22/04/2007 16:02 GMT+7

Chương trình tôn vinh "Soạn giả Viễn Châu - ông vua vọng cổ"

HÒA BÌNH
HÒA BÌNH

TTO - Chương trình “Chân dung và đối thoại” của Đài truyền hình Bình Dương phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu - bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc thuộc Đại học dân lập Bình Dương vừa thực hiện chuyên đề “Soạn giả Viễn Châu - ông vua vọng cổ”, dự kiến sẽ được phát sóng vào ngày 25-4-2007 này.

LyD9vzGO.jpgPhóng to

Soạn giả Viễn Châu cùng các nghệ sĩ và MC tham gia chương trình

TTO - Chương trình “Chân dung và đối thoại” của Đài truyền hình Bình Dương phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu - bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc thuộc Đại học dân lập Bình Dương vừa thực hiện chuyên đề “Soạn giả Viễn Châu - ông vua vọng cổ”, dự kiến sẽ được phát sóng vào ngày 25-4-2007 này.

Với tấm lòng quí yêu một bậc lão thành trong nghề có nhân cách đáng kính trọng, một tài năng ngoại hạng, có nhiều công lao đóng góp cho sân khấu cải lương, từng góp phần tạo dựng nên nhiều thề hệ nghệ sĩ cải lương tên tuổi, những nghệ sĩ nổi tiếng như Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Lệ Thủy, hề Sa đã từ TP.HCM về tham gia chương trình.

Trong suốt chuyến đi lẫn trong lúc thu hình, nghệ sĩ Ngọc Giàu luôn khẳng định: “Không có Viễn Châu là không có Ngọc Giàu cũng như gần hết các tên tuổi cải lương nổi tiếng của cải lương thời hoàng kim. Hồi mới 12-13 tuổi ông đã viết cho tôi bài Áo tình đắp mộ người yêu để tôi thu dĩa và nổi tiếng từ đấy. Nhiều nghệ sĩ khác thời còn con nít như tôi cũng được nổi tiếng nhờ những bài ca của chú Bảy đo ni đóng giày…”.

Nghệ sĩ Bạch Tuyết lại làm say mê người nghe với những phân tích về nhạc điệu, ý thơ, tính văn chương, điển tích văn học và hơn hết là cái thần, là ý tình luôn tràn đầy trong hàng trăm, hàng ngàn tác phẩm của ông vua vọng cổ. Điều nghệ sĩ này nhấn mạnh là chi tiết, tâm lý, tính cách nhân vật ở mỗi tác phẩm của soạn giả Viễn Châu dù là ở một vở tuồng hay chỉ qua một bài vọng cổ đều rất tròn đầy, nhất là đâu ra đấy, vua ra vua, dân ra dân, người nghèo khổ khác người sang trọng… không hề lẫn lộn. Chính vì thế những bài vọng cổ của “ông vua” không ngai này luôn ngọt ngào, nhẹ nhàng đi vào lòng người nghe, khiến họ rung cảm và nhớ mãi.

Nói về mình, soạn giả Viễn Châu bộc bạch về những kinh nghiệm sáng tác của ông một cách dung dị, khiêm tốn đáng kính trọng. Ông bảo ông viết được nhiều, được cho là hay vì ông đi nhiều, học nhiều, quan sát nhiều, thấy nhiều nhưng rốt ráo nhất cái thấy của ông phải qua tâm cảm yêu thương, rung động với cuộc đời bằng tâm hồn nhạy cảm, dễ cảm thông, chia sẻ, hân hoan trước cái đẹp và tình cảm của con người ở một người nghệ sĩ.

Bí quyết thành công của ông còn nằm ở chỗ: “Khi tôi viết, không phải mực trào ra đầu ngòi bút mà đó là tim óc, trí não của tôi đang đặt hết vào đầu bút để tuôn thành lời!...”. Soạn giả Viễn Châu cũng phát biểu: “Tôi cho rằng không có một đất nước nào trên thế giới có được một bản nhạc cổ nhưng liên tục thay đổi theo cuộc sống, ai cũng có thể trở thành tác giả như bài vọng cổ của Việt Nam - khởi đầu là bài nhạc Dạ cổ hoài lang của ông Sáu Lầu, rồi liên tục biến đổi thành vọng cổ nhịp 4, đến nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32…”.

Năm nay đã hơn 80 tuổi, soạn giả Viễn Châu được xem là người đã khai sinh ra thể loại tân cổ giao duyên, là người viết tân cổ giao duyên hay nhất và nhiều nhất từ trước tới nay; người trong giới và khán giả đã suy tôn ông là “ông vua vọng cổ”! Những chương trình tôn vinh ông như thế này quả thật vô cùng cần thiết và nên có để kịp thời lưu lại những giá trị quí giá của cải lương truyền đến con cháu ngày sau!

HÒA BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên