![]() |
5.1. AFTA: Thử thách hội nhập đầu tiên của Việt Nam
AFTA (ASEAN Free Trade Area) được sáu nước thành viên cũ của ASEAN quyết định thành lập năm 1992 nhằm mục đích bãi bỏ hàng rào quan thuế để tiến hành tự do thương mại giữa các nước trong khối. Sau một số lần điều chỉnh, vào năm 1995, các nước đã quyết định mục tiêu giảm thuế quan xuống dưới 5% vào năm 2003 và bãi bỏ hoàn toàn hàng rào quan thuế vào năm 2010. Gia nhập ASEAN năm 1995, Việt Nam cũng tham gia AFTA từ năm 1996 với mục tiêu giảm thuế quan nhập khẩu từ các nước thành viên xuống dưới 5% vào năm 2006 và 0% vào năm 201711. Tác giả đã có dịp phân tích hiệu quả của AFTA đối với công nghiệp hoá Việt Nam (Trần Văn Thọ 2002d) và ý nghĩa của AFTA trong vùng năng động ở Đông Á (Trần Văn Thọ 2002a).
Các cam kết của Việt Nam được tiến hành nhanh từ giữa năm 2003. Như Bảng 5.1 cho thấy, vào giữa năm 2004, Việt Nam đã đưa hơn 10.000 dòng thuế (chiếm khoảng 95% tổng số các dòng thuế) vào danh mục các mặt hàng sẽ được cắt giảm thuế (gọi là Inclusion List, IL) theo Chương trình thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung (Common Effective Preferential Tariffs, CEPT) của AFTA, trong đó gần 7.500 dòng thuế đã được cắt giảm xuống dưới 5%. Tư liệu mới hơn cho thấy vào năm 2005 số dòng thuế được cắt giảm sẽ tăng lên 8.459 và vào năm 2006 sẽ tăng lên 10.443. Con số này lớn hơn số trong Bảng 5.1 (10.143) vì sau tháng 6-2004 một số danh mục mới được đưa vào IL. Về tư liệu trước năm 2003, xem Bộ Tài chính (2000) và Bộ Thương mại (2001). Thông tin mới hơn lấy từ tư liệu của Viện Quản lý kinh tế trung ương. .
Cho đến giữa năm 2003, các hàng công nghiệp được đưa vào danh mục giảm thuế trên nguyên tắc được chọn theo tiêu chuẩn không hoặc ít ảnh hưởng đến các ngành mới bắt đầu phát triển trong nước và đang được bảo hộ. Những ngành này được nằm trong danh mục loại trừ tạm thời (Temporary Exclusion List, TEL) ra khỏi khuôn khổ CEPT. Tuy nhiên, từ năm 2004, trừ một vài ngoại lệ, tất cả các mặt hàng công nghiệp đều được đưa vào chương trình giảm thuế xuống dưới 5% chậm nhất là năm 2006.
Những mặt hàng tiêu biểu được chuyển sang danh mục giảm thuế IL từ năm 2001 là thép xây dựng, chế phẩm kính, bộ phận và linh kiện tivi, máy phát điện, v.v.. Những ngành chuyển từ TEL sang IL vào năm 2002 là máy giặt, tủ lạnh, đồng hồ, linh kiện đồng hồ, rượu vang, nước hoa, v.v.. Năm 2003, những ngành chuyển từ TEL sang IL là bia, rượu, xăng dầu, xe hơi, xe máy, phân bón, hoá chất, v.v.. Hầu hết đây là những mặt hàng hiện được sản xuất ở trong nước, trong đó một số do công ty có vốn nước ngoài sản xuất như xe hơi, xe máy và các loại đồ điện gia dụng.
Thuế suất nhập khẩu của các mặt hàng này cho đến năm 2003 là khá cao, trên dưới 50%, đủ để bảo hộ với hàng nhập khẩu cùng loại. Dù vậy, chênh lệch giá giữa hàng nhập và hàng sản xuất trong nước không lớn. Điều này cho thấy sau khi các cam kết AFTA được thực hiện hoàn toàn (năm 2006), các mặt hàng này khó giữ vững vị trí hiện nay trên thị trường trong nước. Chẳng hạn, vào đầu năm 2001, với máy giặt cỡ 4KG giá bán của hàng sản xuất trong nước là 3,7 triệu đồng, trong khi hàng nhập kể cả thuế là 3,8 triệu. Tủ lạnh 150 lít giá hàng nội là 4,31 triệu và hàng nhập là 4,85 triệu đồng11. Theo Market & Prices, ngày 2-1-2001. . Dù thông tin này tương đối cũ, nhưng như Chương 9 phân tích, tình hình sau đó về căn bản không thay đổi lớn (quy mô sản xuất nhỏ, thuế nhập linh kiện quá cao, v.v.) nên có thể nói giữa Việt Nam và Thái Lan vẫn còn một sự cách biệt lớn về năng lực cạnh tranh. Trong phần sau đây, ta thử đưa ra một đánh giá tổng hợp hơn về khả năng đối phó với thách thức hiện nay của Việt Nam.
5.2. Ảnh hưởng của AFTA đối với công nghiệp Việt Nam
Giữa những nước có trình độ phát triển khác nhau, việc thực hiện khu vực thương mại tự do phải theo một nội dung, một tiến trình hợp lý để các nước còn ở giai đoạn phát triển thấp hơn có thể tham gia mà không ảnh hưởng đến chiến lược, mục tiêu và nhu cầu phát triển của họ. Tiến trình hợp lý thông thường là để cho các nước đi sau chậm thực hiện nghĩa vụ tự do hoá so với các nước khác để có thời gian tăng năng lực cạnh tranh, và, như trường hợp của Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), nội dung của việc thực hiện tự do hoá thương mại còn có kế hoạch hỗ trợ kinh tế và công nghệ của các nước đi trước đối với các nước đi sau. Ba cột trụ của APEC là tự do hoá thương mại (liberalization), kế hoạch thuận lợi hóa (facilitation) các hoạt động thương mại và đầu tư, và kế hoạch hỗ trợ kinh tế và công nghệ (ecotech). Xem, chẳng hạn, Trần Văn Thọ (1997), Chương 10. . Trong trường hợp AFTA, Việt Nam thực hiện nghĩa vụ tự do hoá thương mại chậm hơn các nước đi trước chỉ ba năm và không có các chương trình hỗ trợ về kinh tế và công nghệ, có lẽ vì quan điểm chung là khoảng cách phát triển giữa Việt Nam với các nước ASEAN đi trước không xa lắm. Tuy nhiên, so với thời gian chậm thực hiện nghĩa vụ tự do hoá thì khoảng cách phát triển lớn hơn nhiều. Theo đánh giá sơ bộ của tôi ở Chương 1, Việt Nam và Thái Lan có một khoảng cách phát triển khoảng 20 năm. So với Xingapo và Malaixia thì khoảng cách lớn hơn, so với Philíppin và Inđônêxia thì nhỏ hơn (tất nhiên Xingapo là một quốc gia đô thị nên không thể so sánh đơn thuần với Việt Nam được). . Tất nhiên, vào thời điểm gia nhập ASEAN (1995), với 10 năm (1996-2006) thực hiện từng bước AFTA (trên thực chất, như đã đề cập, thực hiện từ năm 2003) và với hoàn cảnh trong nước lạc quan (kinh tế vĩ mô đã ổn định, tăng trưởng khá cao), hoàn cảnh quốc tế thuận lợi (các nước tiên tiến và các định chế tài chính quốc tế từ năm 1993 đã quyết định hỗ trợ tài chính hằng năm cho ta, thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường với Mỹ, FDI tăng nhanh, v.v.), Việt Nam đã tự tin hơn và quyết định gia nhập AFTA là đúng đắn. Tuy nhiên, sau đó, Việt Nam bỏ mất thời cơ thu hút FDI (xem Chương 12) để chuyển dịch cơ cấu và tăng năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp. Hiện nay, khoảng cách phát triển công nghiệp giữa Việt Nam và các nước ASEAN đi trước vẫn còn khá lớn, thể hiện ở các mặt như sau:
Thứ nhất, các chỉ tiêu phát triển công nghiệp cho thấy Việt Nam đi sau khá xa so với Thái Lan, Malaixia... về cả lượng và chất. Theo Bảng 5.2, kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp của Việt Nam mặc dù tăng rất nhanh (từ năm 1996 đến 2002 tăng gấp gần 4 lần), hiện nay mới chỉ bằng 1/3 của Philíppin và Inđônêxia, 1/5 Thái Lan và 1/7 Malaixia. Về chất lượng phát triển công nghiệp, tư liệu và phân tích ở Chương 2 cho thấy, so với các nước ASEAN khác, tỷ lệ của công nghiệp trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam còn thấp, nhất là tỷ lệ của các loại máy móc thì quá nhỏ.
Thứ hai, thương mại giữa Việt Nam với các nước ASEAN hiện nay có đặc tính là phân công hàng dọc, một tính chất thường thấy trong thương mại giữa nước tiên tiến và nước đang trên đường phát triển. Trong khi Việt Nam nhập khẩu từ ASEAN hầu hết là hàng công nghiệp, thì ta xuất chủ yếu là hàng nông lâm thuỷ sản và các nguyên liệu thô (ước tính từ thống kê của Tổng cục hải quan cho thấy các mặt hàng này chiếm tới 70% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN vào năm 2000). Tỷ lệ xuất khẩu hàng công nghiệp rất thấp (chủ yếu là bộ phận, linh kiện điện tử mà phần lớn là nhờ công ty Fujitsu xuất khẩu sang công ty con của họ ở Philíppin, còn lại là quần áo, giầy dép và hàng thủ công mỹ nghệ). Riêng Việt Nam và Thái Lan, hai nước có cơ cấu tài nguyên gần giống nhau, đang triển khai phân công hàng ngang (vừa xuất và nhập hàng công nghiệp). Chẳng hạn vào năm 2001, trong tổng xuất khẩu của Thái Lan sang Việt Nam (798 triệu USD) có đến 76% là hàng công nghiệp, nhưng hàng công nghiệp cũng chiếm tới 62% trong tổng nhập khẩu của Thái Lan từ Việt Nam (327 triệu USD)11. Theo JETRO Boueki Toshi Hakusho (Sách Trắng về thương mại và đầu tư), 2002. . Tuy là phân công hàng ngang nhưng tổng kim ngạch xuất và nhập khẩu giữa hai nước cho thấy Việt Nam bị nhập siêu nhiều, phản ảnh năng lực cạnh tranh còn yếu của công nghiệp Việt Nam. Hiện nay, cả khối ASEAN chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nhưng Việt Nam nhập siêu với ASEAN khoảng 3 tỷ USD22. Theo thống kê năm 2003. Cùng năm, tổng nhập siêu của Việt Nam là 5 tỷ, nhập siêu với Hàn Quốc là 2,1 tỷ, với Trung Quốc 1,4 tỷ và với Nhật Bản khoảng 85 triệu USD. Mặt khác, Việt Nam xuất siêu với Mỹ 2,8 tỷ và châu Âu 1 tỷ USD. .
Từ những phân tích trên đây, ta có thể thấy những thách thức mà Việt Nam sẽ phải đối mặt sau khi thực hiện hoàn toàn các cam kết với AFTA như sau:
Thứ nhất là ảnh hưởng từ chiến lược tái cơ cấu hoạt động sản xuất của các công ty đa quốc gia. Nhiều mặt hàng công nghiệp hiện nay do các công ty có vốn nước ngoài sản xuất và được bảo hộ bằng thuế nhập khẩu. Khi hàng rào quan thuế bị cắt giảm, các công ty đa quốc gia sẽ tập trung sản xuất tại những nước có phí tổn thấp nhất trong khu vực AFTA. Do đó, từ nay đến giữa năm 2006, thách thức của Việt Nam là làm sao giữ chân các cơ sở sản xuất hiện có của các công ty đa quốc gia, đồng thời tạo cơ hội để các công ty này đầu tư mới hoặc chuyển những cơ sở sản xuất ở các nước ASEAN khác sang Việt Nam. Xem Chương 9 về trường hợp ngành điện, điện tử gia dụng. .
Thứ hai, trong số các doanh nghiệp nhà nước và một phần các công ty tư nhân trong nước cho đến nay hoạt động được chủ yếu là nhờ chính sách bảo hộ, sau năm 2006, nhiều doanh nghiệp có khả năng bị đẩy ra khỏi thị trường. Các công ty này cần nhanh chóng tăng năng lực cạnh tranh thì mới đối phó kịp. Như sẽ phân tích trong Chương 8, việc liên kết hàng dọc và hàng ngang với các công ty đa quốc gia là một trong những biện pháp nhanh chóng tăng năng lực cạnh tranh. Tất nhiên, ở đây ta không phủ nhận sự năng động đối phó một cách hữu hiệu của nhiều doanh nghiệp sau đợt cắt giảm quan thuế trong chương trình AFTA vào năm 2003. Theo Viện kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, dù thuế nhập khẩu giảm xuống dưới 5% từ giữa năm 2003, ít nhất là cho đến đầu năm 2005, sản xuất trong nước về những hàng công nghiệp như đồ nhựa, văn phòng phẩm, giấy vệ sinh, thủ công mỹ nghệ, gỗ chế biến, v.v. vẫn tiếp tục tăng, vì vẫn giữ được sức cạnh tranh với hàng hoá nước ngoài. Theo ý kiến của TS. Trần Du Lịch, Viện truởng Viện kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, trong buối trao đổi ý kiến với tác giả về công nghiệp Việt Nam ngày 19-2-2005. . Tuy nhiên, đó là những mặt hàng sản xuất nhỏ, có hàm lượng lao động giản đơn cao, thị trường có khuynh hướng phân tán trong nhiều địa phương nên hàng nước ngoài khó cạnh tranh. Trong các lĩnh vực mà công nghệ, tổ chức sản xuất và lưu thông hiện đại hơn, thách thức của hàng nhập khẩu dưới áp lực cắt giảm quan thuế sẽ lớn hơn nhiều.
Thứ ba, gia nhập AFTA chủ yếu là để mở rộng thị trường xuất khẩu, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, nhưng như đã thấy, hiện nay khả năng thâm nhập thị trường ASEAN của hàng công nghiệp Việt Nam còn quá yếu. Làm sao để mở rộng phân công hàng ngang (xuất và nhập đồng thời hàng công nghiệp) với các nước ASEAN khác trong quá trình hội nhập? Một trong những biện pháp có hiệu quả nhất là tăng cường chiến lược thu hút FDI (Chương 12) và tận dụng mọi thời cơ quốc tế đang có, nhất là thời cơ từ Nhật Bản (Chương 13).
Cần nói thêm là dưới áp lực cạnh tranh của Trung Quốc, nhiều nước ASEAN, đặc biệt là Thái Lan và Malaixia cũng đang ráo riết tăng cường năng lực cạnh tranh. Việt Nam cần theo dõi các động hướng này để khẩn trương hơn nữa trong việc thay đổi cơ chế, ưu tiên các mũi đột phá chiến lược để nhanh chóng tăng năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập. Chiến lược gần đây của Thái Lan rất đáng được chú ý:
Trước áp lực cạnh tranh của Trung Quốc và những thách thức do trào lưu toàn cầu hoá, khu vực hoá mang đến, Thái Lan thấy cần phải vạch ra chiến lược tăng sức cạnh tranh. Tháng 5-2002, họ lập Uỷ ban tăng cường cạnh tranh quốc gia do chính Thủ tướng đứng đầu. Họ mời các chuyên gia nước ngoài tham gia bàn bạc, thảo luận và tháng 10-2003 đưa ra bản báo cáo 600 trang phân tích cụ thể các mặt mạnh, mặt yếu và nhất là đưa ra chiến lược rất rõ ràng và biện pháp thực hiện rất cụ thể. Bộ máy hành chính cũng bắt tay ngay vào việc triển khai chiến lược và thực hiện các biện pháp. Trong chiến lược này, Thái Lan đã xác định năm lĩnh vực có thể tạo cho họ một vị trí trên thị trường quốc tế: xe hơi, thực phẩm, thời trang, du lịch và phần mềm máy tính. TháI Lan khẳng định hai biện pháp cần đẩy mạnh để thực hiện chiến lược này là tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và triển khai các hiệp định thương mại tự do (FTA). Gần đây, ta đã thấy các chính sách đối ngoại và hoạt động của các nhà lãnh đạo cao nhất của Chính phủ Thái Lan đều tập trung vào vấn đề này. Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, FDI vào Thái Lan chững lại, nhưng từ hai năm nay FDI tăng trở lại và các công ty đa quốc gia tiếp tục đánh giá cao tiềm năng của Thái Lan. Thái Lan cũng đã tích cực tranh thủ ngay những cam kết trong khuôn khổ FTA giữa Trung Quốc và ASEAN và đã đạt thành quả trong việc đẩy mạnh xuất khẩu nông phẩm sang Trung Quốc mà tôi đã có dịp giới thiệu11. Xem Thời báo kinh tế Sài Gòn, ngày 16-2-2004. .
Thách thức của AFTA rất lớn. Việt Nam cần khẩn trương hơn nữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận