22/10/2006 09:01 GMT+7

Chương 8: Phương hướng chiến lược cho Việt Nam?

TRẦN VĂN THỌ
TRẦN VĂN THỌ

TTO - Để đối phó với thách thức từ AFTA và Trung Quốc, Việt Nam cần nhanh chóng tăng sức cạnh tranh của một loạt các ngành công nghiệp xét ra có lợi thế so sánh để chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước ASEAN. Như vậy có hai câu hỏi cần trả lời: Một là, Việt Nam có lợi thế so sánh trong những ngành nào? Hai là, làm sao để nhanh chóng tăng sức cạnh tranh của những ngành đó?

MePDcbKo.jpgPhóng to

8.1. Lợi thế so sánh tĩnh và động của Việt Nam

Lợi thế so sánh tĩnh (static comparative advantage) là lợi thế hiện tại, có ngành đã phát huy được, cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quốc tế, nhưng cũng có ngành chưa phát huy được do môi trường hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Lợi thế so sánh động (dynamic comparative advantage) là lợi thế tiềm năng sẽ xuất hiện trong tương lai gần hay xa khi các điều kiện về công nghệ, về nguồn nhân lực và khả năng tích luỹ tư bản cho phép. Nếu có chính sách tích cực theo hướng tạo ra nhanh các điều kiện đó sẽ làm cho lợi thế so sánh động sớm chuyển thành sức cạnh tranh hiện thực.

Để dễ phân tích, ta có thể chia các ngành công nghiệp thành năm nhóm:

Nhóm A: Những ngành có hàm lượng lao động cao, chủ yếu là lao động giản đơn, như vải vóc, quần áo, giày dép, dụng cụ lữ hành, dụng cụ du lịch, v.v..

Nhóm B: Những ngành vừa có hàm lượng lao động cao vừa sử dụng nhiều nguyên liệu nông lâm thuỷ sản như thực phẩm gia công các loại, đồ uống, v.v..

Nhóm C: Những ngành có hàm lượng tư bản cao và dựa vào nguồn tài nguyên khoáng sản như thép, hoá dầu.

Nhóm D: Những ngành có hàm lượng lao động cao, chủ yếu là lao động lành nghề, lao động có kỹ năng cao với nhiều trình độ khác nhau, như đồ điện gia dụng, xe máy, máy bom nước và các loại máy móc khác, bộ phận điện tử, linh kiện điện tử, v.v..

Nhóm E: Những ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao như máy tính, xe hơi, máy công cụ, các linh kiện, bộ phận điện tử cao cấp, v.v..

Trên thị trường thế giới, Trung Quốc đang cạnh tranh mạnh trong nhóm A và các sản phẩm lắp ráp trong nhóm D. Thái Lan và các nước ASEAN đi trước (ASEAN-4) có lợi thế trong nhóm B và các sản phẩm lắp ráp trong nhóm D. Cả Trung Quốc và ASEAN-4 đang tiến lên khá cao ở thượng nguồn của chuỗi giá trị trong các ngành thuộc nhóm D. Nhật Bản và NIEs còn duy trì lợi thế so sánh trong nhóm E nhưng tăng cường mạng lưới sản xuất khắp cả vùng Đông Á, do đó Trung Quốc và các nước ASEAN cũng tham gia ngày càng sâu vào các ngành trong nhóm E. Nói chung các nhóm D và E gồm những ngành liên quan đến các loại máy móc, và như đã phân tích ở Chương 2, đang ngày càng đóng vai trò chủ đạo trong sự phân công ở khu vực Đông Á.

Nhóm A và nhóm B là những ngành Việt Nam đang có lợi thế so sánh. Nhưng trong hai ngành chủ lực là may mặc và giày dép, hiện nay Việt Nam mới tập trung trong công đoạn gia công (trong giai đoạn D của Biểu đồ 2.2 ở Chương 2) và chủ yếu dựa vào lao động giản đơn. Các giai đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị hoàn toàn phụ thuộc nước ngoài. Việt Nam cần nỗ lực nội địa hoá các công đoạn có giá trị tính thêm cao. Nhưng dù sao các ngành này vẫn là nhóm thuộc các ngành Việt Nam có lợi thế so sánh tĩnh, nghĩa là những ngành đã và hiện đang có sức cạnh tranh.

Vấn đề quan trọng hơn là Việt Nam phải xác định được những lĩnh vực mà nhu cầu thế giới đang tăng, đồng thời xét ra Việt Nam có lợi thế so sánh động sẽ làm chuyển dịch cơ cấu sản xuất và xuất khẩu trong tương lai không xa. Vấn đề khẩn cấp đối với Việt Nam hiện nay là xác định được những ngành hội đủ hai điều kiện này, và từ đó đưa ra các chính sách tạo ra các tiền đề, điều kiện để tiềm năng biến thành hiện thực.

Tôi cho rằng các ngành thuộc nhóm D và một phần trong nhóm E, đặc biệt là đồ điện gia dụng và máy móc liên quan đến công nghệ thông tin như máy tính cá nhân, điện thoại di động là những ngành có đủ hai điều kiện nêu trên.

Trước hết là về nhu cầu thế giới. Đồ điện gia dụng, máy tính, điện thoại di động đều là những mặt hàng có đàn tính thu nhập cao (thu nhập tăng có khuynh hướng làm cho nhu cầu các mặt hàng đó tăng cao). Mức độ phổ cập tại châu Á tăng nhanh nhưng còn thấp cho thấy tiềm năng về nhu cầu ở khu vực này rất lớn. Chẳng hạn, từ năm 2001 đến 2002, độ phổ cập của máy tính cá nhân (số chiếc đang sử dụng trên 100 người dân) tại Đài Loan tăng từ 25% đến 40%, tại Thái Lan từ 3% đến 4%, Trung Quốc và Philíppin từ 2 đến 3%. Về điện thoại di động, độ phổ cập năm 2002 tại Hàn Quốc là 68%, Malaixia 38%, Thái Lan 26%, Philíppin 19% và Trung Quốc 16%. Về đồ điện gia dụng, thống kê năm 1999 cho thấy ở Đài Loan, Hàn Quốc, và Malaixia mọi gia đình đã có tủ lạnh, nhưng tỷ lệ tại Thái Lan mới có 68%, Philíppin 37%, Inđônêxia 24% và Trung Quốc 6%. Về máy giặt, Trung Quốc mới có 2% gia đình có phương tiện này và con số đó cũng chỉ từ 5-8% tại các nước ASEAN (trừ Xingapo và Malaixia). Thống kê mới hơn sẽ cho thấy độ phổ cập tại các nước cao hơn nhưng rõ ràng là dư địa để nhu cầu tăng còn rất lớn tại châu Á. Tại Nhật Bản và các nước Âu - Mỹ độ phổ cập đã đạt 100% nhưng sẽ có nhu cầu thay thế sản phẩm cũ và các thị trường này đều lớn. Nhu cầu thế giới do đó sẽ tiếp tục tăng mạnh.

Vấn đề thứ hai là Việt Nam có lợi thế so sánh động trong những ngành này không. Có hai cách tiếp cận bổ sung nhau để trả lời câu hỏi này. Thứ nhất, ta thử xem trong quá khứ những nước có trình độ phát triển như Việt Nam hiện nay đã bước vào giai đoạn phát triển các ngành này chưa. Nhiều ngành sản xuất các loại máy móc, nhất là các ngành đồ điện gia dụng đã bắt đầu phát triển nhộn nhịp tại Thái Lan từ khoảng 20 năm trước11. Sau khi kiểm chứng một số chỉ tiêu chỉ trình độ phát triển, tôi tạm kết luận là kinh tế Việt Nam đi chậm hơn Thái Lan khoảng 20 năm. Xem Chương 1. và tại Trung Quốc khoảng 10 năm trước cho thấy Việt Nam hoàn toàn có khả năng đẩy mạnh phát triển các ngành này vào giai đoạn hiện nay. Thứ hai, và quan trọng hơn, là xem các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực trên đang đánh giá môi trường đầu tư của Việt Nam ra sao và hiện nay các dự án họ đang triển khai có đặc điểm gì. Về điểm này, ta thử khảo sát động hướng gần đây của các công ty Nhật Bản.

Theo điều tra vào cuối năm 2004 của Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) về phương hướng lựa chọn môi trường đầu tư của các công ty lớn sản xuất hàng công nghiệp của Nhật Bản (Murakami và những người khác, 2005), Việt Nam được xếp thứ tư trong những nước được đánh giá cao (sau Trung Quốc, Thái Lan và Ấn Độ)22. Cuộc điều tra hằng năm của JBIC bắt đầu từ năm 1992. Vị trí của Việt Nam tăng dần đến năm 1997 nhưng sau đó giảm và tăng trở lại từ năm 2003. Xem chi tiết ở Chương 13.. Đặc biệt nếu lấy riêng các câu trả lời của các công ty ngành điện và điện tử thì Việt Nam xếp thứ ba. Điều tra thực tế của tôi tại các khu công nghiệp Thăng Long, Biên Hoà, Bình Dương và Khu chế xuất Tân Thuận trong mấy năm qua cũng cho thấy những công ty Nhật Bản trong ngành điện, điện tử có kinh nghiệm hoạt động tại Việt Nam đều đánh giá cao chất lượng lao động của ta; họ cho rằng về sự lĩnh hội các tri thức cơ bản và cách thao tác máy móc, lao động Việt Nam bằng hoặc hơn nhiều nước xung quanh. Phân tích động hướng đầu tư của Nhật tại Việt Nam gần đây cũng cho thấy rằng một khi khởi động phát triển các ngành này, Việt Nam không chỉ dừng lại ở khâu lắp ráp trong chuỗi giá trị ở Biểu đồ 2.2 của Chương 2 mà còn có thể tiến thẳng vào giai đoạn có giá trị gia tăng cao hơn. Nội dung đầu tư của công ty Denso (một thành viên trong tập đoàn Toyota. hay công ty Nissan Techno tại Khu công nghiệp Thăng Long cho thấy Nhật đã đưa sang Việt Nam công đoạn thiết kế là công đoạn có giá trị cao trong chuỗi giá trị vì đánh giá cao tiềm năng nguồn nhân lực có trình độ cao của lao động Việt Nam. Tại Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng phụ cận, mới trong vòng hai năm nay Nhật đã đầu tư ít nhất là 60 dự án trong ngành công nghệ thông tin mà nội dung chủ yếu là ở khâu thiết kế.

Như vậy phương hướng chiến lược của công nghiệp Việt Nam đã khá rõ. Vấn đề là phải đưa ra được chính sách, chiến lược cụ thể để đón đầu dòng thác công nghiệp ở Đông Á, tạo ra một sự chuyển dịch mạnh mẽ cho cơ cấu công nghiệp Việt Nam, phát huy tiềm năng để hội nhập có hiệu quả vào trào lưu tự do hoá thương mại ở khu vực này.

8.2. Chiến lược, biện pháp nào?

Làm sao để có thể tham gia mạnh mẽ vào sự phân công ở Đông Á trong các ngành sản xuất các loại máy móc thuộc hai nhóm D và E? Ở đây ta không có điều kiện đi sâu vào vấn đề này, nhưng từ phân tích thực trạng của Việt Nam có thể tóm tắt ba điểm liên quan đến chiến lược, biện pháp như sau:

Thứ nhất, cần chuyển từ chiến lược, chính sách thay thế nhập khẩu sang chiến lược xúc tiến xuất khẩu. Hầu hết các ngành thuộc hai nhóm D và E đều đang sản xuất tại Việt Nam nhưng có một đặc tính chung là sản xuất chủ yếu cho thị trường nội địa, được bảo hộ bằng quan thuế ở cả sản phẩm cuối cùng và sản phẩm trung gian như bộ phận, linh kiện. Chính sách đánh thuế cao trên linh kiện, bộ phận để tăng tỷ lệ nội địa hoá đã làm tăng giá thành sản phẩm lắp ráp, sản phẩm này do đó phải được bảo hộ trong thị trường nội địa. Hơn nữa, chỉ sản xuất cho thị trường nội địa nên quy mô sản xuất quá nhỏ (xem Chương 9 về ngành điện, điện tử gia dụng), không phát huy tính quy mô kinh tế (economies of scale)11. Tính quy mô kinh tế là hiệu quả trong đó phí tổn sản xuất của một đơn vị sản phẩm (chẳng hạn một chiếc xe máy, một tủ lạnh, v.v...) giảm theo lượng tăng của quy mô sản xuất., càng làm cho giá thành tăng. Đó là cái vòng luẩn quẩn cản trở sức cạnh tranh. Trong quá khứ, nhiều nước châu Á cũng theo chính sách này nhưng phải tốn nhiều năm (đợi cho thị trường trong nước lớn mạnh) mới có sức cạnh tranh và chuyển sang xuất khẩu. Tuy nhiên, Việt Nam bây giờ không thể theo chiến lược này vì phải giảm thuế trong các chương trình tự do hoá thương mại, trước mắt là với ASEAN và sau này với Trung Quốc.

Như vậy, chính sách vừa giữ mức thuế quan cao đối với linh kiện, bộ phận nhưng vừa cho tự do nhập khẩu sản phẩm nguyên chiếc trong khuôn khổ AFTA đang đặt các ngành điện, điện tử gia dụng và các ngành máy móc khác của Việt Nam trước một thách thức rất lớn là không thể cạnh tranh được với hàng nhập từ ASEAN và Trung Quốc, và do đó nhiều công ty đa quốc gia có thể sẽ phải đóng cửa nhà máy tại Việt Nam, chuyển sang sản xuất tại Thái Lan và các nước có quy mô sản xuất lớn với các ngành công nghiệp phụ trợ đã phát triển (phần lớn những công ty đang sản xuất đồ điện gia dụng, xe hơi, v.v., tại Việt Nam cũng là những công ty sản xuất quy mô lớn tại Thái Lan). Để tránh trường hợp này, chính phủ nên khẩn cấp bỏ chính sách thuế quan cao đối với linh kiện, bộ phận để giảm giá thành lắp ráp sản phẩm nguyên chiếc và giữ chân các công ty đa quốc gia. Như đã đề cập ở trên, các công ty của Nhật đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam, và theo tính toán của những công ty đã đầu tư tại nước ta trong ngành điện điện tử gia dụng, nếu vấn đề linh kiện, bộ phận được giải quyết, các sản phẩm nguyên chiếc của Việt Nam có khả năng xuất khẩu sang Nhật và các thị trường lớn khác, và dưới thể chế AFTA có thể xuất khẩu sang nhiều nước ASEAN. Trong trường hợp đó, quy mô sản xuất sẽ mở rộng nhanh chóng, kích thích sự phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ.

Để xây dựng các ngành công nghiệp phụ trợ, trong quá khứ cũng có nhiều nước đã áp dụng biện pháp nâng cao thuế suất linh kiện nhập khẩu nhưng phải đồng thời bảo hộ sản phẩm nguyên chiếc. Việt Nam ngày nay không thể bảo hộ sản phẩm nguyên chiếc thì phải theo một chiến lược khác. Chính sách tối ưu hiện nay là phải nhanh chóng tăng năng lực cạnh tranh để xuất khẩu được sản phẩm nguyên chiếc, từ đó quy mô sản xuất trong nước tăng nhanh, tạo điều kiện để các công ty cung cấp sản phẩm công nghiệp phụ trợ đầu tư lớn. Thật ra, nếu nhà nước có tín hiệu về sự thay đổi chính sách theo hướng đó thì công ty nước ngoài có thể sẽ đầu tư để xây dựng các cụm công nghiệp ngay từ bây giờ. Các loại máy móc gồm nhiều công đoạn nên thường có sự phân công hàng ngang giữa các nước trong việc sản xuất và cung cấp lẫn nhau các linh kiện, bộ phận. Tuy nhiên, công nghệ của nhiều loại trong nhóm D tương đối đã tiêu chuẩn hoá và ít sai biệt về độ sâu lao động hay tư bản. Do đó, doanh nghiệp có khuynh hướng nội địa hoá linh kiện, bộ phận một khi lượng sản xuất đạt quy mô kinh tế. Thêm vào đó, khi sản phẩm nguyên chiếc sản xuất cả cho thị trường thế giới thì các công ty lắp ráp phải thường xuyên thay đổi cơ năng, mẫu mã, kiểu dáng của sản phẩm. Điều này buộc họ phải luôn bảo đảm một sự cơ động, linh hoạt trong việc tổ chức quản lý dây chuyền cung cấp (supply chain management) của các sản phẩm phụ trợ và do đó phải tăng tỷ lệ nội địa hoá, chủ động tham gia xây dựng các cụm công nghiệp.

Thứ hai, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hơn nữa. FDI là biện pháp hữu hiệu, là con đường ngắn nhất để tăng sức cạnh tranh. Thay đổi chính sách theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu và tự do hoá nhập khẩu sản phẩm trung gian như đã nói ở trên sẽ thu hút FDI dễ dàng. Ngoài ra, vì các ngành thuộc hai nhóm D và E được triển khai thành mạng lưới sản xuất toàn khu vực Đông Á, nên để tham gia hiệu quả vào sự phân công này, Việt Nam phải trở thành những cứ điểm sản xuất và lưu thông có hiệu suất mới hấp dẫn các công ty đa quốc gia. Cứ điểm sản xuất và lưu thông có hiệu suất là nơi bảo đảm sản xuất một sản phẩm với giá thành (cost) rẻ (nhờ chi phí lao động, chi phí đầu vào thấp), chất lượng (quality) cao và phân phối (delivery) đúng thời hạn. Nếu một cơ sở sản xuất nào đó không cung cấp đúng thời hạn thì cả mạng lưới sản xuất toàn khu vực bị ảnh hưởng, do đó các công ty đa quốc gia rất nhạy cảm về vấn đề này khi chọn môi trường đầu tư. Phân phối là công việc của nhà sản xuất, của công ty đa quốc gia, nhưng yếu tố quy định phân phối là môi trường đầu tư trong đó hạ tầng phần cứng (hệ thống giao thông, thông tin, v.v.) và phần mềm (thủ tục hành chính, thuế quan, luật lệ, quy định, v.v.) có vai trò quyết định. Phí tổn liên quan đến việc này còn được gọi là phí tổn nối kết dịch vụ (service link cost), đang ngày càng trở thành yếu tố quan trọng cho việc đánh giá môi trường đầu tư, nhất là đầu tư trong những ngành thuộc nhóm D và E11. Về ý nghĩa và liên quan giữa phí tổn nối kết dịch vụ với FDI, có thể xem, chẳng hạn, Kimura (2005)..

Thứ ba, cần đẩy mạnh sự liên kết giữa các công ty FDI với các loại doanh nghiệp trong nước như doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân. Chương 11 dựa trên kết quả phân tích các ngành xe máy và dệt may, cho thấy sự liên kết giữa FDI với các công ty trong nước còn quá yếu vì các doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu suất, còn các công ty tư nhân chưa có đủ điều kiện về vốn và thông tin, v.v.. Các công ty trong nước (nhà nước và tư nhân) có thể đẩy mạnh liên kết với các công ty đa quốc gia ở hai mặt: liên kết hàng dọc và liên kết hàng ngang.

Liên kết hàng dọc là nỗ lực cung cấp bộ phận, linh kiện cho các công ty FDI, góp phần đưa nền công nghiệp cả nước tiến về thượng nguồn trong chuỗi giá trị (Biểu đồ 2.2 trong Chương 2). Việc này đòi hỏi các công ty trong nước phải năng động, tích cực tiếp cận các công ty FDI, tìm hiểu nhu cầu của họ và nỗ lực cải tiến công nghệ, cải tiến phẩm chất lượng để đáp ứng nhu cầu đó. Thực ra ở giai đoạn đầu, việc đáp ứng ngay nhu cầu của các công ty FDI không phải dễ và cũng không phải là tiền đề tối quan trọng để có được sự quan tâm của các công ty FDI. Vấn đề quan trọng hơn là các công ty trong nước phải cho thấy mình có đủ khả năng tiếp thu công nghệ, có quyết tâm thay đổi tổ chức, sửa đổi cung cách quản lý để tiếp thu có hiệu quả công nghệ mới, tri thức mới, những tiền đề để sản xuất các linh kiện, bộ phận và những sản phẩm trung gian khác với chất lượng cao và phí tổn thấp. Các công ty FDI thường chú trọng đến những mặt này khi tìm đối tác để liên kết. Một khi tìm được đối tác có triển vọng họ sẽ tích cực chuyển giao công nghệ để được cung cấp những sản phẩm trung gian với chất lượng và giá thành đạt yêu cầu11. Những công ty lớn FDI chuyên lắp ráp xe máy, xe hơi, v.v., thường mở các hội chợ để thông báo, quảng bá nhu cầu linh kiện, bộ phận của mình. Có thể gọi đây là những hội chợ ngược hoặc tiếp thị ngược vì hoạt động này không nhằm tuyên truyền sản phẩm mình bán mà là sản phẩm mình mua từ các công ty khác. Các công ty trong nước cần theo dõi và tham gia tích cực các hội chợ ngược này, từ đó nỗ lực đáp ứng nhu cầu của thị trường.. Chương 10 sẽ bàn cụ thể về vấn đề này.

Liên kết hàng ngang là tiến hành hợp tác với các công ty đa quốc gia về nhiều mặt để sản xuất và xuất khẩu ra thị trường thế giới. Lúc đầu có thể sản xuất và cung cấp dưới thương hiệu của công ty nước ngoài, xuất khẩu theo mạng lưới của công ty nước ngoài (gọi chung là OEM, Original Equipment Manufacturing). Sau đó dần dần tự mình thiết kế sản phẩm (sản xuất theo hình thức ODM, Own Design Manufacturing), tạo những sản phẩm độc đáo để chào hàng với các công ty đa quốc gia (multi-national corporations, MNCs), sản phẩm càng độc đáo thì càng có ưu thế trong việc thương lượng với MNCs. Và cuối cùng tiến đến giai đoạn xây dựng thương hiệu, làm chủ hoàn toàn sản phẩm công nghiệp (gọi là OBM, Own Brand Manufacturing), không còn tuỳ thuộc vào MNCs. Quá trình chuyển từ OEM sang ODM rồi đến OBM là quá trình tự lập của các công ty trong nước, lúc đầu dựa vào ngoại lực để dần dần củng cố nội lực để cuối cùng tự lập hoàn toàn. Chương 11 bàn kỹ vấn đề này.. Trường hợp thành công điển hình nhất của quá trình tự lập này có lẽ các công ty sản xuất máy tính, kể cả máy tính cá nhân (personal computer, PC) và máy để bàn (desktop), của Đài Loan. Các công ty máy tính của Đài Loan lúc đầu cũng dựa vào OEM nhưng dần dần chuyển sang ODM rồi OBM. Ngày nay, các thương hiệu của Đài Loan như Quanta, Compal, Asustec, Inventec, v.v., đã trở thành những thương hiệu nổi tiếng thế giới. Các công ty này đã làm cho Đài Loan trở thành nơi cung cấp hơn 50% sản lượng máy tính của thế giới hiện nay và đang tích cực đầu tư sang Trung Quốc để lắp ráp những công đoạn có hàm lượng lao động cao nhằm duy trì năng lực cạnh tranh của họ trên thương trường thế giới.

Kết luận

Làn sóng công nghiệp ở vùng Đông Á với đặc tính là sự phân công hàng ngang giữa các nước đang ngày càng lan rộng, nhất là tập trung mạnh trong những ngành chế tạo các loại máy móc. Sự xuất hiện mạnh mẽ của Trung Quốc làm nhiều người lo ngại nhưng thị trường lớn này cũng mở ra nhiều cơ hội đẩy mạnh hơn nữa sự phân công trong vùng và nhiều nước Đông Á đã thành công trong việc nắm bắt cơ hội đó. Thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như giữa Việt Nam và các nước ASEAN chủ yếu là thương mại hàng dọc, bất lợi đối với Việt Nam, và Việt Nam đang đứng trước một thử thách là phải tiến hành công nghiệp hoá trong trào lưu tự do hoá thương mại trong khu vực. Tuy nhiên, Việt Nam đang có lợi thế so sánh động trong nhiều ngành công nghiệp, nhất là các ngành liên quan đến các loại máy móc, nếu có chiến lược, chính sách đúng đắn vẫn có thể tham gia vào sự phân công năng động ở vùng này.

Từ quan điểm phân tích của chương này, Chương 9 sẽ khảo sát trường hợp ngành điện, điện tử gia dụng, một ngành điển hình trong nhóm D.

TRẦN VĂN THỌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên