![]() |
Sau khi Khơme Đỏ sụp đổ, Ieng Sary (giữa) tiếp tục cùng Pol Pot gây thêm tội ác ở biên giới Thái Lan - Campuchia - Ảnh chụp năm 1980 |
Kỳ 1: Những thước phim bằng chứngKỳ 2: “Lò sát sinh” Tuol SlengKỳ 3: Những đứa trẻ sống sótKỳ 4: Chia Hua - người bị cắt cổKỳ 5: Những người chưa lên tiếngKỳ 6: Không muốn một vụ MumbaiKỳ 7: Xảo thuật “câu giờ”Kỳ 8: Lời thú tội của Duch
“Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao”
Tháng 1-1979, khi cùng bộ đội tình nguyện VN tiến vào giải phóng thủ đô Phnom Penh, chúng tôi lại gặp từng đoàn người sắp chết đói, chết bệnh, cũng đều la lớn mong sự giúp đỡ của chúng tôi: “Bọn Pol Pot - Ieng Sary đã gây ra tình trạng này”. Những tưởng người dân chỉ biết những tay đao phủ đã trực tiếp hành hạ mình thôi, đâu có ngờ người dân biết rất rõ hai tay đao phủ lãnh đạo Khơme Đỏ đã diệt chủng gần 2 triệu con người ở đất nước chùa tháp. Tôi mở lại những thước phim thực hiện từ tháng 1-1979 cho đến cuối năm 1989 khi cùng bộ đội tình nguyện VN rút về nước, ở cuốn phim nào phát biểu của các nạn nhân diệt chủng cũng đều có lời tố cáo Pol Pot - Ieng Sary, những kẻ đã bị người dân căm thù đến tận xương tủy.
Ieng Sary sinh năm 1922 hoặc 1925, tên thật là Thạch Rẹm (có lúc gọi là Kim Trang), con ông Thạch Trân - một người có nhiều ruộng đất và giàu có ở xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Nhà của gia đình Ieng Sary gần di tích Ao Bà Om - một thắng cảnh của Trà Vinh. Ieng Sary học ở Phnom Penh, Hà Nội trong thời kỳ Pháp chiếm đóng rồi sau đó được du học ở Pháp. Ông Phùng Bá Thọ, nguyên cán bộ phòng tư liệu Đài truyền hình TP.HCM, ngày đó là sinh viên VN tại Pháp, nhớ lại thời ở Paris, với tư cách là sinh viên VN nghèo đi học Ieng Sary được các sinh viên VN ở Paris giúp đỡ ăn uống và bênh vực.
Sau Hiệp định Genève 1954, Khieu Samphan đã trở về tham gia hoạt động hợp pháp trong chính quyền thời Sihanouk. Còn Pol Pot, Ieng Sary từ nước ngoài về lãnh đạo Khơme Đỏ ở vùng rừng núi. Khi Khơme Đỏ cầm quyền ở Campuchia, Ieng Sary là “phó thủ tướng” kiêm “bộ trưởng ngoại giao”, đứng sau Pol Pot là “thủ tướng”. Trong đảng Khơme Đỏ, Ieng Sary là một nhân vật đầy quyền uy. Dù Khieu Samphan là “chủ tịch nước” nhưng ai cũng biết sau Pol Pot chính là Ieng Sary.
Trong các lần xuất hiện của Pol Pot hoặc những cuộc họp quan trọng của bộ máy diệt chủng, Ieng Sary luôn đứng cạnh hoặc phía sau Pol Pot. Do đó, các nạn nhân của Khơme Đỏ đều coi Ieng Sary là kẻ đồng phạm với Pol Pot, là nhân vật số hai của Khơme Đỏ có trách nhiệm về tội ác của bộ máy này đối với người dân. Là người hoạch định chính sách diệt chủng, Ieng Sary chủ trương tàn sát Việt kiều, đánh phá giết hại đồng bào Việt ở biên giới.
![]() |
Khieu Samphan tại tòa ngày 3-4 - Ảnh: Getty Images |
Không muốn đối mặt với sự thật
Tháng 12-1978, chúng tôi đưa một số người tị nạn Campuchia ở trại Bến Sắn (Tây Ninh) về thăm đồng bào Khơme Trà Vinh. Khi đến Lương Hòa, chúng tôi đưa họ đến thăm mẹ của Ieng Sary. Đó là một người phụ nữ gốc Hoa hiền lành, chất phác. Dẫu biết bà mẹ không liên quan gì đến quá trình diệt chủng của Ieng Sary, nhưng có lẽ nỗi uất ức trong lòng những người tị nạn này trào lên khiến họ kể hết những câu chuyện về tội ác của Ieng Sary đã gây ra cho người mẹ này nghe.
Cô giáo Nuol Varul kể cho bà nghe chúng đã sát hại trí thức, cô học trò Moli kể cha mẹ bị giết, anh sinh viên Nieng Sophan kể anh bị hành hạ... Bà mẹ Ieng Sary lắc đầu, luôn miệng lắp bắp: “Tôi không ngờ… Tôi không ngờ…”. Bà nói lúc nhỏ Thạch Rẹm - Ieng Sary cũng hiền từ, không làm điều gì ác. Bà thắc mắc: “Ai đã dạy nó làm điều ác, làm những việc tàn bạo thế kia?”.
Khi rút khỏi Phnom Penh tháng 1-1979, Ieng Sary bám sát Pol Pot, cùng Pol Pot tiếp tục gây thêm tội ác ở biên giới Thái Lan - Campuchia. Ieng Sary cùng Ta Mok lãnh đạo vùng 3 chống đối lực lượng cách mạng. Và Ieng Sary cũng cùng Son Sen - cựu “bộ trưởng quốc phòng” - chỉ huy các trận đánh ở vùng Palin. Cho đến khi tàn quân Khơme Đỏ tan rã, Ieng Sary mới quay về xin hưởng khoan hồng. Cho đến nay Ieng Sary vẫn chối việc mình có liên quan đến các tội diệt chủng này, trong những năm 1980 Ieng Sary vẫn thường xuyên xuất hiện ở Liên Hiệp Quốc để bảo vệ các hành động của Pol Pot.
Mãi đến năm 1996, khi biết tình hình đã bất lợi cho mình, Ieng Sary quyết định đầu hàng Chính phủ Campuchia, được quốc vương Sihanouk ân xá và về sống tại thủ đô Phnom Penh. Hai vợ chồng Ieng Sary sống trong một biệt thự sang trọng, có bảo vệ canh phòng cẩn trọng ở Phnom Penh mười năm qua trước khi bị bắt vào tháng 11-2007, để đem ra xét xử về tội diệt chủng trước tòa án phối hợp giữa Chính phủ Campuchia và Liên Hiệp Quốc. Vợ Ieng Sary là Ieng Thirith - nguyên “bộ trưởng xã hội” - cũng bị bắt.
Giải pháp cuối cùng của Ieng Sary những ngày này là cáo bệnh. Những lần trở lại Campuchia, chúng tôi nhiều lần nghe được thông tin Ieng Sary muốn trì hoãn việc bị xét xử bằng cách nhập viện. Tháng 2-2006, báo chí loan tin Ieng Sary nhập viện ở Bangkok (Thái Lan). Tháng 4-2008, Ieng Sary lại được đưa đến Bệnh viện Calmette, theo luật sư của ông ta thì Ieng Sary bị tắc đường tiểu. Sang Phnom Penh tháng 2-2009, chúng tôi lại nghe những thông tin này, rất nhiều người nói: đó không còn là chuyện lạ với Ieng Sary, Ieng Sary không muốn đối mặt với sự thật do mình đã gây ra trong khi sự thật đó đã hủy hoại gần 2 triệu người Campuchia.
Khieu Samphan ra tòa Hôm qua 3-4, nguyên “chủ tịch nước” Campuchia dân chủ Khieu Samphan ra tòa án xét xử các cựu lãnh đạo Khơme Đỏ. Trước tòa, Khieu Samphan nhất mực thinh lặng. Đến 11g40, khi chánh án Prak Kimsan hỏi ông lần cuối, ông cũng trả lời: ”Tôi không phát biểu”. Thế là các đồng luật sư biện bộ, từ luật sư người Campuchia Sa Sovan đến luật sư người Pháp Jacques Verges tiếp tục “diễn trò” khiếu nại tại sao Khieu Samphan cứ bị giam giữ trong khi đang bệnh, các thẩm phán ra lệnh gia hạn tạm giữ là thiên vị, vi phạm luật… Luật sư Sa Sovan giở điều 278 Luật hình sự Campuchia ra để phản đối. Công tố trả lời: “Luật hình sự Campuchia không áp dụng trong tòa án quốc tế này”. Các luật sư biện hộ thừa biết những lý lẽ của mình “không đâu vào đâu” về mặt pháp lý, song vẫn cứ viện dẫn luật Campuchia cắm vào luật tòa án quốc tế xét xử Khơme Đỏ. Các nhà báo sáng nay chủ yếu đến tòa để xem luật sư người Pháp Jacques Verges diễn tuồng ”câu giờ” như mọi lần phải thất vọng vì khi chánh án Prak Kim San hỏi: ”Đồng luật sư có gì phát biểu thêm không?”, ông đã vỏn vẹn một câu: ”Đồng nghiệp của tôi đã nói hết những gì tôi muốn nói rồi”. Cứ theo kịch bản “câu giờ” này của hai luật sư Sa Sovan và Jacques Verges, còn phải đợi rất lâu để có thể thấy Khieu Samphan thật sự trả lời về những việc đã làm, đã chủ trương, đã chịu trách nhiệm. Danh Đức (Từ Phnom Penh) |
__________________
Rồi đây, tòa án đặc biệt sẽ khép lại, những tay đao phủ bị xử tù, nhưng những nạn nhân sẽ được gì ngoài những lời thú tội? Nhà báo Đinh Phong trở lại Campuchia lần nữa với dự án một cuốn phim tài liệu.
Kỳ cuối: Xoa dịu vết thương
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận