gì được, thi tuyển chỉ có một lần, tôi ngồi ngoài là coi như tan tành giấc mơ sân cỏ. Hết giờ. Mấy đứa bạn thương tình và cả nể mặt hay sao (tôi là bí thư lớp) bèn cho tôi một suất dự bị. Mà trời ạ, mấy vị trí kia dự bị còn muốn mòn quần, mòn ghế. Đằng này, tụi nó cho tôi làm dự bị mà là dự bị... thủ môn! Hic! hic! Vị trí đó ngoài tôi ra còn tới hai đứa nữa, so về năng lực tôi là thằng "kèn" nhất (tức là chụp dở nhất).

Kiên trì ngồi dự bị gần một học kỳ thì tin vui đến, số là hai đứa dự bị kia có một đứa nghỉ học và một đứa hết kiên trì nổi nên xin ra khỏi đội bóng luôn. Quá đã. Cơ hội ra sân của tôi ngày càng đến gần... cái gôn lắm rồi! Nhưng ngặt nỗi thằng thủ môn chính chức cứ đứng chình ình án ngữ khung thành tất cả mọi trận đấu của lớp, từ giải của khoa đến giải bộ môn, cả trận giao hữu nó cũng giành vô bắt nốt. Tức! Nhiều trận đấu tôi mong thằng Luông thủ môn bị trật chân, bong gân hay gì gì đó để tôi được ra sân một lần. Ai dè nó khỏe quá, không bệnh tật gì hết trơn hết trọi, lại bắt càng ngày càng hay nên tui trở thành một... siêu dự bị thứ thiệt! Đời tôi tưởng như đã tàn từ dạo ấy!

Cho đến một ngày có một chuyện xảy ra. Số là trong một lần đi đá bóng, tôi gặp và kết thân một ông lão chuyên lo việc sửa sân bãi nơi lớp tôi thường đá bóng. Ông lão cỡ sáu mươi mấy tuổi, dáng người nhỏ nhắn, tóc bạc phơ và điều đặc biệt là ông không có hai cái răng cửa dù cả hàm trông qua vô cùng chất lượng. Thắc mắc quá tôi bèn hỏi vì sao. Ông lão từ tốn kể lại quá khứ hào hùng trong khi vẫn cuốc đất hùng hục để san mặt sân lởm chởm. Chuyện là thế này, ngày xưa ông từng là thủ môn của đội Thể Công lẫy lừng danh tiếng. Trong một trận đấu, dù ông đã bắt được bóng nhưng tiền đạo đối phương vẫn ủi nguyên "một cỗ xe tăng" thẳng vào người ông với mong muốn quả bóng rơi tọt vào lưới.

Quả bóng rơi tọt vào lưới thiệt. Bàn thắng được công nhận. Vào thời đó chưa có luật lệ rõ ràng như bây giờ, khi thủ môn bắt được bóng rồi người ta vẫn có quyền "ủi" sao cho quả bóng đi vào lưới. Bàn thắng vẫn được công nhận chứ không phải như ngày nay như thế là bị thẻ đỏ và ngồi chơi xơi nước vài trận là ít. Sau cú "ủi" ấy ông lão phải nhập viện và hai cái răng cửa từ đó cũng ra đi mãi mãi. Như bắt được vàng, tôi quyết bái ông lão làm sư phụ.

Tôi tin rằng mình đã gặp quý nhân giúp đỡ như mấy bộ phim Tàu thường có cảnh vai nam chính rơi xuống vực, lượm được bí kiếp hay cao nhân nào đó truyền thụ võ công cái thế. Nằn nì một hồi ông lão nhận lời và đồng ý chỉ vài chiêu để sau này tôi trổ tài. Ông hỏi: "Con muốn làm tiền đạo giỏi hay thủ môn giỏi?". Biết gặp phải thầy hay tôi không chần chừ bộc lộ lòng tham: "Dạ, cả hai!". "Sao tham dữ vậy con?". "Dạ. Hai cái để mà còn xơcua ông ơi!". Tối. Tôi và ông lão hẹn chỗ sân bóng để bắt đầu tập luyện. Tôi đá quả nào ông lão cũng đỡ được.

Ông đá quả nào tôi cũng chịu thua. Bực quá ổng hỏi: "Biết góc chữ A không?". '"Dạ biết!". "Cứ đá vào đó. Trăm phát trăm trúng, đá chỗ đó là chắc ăn nhất!". Tập được vài hôm thì ông lão gặp tôi và cởi mở ngay lòng mình "Nói con đừng buồn. Con có lòng đam mê chứ năng khiếu thì ở mức thường. Đừng mơ thành cầu thủ chuyên nghiệp nữa con ơi!". Tui chết lặng cả người nhưng cũng ráng gồng lên hỏi một câu lý do: "Sao vậy sư phụ?". "Đá bóng vào góc chữ A không ai có thể cản phá nổi. Thủ môn bó tay. Tiền đạo đá ngay vị trí đó sẽ ghi bàn. Nhưng không phải ai cũng nhằm ngay vào chỗ đó được hết. Con cũng giống như vậy nên ta nghĩ con nên... từ bỏ ý định làm cầu thủ!". Tôi đành chia tay vị cao nhân trong thất vọng não nề. Bóng đá giờ chỉ còn là niềm đam mê!

Thời gian thấm thoát trôi. Mọi hi vọng của tôi bị dập tắt hoàn toàn khi đội bóng chuyển từ chơi mười một người (sân lớn) xuống còn năm người (sân mini). Đam mê hiu hắt. Hi vọng ra sân bị đứt phân nửa. Dự bị một thời gian thì tôi thấy không xong. Như thế này thì thật nguy hại cho thanh danh của tôi quá. Ngồi yên không bằng hành động, tôi bèn chuyển sang bộ phận "hậu cần" cho đội bóng, tuy mất mặt nhưng ít ra không mất nhiều sức bằng... đá bóng!

Từ ngày làm "anh nuôi', tụi con gái khoái tôi quá trời. Cô nào cũng khen tôi gương mẫu, yêu bóng đá, có tinh thần tập thể... vân vân và vân vân... Đâu ai biết rằng tôi túng thế mới làm liều cho đỡ bị quê! Chả lẽ bí thư lớp như tôi mà cứ ngồi dự bị hoài sao được, phải hành động để xứng với "tầm vóc" của mình và để tụi con gái thấy mình không phải là người vô dụng. Vậy là trước mỗi trận bóng tôi đều đi thật sớm để mua nước uống, mua bánh mì, dọn sân bãi, làm khung thành và.... kiêm luôn lượm bóng! Kệ. Dù gì cũng là việc chung, tôi là bí thư nên xem như thế là gương mẫu. Chẳng mấy chốc vị thế của tôi được nâng cao rõ rệt.

Vì sao vậy? Vì thiếu một tiền đạo có thể thay một tiền đạo khác, thiếu một thủ môn có thể thay một thủ môn khác, chứ thiếu tôi thì biết tìm ra ai thay đây! Không có tôi, tụi đá bóng nhốn nháo, không có nước uống, không bánh mì ăn sáng, không ai lượm bóng. Giá trị của tôi là ở chỗ đó. Nhưng dù thế nào tôi cũng khoái đá bóng hơn. Tôi cứ làm việc và chờ đợi thời cơ. Tôi nghe người ta ngâm nga câu "ghét của nào trời trao của nấy" nên cũng nói rằng mình ghét làm thủ môn với hi vọng bữa nào vui vui trời trao cho tôi vị trí đó.

Cho đến một ngày thì điều kỳ diệu đã xảy ra. Mấy thằng bạn tôi kiên quyết mời tôi vào đá chính vì tôi có một chiều cao khá lý tưởng, 1,77m thì có giá cực kỳ. Tôi thấy mình giống cầu thủ cao kều Peter Crouch của đội tuyển Anh. Một sự kinh ngạc cho cả lớp và cả chính tôi. Mấy đứa con gái lại có dịp thảng thốt trước cặp đũa cao lêu khêu của tôi. Tụi nó giao tôi nhiệm vụ là che mặt thủ môn trong những tình huống đá bóng cố định.

Tức là lợi dụng chiều cao của tôi để cản trở hợp pháp thủ môn đối phương, làm thủ môn lúng túng, chẳng xác định được phương hướng. Đồng thời làm luôn cả nhiệm vụ nghi binh, tức là chạy lòng vòng gây phân tán chú ý cho hậu vệ đội bạn. Còn nhiệm vụ ghi bàn sẽ do... một thằng khác đảm nhận! Trời, hóa ra tôi là vật hi sinh vô cùng danh dự. Tụi nó gọi vì tôi có cái chiều cao xài được. Đau lòng quá đi thôi! Nhưng cũng được an ủi phần nào vì mình đã ra sân đá chính mỗi trận. Kệ.

Được vậy còn may, hơn là không bao giờ được đá bóng. Trận nào tôi cũng hoàn thành nhiệm vụ, có trận ông bà phò trợ hay sao tôi "hên rùa" đá vô một trái. Mỗi lần như vậy là tất cả mọi người, từ khán giả đến đội bóng trên sân đều vỗ tay vang trời vì xem đó là... chuyện lạ! Từ đó tôi thấy mình vô cùng giá trị, dù không ghi được nhiều bàn thắng nhưng đóng góp của tôi là không nhỏ tí nào. Tôi ngẫm ra rằng đam mê thật là quan trọng, nhất là trong bóng đá. Tôi cũng vô cùng cảm ơn mấy thằng bạn đã thấy được giá trị... chiều cao của tôi!

Bởi vậy ai có đá bóng dở như tôi mà có được chiều cao thì đừng buồn vì sẽ có cơ hội, bởi vì đam mê bóng đá thì không bao giờ có giới hạn, dù là cầu thủ trên sân hay người lo hậu cần, lượm bóng. Để rồi khi đội mình chiến thắng người ta sẽ hoan hô mọi người trong đội như nhau. Thế nên, mỗi khi đi đá bóng tôi luôn nói câu này: "Hoan hô bóng đá! Hoan hô niềm đam mê!".

iLsYduWH.jpgPhóng to

Áo Trắng số 12 (ra ngày 1/7/2010) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

PHẠM VĂN TRUNG(ĐH Cần Thơ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên