23/10/2006 10:25 GMT+7

Chương 11: Nội lực và ngoại lực trong nền cộng nghiệp hóa

TRẦN VĂN THỌ
TRẦN VĂN THỌ

TTO - Từ những năm cuối thế kỷ XX, vấn đề phát huy nội lực được nói đến nhiều tại Việt Nam. Tôi cũng cho rằng trước trào lưu toàn cầu hoá ngày càng mạnh, đặt vấn đề tăng cường và phát huy nội lực để chủ động phát triển trong ổn định là cần thiết.

KhQ404OD.jpgPhóng to

Tuy nhiên, cho đến nay vấn đề này mới được bàn chung chung, chưa được phân tích một cách khoa học nên chưa đưa ra được những kết luận có thể tham khảo cho việc đặt ra chính sách, chiến lược cần thiết. Một điểm quan trọng nữa cũng chưa được bàn đến một cách có hệ thống, chưa được phân tích, đánh giá là quan hệ giữa nội lực và ngoại lực.

Có thể có nhiều trường hợp ngoại lực góp phần làm mạnh nội lực. Do đó, sẽ là không khôn ngoan nếu không tận dụng ngoại lực để đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế. Ngoại lực nên được kết hợp với nội lực như thế nào để phát triển nhanh và bền vững?

Chương này xoay quanh vấn đề vốn, công nghệ và tri thức quản lý, kinh doanh để phân tích chủ đề làm sao kết hợp có hiệu quả giữa nội lực và ngoại lực. Tri thức quản lý và năng lực kinh doanh có thể gọi chung là nguồn lực kinh doanh (managerial resources). Nguồn vốn (capital resources), công nghệ và nguồn lực kinh doanh là những biểu hiện cụ thể của từ “lực” trong nội lực và ngoại lực. Các nguồn lực này được vận dụng qua hoạt động của các doanh nghiệp. Do đó, nội lực và ngoại lực vừa có thể được đánh giá trên bình diện vĩ mô (vị trí của hai nguồn lực trong nền kinh tế quốc dân) vừa có thể được đánh giá qua kết quả hoạt động của doanh nghiệp có vốn trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài (dưới đây sẽ được gọi là doanh nghiệp FDI - foreign direct investment). Nhưng hai loại doanh nghiệp này không phải lúc nào cũng hoạt động độc lập mà bổ sung nhau trong nhiều trường hợp, đặc biệt là nếu có chính sách, chiến lược đúng đắn sẽ phát sinh tác động tích cực từ doanh nghiệp FDI đến doanh nghiệp vốn trong nước.

Tại Việt Nam, dư luận xã hội và các nhà hoạch định chính sách chưa hiểu đúng vai trò của ngoại lực trong trường hợp này nên môi trường FDI cải thiện rất chậm và chưa có sự tác động tích cực từ doanh nghiệp FDI đến doanh nghiệp vốn trong nước11. Tại Việt Nam, trong các văn kiện chính thức của chính phủ và của Đảng Cộng sản, FDI được xem là một bộ phận của nền kinh tế quốc dân giống như các thành phần kinh tế khác. Tuy nhiên, trên thực tế FDI vẫn còn bị xem là lực lượng đối lập với các thành phần khác. Báo chí và đài truyền hình thường giới thiệu các ý kiến trong dân chúng, đại loại như: Chất xám của Việt Nam đang chảy sang doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp FDI không mất một đồng vốn đầu tư xây dựng nguồn nhân lực nhưng lại thu hút hết người tài giỏi của Việt Nam. Chính phủ cũng có quy định là những lĩnh vực nào doanh nghiệp trong nước có thể đầu tư thì không cho doanh nghiệp FDI hoạt động, doanh nghiệp FDI không được thuê lao động nước ngoài quá 3% tổng số lao động trong doanh nghiệp. Phân tích trong chương này sẽ cho thấy các ý kiến nêu trên đều chưa phản ánh đúng thực tế.. Chương này sẽ đánh giá vai trò của FDI trên bình diện vĩ mô của kinh tế Việt Nam và sẽ phân tích, đánh giá vai trò của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam trong mối quan hệ hỗ tương với các doanh nghiệp vốn trong nước. Chương này sẽ giới hạn vấn đề trong ngành công nghiệp chế biến là ngành mà doanh nghiệp FDI đóng vai trò quan trọng, và cũng là ngành Việt Nam sẽ đẩy mạnh phát triển trong chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Trong phần dưới đây, mục 1 sẽ bàn về các khái niệm, các khung phân tích chính liên quan đến nội lực và ngoại lực, trong đó đặc biệt đưa ra một phương pháp luận để phân tích sự liên quan giữa doanh nghiệp vốn trong nước và doanh nghiệp FDI, và đề khởi một sự liên kết (linkage) hiệu quả giữa hai loại hình doanh nghiệp. Mục 2 đánh giá tổng quát về kết quả du nhập FDI của Việt Nam trong thời gian qua (1988-2004). Mục 3 sẽ trình bày cái nhìn tổng quát về vị trí của doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam và phân tích hai trường hợp cụ thể (ngành may mặc và ngành xe máy) để xem chi tiết hơn về quan hệ giữa nội lực và ngoại lực tại Việt Nam. Cuối cùng, phần kết luận sẽ đề xuất mấy ý kiến về mặt chính sách để Việt Nam tận dụng hiệu quả hơn nguồn lực nước ngoài.

11.1. Mấy khái niệm để phân tích nội lực và ngoại lực

Nội lực và ngoại lực trong tầm nhìn vĩ mô

Nói cụ thể, những yếu tố nào có thể bao gồm trong nội lực và ngoại lực? Trên phương diện phân tích kinh tế, đất đai, lao động và tư bản là những yếu tố sản xuất chính, nhưng những nguồn lực (resources) khác như công nghệ, tri thức quản lý, khả năng kinh doanh, khả năng tổ chức, v.v. còn quan trọng hơn. Để phân tích được, ở đây ta cần giới hạn vào những nguồn lực mà nội lực và ngoại lực có quan hệ mật thiết nhau, hoặc bổ sung hoặc thay thế. Những nguồn lực như vậy có thể gồm tư bản, công nghệ, năng lực quản lý, kinh doanh. Cùng với vốn và công nghệ, năng lực quản lý và khả năng kinh doanh là những yếu tố quyết định sức cạnh tranh của doanh nghiệp và được gọi chung là nguồn lực kinh doanh (managerial resources). Như vậy, vốn, công nghệ và nguồn lực kinh doanh là ba yếu tố quan trọng để kinh tế phát triển và cũng là những yếu tố nhìn được cả hai mặt nội lực và ngoại lực.

Một nước ở trình độ phát triển còn thấp, khả năng tiết kiệm hạn chế không đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư. Nếu hạn chế nhu cầu đầu tư ở mức tiết kiệm cho phép thì kinh tế tăng trưởng chậm. Để nhanh chóng cất cánh, phải bảo đảm một tỷ lệ đầu tư cao. Khoảng chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư này được bù đắp bằng nguồn vốn nước ngoài. Ở đây phát sinh vấn đề nội lực và ngoại lực: Vốn nước ngoài nên được dùng như thế nào và đâu là mức độ có thể chấp nhận được? Vốn nước ngoài có thể được du nhập qua các kênh sau: (1) Vay theo hình thức vốn ưu đãi của chính phủ nước ngoài (ODA), (2) vay thương mại, (3) đầu tư trực tiếp từ doanh nghiệp nước ngoài (FDI), (4) các kênh khác. Các kênh (1) và (2) phát sinh nợ phải trả trong tương lai nên phải dùng ngoại lực này một cách có hiệu quả và phải vay trong một giới hạn có thể trả được nợ trong tương lai11. Nội lực nếu hiểu theo nghĩa rộng có thể bao gồm khả năng của chính phủ trong việc hoạch định kế hoạch, chính sách phát triển và khả năng quản lý, sử dụng vốn nước ngoài. Nhưng ở đây ta không đi sâu vào vấn đề này.. FDI là kênh du nhập tư bản không phát sinh nợ.

Công nghệ là nguồn lực phải được xây dựng lâu dài nên nếu chỉ dựa vào nội lực thì quá trình phát triển quá chậm. Trong lịch sử kinh tế, trừ Anh là nước công nghiệp hiện đại đầu tiên, hầu như nước nào cũng tìm cách du nhập công nghệ từ nước tiên tiến hơn mình để phát triển nhanh. Du nhập công nghệ nước ngoài có các kênh sau: (1) Hợp đồng mua công nghệ (licensing agreement), (2) FDI, (3) Các hình thái khác như BOT (Build - Operation - Transfer), OEM (Original Equipment Manufacturing), uỷ thác sản xuất (contractual production)22. BOT: Thường thấy trong trường hợp xây dựng các dự án hạ tầng như cầu, xa lộ... trong đó nước ngoài đưa vốn, công nghệ vào và hoàn toàn chịu trách nhiệm việc xây dựng và điều hành. Khi kết thúc thời gian hợp đồng thì chuyển giao lại cho nước sở tại. OEM: Doanh nghiệp nước ngoài đặt hàng và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp bản xứ, sau đó sẽ mua hết hàng sản xuất được và bán ra thị trường thế giới bằng nhãn hiệu của công ty nước ngoài. . Trong các kênh này, (1) và (2) phổ biến nhất.

Nguồn lực kinh doanh được du nhập chủ yếu qua kênh FDI. Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, FDI chưa phổ biến nên có thể nói nguồn lực kinh doanh chỉ được tích luỹ trong nội bộ mỗi nước.

Như vậy, FDI là hình thái du nhập cùng một lúc ba nguồn lực: vốn, công nghệ và năng lực kinh doanh. Nói khác đi, trong trường hợp FDI, cả ba nguồn lực được đưa vào trọn trong một gói (package). Kinh nghiệm các nước đã phát triển rất đa dạng. Nhật Bản là nước hầu như chỉ nhập khẩu công nghệ, còn vốn và nguồn lực kinh doanh thì dựa vào nội lực. Hàn Quốc (thập niên 1980 trở về trước) thì du nhập nhiều vốn (bằng ODA và vay thương mại) và công nghệ (chủ yếu qua hình thức hợp đồng) nhưng năng lực kinh doanh bản xứ đóng vai trò chủ đạo (Trần Văn Thọ, 1997, Chương 6 và 8).

FDI đưa vào cùng một lúc ba nguồn lực nên hiệu quả phát triển lớn hơn các hình thái khác như hợp đồng công nghệ hay vay vốn thương mại. Dù biết vậy, nhiều nước đang phát triển trong thập niên 1960 và 1970 đã lo ngại bị các công ty đa quốc gia (MNC, multinational corporations) chi phối kinh tế. Chủ nghĩa dân tộc và phong trào xã hội chủ nghĩa vào thời đó rất mạnh nên MNCs bị phê phán nặng và FDI được chấp nhận nhưng thường xuyên bị cảnh giác và bị hạn chế bằng nhiều chính sách đòi hỏi phải đáp ứng nhiều yêu cầu của nước tiếp nhận. Trong sự cảnh giác MNCs, đã có ý kiến là nên chia lẻ (unpackage) các nguồn lực và du nhập theo nhiều kênh khác nhau (Oman, 1984), giống như kinh nghiệm của Hàn Quốc.

Tuy nhiên, từ giữa thập niên 1980, cùng với xu thế toàn cầu hoá ngày càng mạnh, cạnh tranh giữa các nước trong chiến lược thu hút FDI ngày càng gay gắt vì FDI dần dần được xem là đầu máy của sự tăng truởng (engine of growth). Không kể Xingapo hay Hồng Kông là những nền kinh tế mở, quy mô nhỏ nên FDI có vai trò lớn, những nước lớn hơn như Thái Lan, Malaixia từ khoảng năm 1985 và Trung Quốc từ thập niên 1990 đã thành công trong chiến lược tích cực dùng FDI để tăng trưởng cao.

Dù vậy, tại một số nước trong đó có Việt Nam vẫn còn có thái độ cảnh giác MNCs, xem việc du nhập FDI là chuyện bất đắc dĩ. Điều này phản ánh trong các chính sách hạn chế hoạt động của MNC và áp dụng chính sách hai giá, ép buộc người nước ngoài và doanh nghiệp FDI phải trả giá cao cho nhiều sản phẩm và dịch vụ như điện, nước, bưu chính viễn thông,.. Các nước này rơi vào trường hợp tiến thoái lưỡng nan (dilemma) vừa muốn du nhập FDI nhưng lại sợ bị bóc lột.

Để giải quyết tình thế này tôi đã đề khởi chiến lược vừa tích cực du nhập FDI vừa nỗ lực tích luỹ nội lực để thay thế dần ngoại lực (vốn, công nghệ và nguồn lực kinh doanh)11. Về chi tiết, xem Trần Văn Thọ (1997), tr. 153-157.. Nội dung chiến lược này có thể tóm tắt như sau: tuỳ theo giai đoạn phát triển của một ngành công nghiệp, ta nên phân chia độ phụ thuộc vào ngoại lực thành nhiều mức độ khác nhau. Chiến lược thông minh là trong khi trình độ sản xuất còn non trẻ, ta phải biết tranh thủ đến mức cao nhất vốn, công nghệ và nguồn lực kinh doanh của MNCs để tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế, nhưng sau đó, bằng cách tự mình tích luỹ các nguồn lực này tiến đến giảm dần mức độ dựa vào ngoại lực. Biểu đồ 11.1 minh hoạ điểm này.

Trong hình này, trục tung biểu thị mức độ dựa vào ngoại lực (đo bằng tỷ lệ góp vốn, tỷ lệ của số cán bộ kỹ thuật hoặc cán bộ quản lý nước ngoài trong tổng số...). Trục hoành biểu thị thời gian, còn i1, i2, i3,... là các đường cong biểu hiện sự thay đổi về mức độ dựa vào ngoại lực. R là mức độ bình quân mà nước này có thể phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài. Tuỳ theo từng nước, ý thức dân tộc và thái độ đối với ngoại lực có khác nhau nên R của từng nước cũng khác nhau. Điều quan trọng là trong bất cứ ngành công nghiệp nào, mức độ dựa vào ngoại lực không phải luôn giữ ở mức R như nhau, mà tuỳ từng giai đoạn phát triển, của từng ngành công nghiệp nó có thể cao hoặc thấp hơn R. Như vậy, việc kết hợp giữa sự khác nhau trong các giai đoạn phát triển của các ngành công nghiệp với sự khác nhau tương ứng của độ phụ thuộc vào ngoại lực, sẽ đem lại một con số trung bình của toàn nền kinh tế (R) về mức độ dựa vào ngoại lực. Ví dụ quan sát thời điểm tn ta có thể hiểu được điều đó dễ dàng.

Làm sao để tích luỹ các nguồn lực trong nước để dần dần thay thế được ngoại lực? Đây là đề tài lớn không thể phân tích hết ở đây. Việc tích luỹ nội lực bao gồm tăng tiết kiệm trong nước, khơi dậy tinh thần doanh nghiệp của người trong nước, đẩy mạnh giáo dục đào tạo theo hướng cung cấp ngày càng nhiều người có năng lực quản lý, kinh doanh, v.v... Nhưng trong các biện pháp, chính sách, chiến lược tích luỹ nội lực có vấn đề tận dụng ngoại lực để tích luỹ nội lực. Nghĩa là trong lúc du nhập FDI, làm sao đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ và năng lực kinh doanh từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp bản xứ. Việc liên kết (linkages) giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp gốc trong nước càng hiệu quả, việc chuyển giao công nghệ và năng lực kinh doanh càng tích cực thì nội lực được tăng cường. Phần tiếp theo sẽ phân tích điểm này.

Chuyển giao công nghệ và nguồn lực kinh doanh: Liên kết giữa ngoại lực và nội lực

Vai trò quan trọng mà FDI mang lại cho nước đang phát triển là chuyển giao công nghệ và nguồn lực kinh doanh. Công nghệ và nguồn lực kinh doanh được chuyển giao không giới hạn trong ngành có FDI triển khai mà còn qua các sự liên kết hàng dọc (vertical linkages), các nguồn lực này có thể chuyển sang các ngành khác, làm cho các doanh nghiệp ở các ngành đó phát triển có hiệu suất hơn.

Sự chuyển giao (transfer) có ba loại: Chuyển giao trong nội bộ doanh nghiệp (intra-firm transfer) là hình thái chuyển giao giữa công ty đa quốc gia (MNC) với công ty con tại nước ngoài, tức doanh nghiệp FDI. Để hoạt động có hiệu quả tại nước ngoài, MNCs thường tích cực chuyển giao công nghệ và năng lực kinh doanh cho doanh nghiệp con (đào tạo lao động trong nước để có thể sử dụng máy móc, cấp quản lý cũng được đào tạo và thay thế dần người nước ngoài để giảm phí tổn sản xuất). Đối với nước tiếp nhận FDI, để tăng hiệu quả này, tốt nhất là không ngừng cải thiện, tăng cường cung cấp ra thị trường các nguồn nhân lực cần thiết. Chính sách bắt buộc doanh nghiệp FDI dùng người trong nước chỉ làm môi trường đầu tư xấu đi. Một vấn đề lý thú nữa là liệu hình thái liên doanh hay 100% vốn nước ngoài có hiệu quả cao trong việc chuyển giao công nghệ và năng lực kinh doanh? Chuyển giao công nghệ sản xuất thì không có sự khác biệt mấy giữa hai hình thái. Nhưng để đẩy mạnh chuyển giao năng lực kinh doanh, rõ ràng là hình thái liên doanh có hiệu quả hơn vì các nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp trong nước có cơ hội học hỏi trực tiếp kinh nghiệm từ đối tác nước ngoài11. Kojima (1977) là một trong những nhà kinh tế đầu tiên bàn vấn đề này về mặt lý luận. Tôi đã có dịp phân tích nỗ lực của Hàn Quốc trong việc tiếp thu công nghệ và tri thức kinh doanh qua hình thái liên doanh (Xem Trần Văn Thọ, 1988). Dĩ nhiên FDI với 100% vốn nước ngoài cũng có thể được khuyến khích nếu các mục đích khác như xúc tiến xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, v.v., đang được nhấn mạnh..

Hình thái thứ hai là chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước hoạt động trong cùng ngành. Người quản lý nước sở tại làm việc trong doanh nghiệp FDI sau khi học hỏi được nhiều kinh nghiệm có thể mở công ty riêng cạnh tranh lại với công ty FDI. Đối với doanh nghiệp FDI, đây là một sự tổn thất nhưng đối với kinh tế của nước nhận FDI thì đây là hiện tượng tốt vì công nghệ được lan truyền sang toàn xã hội, góp phần tăng cường nội lực. Một thí dụ khác của hình thái này là xí nghiệp nước sở tại đã có sẵn và hoạt động cạnh tranh trong cùng lĩnh vực với doanh nghiệp FDI có thể quan sát, nghiên cứu hoạt động của doanh nghiệp FDI, từ đó cải thiện hoạt động của mình. Có thể gọi hình thái thứ hai liên quan đến chuyển giao công nghệ và năng lực kinh doanh là sự chuyển giao hàng ngang giữa các doanh nghiệp (horizontal inter - firm transfer) vì là sự chuyển giao giữa các doanh nghiệp độc lập và ở trong cùng một ngành. Tuy nhiên, hình thái này có thể hiểu được trên lý luận nhưng khó kiểm chứng vì không thể thu thập được số liệu khách quan1. Ở đây chỉ bàn về FDI. Ngoài FDI có các hình thái liên kết hàng ngang khác giữa công ty nước ngoài và công ty trong nước như OEM và ODM (xem Chương 8)..

Hình thái thứ ba là chuyển giao hàng dọc giữa các doanh nghiệp (vertical inter - firm transfer) trong đó doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ và năng lực kinh doanh sang các doanh nghiệp nước sở tại sản xuất sản phẩm trung gian (điển hình là sản phẩm công nghiệp phụ trợ như phụ tùng, linh kiện xe máy) cung cấp cho doanh nghiệp FDI, hoặc trường hợp doanh nghiệp trong nước dùng sản phẩm của doanh nghiệp FDI để sản xuất ra thành phẩm cuối cùng (chẳng hạn dùng nguyên liệu chất dẻo - plastic - do doanh nghiệp FDI cung cấp để sản xuất các loại đồ dùng trong nhà). Trong cả hai trường hợp, công nghệ được chuyển giao từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp trong nước, và đây là hiệu quả lan toả (spill - over effect) lớn nhất, quan trọng nhất nên các nước đang phát triển đặc biệt quan tâm và đưa ra các chính sách làm tăng hiệu quả này (Xem UNCTAD, 2001).

11.2. Vị trí của FDI trong nền kinh tế Việt Nam

Chương 12 sẽ đánh giá tổng quát về FDI và bàn chiến lược thu hút FDI để đẩy mạnh công nghiệp hoá. Ở đây chỉ khảo sát về vị trí của FDI trong nền kinh tế, phân tích quan hệ giữa công ty có vốn nước ngoài với công ty trong nước.

Bảng 11.1. cho thấy vị trí của FDI trong các chỉ tiêu của kinh tế Việt Nam. So với kinh nghiệm các nước châu Á khác, vị trí này khá cao. Chẳng hạn, tỷ trọng của FDI trong tổng đầu tư của Việt Nam xấp xỉ với Malaixia và cao hơn Thái Lan nhiều (trong giai đoạn 1988-93, xem Bảng 11.2). So với Trung Quốc những năm gần đây thì con số của Việt Nam cũng cao hơn. Tuy nhiên, thống kê trong Bảng 11.2 là FDI ròng (net inflows), nghĩa là FDI từ ngoài vào (inflows) đã trừ đi lợi nhuận, cổ tức chuyển ra nước ngoài của những dự án FDI trong quá khứ. Phần chuyển ra (outflows) này của các nước châu Á khác khá lớn so với Việt Nam vì các nước khác có một lịch sử thu hút FDI dài gấp nhiều lần Việt Nam. Do đó nếu chỉ tính inflows, chênh lệch giữa Việt Nam với các nước khác sẽ nhỏ hơn nhiều so với thống kê trong Bảng 11.2.

Dù vậy, FDI trong tổng đầu tư của Việt Nam được xem là khá cao. Tuy nhiên, FDI ở Việt Nam vẫn còn ít nếu xét trên một số chỉ tiêu khác. Chẳng hạn so sánh Việt Nam với Trung Quốc nói chung và tỉnh Quảng Đông (một tỉnh có nhiều điều kiện như dân số, vị trí địa lý giống Việt Nam) nói riêng, FDI tính trên đầu người ở Việt Nam chỉ bằng 60% của nước Trung Quốc rộng lớn với số dân 1,3 tỷ và chỉ bằng 13% của tỉnh Quảng Đông (xem lại Bảng 3.2 của Chương 3). Như Bảng 3.2 của Chương 3 cho thấy, FDI có tương quan mật thiết với các chỉ tiêu về thành quả phát triển như GDP trên đầu người và kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp. Từ nhận xét này, có thể nói tỷ lệ của FDI trong tổng đầu tư ở Việt Nam cao là vì đầu tư vốn trong nước (nội lực) còn quá ít. Việt Nam cần huy động vốn trong dân, cải thiện môi trường đầu tư cho dân doanh hơn nữa để tăng nội lực. Tóm lại, tỷ lệ khá cao của FDI không có nghĩa là Việt Nam không cần ngoại lực nhiều hơn mà vấn đề ở đây là cả nội lực và ngoại lực đều cần tăng cường.

Xét về chất, FDI tại Việt Nam cho đến nay chưa có các đặc tính có thể mang lại hiệu quả tích cực cho phát triển kinh tế. Trước hết có thể thấy tỷ trọng của FDI trong sản xuất công nghiệp khá cao (gần 40% năm 2000) nhưng chỉ chiếm độ 10% trong lao động công nghiệp (Bảng 11.1). Dĩ nhiên điều đó cũng có nghĩa là năng suất lao động của các doanh nghiệp FDI cao hơn các thành phần kinh tế khác. Nhưng FDI ít tạo ra công ăn việc làm không phải chỉ vì lý do đó mà chủ yếu vì cho đến nay FDI có khuynh hướng tập trung vào những ngành thay thế nhập khẩu và ít dùng lao động. Như Bảng 11.1 cho thấy, vị trí của FDI trong tổng nhập khẩu cao hơn trong tổng xuất khẩu. Dĩ nhiên, các doanh nghiệp FDI nhập khẩu nhiều nguyên liệu và máy móc để phục vụ cho cả các dự án đầu tư hướng về xuất khẩu nhưng nếu phần lớn FDI là hướng về xuất khẩu thì tỷ lệ của FDI trong nhập khẩu sẽ thấp hơn nhiều.

Để phân tích sâu hơn tính chất của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài, ta thử chia khu vực công nghiệp chế biến (manufacturing sector) thành 23 ngành và tính thử tỷ lệ của tư bản dùng cho mỗi lao động (capital/labor ratio, viết tắt là K/L) và tỷ lệ xuất khẩu trong tổng doanh số bán ra (export/sale, viết tắt là E/S) trong từng ngành. Thống kê về tư bản được tính bằng cách cộng tất cả kim ngạch đầu tư đã thực hiện từ trước đến thời điểm cuối năm 2002. Thống kê về lao động lấy số liệu vào cuối năm 2002, kim ngạch xuất khẩu và doanh số bán ra là của năm 2002. Trong Biểu đồ 11.2, trục tung đo tỷ lệ E/S và trục hoành đo tỷ lệ K/L. Ta thấy ngay rằng trừ một vài ngoại lệ, những ngành có hàm lượng lao động cao (tỷ lệ K/L thấp) là những ngành mà FDI hoạt động chủ yếu là phục vụ xuất khẩu (tỷ lệ E/S cao), điển hình là may mặc, giày dép, gỗ chế biến... Điều này hợp với lý luận cơ bản về kinh tế quốc tế vì Việt Nam là nước phong phú về lao động nên có lợi thế so sánh trong các ngành có hàm lượng lao động cao.

Nhưng cho đến nay, những ngành mà kim ngạch FDI chiếm vị trí hàng đầu là những ngành thay thế nhập khẩu. Bốn ngành có kim ngạch FDI nhiều nhất (luyện kim, thực phẩm và đồ uống, ô tô xe máy và hoá chất) chiếm tới 53% tổng kim ngạch FDI (lũy kế từ năm 1988 đến 2002) đều là những ngành có tỷ lệ K/L cao và tỷ lệ E/S thấp. Những ngành thay thế nhập khẩu này thường là những ngành được bảo hộ bằng hàng rào quan thuế khá cao. Vào những năm cuối thập niên 1990, thuế nhập khẩu sản phẩm kim loại là 256%, sản phẩm chất dẻo (plastic) là 185% và sản phẩm giấy là 118%. Xem World Bank (2000), tr. 25.. Do được bảo hộ và do kỳ vọng vào sự lớn mạnh của thị trường gần 80 triệu dân, doanh nghiệp nước ngoài có khuynh hướng muốn đầu tư vào các ngành thay thế nhập khẩu.

Dĩ nhiên không phải tất cả các dự án FDI có mục đích thay thế nhập khẩu đều đáng bị chỉ trích như ta thấy ở một số nghiên cứu khác. Chẳng hạn, xem Sachs và những người khác (1997) chỉ trích FDI ở Việt Nam chủ yếu là thay thế nhập khẩu nên không phát huy lợi thế so sánh và ít tạo công ăn việc làm.. Nếu các ngành đó dần dần không cần bảo hộ mà vẫn cạnh tranh được trên thị trường thế giới và do đó chuyển từ thay thế nhập khẩu sang xuất khẩu trong tương lai thì vẫn đáng được đánh giá cao (xem như là những ngành non trẻ có thể được bảo hộ trong thời gian nhất định). Một điểm nữa là nếu các dự án FDI thay thế nhập khẩu đó có hiệu quả lan toả (spill - over effects), tác động tích cực trong việc chuyển giao công nghệ và năng lực kinh doanh, kích thích phát triển các doanh nghiệp bản xứ và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ trong nước thì những phí tổn bảo hộ cho toàn xã hội sẽ nhỏ đi và các dự án FDI đó cũng đáng được đánh giá tích cực. Nhưng lịch sử FDI của các ngành này còn ngắn, chưa có cơ sở để đánh giá xem các ngành thay thế nhập khẩu hiện nay, thoả mãn các điều kiện của những ngành công nghiệp non trẻ hay không. Do đó, ở đây ta sẽ chỉ phân tích hiệu quả lan toả của các dự án FDI kể cả các dự án thay thế nhập khẩu và hướng về xuất khẩu (xem phần cuối của mục 11.3).

11.3. Đánh giá sự liên kết giữa nội lực và ngoại lực tại Việt Nam

Dựa trên khung các khái niệm nói ở mục 11.1, ta sẽ đánh giá việc chuyển giao công nghệ và năng lực kinh doanh giữa MNCs với doanh nghiệp FDI (chuyển giao nội bộ doanh nghiệp) và giữa FDI với doanh nghiệp trong nước (chuyển giao hàng dọc giữa các loại hình doanh nghiệp). Khái niệm chuyển giao này chỉ một hiện tượng gần như đồng nghĩa với khái niệm liên kết (linkages) mà Lall (1977) và UNCTAD (2001) dùng để phân tích quan hệ hiệu quả giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước nên dưới đây ta sẽ dùng cả hai khái niệm này. Nhưng trước khi đi vào vấn đề, cần có cái nhìn về cơ cấu các loại hình doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam.

Các loại hình doanh nghiệp trong nền công nghiệp Việt Nam

Trước đổi mới, kinh tế Việt Nam có ba loại hình doanh nghiệp: doanh nghiệp nhà nước (SOEs), hợp tác xã và các hộ gia đình. Từ khi có đổi mới, các loại hình doanh nghiệp khác như doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân ra đời. FDI bắt đầu từ năm 1988 nhưng thực sự tăng đáng kể từ năm 1994. Doanh nghiệp tư nhân tăng đáng kể mới từ năm 2000.

Bảng 11.3 chia khu vực công nghiệp thành 23 ngành kèm theo thống kê về kim ngạch sản xuất năm 2000 và thị phần của ba loại hình doanh nghiệp. Nhìn chung vị trí của FDI khá cao. Đặc biệt, doanh nghiệp FDI có vị trí lớn trong các ngành ô tô, xe máy, đồ điện gia dụng, máy móc dùng ở văn phòng. Trong một số ngành có hàm lượng lao động cao như may mặc, giày dép, FDI cũng có vai trò quan trọng. SOEs đặc biệt mạnh trong các ngành dùng nhiều tư bản như sản xuất thuốc lá, kim thuộc và hoá chất. Công ty tư nhân và các hộ cá thể thì tương đối mạnh trong các ngành có hàm lượng lao động cao và chủ yếu dùng nguyên liệu trong nước như chế biến đồ gỗ, thực phẩm. Bảng 11.3 cho thấy may mặc là ngành công nghiệp mà cả ba loại hình doanh nghiệp đều có vai trò quan trọng. Ngành này sẽ được chọn để khảo sát sự liên kết giữa doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp khác. Trong ngành ôtô xe máy, FDI có vị trí áp đảo, nhưng đây là ngành liên quan mật thiết với công nghiệp phụ trợ, ta sẽ chọn để xét xem có sự liên kết giữa FDI với các loại hình doanh nghiệp khác không.

Chuyển giao công nghệ và năng lực kinh doanh từ MNC

Vào tháng 8 và tháng 9-2003, tôi có thực hiện một cuộc điều tra thực tế tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Biên Hoà về hoạt động của các doanh nghiệp FDI trong các ngành dệt vải, may mặc, giày dép, ô tô và xe máy. Trong mùa hè các năm trước đó, một số cuộc điều tra nhỏ hơn cũng đã được thực hiện. Tổng hợp kết quả các cuộc điều tra này cho thấy các doanh nghiệp FDI tích cực chuyển giao công nghệ cho lao động ở nhà máy và chuyển giao tri thức điều hành, quản lý cho kỹ sư, nhân viên quản lý các cấp người Việt Nam. Khi nguời Việt Nam không hoặc chưa thoả mãn các điều kiện về chuyên môn, doanh nghiệp nước ngoài mới đưa người ở các nước khác đến. Người nước khác ở đây không nhất thiết là người nước gốc của MNCs mà kể cả người ở các nước thứ ba. Đặc biệt nhiều công ty FDI gốc Đài Loan hoặc Hồng Kông thường thuê kỹ sư ở Trung Quốc, công ty FDI Nhật Bản thường thuê người Đài Loan, v.v... Sau 3 - 4 năm hoạt động, các doanh nghiệp FDI dần dần tìm người Việt Nam thay thế để giảm phí tổn sản xuất. Tiền lương của một kỹ sư người Việt Nam bằng nửa người Trung Quốc và bằng 1/4 người cùng trình độ từ Đài Loan sang.

Để tăng hiệu quả chuyển giao công nghệ và tri thức kinh doanh, điều tiên quyết của Việt Nam là cần tăng cường giáo dục, đào tạo để cung cấp nguồn nhân lực cần thiết. Chính sách gần đây của Việt Nam (hạn chế doanh nghiệp FDI chỉ được dùng người nước ngoài trong giới hạn 3% tổng lao động trong công ty)11. Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn, ngày 1-7-2004. là không có cơ sở khoa học và chỉ làm môi trường FDI ở Việt Nam xấu hơn.

Về việc chuyển giao năng lực kinh doanh, chưa có số liệu đầy đủ để phân tích có hệ thống nhưng những thông tin liên quan mà tôi thu thập được trong mấy năm qua cho thấy là hiệu quả chuyển giao rất yếu vì các lý do sau: Thứ nhất, phần lớn đối tác phía Việt Nam trong các liên doanh FDI là doanh nghiệp nhà nước (SOEs). Người quản lý, lãnh đạo kinh doanh được gửi tới các liên doanh thường là cán bộ ở SOEs hoặc ở các bộ chủ quản của SOEs liên quan. Trong số này cũng có nhiều người vốn có tinh thần doanh nghiệp, tinh thần trách nhiệm và ham học hỏi nên đã làm việc hiệu quả trong các liên doanh, tích cực hấp thu tri thức và kinh nghiệm từ đồng nghiệp nước ngoài. Nhưng một phần khá lớn họ là những người hành động như các quan chức và dồn hết quan tâm về những vấn đề khác, thay vì làm cho liên doanh phát triển. Thứ hai, nguyên tắc nhất trí 100% thành viên hội đồng quản trị áp dụng vào việc quyết định các vấn đề kinh doanh trong liên doanh kéo dài quá lâu, cải thiện quá chậm gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp FDI. Vì lý do này, MNCs đầu tư ở Việt Nam có khuynh hướng lập doanh nhgiệp 100% vốn nước ngoài thay vì liên doanh. Các liên doanh trong quá khứ cũng có khuynh hướng xin chuyển sang hình thức 100% vốn nước ngoài. Bảng 11.4 cho thấy tỷ lệ của các liên doanh trong tổng số các doanh nghiệp FDI giảm nhanh và liên tục trong thời gian qua. Như đã phân tích ở mục I, FDI với 100% vốn nước ngoài không đưa lại hiệu quả chuyển giao nguồn lực kinh doanh cao như trường hợp liên doanh.

Liên kết hàng dọc: Hiệu quả lan tỏa mạnh hay yếu?

Như đã đề cập ở mục 11.1, hiệu quả lan toả từ FDI đến các thành phần khác trong nền kinh tế càng cao thì nội lực càng được tăng cường. Qua sự liên kết giữa doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước (SOEs, doanh nghiệp tư nhân, các đơn vị cá thể...), công nghệ và năng lực kinh doanh được chuyển giao từ doanh nghiệp FDI đến các thành phần khác của nền kinh tế. Để kiểm chứng hiệu quả này, cần xét từng ngành cụ thể. Dưới đây sẽ phân tích hai ngành may mặc và xe máy là những ngành có các quan hệ hàng dọc với các ngành khác. Ngoài ra, đây là hai trong những ngành có FDI nhiều, trong đó FDI ngành may mặc hướng vào thị trường nước ngoài còn ở ngành xe máy chủ yếu là thay thế nhập khẩu

a. Ngành may mặc

Dệt vải và may mặc là những ngành công nghiệp quan trọng của Việt Nam. Năm 2001, hai ngành này chiếm độ 11% giá trị tính thêm trong toàn bộ ngành công nghiệp chế biến. Từ đầu thập niên 1990, may mặc trở thành ngành xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Vào giữa thập niên 1990, ngành này chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu và độ 50% kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp. Với sự lớn mạnh của ngành da giày và một số ngành xuất khẩu khác, vị trí của ngành may mặc có giảm nhưng vẫn chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2001. Trước giai đoạn may mặc (apparel) là các giai đoạn kéo sợi (spinning), dệt (weaving) và dệt kim (knitting). Theo Bảng 11.6, số doanh nghiệp FDI hiện diện khá đông đảo trong tất cả các giai đoạn, đặc biệt là khá tích cực trong giai đoạn may mặc. Trong hai ngành may mặc và dệt này, các nước và các nền kinh tế đầu tư tích cực nhất là Đài Loan, Hàn Quốc, Xingapo và Hồng Kông (Bảng 11.5). Nhiều công ty Nhật Bản cũng tích cực. Trừ Xingapo, các dự án của các nước này có tỷ lệ xuất khẩu rất cao và tỷ lệ K/L thấp. Điều này cho thấy các nước công nghiệp mới ở châu Á và Nhật Bản đã tận dụng lao động Việt Nam để sản xuất và xuất khẩu mặt hàng điển hình có hàm lượng lao động cao.

Nhưng hoạt động của các doanh nghiệp FDI trong ngành may mặc có tạo ra một sự liên kết với các doanh nghiệp trong nước thuộc các giai đoạn kéo sợi và dệt không? Theo điều tra của Viện Quản lý kinh tế Trung ương, vào năm 2002, vẫn còn tới hơn 2/3 số doanh nghiệp FDI dùng nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng may mặc11. Tư liệu tham khảo theo Đặng Thị Đông (2003). Xem thêm Goto (2003).

Điều tra của tôi vào tháng 8 và tháng 9-2003 cho thấy các doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài thường có khuynh hướng nhập khẩu hầu như toàn bộ bán thành phẩm và nguyên liệu cần thiết. Chẳng hạn, trường hợp công ty 100% vốn Nhật Bản sản xuất quần áo ở Khu chế xuất Tân Thuận, vào năm 2003, mặc dầu đã sau bảy năm hoạt động tại Việt Nam, vẫn còn có tới 97% nguyên liệu và bán thành phẩm nhập khẩu từ nước ngoài.

Những doanh nghiệp FDI có dùng (mặc dù số lượng chưa nhiều) nguyên liệu và bán thành phẩm sản xuất trong nước thuộc hai trường hợp sau: một là các doanh nghiệp liên doanh với các đối tác phía Việt Nam, các đối tác này thường là các công ty nhà nước mà sản xuất chính của họ là các mặt hàng trung gian đó. Một trong những động cơ hoặc điều kiện để lập liên doanh với nước ngoài là tiêu thụ bán thành phẩm hay nguyên liệu họ có sản xuất. Hai là các doanh nghiệp FDI ngành may mặc mua bán chế phẩm hay nguyên liệu từ những liên doanh FDI khác. Từ giữa thập niên 1990, FDI vào Việt Nam để sản xuất các sản phẩm này bắt đầu tăng và vào đầu năm 2003, đã có trên dưới 50 doanh nghiệp vốn nước ngoài sản xuất sợi và vải tại Việt Nam (xem Bảng 11.6).

Kết quả khảo sát này cho thấy sự liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp thuần tuý vốn trong nước là rất yếu. Doanh nghiệp FDI có khuynh hướng dùng nguyên liệu và bán thành phẩm nhập khẩu hoặc do các công ty FDI khác sản xuất. Nguyên nhân là vì doanh nghiệp nhà nước trong ngành không cung cấp các sản phẩm chất lượng cao và/hoặc không bảo đảm các điều kiện về giao hàng. Doanh nghiệp tư nhân trong nước còn quá yếu.

b. Trường hợp ngành xe máy

Từ giữa thập niên 1990, thị trường xe máy ở Việt Nam tăng nhanh. Trước năm 1997, nhiều công ty thương mại nhà nước nhập khẩu xe cũ từ Nhật Bản. Nhưng từ năm 1997 xe cũ không được phép nhập nữa và từ năm 1998 nhập khẩu xe mới cũng bị cấm. Chính sách này nhằm đẩy mạnh sản xuất thay thế nhập khẩu tại Việt Nam.

Từ đầu thập niên 1990, một số công ty lắp ráp trong nước đã ra đời. Họ nhập khẩu linh kiện nguyên chiếc (CKD) hoặc linh kiện rời (IKD) về lắp ráp bán tại thị trường trong nước. Công nghệ lắp ráp CKD đơn giản nên nhà nước chỉ dành cho một số các công ty nhà nước. Các công ty ngoài nhà nước phải theo hình thức IKD. Trong tình hình đó, từ giữa thập niên 1990, số doanh nghiệp FDI tham gia sản xuất tăng nhanh. Đến tháng 6-2002 đã có 7 công ty FDI trong số 52 doanh nghiệp lắp ráp xe máy. Số doanh nghiệp FDI không nhiều nhưng quy mô lớn và có uy tín quốc tế nên chiếm thị phần không nhỏ. Đặc biệt nổi tiếng nhất là Honda. Nhờ thanh danh, nhãn hiệu nổi tiếng và thị phần lớn nên giá bán xe máy của Honda cao và công ty này đã có thể có lời từ năm 1999, chỉ 15 tháng tính từ ngày bắt đầu sản xuất. Nhưng khi thông tin về phí tổn sản xuất và giá bán của xe máy do Honda lắp ráp tại Thái Lan lan truyền tại Việt Nam, dư luận xã hội đã chỉ trích Honda về thành quả hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Cùng lúc đó, nhiều doanh nghiệp trong nước bắt đầu nhập linh kiện xe Trung Quốc và sản xuất với giá rẻ. Tuy chủ yếu bán cho giới tiêu thụ thu nhập thấp, nhất là tại thị trường nông thôn, các loại xe máy này xâm lấn vào thị trường của Honda. Vào tháng 1-2002, Honda đối phó bằng chiến lược nhập linh kiện IKD từ Trung Quốc và sản xuất loại xe mới, giá rẻ, giành lại thị trường11. Theo tôi, so sánh với nước khác như Thái Lan chẳng hạn, giá xe máy Honda sản xuất ở Việt Nam cao vì ba lý do: phí tổn khấu hao (depreciation cost) cao (vì thời gian hoạt động của nhà máy ngắn hơn nhiều), quy mô sản xuất nhỏ, và điều kiện thị trường (bảo hộ, có lợi cho công ty có khả năng chi phối bằng nhãn hiệu nổi tiếng như Honda). Dư luận ở Việt Nam phê phán Honda bán giá cao nhưng chỉ dựa trên cảm tính (bóc lột giới tiêu thụ để tăng lợi nhuận) chứ không dựa trên kết quả của các phân tích khoa học. Yếu tố thứ ba yếu đi khi công ty trong nước được phép nhập linh kiện rẻ từ Trung Quốc buộc Honda phải có hành động tương tự để sản xuất loại xe máy rẻ hơn (nhãn hiệu mới là Wave Alpha)..

Xe máy giá rẻ đã nhanh chóng làm cho thị trường phát triển mạnh nhưng cũng làm tăng tai nạn giao thông. Năm 2002, chính phủ hạn chế số lượng xe máy mới lưu thông trên thị trường, chỉ cho phép đăng ký 1,5 triệu chiếc, bằng 75% năm 2001. Trong số 1,5 triệu chiếc, 900.000 chiếc là hạn ngạch dành cho doanh nghiệp trong nước và phần còn lại cho doanh nghiệp FDI. Mặc dù số lượng 600.000 chiếc dành cho doanh nghiệp FDI là khá lớn so với lượng sản xuất của họ năm 2001, nhưng vì các công ty FDI đã có kế hoạch đẩy mạnh sản xuất với số lượng cao hơn hạn ngạch được phân phối nên nhiều công ty đã phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh (Honda tạm ngừng sản xuất vào tháng 9-2002, một sự kiện được các cơ quan truyền thông loan báo rộng rãi làm hình ảnh môi trường FDI ở Việt Nam xấu đi).

Chính sách của Việt Nam trong ngành xe máy cũng có một số cơ sở nhất định nhưng vấn đề là chính phủ không có kế hoạch lâu dài cho ngành này và chính sách thay đổi đột ngột làm ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Môi trường FDI xấu, sản xuất của doanh nghiệp FDI bất ổn định dĩ nhiên ảnh hưởng đến sự chuyển giao công nghệ và tri thức kinh doanh đến các doanh nghiệp trong nước vì kế hoạch sản xuất của xe máy không ổn định thì kế hoạch tạo sự liên kết với các doanh nghiệp cung cấp phụ kiện, bộ phận cũng bất ổn.

Về sự liên kết giữa FDI với các công ty trong nước, ít có tư liệu để kiểm chứng. Sau đây ta xét hoạt động của Honda là trường hợp mà tác giả thu thập được tương đối nhiều thông tin.

Như Bảng 11.7 cho thấy, tỷ lệ nội địa hoá của Honda khá cao ngay từ lúc mới bắt đầu sản xuất và tăng nhanh trong những năm sau đó. Tỷ lệ này cao hơn cả tỷ lệ quy định của Chính phủ Việt Nam. Theo chính sách áp dụng cho ngành xe máy, doanh nghiệp FDI phải thực hiện tỷ lệ nội địa hoá ít nhất 10% vào lúc bắt đầu sản xuất và tăng tỷ lệ đó lên ít nhất 60% vào năm thứ sáu. Sự tích cực nội địa hoá của Honda có thể được giải thích bằng dự tưởng ban đầu của công ty này về khả năng mở rộng sản xuất trong tương lai. Quy mô lắp ráp xe máy càng được mở rộng, thị trường cho các linh kiện và các sản phẩm trung gian khác càng lớn và trở thành điều kiện để sản xuất hiệu quả các sản phẩm trung gian đó. Tăng tỷ lệ nội địa trong trường hợp như vậy sẽ làm cho giá thành sản xuất xe máy giảm, lợi nhuận của Honda sẽ tăng hơn.

Năng lực sản xuất của Honda Việt Nam đầu năm 2001 là 400.000 chiếc nhưng quy mô sản xuất thực tế của công ty này trong năm 2001 chỉ có 170.000 chiếc vì sức ép cạnh tranh từ xe máy Trung Quốc. Nhưng qua năm 2002, sau khi đưa loại xe mới (Wave Alpha) vào thị trường, Honda chiếm lại thị phần đã mất và dự tưởng thị trường xe máy ở Việt Nam đang lớn mạnh nên đã tăng năng lực sản xuất lên 600.000 chiếc (nhưng do chính sách hạn chế sản xuất và phân bổ hạn ngạch của Chính phủ Việt Nam vào tháng 9-2002, Honda chỉ sản xuất được 390.000 vào năm 2002). Tỷ lệ nội địa hoá khá cao của Honda có thể được hiểu trong bối cảnh dự tưởng tăng năng lực sản xuất ấy.

Nhưng quan tâm của chúng ta là tỷ lệ nội địa hoá cao ấy có đi theo liền với sự liên kết hiệu quả với các doanh nghiệp trong nước không. Nội địa hoá là dùng linh kiện và các sản phẩm trung gian khác sản xuất tại Việt Nam theo ba kênh: (1) sản xuất trong nội bộ nhà máy lắp ráp (in-house production) của Honda, (2) mua từ các doanh nghiệp FDI khác, (3) mua từ các doanh nghiệp thuần tuý trong nước. Dĩ nhiên sự liên kết giữa Honda với SOEs hoặc các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam sẽ càng mạnh nếu kênh 3) càng quan trọng. Rất tiếc là kết quả điều tra của tôi không cho thấy như vậy: cho đến nay, Honda chủ yếu dùng kênh (1) và kênh (2) mặc dù công ty này đã cố gắng tìm kiếm các khả năng để dùng kênh (3) nhiều hơn để giảm phí tổn sản xuất. Như Bảng 11.7 cho thấy, vào năm 2003, Honda đã mua linh kiện và các sản phẩm trung gian khác từ 42 doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam nhưng trong đó chỉ có 13 doanh nghiệp là của vốn trong nước. Được biết Honda mỗi năm khảo sát hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam, kể cả SOEs và tư nhân, để tìm những công ty có tiềm năng, qua đó sẽ chuyển giao công nghệ để các công ty này có thể cung cấp linh kiện và các sản phẩm đầu vào khác với chất lượng và giá thành chấp nhận được. Nhưng lúc đầu chỉ có 5 công ty đáp ứng các điều kiện đó. Con số này cũng chỉ tăng đến 13 công ty năm 200311. Honda Thái Lan sản xuất mỗi năm độ 1 triệu xe máy, khoảng gấp đôi mức sản xuất của Honda Việt Nam, nhưng tại Thái Lan hiện nay, hơn 100 doanh nghiệp trong nước cung cấp linh kiện, phụ tùng cho Honda. Dĩ nhiên Honda Thái Lan có lịch sử dài hơn Honda Việt Nam nên không thể so sánh một cách máy móc. Nhưng dù có sự khác biệt đó, vẫn phải ghi nhận là số lượng doanh nghiệp trong nước có thể tham gia vào kế hoạch nội địa hoá của Honda đang có một khoảng cách khá xa giữa hai nước. .

Tóm lại, cũng như trong trường hợp của ngành dệt may, sự liên kết hàng dọc giữa doanh nghiệp FDI và doanh nhgiệp trong nước của ngành xe máy cũng quá yếu. Cần có chính sách tăng cường nội lực bằng cách xây dựng công nghiệp phụ trợ (supporting industry), tái cấu trúc SOEs và đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa để ngày càng có nhiều công ty trong nước có điều kiện liên kết được với doanh nghiệp FDI.

Kết luận

Chương này xem vốn, công nghệ và nguồn lực kinh doanh (managerial resources) là những biểu hiện cụ thể của từ "lực" trong nội lực và ngoại lực, và đưa các khái niệm đó cùng với các khái niệm thay thế nguồn lực nước ngoài (catching-up in foreign resources), liên kết (linkages), chuyển giao công nghệ (technology transfer) vào trong một khung phân tích. Phân tích về mặt lý luận cho thấy nội lực và ngoại lực liên quan mật thiết với nhau, ngoại lực có thể làm tăng cường nội lực, và để sử dụng hiệu quả ngoại lực cần có chính sách lành mạnh hoá nội lực.

Đánh giá FDI tại Việt Nam trên bình diện vĩ mô và phân tích cụ thể hai ngành may mặc và lắp ráp xe máy cho thấy Việt Nam còn có khuynh hướng cảnh giác ngoại lực, chưa tận dụng ngoại lực để đẩy mạnh công nghiệp hoá và chưa tạo sự liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Hàm ý về chính sách ở đây là tạo môi trường thuận lợi để có thể tận dụng tối đa FDI mà không sợ kinh tế bị các công ty đa quốc gia chi phối, và việc lành mạnh hoá doanh nghiệp nhà nước và tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân phát triển là những tiền đề cần thiết để dùng ngoại lực tăng cường nội lực. Các chính sách hạn chế hoạt động của doanh nghiệp FDI hiện nay đều làm giảm hiệu quả của ngoại lực trong quá trình tăng cường nội lực.

TRẦN VĂN THỌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên