31/01/2007 15:24 GMT+7

Chúng ta đang ở đâu?

Theo Phan Cẩm Thượng – Thể thao & Văn hóa
Theo Phan Cẩm Thượng – Thể thao & Văn hóa

Cuộc triển lãm sắp đặt Quobo lần trước và Come In lần này của các nghệ sĩ Đức (đang diễn ra tại trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội) vẫn đặt ra nhiều câu hỏi cho công chúng và thậm chí là nhiều nghệ sĩ Việt Nam.

Vẫn là những cái đó có phải là nghệ thuật không (đối với chúng ta) và hiểu nó như thế nào. Nếu cứ tiếp tục vấn đáp như vậy, thì chẳng bao giờ hiểu được. Vấn đề là giải tán câu hỏi, chứ không phải đi tìm câu trả lời. Sắp đặt là kết quả của cả tiến trình nghệ thuật phương Tây, sự dư thừa và khủng hoảng nhân văn của xã hội hậu công nghiệp. Chúng ta từng theo đuôi tiến trình này, từ phong cách Cổ điển và Ấn tượng, đến cuối thập kỷ 1990 là Trừu tượng, từ mở cửa đến hội nhập, không chỉ là nghệ thuật, mà cả nhiều lĩnh vực xã hội đang có xu hướng phương Tây hóa và đành phải mất bản sắc.

Nhà phê bình quá cố Thái Bá Vân từng nêu ý kiến rằng: “Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương là cái gì rất mới mẻ đối với nghệ thuật VN, nhưng chúng ta phải xem nó trong thời điểm nào của nghệ thuật thế giới”. Năm 1925, là lúc mọi trào lưu nghệ thuật Hiện đại (Modern Art) đã vượt qua, ngay cả hội họa Trừu tượng cũng xong việc từ 1911. Hôm nay, không ít người còn say sưa khi nhắc đến Picasso và Van Gogh, nhưng không hề để ý rằng những người đó tương đương với thời của vua Tự Đức và Thành Thái. Do vậy mặc dù là hội nhập, không có nghĩa tất cả các mặt ta tương đồng với phương Tây về không gian và thời gian. Về mặt nghệ thuật đã trót một lần đi theo người khác, thì hình như cứ thế tiếp tục phải đi theo mãi.

Người Đức đem đến một triển lãm sắp đặt xuất phát từ những đồ vật gia đình. Từ khía cạnh design, chúng là những vật dụng cách đây 20 - 30 năm, chúng dẫn ta đến những không gian bên trong (gia đình), ta sinh sống như thế nào, cái cá nhân có bị hòa tan và đóng vai trò gì trong sự đồng chiếu giữa con người với đồ vật. Mỗi một phong cách design trước hết được sinh ra để phục vụ nhu cầu tiện nghi và cái mới, rồi chính nó quy định thị hiếu và thói quen thẩm mỹ của chúng ta, giống như ta xây cái nhà cho mình, lại bị chính cái nhà sinh ra ta theo một chiều hướng tính cách nào đó.

Sống là một phong cách, hay phong cách chỉ là sự phản chiếu đời sống đơn thuần, sự cóp nhặt đồ vật dù là đắt tiền như chúng ta đang sống hiện nay, là sự đa phong cách hay chẳng có phong cách nào cả. Đồ vật cho thấy cả nền sản xuất, khả năng kinh tế xã hội và cuối cùng là tình cảm văn hóa của người tiêu dùng bình thường. Triển lãm này, tuy đơn giản cả về mục đích và cách thức trình bày, nếu như chúng ta từ bỏ những thói quen xem mỹ thuật bằng tranh, bằng tượng, thì cũng có thể thấy những hàm ý về thói quen sinh hoạt và đời sống hỗn độn của chúng ta trong kinh tế và sử dụng đồ vật, điều mà trong quá khứ, những sinh hoạt nghèo nàn của người nông dân với kinh tế nông nghiệp không hề có.

Ở đây, tôi muốn nói đến liệu có phải hoàn toàn từ bỏ những cội rễ nghệ thuật truyền thống, để bắt nhịp vào nghệ thuật hiện đại có xu hướng toàn cầu, như các nghệ sĩ trẻ VN đang mong muốn và theo đuổi. Lưu Trọng Lư đã từng cảm thán thế này: “Ta vay mượn của người hàng xóm từ một câu ca lý tầm thường đến một triết lý cao siêu. Xưa kia ta là Tàu, bây giờ ta là Tây. Chưa bao giờ ta là người VN cả”.

Mặc dầu chỉ là một cảm thán có tính chất thái quá, nhưng cũng không phải là không có ý nghĩa nhắc nhở đối với tinh thần dân tộc trong quá trình vay mượn và thu nhận từ nước ngoài, nhất là ở một thời đại tất cả đang chuẩn bị hội nhập mọi mặt, cho một sân chơi kinh tế lớn, chứ trước tiên không phải cho văn hóa nghệ thuật.

Theo Phan Cẩm Thượng – Thể thao & Văn hóa
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên