08/04/2014 06:43 GMT+7

Chuyện chống tham nhũng ở Indonesia

HỮU NGHỊ
HỮU NGHỊ

TT - Đất nước Indonesia nổi tiếng tham nhũng lâu nay, từ vặt vãnh đến chuyện lớn. Nhưng mọi chuyện đang dần thay đổi với quyết tâm chính trị của ban lãnh đạo đất nước.

9qdpFrlJ.jpgPhóng to
Nhân viên KPK thu tài liệu trong nhà chánh án Akil Mochtar vào tháng 10-2013 - Ảnh: AFP

Tin Tập đoàn Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) bị Cục Thuế Tokyo phát hiện đã đút lót tại Việt Nam, Indonesia và Uzbekistan từ năm 2008-2012, được tờ Yomiuri Shimbun loan hôm 21-3 quả là bất ngờ. Trước đó chỉ 37 ngày, bên Indonesia, tờ Jakarta Post (11-2) đưa tin JTC trúng gói thầu trị giá 185 tỉ rupiah (15 triệu USD) giám sát dự án đường sắt đôi Kroya - Kutoarjo ở trung bộ Java.

Tất nhiên, câu chuyện bị tiết lộ từ phía Nhật chắc chắn sẽ lên bàn Cơ quan bài trừ tham nhũng (KPK) của Indonesia để truy ra tới nơi những kẻ dính chàm. Ra đời cách đây 10 năm, KPK đang thể hiện vai trò ngày càng cao của mình.

Điều tra tận nước ngoài

Mới đây hôm 10-3, Viện công tố Jakarta đã đề nghị phạt một cựu đại biểu quốc hội nước này tên Izedrik Emir Moeis bốn năm rưỡi tù giam vì tội nhận 357.000 USD hối lộ trong vụ thắng thầu của Tập đoàn Marubeni, Nhật. Ở những nước mà quốc hội là một cơ quan quyền lực hoạt động thường trực và trực tiếp can dự bằng ý kiến “thuận” hay “không thuận”, thì việc lo lót các đại biểu quốc hội được gọi thật kêu là lobby (vận động hành lang).

Đại biểu quốc hội Izedrik Emir Moeis đã hái ra tiền nhờ những “dịch vụ” đó từ năm 2004, song mới xộ khám vào năm ngoái khi vụ này vỡ lở ở Nhật và Mỹ (do có liên quan đến Công ty Alstom Power của Mỹ). Để đưa được nguyên đại biểu quốc hội Emir vào khám, KPK đã phải lấy lời khai của 27 nhân chứng, thậm chí phải cử điều tra viên sang Mỹ và Nhật thẩm vấn các nhân chứng liên quan chủ chốt trong vụ hối lộ (đã bị Nhật và Mỹ phanh phui, truy tố và xử phạt).

Các điều tra viên của KPK cũng thu thập được bằng chứng cho thấy Emir đã sử dụng bình phong là công ty do con trai mình đứng tên để nhận hối lộ từ hai công ty kia. Các điều tra viên đã truy ra được Pirooz Muhammad, chủ cơ sở Pacific Resources, đóng vai trò chuyên gia móc nối. Pirooz bị cáo buộc đã nhận hơn 1 triệu USD từ năm 2005-2006, trả công “thu xếp” để Emir bảo vệ cho Công ty Alstom trúng thầu.

Bộ sưu tập lời khai của 27 nhân chứng đó đủ để đưa Emir ra tòa. Nhắm không lọt, chính khách Emir đã tìm cách “chính trị hóa” vụ việc để tự vệ, bằng cách tố cáo rằng đây là một âm mưu của “chủ nghĩa thực dân mới” nhằm hiếp đáp các nước nhỏ.

Quân pháp bất vị thân

Những vụ việc như của Emir không phải là hiếm. Cựu chủ tịch Đảng Công lý thịnh vượng (PKS) Lutfi Hasan Ishaaq hiện đang chịu án 16 năm tù giam vì tội tham nhũng trong một vụ cấp phép nhập khẩu thịt bò bị cáo buộc hối lộ trong Bộ Nông nghiệp.

KPK, sau khi nhận “thượng phương bảo kiếm” của tổng thống, đã thể hiện kiểu hành luật bất kể tội phạm quyền chức cỡ nào. Chấn động nhất phải kể đến vụ bắt chánh án đầy quyền lực Akil Mochtar của Tòa án hiến pháp vì đã nhận hối lộ để thu xếp một vụ kiện bầu cử địa phương vào ngày 2-10-2013. Đáng lưu ý là trước đó, Tòa án hiến pháp từng được xem là “trong sạch”, cùng với KPK.

Cũng năm ngoái, một cựu bộ trưởng thanh niên thể thao, một cựu tổng thanh tra cảnh sát cũng đã bị KPK bắt. Năm trước đó, cựu bộ trưởng y tế Siti Fadilah Supari bị KPK “xét hỏi” trong vai trò nhân chứng trong một vụ nhập thiết bị y tế xử lý dịch cúm gà năm 2006 làm thiệt hại cho nhà nước 36 tỉ rupiah.

Làm sao mà KPK ra tay mạnh mẽ được như thế? Chẳng qua KPK là cơ quan bài trừ tham nhũng độc lập, có toàn quyền nghe lén, cấm xuất cảnh, truy lục thông tin ngân hàng, đóng băng các chuyển khoản, yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật hỗ trợ, bắt giam các nghi can, trong số đó có các vị tai to mặt lớn.

Thu hồi hàng trăm triệu USD tiền tham nhũng

Theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, Indonesia đã đạt được những kết quả đáng kể trong cuộc chiến chống tham nhũng ba năm qua, với việc tịch thu hàng trăm triệu USD kể từ năm 2011. KPK cho biết năm 2013, họ đã tịch thu gần 100 triệu USD từ tội phạm tham nhũng, tăng đáng kể so với năm 2012.

Theo bộ trưởng tư pháp Indonesia, văn phòng của ông đã xét xử 1.696 vụ tham nhũng trong năm 2013, tăng so với 833 vụ năm 2012. Ông xác nhận: “Hầu hết tiền công quỹ bị bòn rút vì tham nhũng trong lĩnh vực thuế vụ, kể cả hải quan”.

Tổ chức Minh bạch quốc tế xếp hạng Indonesia thứ 114/177 quốc gia trên phương diện tỉ lệ tham nhũng tương đối.

HỮU NGHỊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên