Sau khi xảy ra sự cố, đại diện của nhà mạng MobiFone cam đoan sẽ khắc phục ngay trong đêm. Nhưng đó chỉ là những lời hứa suông vì sau đó năm ngày, hiện tượng trên vẫn còn dù rằng mức độ không còn trầm trọng như trước. MobiFone có gửi lời xin lỗi đến khách hàng nhưng hành động cụ thể để đền bù cho những thuê bao bị trục trặc trong thời gian qua thì... “phải chờ lãnh đạo duyệt”. Mức đền bù cụ thể như thế nào đến thời điểm này vẫn chưa thấy thông báo đến khách hàng.
Cách hành xử trên của nhà mạng MobiFone nói riêng và của nhiều nhà mạng di động tại thị trường Việt Nam không còn là chuyện lạ. Khi có sự cố, dù là sự cố kỹ thuật của hệ thống hay do những tác động từ thiên nhiên như mưa lũ, dông bão..., nhà mạng gần như không chủ động thông báo để khách hàng tìm cách “tự khắc phục” như chuyển sang thuê bao của một nhà mạng khác hay là sử dụng các công cụ như email, điện thoại cố định để làm việc, để duy trì các mối quan hệ trong thời buổi “số hóa”.
Nhà mạng im lặng theo kiểu “để lâu... hóa bùn” do họ hiểu rằng khách hàng không thể vì những sự cố đó mà bỏ mạng bởi còn phải gắn liền với nhiều mối quan hệ tồn tại từ nhiều năm nay thông qua thuê bao mà họ đang sở hữu.
Lẽ ra nhà cung cấp dịch vụ phải thật sự tôn trọng khách hàng của mình, vì nếu không có khách hàng, họ sẽ không thể tồn tại, nói gì đến phát triển.
Người tiêu dùng đã có nhiều cách phản ứng. Báo chí đã lên tiếng. Nhưng những gì mà nhà mạng bù đắp cho những thiệt thòi của người tiêu dùng có thể nói là chưa sòng phẳng.
Sức chịu đựng của khách hàng không thể vô hạn. Các cơ quan quản lý cũng không thể đứng ngoài cuộc nếu tình trạng này tiếp tục lặp lại. Đó là chưa kể thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sứt mẻ dần trong mắt người tiêu dùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận