08/11/2011 01:00 GMT+7

Chuẩn bị gì trước khi du học?

 N.H.C.
 N.H.C.

AT - Buổi nói chuyện chuyên đề “Chuẩn bị tâm lý cho cả gia đình khi gửi con du học” của báo cáo viên Lê Thị Phương Nga vừa diễn ra tại nhà sách Mẹ và Con (Q.1, TP.HCM).

Theo ý kiến của chuyên gia tâm lý Lê Thị Phương Nga thì chuẩn bị cho việc du học là một quá trình lâu dài, cần được lên kế hoạch cụ thể chứ không thể vội vàng trong một sớm một chiều. Bố mẹ có thể vô tình làm “hỏng” con mình ở một môi trường hoàn toàn xa lạ, không dễ để thích nghi.

Môi trường du học không giáo dục nhân cách

Lời khuyên của chuyên gia đối với những gia đình có con thuộc thành phần “quậy” thì không nên cho con đi du học. “Rất nhiều người làm hành động “thả hổ về rừng” khi thấy con quậy quá nên cho đi du học để bớt quậy. Bởi môi trường du học không phải là môi trường giáo dục nhân cách, mà là môi trường cung cấp kiến thức” - chuyên gia nói. Lời khuyên đưa ra: gia đình nên giáo dục những người con thế này ở môi trường quân ngũ và chỉ cho con du học khi đã có ý thức tốt.

Thế còn đối với những bạn trẻ “quậy vừa vừa” thì làm thế nào? Bố mẹ vẫn có thể cho du học nhưng đừng đóng hết các khoản tiền, chỉ nên đóng 80%, số tiền 20% còn lại để tự thân con kiếm thông qua việc làm thêm. Khi con đi làm thêm, sẽ không có thời gian để tụ tập ăn chơi...

Nhưng cũng có những trường hợp đặc biệt: bạn trẻ không “quậy” nhưng khi xa gia đình không muốn làm gì, kể cả việc học, chỉ muốn suốt ngày ở trong nhà. “Bố mẹ cần thiết cho con biết rằng số tiền cho con đi du học có khoản nhất định, nếu như một năm không học là mất bao nhiêu số tiền, thì bố mẹ sẽ cho mượn. Nhưng mượn - là đồng nghĩa với phải trả lại. Nếu một năm nữa vẫn không học thì nên đưa về nước” - lời của chuyên gia.

Chuẩn bị những gì

Vấn đề chuẩn bị đầu tiên cho du học là tài chính. Ngoài những khoản tiền bắt buộc như: ăn, học, ở, đi lại, sinh hoạt..., gia đình nên luôn có trong tài khoản dự phòng 20.000 USD để khi xảy ra sự cố “bất thình lình” có thể dùng đến. Bên cạnh đó, ngay từ những năm đầu đời, việc tập cho con cách sống lành mạnh, vệ sinh để ít bị nhiễm bệnh là điều vô cùng cần thiết, bởi “dịch vụ y tế ở nước ngoài vô cùng đắt đỏ”. Tiếp đến cần tìm hiểu kỹ về nếp sống, nếp sinh hoạt, dịch vụ công cộng... của nơi sẽ đến học. Bố mẹ mở tài khoản cho con dùng bằng thẻ phụ, bố mẹ là người quản lý, để có sự kiểm soát, điều chỉnh hợp lý các khoản chi tiêu. Khi chọn trường du học nên tìm hiểu kỹ các dịch vụ mà trường có cung cấp hay không: dịch vụ giới thiệu việc làm thêm, dịch vụ ngân hàng, dịch vụ y tế và các hoạt động ngoại khóa... Tất cả những dịch vụ này đều cần thiết, có thể đơn cử như dịch vụ làm thêm: Các du học sinh đều đi làm thêm dù không cần tiền. “Mỗi SV được cho phép làm thêm 20 giờ/tuần, nên không có lý do gì không đi làm thêm. Tất cả SV học ở nước ngoài đều phải đi làm thêm dù có tiền nhiều đến mức nào. Nếu SV nào không đi làm thêm thì vô tình biến mình trở thành cá biệt. Đi làm thêm bạn trẻ sẽ hiểu học để làm gì? Nhiều thống kê cho thấy những SV đi làm khi còn trên ghế nhà trường thì mức độ xin được việc làm sau khi tốt nghiệp nhiều hơn và giữ được việc lâu hơn” - báo cáo viên Phương Nga cho biết.

Nơi ở cũng là một trong những điều xem xét kỹ. Có ba hình thức ở: ký túc xá, tự thuê nhà ở, ở chung nhà dân (homestay). Chuyên gia cho biết ở chung nhà dân là lựa chọn của nhiều du học sinh vì là hình thức ở an toàn nhất trước các vấn nạn: phân biệt chủng tộc, có sự kìm kẹp nhất định của gia đình người bản xứ, hay có sự giúp đỡ của người lớn trước các bệnh tật “bất thình lình”...

Những kỹ năng trước giờ lên đường

Cần tập kỹ năng quản lý giờ giấc với thói quen “giờ nào việc nấy” cho mình. Với mỗi công việc sẽ mất bao nhiêu thời gian để làm và liệt kê thành một danh sách. Dùng đồng hồ đỗ chuông để canh thời gian, khi đồng hồ reo mà vẫn chưa thực hiện công việc xong thì phải ngưng lại, để chuyển sang cái kế tiếp theo thời gian biểu. Cần cụ thể hóa giờ nào việc nấy để rèn luyện thành một phản xạ có điều kiện.

Khi sống xa gia đình, kỹ năng quản lý chi tiêu sẽ là điều kiện tiên quyết giúp du học sinh “sống” được ở xứ người. Rèn luyện kỹ năng này bằng cách tự lập các sổ thu chi, tự tổ chức các sự kiện, tiệc cho gia đình: sinh nhật bố, mẹ...

Có rất nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích ở các trường nước ngoài, tuy không được tính điểm nhưng sẽ là một trong những yếu tố mà các nhà tuyển dụng nhìn vào khi ứng tuyển cho một vị trí nào đó. Nên cần thiết phải lên một kế hoạch cho những hoạt động hữu ích này.

Khi một SV bắt đầu xa gia đình để đến với một môi trường xa lạ hoàn toàn, bắt đầu một cuộc sống mới, mọi thứ đều tự lập thì kỹ năng quản lý cảm xúc không phải là chuyện dễ làm. “Cho nên bố mẹ không nên giáo dục con theo kiểu: con thích gì bố mẹ chiều theo như vậy! Bố mẹ cần giải thích cho con: Sống trong một cộng đồng cần đặt lợi ích chung lên trên hết, nếu lợi ích chung đi ngược lại với lợi ích cá nhân thì cá nhân đó phải tự điều chỉnh lại mình” - chuyên gia tâm lý Phương Nga chia sẻ. Từ môi trường gia đình, khi đã thích nghi được, bạn trẻ đó sẽ dễ dàng làm chủ được mình khi được “thả” ra một môi trường rộng lớn hơn ở ngoài xã hội.

JlB5hMru.jpgPhóng to

Áo Trắng số 20(số 106 bộ mới) ra ngày 01/11/2011 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

 N.H.C.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên