Giao dịch vàng tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
"SJC" đề cập ở đây không phải là Công ty SJC, cũng không phải là miếng vàng SJC mà là nhãn hiệu SJC do Nhà nước quản lý, được coi là nguyên nhân chính khiến giá vàng trong nước cao bất thường. Bài viết này là từ thực tế của nhiều năm trước được hệ thống lại có thể lý giải sự bất thường của thị trường vàng còn kéo dài đến nay.
Có loại vàng bị lãng quên
Giá vàng SJC trên 60 triệu đồng/lượng nhưng chẳng ai để ý ở một số tiệm vàng có niêm yết giá "vàng nguyên liệu" thấp hơn 7-8 triệu đồng/lượng. Báo chí cũng ít khi đề cập đến giá vàng nguyên liệu. Vậy vàng nguyên liệu là gì? Đấy là vàng 999,9 dạng thỏi hay hạt không vênh nhiều so với giá vàng thế giới để chế biến vàng nữ trang và dập vàng miếng, trong đó có vàng SJC.
Bao năm qua vàng nguyên liệu là "hồn cốt" của vàng miếng nhưng lại không được người dân cất giữ, thanh toán và mua bán nếu chưa dập ra hình hài miếng vàng có thương hiệu, chủ yếu là SJC. Vàng nguyên liệu chỉ mua bán giữa các tiệm vàng với nhau. Trước đây, thấy thương hiệu SJC có giá, nhiều ngân hàng, công ty vàng sắm máy, mua khuôn dập vàng miếng nhưng cuối cùng chỉ kinh doanh được vàng miếng SJC.
Từ đó, đã hình thành khái niệm vàng "phi SJC" để phân biệt vàng miếng SJC với thương hiệu vàng của ngân hàng ACB, Sacombank, Agribank... hay doanh nghiệp vàng như PNJ. Một mình vàng miếng SJC đã "chấp" tất cả vàng miếng khác, cả vàng thỏi Thụy Sĩ.
Theo ghi nhận, đa số người dân, nếu được ai đó trả tiền mua nhà, mua xe bằng vàng miếng "phi SJC" cũng thường thoái thác. Vì vậy, giá vàng miếng "phi SJC" thường thấp hơn vàng SJC nhưng người dân cũng không chuộng. Tóm lại, vàng SJC được chọn để cất giữ, thanh toán, mua bán. Đây chính là "cơ chế" hình thành giá của chữ "SJC", là nguồn cơn của căn bệnh "giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới" kéo dài cho đến nay.
Bảng giá vàng tại một cửa hàng trưa 21-11 - Ảnh: HOÀNG AN
Bất ngờ với chi phí dập miếng vàng SJC
Giá vàng SJC thường cao hơn thế giới, tùy thời điểm, cao điểm như gần đây là trên 10 triệu đồng/lượng. Vậy chi phí dập miếng vàng SJC là bao nhiêu?
Do không còn sản xuất vàng miếng nên không thấy Công ty SJC công bố chi phí dập vàng miếng. Lần công bố gần nhất là năm 2012 khi doanh nghiệp này được Ngân hàng Nhà nước giao dập lại các miếng vàng móp méo đã bán ra thị trường, chi phí gồm công, thuế, lợi nhuận, tất cả là... 50.000 đồng/lượng! Trước đó, khi Công ty SJC còn nắm thương hiệu vàng miếng SJC, chi phí này chỉ khoảng 35.000 đồng/lượng.
Chi phí rẻ thế, sao không dập hàng loạt? Có, khi đó Công ty SJC đã cho chạy máy dập 24/24 giờ, nhưng chỉ được vài ngàn lượng/ngày. Các công ty, ngân hàng dù có bao nhiêu ký vàng Thụy Sĩ cũng phải xếp hàng chờ Công ty SJC dập ra vàng miếng để bán. Như vậy, vàng không thiếu, chỉ thiếu vàng miếng SJC nên giá loại vàng này cứ bị đẩy lên. Cứ thế chữ "SJC" đã tạo ra mặt bằng giá vàng luôn cao hơn giá thế giới, từ đó kéo giá nhiều loại vàng khác cũng tăng theo.
Hiện nay, dù thị trường vàng không còn nóng sốt như nhiều năm trước nhưng cơ chế quản lý vàng vẫn không thay đổi, vì vậy khó nói trước giá vàng miếng SJC còn tăng tới đâu. Lý do là Ngân hàng Nhà nước - nơi độc quyền nhập khẩu vàng để dập vàng miếng - không còn bán, cũng không thấy thuê Công ty SJC dập vàng.
Vàng miếng mua bán hiện nay là từ người giữ vàng bán ra. Nguồn này lại có hạn, những lúc bán ít, mua nhiều, tiệm vàng đẩy giá lên cao, rủi ro cho người mua, có lợi cho người giữ vàng. Khi giá vàng SJC tăng cao, người có vàng đổ ra bán, đẩy giá giảm sâu, như đã diễn ra ngày 19-11.
Các công ty vàng luôn nắm dao đằng cán, không ôm vàng chờ khách đến mua, họ chỉ sang tay ngay hưởng chênh lệch. Vì vậy, nếu có người mua vài chục lượng vàng SJC cũng đủ để đẩy giá lên cao và ngược lại.
Đồ họa: T.ĐẠT
Không còn trong "chương trình nghị sự"
Ông chủ thương hiệu vàng miếng SJC hiện nay chính là Ngân hàng Nhà nước. Công ty SJC từng sở hữu thương hiệu SJC và ngay Ngân hàng Nhà nước cũng chẳng hưởng lợi khi giá vàng miếng SJC tăng. Năm 2012, khi nhận lại thương hiệu SJC từ UBND TP.HCM - là chủ sở hữu Công ty SJC, Ngân hàng Nhà nước cam kết can thiệp thị trường vàng để chênh lệch giá vàng miếng SJC không tăng bất thường. Và nơi này đã ban hành quy chế bán vàng ra thị trường qua hình thức đấu thầu.
Nhưng muốn có vàng bán phải cần nhiều triệu USD để nhập, thứ hàng chục năm trước còn rất khan hiếm. Nếu vét ngoại tệ đi nhập vàng sẽ không đủ ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng, nguyên vật liệu sản xuất. Thiếu ngoại tệ, tỉ giá sẽ tăng, đẩy giá hàng hóa và lạm phát tăng. Vì thế khi ấy Ngân hàng Nhà nước chỉ đấu thầu nhỏ giọt vàng, từ năm 2014 không còn nhắc tới.
Giờ đây, biến động giá vàng không còn nằm trong "chương trình nghị sự" của Ngân hàng Nhà nước. Trọng tâm điều hành của Ngân hàng Nhà nước là USD, liên quan đến trăm triệu người tiêu dùng qua lạm phát, là sức khỏe và cũng là sức mạnh của nền kinh tế, là tiền đề để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tỉ giá ngoại tệ ổn định, hợp lý, tất cả mọi người được hưởng lợi, đất nước phát triển. Còn giá vàng bao nhiêu, do các doanh nghiệp vàng quyết định. Vàng trong nước có cao hơn thế giới cả chục triệu đồng/lượng, giá thực phẩm, giá điện máy, giá nhà đất, giá xe máy hay ôtô... vẫn thế.
Bình ổn thị trường, không bình ổn giá vàng
Với chính sách như hiện nay, các công ty dù có chục tấn vàng nguyên liệu cũng không có thêm miếng vàng SJC nào cho thị trường bởi Công ty SJC không còn quyền dập vàng miếng. Thương hiệu vàng miếng SJC đã thuộc về Ngân hàng Nhà nước và nơi này kiên trì với quan điểm "bình ổn thị trường vàng, không bình ổn giá vàng".
Đến nay, giá vàng tăng chỉ gây sự chú ý của xã hội, còn thị trường vàng vẫn ổn định, không ảnh hưởng giá hàng hóa. Đó là lý do vàng trên 60 triệu đồng/lượng cũng không có miếng vàng nào được Ngân hàng Nhà nước bán ra.
Vụ án tiệm vàng Cà Mau hơn 10 năm vẫn "nóng"
Từ hoạt động đầu cơ vàng đã hình thành nhiều đường dây nhập lậu và hợp thức hóa vàng qua hóa đơn đỏ, bảng kê để có vàng dập ra vàng miếng SJC mà đến nay vẫn chưa xử lý xong.
Tháng 5-2021 Công an Cà Mau đã khởi tố vụ án điều tra trốn thuế với một tiệm vàng ở huyện Đầm Dơi (Cà Mau) từ 2008 - 2011 bán 680.000 lượng vàng (khoảng 25 tấn vàng).
Gần đây, Công an An Giang cũng đang phá vụ án Mười Tường buôn lậu 51 ký vàng.
Ngày 17-11, Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã đưa vào diện chỉ đạo xử lý hành vi tiêu cực của cán bộ, đảng viên liên quan đến vụ án buôn lậu, vận chuyển trái phép tiền tệ, hàng hóa qua biên giới xảy ra tại An Giang.
Kế hoạch "loại vàng ra khỏi ngân hàng"
Khách bán vàng tại cửa hàng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP.HCM - Ảnh: N.PHƯỢNG
Từ hơn 20 năm trước, Ngân hàng (NH) Nhà nước cho NH huy động và cho vay bằng vàng. Từ đây đã hình thành vòng xoáy kinh doanh vàng gắn với chữ "SJC" gây bao hệ lụy mà để khắc phục rất tốn kém. Vì thế NH Nhà nước phải lên kế hoạch loại vàng ra khỏi NH. Ngày nay người dân không còn được gửi tiết kiệm ở NH, nếu có, chỉ là "NH giữ hộ" không có lãi suất, thậm chí còn phải trả phí giữ hộ. Vì sao?
Hệ lụy từ "đánh vàng giá xuống"!
Nhiều năm trước người gửi vàng SJC ở NH, người vay bán vàng để lấy VND kinh doanh. Nhưng cũng có trào lưu đầu cơ vàng (như "đầu tư" Bitcoin bây giờ) bằng vàng vay. Nhiều đại gia thế chấp sổ tiết kiệm vay vàng bán theo hướng đánh giá xuống. Ví dụ họ vay vàng NH đem bán giá 5 triệu đồng, chờ giá vàng xuống 4,8 triệu mua lại, lãi 200.000 đồng/lượng).
Họ đâu chỉ đầu cơ bằng tiền của mình, mà quay vòng (gửi tiết kiệm - thế chấp vay vàng đem bán lấy tiền gửi lại rồi thế chấp vay...). Giả sử họ quay 5 vòng, từ số tiền tương đương 5 lượng vàng, họ có hơn 20 lượng vàng SJC để bán đánh giá xuống.
Ngặt nỗi, trong khi giới đầu cơ đánh giá xuống thì giá vàng thế giới theo chiều ngược lại. Khắc tinh của giới đầu cơ vàng được xem là Osama Bin Laden khi tấn công khủng bố nước Mỹ ngày 11-9-2001, khởi đầu lộ trình dài đẩy giá vàng tăng, từ trên dưới 250 USD/ounce (trong nước trên dưới 5 triệu đồng/lượng).
Thị trường vàng tàn khốc nhất là những năm từ 2011 trở đi. Giới đầu cơ vàng, toàn người tên tuổi, rành rẽ về NH đều đoán sai xu hướng giá vàng. Họ càng gỡ theo đánh giá xuống càng lỗ, lỗ khủng, gấp đôi gấp ba số vốn vàng đã vay.
Xóa bỏ "nghiệp chướng" của thị trường vàng
Nhưng đó chưa phải là "nghiệp chướng" của thị trường vàng. Giới đầu cơ vay vàng SJC để bán, trả nợ cũng là vàng SJC, có đem vàng Thụy Sĩ trả cũng không ai nhận. Ngặt nỗi, thời điểm bán vàng, cũng là lúc giá thế giới cao hơn trong nước, số vàng này được gom xuất lậu qua biên giới.
Khi giới đầu cơ nháo nhào mua vàng SJC để trả nợ, thị trường không còn vàng, vàng SJC càng khan hiếm hơn đã tạo ra những vòng xoáy kinh hoàng về giá vàng. Ví dụ vay vàng đem bán 10 triệu đồng nhưng khi trả nợ là 20, thậm chí 30 triệu đồng/lượng, chẳng mấy ai trụ nổi. Coi như lỗ kép: giá thế giới tăng cộng thêm vàng SJC khan hiếm tăng thêm. Thua lỗ, tù tội đều từ đây.
Trong lúc các đại gia đầu cơ giá vàng ngụp lặn trong nợ nần đẩy giá vàng tăng bất thường, đã tạo ra tâm lý bất an trên thị trường vàng, người dân vừa ra khỏi giai đoạn lạm phát cao của thế kỷ 20, còn nặng tâm lý VND mất giá, nhiều người đã vội mua vàng. Người dân và xã hội bị vạ lây. Đấy chính là "nghiệp chướng" của thị trường vàng.
Nhận thấy chủ trương huy động cho vay vàng "lợi ít hại nhiều", NH Nhà nước đã xây dựng lộ trình chấm dứt huy động và cho vay vàng, từ giữa năm 2012, bắt đầu từ năm 2012. Nhưng chấm dứt đâu phải là dễ. NH Nhà nước phải gom ngoại tệ trong nhiều tháng để nhập vàng trở lại, tạo nguồn cung để mua vàng SJC trả nợ NH.
Vàng được bán qua kênh đấu thầu, ước khoảng 70 tấn (khoảng 1,8 triệu lượng). Khi người vay trả hết nợ cho NH, NH trả hết vàng dân gửi, vàng chính thức bị loại khỏi "bảng cân đối của NH", không còn khả năng thao túng nền kinh tế. Giờ đây, giá vàng 50 hay 60 triệu đồng/lượng, thậm chí cao hơn, NH Nhà nước cũng không chi ngoại tệ để nhập vàng bán can thiệp.
Cần nhắc lại kế hoạch "loại vàng ra khỏi ngân hàng" của Ngân hàng Nhà nước để có lời giải đáp "vì sao vàng tăng nóng nhưng Nhà nước không can thiệp?". Đây cũng là thông tin "chỉ dẫn" để người còn nặng nợ với vàng tham khảo.
T.T.
Tình hình mới, tâm lý cũ
Giao dịch vàng tại cửa hàng trên đường Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thạnh, TP.HCM) trưa 21-11 - Ảnh: HOÀNG AN
Huy động vốn vàng trong dân, cách nào?
Rất nhiều đề xuất nên có chính sách huy động vàng trong dân. Nhưng qua trao đổi, nhiều nhà kinh tế đều cho rằng cách tốt nhất là củng cố lòng tin vào VND, người có tiền không mua vàng, người có vàng đem bán để đầu tư vào các kênh khác có lợi hơn thay vì huy động trực tiếp bằng vàng rất phức tạp do biến động giá.
Bởi nếu còn huy động vàng, cho nhập vàng thoải mái sẽ ảnh hưởng đến chính sách chống vàng hóa, đôla hóa nền kinh tế. Hơn nữa, hiện người dân đã có nhiều kênh đầu tư thay vì chỉ có vàng và gửi tiết kiệm như nhiều năm trước.
Giá vàng ảnh hưởng đến lạm phát, nhưng lạm phát ở đâu?
Nhiều người vẫn nói giá vàng tăng ảnh hưởng đến lạm phát, điều đó có đúng? Đúng là giá vàng tăng có ảnh hưởng đến lạm phát nhưng chỉ ở những nước thanh toán bằng USD do vàng được định giá bằng USD, mà USD mất giá tức có lạm phát ở những nước đó.
Tại Việt Nam, ngày nay không ai mua nhà, xe máy... bằng vàng. Vàng trên 60 triệu đồng/lượng, giá bán căn hộ vẫn là trên 40 triệu đồng/m2, giá xe máy phổ thông từ 18-22 triệu đồng/xe... Khi người dân không còn dùng vàng để định giá hàng hóa, tài sản hay thanh toán, giá vàng tăng bao nhiêu cũng không ảnh hưởng đến lạm phát. Từ lâu vàng không còn được Tổng cục Thống kê tính trong rổ hàng hóa để tính chỉ số lạm phát (CPI).
Có thấy giá đô giảm đâu!?
Tại Việt Nam, VND đang lên giá so với USD, ước năm 2021 tăng khoảng 2%. Ngân hàng bán USD chỉ còn 22.750 đồng nhưng giá USD tiền mặt tại tiệm vàng vẫn ở mức 23.300 đồng USD, được cho là "ăn theo" giá vàng. Vì vậy có người nói "có thấy giá đô giảm đâu!". Tuy neo ở mức cao nhưng giá USD tiền mặt không hề hấn với giá hàng hóa, chỉ ảnh hưởng đến giá vàng.
Lý do là toàn bộ hàng hóa nhập khẩu cho tiêu dùng, sản xuất đều thanh toán bằng USD do ngân hàng bán ra. Ước tính kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2021 là gần 600 tỉ USD, tất cả đều thanh toán bằng USD ngân hàng bán theo xu hướng giảm dần, từ mức 23.200 đồng/USD đầu năm, nay chỉ còn 22.750 đồng/USD.
Pháp luật cấm mua bán USD tại thị trường tự do, quy mô và doanh số giao dịch cũng chỉ là con số lẻ của ngân hàng. Vì vậy, giá USD cao hay thấp phải căn cứ vào tỉ giá tại ngân hàng, giá này quyết định đến giá cả và lạm phát trong nước!
Thị trường vàng và USD có nhiều thay đổi nhưng cách nhìn về vàng vẫn chưa được cập nhật, thể hiện qua 3 câu hỏi thường gặp dưới đây.
T.TU.
Doanh số giao dịch vàng giảm mạnh
Người dân mua vàng đa phần là nữ trang, ít mua vàng cất giữ như trước - Ảnh: N.P.
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hoàng Minh - phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM - cho hay doanh số giao dịch vàng của các đơn vị trên địa bàn TP trong 10 tháng đầu năm 2021 giảm mạnh, từ 40 - 41% (bán ra - mua vào) so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng giao dịch ngày càng giảm và chỉ còn 4 ngân hàng triển khai dịch vụ nhận giữ hộ vàng trên địa bàn.
Trước đây, nếu không muốn giữ vàng trong nhà, người dân có thể gửi ngân hàng, vừa có lãi vừa có thể thế chấp vay VND khi cần. Tuy nhiên hiện nay ngân hàng không còn huy động vàng. Giao dịch vàng cũng khó khăn hơn do các điểm được phép giao dịch vàng miếng thu hẹp từ 12.000 điểm trên cả nước giờ chỉ còn 2.000 điểm.
Đặc biệt, với quy định không cho phép ngân hàng huy động và cho vay vàng, Ngân hàng Nhà nước cũng chặn đứng việc các ngân hàng và công ty vàng tham gia đánh lên đánh xuống. Quy mô thị trường vàng đã thu hẹp rất nhiều, hiện nay người dân cũng không còn thanh toán bằng vàng như mấy chục năm trước. Do vậy, theo ông Minh, lượng vàng giữ hộ của các ngân hàng giảm mạnh, người dân có xu hướng bán vàng ra gửi tiết kiệm tiền đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Trọng, giám đốc Công ty vàng Đối tác mới (NPJ), thì công nhận thị trường vàng hiện rất dễ bị làm giá. Bên cạnh chênh lệch giữa giá mua và bán vàng rất lớn, có thời điểm ở mức trên 1 triệu đồng/lượng, người mua bán vàng còn có thể chịu thiệt do giá vàng trong nước chênh quá lớn với giá vàng thế giới. Tuần qua có lúc giá vàng thế giới tăng thêm 100 USD/ounce (2,7 triệu đồng/lượng) nhưng giá vàng trong nước tăng tới 4 triệu đồng/lượng.
Nếu mua cất giữ lâu dài thì ngoài rủi ro là giá vàng giảm xuống, người mua vàng còn đối mặt với rủi ro nếu chính sách nhà nước thay đổi (chẳng hạn Ngân hàng Nhà nước cho nhập vàng), khi đó chênh lệch giá vàng trong nước - thế giới có thể mất đi.
"Quy mô thị trường vàng hiện nay rất nhỏ nên việc làm giá rất dễ. Các doanh nghiệp vàng luôn đặt ngưỡng phòng thủ rất cao nên rủi ro cuối cùng rơi vào người mua bán vàng. Đã có rất nhiều người bị hội chứng đám đông đã "mua đỉnh bán đáy" và chịu thua lỗ" - ông Trọng nói.
A.HỒNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận