11/08/2011 09:14 GMT+7

Chuyện buồn của Phương Thùy

Thanh Xuân
Thanh Xuân

TT - Do bị nợ năm tháng tiền ăn từ tháng 8 đến tháng 12-2008, Lư Lâm Phương Thùy, VĐV 18 tuổi của đội trẻ karatedo Cần Thơ, đã nộp đơn xin nghỉ dù nỗi đam mê thể thao vẫn còn trong cô.

Read this on Tuoitrenews.vn

0rir0Pkn.jpgPhóng to
Phương Thùy phụ giúp gia đình bán quán - Ảnh: M.TÂM

Học võ năm 10 tuổi rồi vào học lớp năng khiếu Trường Nghiệp vụ thể thao Cần Thơ. 14 tuổi, Thùy vào đội trẻ karatedo. Vừa học văn hóa vừa tập luyện thể thao nên thường đến 21g Thùy mới bắt đầu ngồi vào bàn học bài. Thùy cho biết mỗi buổi tập chỉ được hưởng 16.000 đồng tiền ăn/ngày chứ không có chế độ nào khác. Sau đó, thấy tiền ăn quá thấp nên Sở Thể dục thể thao (TDTT) cũ hỗ trợ thêm 9.000 đồng/người/ngày, nâng số tiền ăn lên 25.000 đồng/ngày.

Ông Lư Văn Nghĩa - cha của Thùy - bộc bạch: “Nhà nghèo, căn nhà chúng tôi ở là của ông nội tụi nhỏ thương tình cho con cháu ở đậu. Tôi bị bệnh không làm việc nặng nhọc nên vợ chồng tôi mở quán bán bún thịt mưu sinh. Thấy con đam mê thể thao, chúng tôi rất ủng hộ. Tuy điều kiện gia đình eo hẹp nhưng mỗi khi con thi đấu xa, nhà đều gom góp ít tiền cho con mang theo dằn túi...”.

Sáu năm gắn bó với đội, Phương Thùy đoạt 45 huy chương, trong đó 1 HCV, 1 HCB và 2 HCĐ ở vòng chung kết Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc 2008 cho thể thao Cần Thơ. Nhiều lần bị chấn thương, có lần Thùy bị trật khớp tay bó bột mấy tuần, mẹ Thùy vì xót con nên đòi đốt bỏ giấy khen, huân chương, y phục thể thao để con đừng đeo đuổi võ nữa. Nhưng thấy Thùy khóc lóc năn nỉ, bà lại mềm lòng.

Ông Nghĩa nói: “Con chỉ nhận tiền ăn 25.000 đồng/ngày, vậy mà từ tháng 8 đến tháng 12-2008 không nhận được đồng nào”. Bức xúc, ông Nghĩa gửi đơn đến Trường trung học TDTT, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch hỏi, rồi trực tiếp gặp lãnh đạo để hỏi cho ra lẽ.

Ông Nghĩa kể phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch nói đã yêu cầu người chuyển đơn của ông đến Trường trung học TDTT giải quyết. Còn hiệu trưởng trường nói việc này không thuộc thẩm quyền giải quyết của trường nên chuyển đơn về sở... Ông Nghĩa chua xót: “Sở và trường cứ đá qua, đá lại. Buồn tình vì ngay cả khi con mình có thành tích mà các ngành còn cư xử như vậy. Đầu năm 2009 Thùy làm đơn xin nghỉ”.

Hơn hai năm nay, ông Nghĩa vẫn liên hệ với sở để hỏi về tiền chế độ của con. Ông nói: “Tôi quyết liệt trong việc yêu cầu họ trả số tiền trên bởi tôi muốn đòi hỏi sự công bằng, mặt khác gia đình rất khó khăn. Vừa qua, Phương Thùy phẫu thuật chứng vẹo vách ngăn mũi, chúng tôi phải chạy vạy mượn 5 triệu đồng lo viện phí. Căn bệnh đã có từ rất lâu, chỉ biết uống thuốc qua quít cho giảm nhức đầu, sổ mũi mà thôi. Sau khi thi đại học xong, do bệnh trở nặng Thùy buộc phải nhập viện chứ không thể chần chừ được...”.

Tuy nhiên gia đình Thùy chỉ mượn được tiền chữa bệnh mũi còn bệnh nghề nghiệp là hai khối u bao ở tay thì đành chịu. Sau Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2008, Thùy phát hiện mình bị hai khối u này.

Bác sĩ cho biết đó là hậu quả do tập luyện nhiều sinh ra. Nhưng không có tiền nên nhiều khi hai khối u này hành đau nhức, Thùy chỉ biết mua thuốc giảm đau uống. Ông Nghĩa chua chát: “Đã biết theo nghiệp võ là chấp nhận chấn thương nhưng cay đắng làm sao khi không nhận được một lời thăm hỏi động viên, còn năm tháng tiền ăn cứ “treo” mãi”.

Thùy tâm sự: “Tiền bạc không là tất cả nhưng ảnh hưởng đến tinh thần thi đấu của VĐV. Thùy mong các cô chú lãnh đạo chú trọng điều này. Có thế, VĐV mới thi đấu hết sức mình và không cảm thấy chạnh lòng, buồn tủi...”.

Tuy bị cư xử như vậy nhưng Phương Thùy cùng một số bạn khác vẫn đăng ký thi đấu cho đội tuyển trẻ karatedo mỗi khi có giải đấu với mong muốn góp thêm thành tích cho đội nhà. Ngoài ra, Thùy cũng tính toán căn cơ khi chọn thi vào Trường đại học Sư phạm TDTT với ước mơ “ra trường sẽ vẫn gắn với karatedo”.

Không thể để nợ tiền VĐV

Nhiều VĐV thuộc năm đội trẻ thể thao Cần Thơ các môn cờ vua, điền kinh, judo, karatedo, bơi lội hiện đã bỏ tập luyện, nghỉ thi đấu vì bị nợ tiền ăn từ tháng 8 đến tháng 12-2008.

Ông Đỗ Minh Trưởng, phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Cần Thơ, cho biết trước đây do không có trung tâm luyện tập nên đầu năm 2008, thành phần đội trẻ (trong đó có lực lượng năng khiếu) của TP được Sở TDTT (cũ) đưa về tập trung đầu mối do Trường trung học TDTT Cần Thơ quản lý, tập luyện, cấp tiền ăn 16.000 đồng/người/ngày. Sở hỗ trợ thêm 9.000 đồng/người/ngày để đảm bảo tiền ăn cho các VĐV đội trẻ bằng mức của đội tuyển trẻ (25.000 đồng/ngày).

Ông Đặng Tấn Hùng - phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Cần Thơ, nguyên hiệu trưởng Trường trung học TDTT Cần Thơ - cho biết: “Ở thời điểm cuối năm 2008, trường là đơn vị thực hiện cơ chế tài chính tự chủ nên Sở Tài chính không đồng ý cấp kinh phí bổ sung năm 2008 theo đề nghị từ phía sở.

Việc giải quyết tiền ăn cho VĐV đội trẻ sau đó được trường trả về Sở TDTT cũ giải quyết, nhưng sau thời gian sáp nhập sở lại thì quên bẵng chuyện này. Chúng tôi đang cho cán bộ rà soát danh sách, làm lại trình tự thủ tục để đề nghị UBND TP cho ý kiến giải quyết chứ không thể để nợ tiền VĐV”.

Ông Hùng cho biết thêm hiện có 28/43 VĐV ở đội trẻ bị nợ tiền ăn từ tháng 8 đến tháng 12-2008 với tổng số tiền 89 triệu đồng nên đã nghỉ tập. Nhưng phần lớn đây là những VĐV không đạt yêu cầu về chuyên môn và không đủ điều kiện lên tuyển nên mới bị loại.

Thanh Xuân
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên