Phóng to |
Nghệ sĩ Hữu Châu (trái), Thành Lộc (phải) và ông bầu Huỳnh Anh Tuấn trao đổi vui vẻ trước giờ diễn vở Sơn Tinh - Thủy Tinh sáng 2-6 - Ảnh: T.T.D.. |
Cách đây bảy năm, khi Thành Lộc mang về kịch bản Bí mật vườn Lệ Chi (tác giả Huỳnh Hữu Đản) và đề nghị được dàn dựng, giám đốc Công ty Thái Dương Huỳnh Anh Tuấn sau một vài phút chần chừ rồi cũng gật đầu. Chần chừ vì anh biết chắc vở không thuộc loại “hot”, doanh thu không thể bằng hài kịch, song gật đầu vì trong tận đáy lòng anh cũng muốn tạo thương hiệu bằng những vở có tầm vóc.
Khi kịch được triển khai trên sàn tập, không ai khác ngoài Hữu Châu là sự chọn lựa cho vai Nguyễn Trãi. Nhưng nếu sự thành công trên cả mong chờ ở ngay lần xuất hiện đầu tiên khiến “bộ ba” rưng rưng xúc động thì sự cố ngưng diễn sau suất thứ 70 đã làm trái tim họ đau thắt.
Những người biết chờ đợi
Buồn bã xếp bộ râu đạo cụ vào hộp, Hữu Châu đến ngôi đền Lâm Tế (P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1, TP.HCM) thắp nhang vái trước bàn thờ Nguyễn Trãi. Anh khấn với ông rằng: “Bây giờ con không còn được gặp ông trên sàn diễn nữa, thôi thì ngày ngày đến gặp ông ở đây con cũng thấy ấm lòng rồi”.
Đạo diễn Thành Lộc suốt một thời gian dài mất ngủ vì bất lực trước cái chết tức tưởi của đứa con tinh thần. Là “cha”, là “mẹ”, anh hiểu rõ chỗ mạnh chỗ yếu của “con” mình nhưng không cho nó sống là điều quá sức chịu đựng của anh.
Còn Huỳnh Anh Tuấn lặng lẽ cho người xếp hết đồ đạc của vở, chở về nhà kho rộng 2.000m2 tọa lạc ngay trong khuôn viên thổ cư của gia đình để cất giữ. Khác với số phận của những vở khác, cứ xong một đời diễn là anh cho cắt hết ra may quần áo cho các con rối (Công ty Thái Dương có hai đội múa rối), nhưng riêng vở Bí mật vườn Lệ Chi không hiểu sao anh lại cho người thường xuyên giặt ủi, chống ẩm rất cẩn thận. Không ai nói với ai điều gì nhưng trong thâm tâm, cả ba như có cùng niềm tin về một ngày đứa con tinh thần chung sẽ sống lại. Và, đáng mừng thay, ngày ấy đã đến. Khúc bi ca về người anh hùng Nguyễn Trãi đã trở lại với khán giả của mình, sống động và mãnh liệt...
Như một cơ duyên
3 trong 1 nhưng vẫn là 1 trong 3 Cùng thuộc lứa tuổi 6X, cùng chọn cuộc sống độc thân và cùng nguyện dâng hiến cả đời mình cho sân khấu, nhưng ngoài công việc họ ít đi chung vì sở thích không giống nhau. Huỳnh Anh Tuấn thường đi ngủ vào lúc 22g (khi Thành Lộc và Hữu Châu còn trên sàn diễn) và tiêu xài rất tiết kiệm, áo quần xuề xòa, thích uống nước trái cây và cơm nước qua loa ở các quán ăn vỉa hè. Hữu Châu chiều nào cũng ăn cơm với mẹ trước khi đi diễn, và đêm nào rời sân khấu cũng một mình làm vài ba chai bia trước khi về nhà. Thành Lộc lại thích đồ hiệu, ăn mặc khá chải chuốt khi ra đường và thường tự thưởng mình những giây phút tĩnh lặng trong nhà hàng sang trọng bên chai rượu ngoại. Giờ đây, đã bước vào tuổi tứ tuần với cảnh độc thân, cả ba người đàn ông mà cơ duyên kỳ ngộ đã gắn chặt họ với nhau trong cùng một lý tưởng sống đang cảm thấy hạnh phúc với những gì đã làm được cho sân khấu và cho cuộc đời. |
Làm việc chung, phát hiện thần tượng của mình là “một ngôi sao dễ gần, rất có đạo đức và có trách nhiệm với nghề”, Huỳnh Anh Tuấn không còn gì do dự khi quyết định đầu tư biến sân khấu IDECAF vốn là nơi chỉ để diễn múa rối cho thiếu nhi vào các ngày chủ nhật thành một sân khấu kịch cho người lớn. Chính sự uyên thâm về kiến thức chuyên môn, tầm hiểu biết xã hội rộng, một tư duy nhạy bén và cách ứng xử tinh tế của Thành Lộc đã khiến Huỳnh Anh Tuấn sẵn sàng chấp nhận đứng phía sau làm “người giúp việc” cho thần tượng của mình.
Ở Công ty Thái Dương, với ông bầu Tuấn, sân khấu tồn tại hay không tồn tại dựa trên chuyện lời lỗ tiền bạc; còn với nghệ sĩ Thành Lộc, sự tồn tại nghệ thuật mới là quan trọng, song họ luôn tìm được tiếng nói chung. Huỳnh Anh Tuấn chưa bao giờ từ chối bất cứ yêu cầu nào về kinh phí đầu tư theo yêu cầu của Thành Lộc, kể cả việc xuất gần cả trăm triệu đồng cách đây bảy năm cho một vở phi thương mại với mục đích làm nghề “cho sướng” như vở Bí mật vườn Lệ Chi. Anh tin rằng một tài năng như Thành Lộc xứng đáng được tạo điều kiện để cống hiến.
Đến với Huỳnh Anh Tuấn qua một chiếc cầu nối là niềm đam mê làm sân khấu cho thiếu nhi, về với nhau rồi, Thành Lộc mới hay ông bầu của mình là người biết trân trọng đặc biệt đối với người thật sự có năng lực. Anh đã bị sự nhiệt tình cùng cách làm việc khoa học và có tình của Huỳnh Anh Tuấn thúc giục. Và trên hết, điều khiến Thành Lộc rút hết sức lực để sáng tạo là anh nhìn thấy ở “nhà sản xuất” ấy một người làm nghệ thuật không vụ lợi, người thích đưa các đội rối đi diễn khắp nơi với giá vé bán như cho, cốt đem lại nụ cười cho các em nhỏ. Lợi nhuận doanh thu từ sân khấu lớn, anh dồn hết cho sân khấu thiếu nhi.
Từ Chuyện văn chương
Còn Hữu Châu về sân khấu IDECAF là để tham gia vở Chuyện văn chương cùng với Thành Lộc. Gia đình của hai người vốn đã có mối thâm giao từ hơn nửa thế kỷ trước. Về vai vế, Hữu Châu phải gọi Thành Lộc bằng chú, nhưng trên sàn diễn họ là đôi bạn tâm giao, chỉ cần nhìn vào mắt là người này hiểu người kia muốn gì. Họ giống nhau ở chỗ trên sân khấu đều là “hung thần”, nhưng ở bên ngoài là người cởi mở, hay đùa, thương yêu chỉ vẽ cho đàn em rất tận tình.
Với ông bầu Tuấn, Hữu Châu là một bất ngờ thú vị. Khi danh hài này về diễn Chuyện văn chương, anh không trông mong gì lắm nhưng vai diễn ông giám đốc nhà xuất bản đầy bi kịch mà Hữu Châu thể hiện khá xuất sắc đã khiến anh vô cùng ngạc nhiên. Càng cộng tác với nhau lâu, Huỳnh Anh Tuấn càng cảm phục Hữu Châu về khả năng hóa thân vào nhiều dạng vai, từ chú bé học sinh đi chân sáo cho đến các loại lão ông, lão bà. Ngược lại, Hữu Châu đã bị ông bầu “giữ chân” bởi những nghĩa tình, dù không thiếu những lời mời từ các sân khấu khác. Có lần biết Hữu Châu mê món mì Quảng, nhân có việc ra Đà Nẵng, Huỳnh Anh Tuấn đã mang theo về một tô mì, cho người hâm nóng mang đến tận hậu trường sân khấu cho Hữu Châu. Một ông bầu biết quí diễn viên đến vậy thì còn biết nói gì hơn ngoài sự cống hiến hết mình!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận