09/08/2009 08:19 GMT+7

Chưa mua ván, chưa nên bán thuyền

 TS NGUYỄN SĨ DŨNG
 TS NGUYỄN SĨ DŨNG

TT - Chưa mua ván, đã bán thuyền” là thực trạng của tình hình cấp giấy chứng nhận nhà đất hiện nay. Cụ thể, mẫu giấy chứng nhận mới chưa có, còn các mẫu giấy chứng nhận cũ đã “hết hiệu lực” (theo tinh thần của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản có hiệu lực từ ngày 1-8-2009).

Như vậy, một tuần nay hoạt động cấp giấy chứng nhận nhà đất cho người dân bị ngưng trệ, rối ren. Nó làm ngưng trệ, rối ren dây chuyền đến nhiều hoạt động khác của đời sống dân sự và kinh tế liên quan đến nhà đất.

Việc thay giấy đỏ (chứng nhận quyền sử dụng đất), giấy hồng (chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở) bằng một loại giấy duy nhất (chưa biết giấy màu gì) là một bước cải cách hành chính rất có ý nghĩa và đã được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, có vẻ như việc thiết kế một giấy duy nhất cho hai loại tài sản có quy chế pháp lý khác nhau (và thuộc quyền quản lý của các bộ khác nhau) không đơn giản.

Đó có thể là lý do tại sao Bộ Tài nguyên - môi trường đã không kịp đưa ra mẫu giấy mới trước khi luật sửa đổi, bổ sung có hiệu lực. Việc chậm trễ này cho dù có thể hiểu được, nhưng rõ ràng là không nên có. Và với sự ách tắc của các giao dịch liên quan đến nhà đất như hiện nay, chậm trễ ngày nào sẽ ảnh hưởng đến kinh tế của đất nước và đời sống của dân ngày đó.

Thật ra, cũng giống như giấy khai sinh không đẻ ra con người, giấy chứng nhận nhà đất không làm phát sinh các quyền tài sản đối với nhà đất. Quyền tài sản đối với nhà đất phát sinh từ những sự kiện pháp lý như mua bán, tặng cho... hoặc được Nhà nước giao. (Cứ xem hiện tượng không ít người dân mua bán nhà đất bằng giấy viết tay sẽ ngộ ngay ra điều này. Quyền tài sản trong trường hợp như vậy đã được công nhận và đã được thực thi mà không cần đến giấy chứng nhận nhà đất). Giấy chứng nhận nhà đất chỉ là việc xác thực quyền tài sản của công dân. Việc hai giấy hay một giấy chứng nhận không làm thay đổi bản chất của các quyền. Cách tốt hơn vẫn là khi giấy mới ra đời thì nó sẽ thay thế chức năng của giấy hồng và giấy đỏ, khi nó chưa ra đời thì giấy hồng và giấy đỏ vẫn phải thực hiện chức năng xác thực của mình.

Mặc dù giấy chứng nhận nhà đất chỉ là phương tiện để chính quyền thực hiện chức năng xác thực của mình, thế nhưng thiếu sự xác thực này thì việc thực thi các quyền tài sản của người dân đối với nhà đất sẽ rất khó khăn, ách tắc. Như vậy, chính quyền vẫn cần tiếp tục thực hiện chức năng xác thực của mình cho dù bằng một giấy hay hai giấy xác nhận.

 TS NGUYỄN SĨ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên