19/12/2005 10:17 GMT+7

Chương trình THPT phân ban thí điểm: Điều chỉnh đã căn cơ?

Theo Sài Gòn Giải Phóng
Theo Sài Gòn Giải Phóng

Trong kỳ họp với Hội đồng Quốc gia giáo dục sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ lại đề xuất hai phương án điều chỉnh phân ban để Chính phủ xem xét.

u9XiIEPn.jpgPhóng to
Học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (Q.3, TP.HCM) trong giờ học môn hóa

Lần điều chỉnh này đã có nghiên cứu thực tiễn, đảm bảo tính khoa học hay mới chỉ xoa dịu dư luận?

Tiếp tục điều chỉnh

Trong tờ trình xin ý kiến của Thủ tướng và Hội đồng Quốc gia giáo dục, Bộ GD-ĐT đề xuất 2 phương án. Trong đó, phương án thứ nhất: phân thành hai ban từ lớp 10 là khoa học tự nhiên (KHTN) và khoa học xã hội và nhân văn (KHXH-NV), về cơ bản phương án này vẫn giữ như phương án đang thí điểm.

Nhưng sẽ bổ sung thêm môn ngoại ngữ theo chương trình nâng cao vào ban KHXH-NV để “đáp ứng yêu cầu của một số trường CĐ, ĐH có các ngành học đòi hỏi học sinh có kiến thức và kỹ năng cao hơn về ngoại ngữ”. Như vậy, ban KHTN sẽ có bốn môn học nâng cao là: toán, vật lý, hóa học và sinh học. Bốn môn nâng cao của ban KHXH-NV gồm ngữ văn, lịch sử, địa lý và ngoại ngữ.

Trong quá trình học tập, học sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng để được chuyển ban. Phương án thứ hai chia thành ba ban từ lớp 10 gồm ban KHTN, KHXH-NV (với các môn nâng cao như ở phương án thứ nhất) và ban cơ sở (dạy và học theo chương trình chuẩn đối với tất cả các môn).

Phương án này thay cho phương án điều chỉnh chương trình THPT phân ban thành hai giai đoạn trong một cấp học (phân thành 2 ban KHTN và KHXH-NV ở lớp 10 và 11, đến lớp 12 sẽ tiếp tục được phân thành 4 ban: KHTN 1 và 2, KHXH-NV 1 và 2) mà Bộ đã trình tại phiên họp Hội đồng Quốc gia giáo dục vào ngày 20-5-2005.

Trong suốt quá trình thí điểm phân ban từ năm học 2003-2004 đến nay, câu hỏi dừng hay chỉnh sửa chương trình luôn được đặt ra. Chỉ trong vòng nửa năm, Bộ GD-ĐT đã 2 lần trình phương án điều chỉnh. Lần điều chỉnh này đã có nghiên cứu thực tiễn, đảm bảo tính khoa học hay chỉ nhằm xoa dịu dư luận?

Vì trước đó, trong phương án điều chỉnh phân ban thành 2 giai đoạn vào tháng 5-2005, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Vọng đã lý giải nguyên nhân: “Chủ trương phân thành hai ban chưa mềm dẻo, chưa đáp ứng hết nguyện vọng, năng lực, sở trường đa dạng của học sinh. Đó là còn chưa kể đến những khó khăn như không có giải pháp cụ thể về giáo viên, cơ sở vật chất cho môn học mới được đưa vào trường THPT là tin học.

Hay như trong kế hoạch dạy học có những hoạt động giáo dục chính khóa (như dạy học tự chọn, giáo dục hướng nghiệp...) nhưng lại chưa có quy định về biên chế và chế độ cho giáo viên để triển khai các hoạt động trên...”.

Nhưng dù chọn giải pháp nào đi chăng nữa, mà nếu số ban Bộ GD-ĐT đưa ra không bao quát các nhóm đối tượng học sinh điển hình, HS buộc phải chọn các ban không phù hợp khả năng của mình thì tất yếu sẽ dẫn đến quá tải.

Một giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) bức xúc: “Phân ban càng điều chỉnh càng rối. Khổ nhất vẫn là giáo viên và học sinh”. Ông Lê Huy Cảnh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11, TP.HCM) tâm sự: “Nhiều phụ huynh học sinh đã đến hỏi thẳng tôi: Nếu năm học sau (2006-2007), chương trình phân ban triển khai đại trà thì chúng tôi sẽ cho con học ở Trường Nguyễn Hiền; còn ngược lại thì chúng tôi thà chấp nhận cho con đi học trường khác xa hơn”.

Chỉ vì trường đang thí điểm phân ban mà phụ huynh chê ngôi trường duy nhất của TP đạt chuẩn quốc gia bậc THPT. Cũng giống như THPT Nguyễn Hiền, sáu trường thí điểm phân ban ở TP cùng rơi vào tình trạng “xuống giá”.

Những câu hỏi chưa có lời đáp

WKQZxqSb.jpgPhóng to
Học sinh lớp 11 Trường THPT bán công Marie Curie (Q.3, TP.HCM) trong giờ học tiếng Anh

Nếu Bộ GD-ĐT không xin lùi lại thời điểm triển khai chương trình phân ban THPT thì theo kế hoạch, năm học 2006-2007, chương trình sẽ triển khai đại trà trên toàn quốc để “đón đầu” học sinh lớp 9 đã học xong chương trình mới.

Thời gian không còn nhiều nhưng những bất cập của chương trình thí điểm nếu không được giải quyết thỏa đáng sẽ đi lại “vết đổ lịch sử” như lần thí điểm 10 năm trước .

Tỉ lệ 70,2% ban KHTN và chỉ có 29,8% ban KHXH-NV quá chênh lệch nhau, thậm chí ở TP.HCM, tỉ lệ này là 90% và 10%. Trong quá trình thí điểm, các trường đã sử dụng bộ sách 1 hoặc bộ sách 2 được viết bởi các nhóm tác giả khác nhau. Khi triển khai đại trà đương nhiên sẽ chỉ sử dụng 1 bộ SGK, bộ còn lại chỉ vừa mới sử dụng chưa đầy 5 năm sẽ phải bỏ.

Mặc dù các tác giả làm việc hoàn toàn độc lập với nhau nhưng 2 bộ sách đều có điểm giống nhau là quá tải. Do vậy, vấn đề chọn bộ 1 hay bộ 2 làm chuẩn đều phức tạp và sẽ gây nên nhiều tranh cãi.

Việc cung ứng trang thiết bị thời gian qua cho các trường đều chậm chạp và thiếu thốn. Những trường thí điểm chương trình ở TP.HCM đều là những trường lớn song cũng gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và hàng năm phải bỏ ra hàng chục triệu đồng trang bị thêm đồ dùng dạy học.

Trong khi đó, sự phát triển giữa các vùng, miền có độ chênh lệch rất lớn. Phần lớn các trường phổ thông có cơ sở vật chất rất nghèo nàn, thiết bị dạy học vừa thiếu thốn vừa chưa đồng bộ, tình trạng dạy “chay”, học “chay” vẫn còn khá phổ biến thì các trường khó mà đáp ứng được yêu cầu của phân ban tăng thời lượng thực hành.

Ngoài ra, đội ngũ giáo viên lần đầu tiếp cận với chương trình và SGK có nhiều điểm mới mẻ, trong đó không ít điểm chưa được trang bị ở trường sư phạm. Với kinh nghiệm của trường đi “tiên phong”, ông Lê Huy Cảnh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền băn khoăn: Giáo viên các trường chưa thí điểm sẽ không hình dung chương trình như thế nào.

Tháng 7, tháng 8 tập huấn đại trà, nếu không chủ động nghiên cứu, bồi dưỡng từ bây giờ thì thầy cô rất khó nắm bắt nội dung của chương trình và SGK.

Theo Sài Gòn Giải Phóng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên