20/12/2018 09:32 GMT+7

Chương trình “Sẻ chia nước sạch 2018”: Cuộc sống ở “cao nguyên đá” Buôn Choah

LINH ĐAN
LINH ĐAN

TTO - Xã Buôn Choah, nơi hình thành hang động Krông Nô (Đắk Nông) - hang động dài, đẹp nhất Đông Nam Á. Ở nơi phong cảnh như tranh, con người sống vô cùng khó khăn, từng giọt nước quý giá vô cùng…

Chương trình “Sẻ chia nước sạch 2018”: Cuộc sống ở “cao nguyên đá” Buôn Choah - Ảnh 1.

Công trình “Sẻ chia nước sạch” khoan giếng nước tại xã Buôn Choah - Ảnh: LINH ĐAN

Xã Buôn Choah cách trung tâm huyện Krông Nô khoảng 20km nhưng đi lại vô cùng khó khăn. Đường xa cách trở, thêm khan hiếm nguồn nước khiến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân gặp khó khăn gấp bội. Các giếng khoan trên đồi đá khó tìm, hay tụt mạch, phía gần bờ sông lại bị nhiễm phèn nặng…

"Nước trời" cũng khan hiếm

Ba tháng trước, sau trận mưa đầu tiên, hàng trăm người dân ra cao nguyên đá, chỉ với những bao đựng hạt bắp giống và một cây tre vót nhọn một đầu. Đàn ông đi trước phát cỏ, dùng cây tre lèn vào những khe đá để đục lỗ. 

Phụ nữ lưng cúi sát mặt đất, dò dẫm để bỏ từng hạt bắp vào khe đá rồi cẩn thận lấp lại. Không ít lần họ trượt chân ngã, tay tóe máu vì va vào những viên đá sắc nhọn. "Canh tác xong thì phó mặc cho trời vì ở đây không có nước tưới" - anh Nông Văn Xuân, 40 tuổi, người dân ở thôn Cao Sơn, xã Buôn Choah, cho biết.

Giữa tháng 12-2018, chúng tôi gặp gia đình ông Nông Văn Chon - thôn 1, xã Buôn Choah - đang thu hoạch trái cà ri nhưng chẳng mấy vui. Năm nay không được mùa, ba người trong gia đình ông thu hoạch cả ngày chỉ được khoảng 5kg hạt (30.000 đồng/kg). Ông Chon nói gia đình ông ở Buôn Choah tròn 22 năm, nhưng cuộc sống cũng chưa thoát vất vả do canh tác chỉ "phụ thuộc ông trời".

"Nhà chỉ có mấy sào đất màu gần sông có nước tưới ổn định. Nhưng gia đình hơn 10 người, đám ruộng không đủ sống, tôi lên rừng phát dọn được khoảng 3ha để canh tác. Mấy năm trước trồng đậu, trồng bắp nhưng năng suất phập phù vì phụ thuộc "nước trời", đành chuyển sang trồng cây điều, cây cà ri để khỏi tưới nước nhưng cây cũng kém năng suất" - ông Chon than thở.

Anh Nguyễn Văn Nam, bí thư Đoàn thanh niên xã Buôn Choah, cho biết phần lớn diện tích đất canh tác của xã nằm trên vùng đồi đá, rất khan hiếm nguồn nước. Người dân chỉ canh tác một vụ sau khi có mưa. Mấy năm gần đây, nhiều hộ dân lên khu vực đồi đá khoan giếng nhưng phải khoan rất sâu, kinh phí lớn. 

Nhiều giếng khoan xong không có nước hoặc nhanh chóng bị tụt mạch nước ngầm. "Mấy năm gần đây, bà con nông dân chuyển đổi trồng cây dài ngày, tiết kiệm nguồn nước nhưng cũng không đảm bảo được năng suất" - anh Nam nói.

Mong dòng nước sạch

Sống cùng với đá, nước mưa cũng khan hiếm nên nước sinh hoạt là chuyện đau đầu của người dân xã Buôn Choah. Năm 2004, xã được Chính phủ Đan Mạch tài trợ một công trình nước sạch. Qua năm tháng, đến nay chỉ còn 31 hộ dân sử dụng công trình này.

Tại xã cũng có ba công trình nước cộng đồng do nhiều nguồn tài trợ nhưng đến nay hai cái đã nhiễm phèn, một cái bị tụt mạch nước ngầm, khô như "cái chảo rang". Người dân phải tự khoan giếng nhưng khoan trên đồi đá thì khó tìm nước, khoan gần bờ sông lại bị nhiễm phèn.

Chị Quan Thị Nhân (trú thôn 1) cho biết nhiều hộ gia đình khoan 4-5 cái giếng vẫn không có nước. Trong xóm có vài hộ dân khoan sâu, có nước và sử dụng cho cả xóm. "Không biết mấy cái giếng này có tiếp tục tụt mạch nước ngầm nữa không. Mỗi lần khoan rất tốn kém trong khi đời sống chúng tôi đang rất khó khăn" - chị Nhân cho biết.

Ông Lương Văn Đoàn, chủ tịch UBND xã Buôn Choah, cho biết diện tích tự nhiên của xã khoảng 4.600ha nhưng diện tích ven sông chỉ khoảng 1.000ha để trồng hoa màu (lúa, khoai) là chủ động nguồn nước, diện tích còn lại chủ yếu nằm trên đồi đá cuội, rất khó canh tác và khan hiếm nước. Theo ông Đoàn, xã gần sông nhưng diện tích canh tác trên đồi đá quá xa, không máy nào có thể tưới lên được. Mưa thuận được mùa, còn không thì mất trắng.

Cũng theo ông Đoàn, xã có gần 3.000 hộ dân, thách thức lớn nhất là nguồn nước sinh hoạt. Trên cao thì khó tìm nguồn nước hoặc bị tụt mạch nước ngầm sau một thời gian. Chỗ thấp thì nước rất dồi dào nhưng "nước sông sao, nước giếng vậy", giếng bị nhiễm phèn không thể sử dụng. Tất cả các đơn vị trường học, UBND xã, trạm y tế xã đều sử dụng nước giếng khoan đang nhiễm phèn.

"Chỉ Trường mầm non Chồi Non có máy lọc nước để cho các cháu sử dụng đảm bảo vệ sinh, nhưng được chưa bao lâu máy đã hư hỏng do bị đóng phèn bên trong. Nhiều giếng đã bị nhiễm phèn, nước bơm lên sau một đêm đã đóng một lớp váng trên bề mặt, không ai dám dùng. Nhiều giếng nước nhìn thấy vẫn trong, nhưng khi đun sôi lên lại đục ngầu" - ông Đoàn cho biết.

"Chúng tôi rất mong cấp trên tổ chức kiểm tra nguồn nước để người dân yên tâm. Cũng mong có thêm nhiều nguồn kinh phí để xã có thể đầu tư các công trình nước sạch quy mô lớn, đảm bảo nguồn nước cho người dân" - ông Đoàn mong mỏi.

Hỗ trợ công trình nước sạch cho xã Buôn Choah

nước sạch

Nguồn nước duy nhất thầy và trò Trường THCS Buôn Choah đang dùng được xin từ một hộ dân sau trường - Ảnh: LINH ĐAN

Chương trình "Sẻ chia nước sạch 2018" do báo Tuổi Trẻ phát động với sự đồng hành của nhãn hàng Comfort 1 lần xả (Công ty Unilever) sẽ hỗ trợ kinh phí các công trình nước sạch cho bà con vùng sâu vùng xa. Tại Đắk Nông, chương trình sẽ hỗ trợ kinh phí công trình nước sạch cho thầy trò Trường THCS Buôn Choah và 97 hộ dân gần đó. Công trình vừa được khởi công ngày 18-12.

LINH ĐAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên