22/09/2007 08:12 GMT+7

Chữa bách bệnh: "sờ, bóp, gõ" (?!)

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TT - "Gặp được bà Tám Hơn vài lần thì mấy chứng bệnh mà bác sĩ chê cũng sẽ khỏi"... Khi nghe những lời đồn thổi ấy, nhiều người dân đã tìm đến nhà bà "thầy" này để được chữa bệnh theo một cách thức "chẳng đâu vào đâu"...

mnLkVwdi.jpgPhóng to

"Thầy" Tám Hơn "chữa" cho một người bệnh (ảnh chụp ngày 20-9)

TT - "Gặp được bà Tám Hơn vài lần thì mấy chứng bệnh mà bác sĩ chê cũng sẽ khỏi"... Khi nghe những lời đồn thổi ấy, nhiều người dân đã tìm đến nhà bà "thầy" này để được chữa bệnh theo một cách thức "chẳng đâu vào đâu"...
Nghe đọc nội dung toàn bài:

8g ngày 20-9, nhà bà Tám Hơn (trong cụm dân cư ấp 4, xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, Tiền Giang) đã có khoảng 50 người toàn các ông cụ, bà cụ đang đứng lố nhố chờ chữa bệnh. Một bà cụ ngồi bệt dưới hành lang thều thào thông báo "thầy" Tám đang ăn sáng. Chị Út - người bán hủ tiếu, nước giải khát ở khu vực này - cho biết từ tờ mờ sáng đã có người tới gõ cửa nhà "thầy" Tám, trung bình mỗi ngày có 300-500 người đến chữa bệnh, những lúc cao điểm có hơn 1.000 người từ khắp nơi tìm đến.

Theo lời chỉ dẫn của chị Út: "Cứ qua đứng xếp hàng chung với người ta. Lát nữa bà Tám ra "bóp" từng người. Trước đây người ta hay mang theo chai nước để bả "ấn phép" vào đó rồi mang về uống. Nay xã không cho, nên bả chỉ ấn vào chai dầu về xức sẽ mau hết bệnh hơn". Điều này giải thích vì sao các gian hàng ăn uống, giải khát xung quanh nhà bà Tám Hơn có bán rất nhiều dầu gió xanh.

Tự nghĩ ra cách chữa bệnh

Ăn sáng xong, "thầy" Tám bước ra. Đó là một phụ nữ chừng 40 tuổi, dáng người thấp, da ngăm, tóc xoăn, gương mặt rất... hình sự. "Thầy" đến trước mặt từng người để "trị bệnh" chứ không gọi tên hay gọi số. Những người đã đến một vài lần có kinh nghiệm rồi thì tự động vén áo lên cho "thầy" gõ vào lưng hai, ba cái (nếu bị đau lưng). Sau đó hễ người bệnh chỉ chỗ nào, "thầy" dùng hai tay bóp mạnh vào chỗ đó. Nếu người bệnh bị bướu cổ thì "thầy" lấy hai tay vuốt nhẹ vào cổ 1-2 lần. Dù chưa tới lượt nhưng ai cũng mở sẵn nắp chai dầu để "thầy" chạm tay vào rồi cẩn thận vặn nắp lại. Công đoạn khám, chữa bệnh của "thầy" Tám chỉ có vậy, khoảng vài chục giây là xong. Suốt thời gian chữa bệnh cho một nhóm khoảng 30 người, không hề nghe "thầy" hỏi người bệnh bị đau thế nào, bệnh gì, đã chữa trị ở đâu chưa...

Sau khi được "thầy" Tám chữa bệnh, bà Hai Thành (80 tuổi, ở xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè, Tiền Giang) hớn hở chống gậy bước ra. "Đi được hai lần rồi, thấy cũng có bớt đau. Ngày mai tui xuống nữa" - bà Hai Thành nói. Ông Năm Lương (65 tuổi, người ở xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy) cũng cho biết đây là lần thứ hai ông đến nhờ "thầy" Tám chữa bệnh đau nhức chân tay. Theo lời ông Năm Lương thì "thấy có giảm đau chút ít".

Nhiều người ở các tỉnh khác cũng đến nhà "thầy" Tám chữa bệnh. Họ nói: "Nghe nói bà thầy này chữa bệnh không lấy tiền nên tội gì không đi. Đi thử cho biết, nếu hết thì đi nữa, còn nếu không thì thôi".

"Thầy" Tám cho biết đã hơn 40 tuổi, quê ở An Giang, từ nhỏ sống bằng nghề thương hồ, buôn bán trên sông hết nơi này đến nơi khác. Cách đây khoảng 10 năm vợ chồng "thầy" lưu lạc đến cù lao Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy). "Không biết ai đồn mà người ta đến nhờ tui chữa bệnh. Tui đâu có học nghề chữa bệnh gì, cũng đâu có quảng cáo gì. Nhưng nhiều người năn nỉ quá nên tui làm đại" - "thầy" Tám kể.

Nói tới chuyện chữa bệnh bằng cách "sờ, bóp, gõ” của mình, "thầy" Tám Hơn chỉ tay vào hai bé gái đang nằm võng, "nổ" tiếp: "Hai đứa con tui, một đứa chín tuổi, một đứa bảy tuổi cũng chữa bệnh được. Tụi nó còn chữa hay hơn tui nữa". "Thầy" nói rằng trước đây "thầy" chữa bệnh cho bằng cách... cạo gió, sau đó chuyển sang cách chữa bằng nước lạnh, dầu gió và "sờ, gõ, bóp" như hiện nay. Tất cả đều do "thầy" tự nghĩ ra chứ không ai dạy.

Địa phương… bó tay!

Ông Nguyễn Anh Muôn, chủ tịch Ủy ban MTTQ VN xã Thạnh Tân, nói bốn tháng trước địa phương đã phát hiện bà Lê Thị Hơn (Tám Hơn) "chữa bệnh" theo kiểu mê tín dị đoan, khi đó bà Hơn mới mua lại căn nhà của người dân địa phương. Ngay từ đầu, chính quyền địa phương đã mời bà Tám Hơn đến để nhắc nhở. Thế nhưng bà Tám Hơn vẫn chữa bệnh bình thường và có nhiều lời lẽ thách thức địa phương như: "Nếu không cho tui trị bệnh ở nhà thì tui vô ủy ban xã trị bệnh... Nếu bắt tui bỏ tù thì vô đó tui sẽ trị bệnh cho phạm nhân"…

Bác sĩ Lê Văn Đức, trưởng Phòng y tế huyện Tân Phước, nói đã nhiều lần phối hợp với công an huyện đến kiểm tra, xử lý việc chữa bệnh không phù hợp với qui định của ngành y tế, nhưng không có kết quả. Khi phát hiện đoàn kiểm tra thì bà Tám Hơn vô nhà đóng cửa lại. Khi đoàn quay về bà lại tiếp tục "sờ, gõ, bóp" như chẳng có chuyện gì xảy ra.

"Chúng tôi rất bức xúc trước tình trạng này và hiện đang thảo luận với cơ quan chức năng tìm giải pháp. Trước mắt sẽ cử bác sĩ phối hợp với các đoàn thể địa phương đến khu vực nhà bà Tám Hơn để vận động những người từ xa đến không nên tin vào cách chữa bệnh thiếu căn cứ khoa học này" - bác sĩ Đức nói. Theo anh Nguyễn Tấn Minh, trưởng trạm y tế xã Thạnh Tân, hầu hết người dân trong xã đã hiểu và không đến nhà bà Tám Hơn để chữa bệnh. Hiện chỉ có những người ở xa đến.

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên