LTS: Số báo trước, trong bài viếtCâu chuyện nhà hàng xóm, chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng đã tóm lược về phong trào tăng lương tại Trung Quốc đang lan rộng ở nhiều xí nghiệp, từ đó đưa ra những nhận xét về các hệ lụy đối với nền kinh tế nước này. Bài viết kỳ này là những bài học rút ra dành cho Việt Nam, để xây dựng một chiến lược phát triển kinh tế phù hợp.
Kết quả nhận định sơ bộ là về mặt đãi ngộ vật chất (giờ làm việc, tiền lương, bữa ăn…) thì không có gì phạm luật, riêng việc tăng ca thì hầu như mọi công nhân đều mong được tăng ca. Những công nhân kém hoặc bị kỷ luật còn bị tước quyền tăng ca.
Ký túc xá công nhân được trang bị các phương tiện sinh hoạt văn hóa, thể thao khá đầy đủ, công nhân được xem tivi, lên mạng chat với bạn bè hay người thân thường xuyên. Tuy nhiên, trên dây chuyền sản xuất, công nhân không được phép nói chuyện, ký túc xá không cho phép người cùng quê ở chung nhau (vì sợ họ tụ tập nhau tạo nên bè cánh để gây gổ với các nhóm khác) là hai điều đáng lưu ý nhất.
Có thể do tăng ca mệt nhọc, công việc trên dây chuyền nhàm chán, thời gian vui chơi giải trí ít, lại ít có cơ hội tâm sự với những bạn bè đồng hương nên một số công nhân căng thẳng, bị khủng hoảng tinh thần nên dễ tìm cái chết. Nếu đó là nguyên nhân chính thì cũng sẽ có biện pháp để giải quyết được.
Phóng to |
Công nhân Công ty Pou Yuen, Khu công nghiệp Tân Tạo trong giờ tan ca - Ảnh: Quý Hòa |
Thế nhưng có những nhận định khác cho rằng ngoài sự đãi ngộ không thỏa đáng của giới chủ, có thể còn có nguyên nhân khác mang tính sâu xa và khách quan. Đó là: liệu giới chủ đã tăng lương hay đảm bảo phúc lợi cho công nhân đến mức mà chi phí tạo nên sản phẩm đó có thể vượt qua giá thành của sản phẩm, khiến sản phẩm không còn khả năng cạnh tranh trên thị trường?
Nếu điều đó có thật thì yếu tố bóc lột không tồn tại. Vậy trạng thái khủng hoảng đó là do đâu? Phải chăng do giá sinh hoạt của xã hội đã quá cao, làm cho thu nhập của người công nhân không đủ trang trải được chi phí của cuộc sống hiện tại?
Như vậy có phải đã xuất hiện một trạng thái mới là giá trị tạo ra bởi năng suất lao động của người lao động không đáp ứng nổi yêu cầu của mức sống hiện tại? Hay nói ngược lại là yêu cầu cho cuộc sống của một người đã vượt cao hơn giá trị năng suất lao động do chính người đó tạo ra (yêu cầu cuộc sống cơ bản như ăn, mặc, ở, đi lại, giải trí, học hành… luôn lệ thuộc vào mức sống chung của xã hội).
Đây là trạng thái mâu thuẫn mới giữa năng lực - năng suất với mức sống - tiêu dùng. Phải chăng đó cũng là một nguyên nhân quan trọng đưa các nước đang phát triển lọt vào cái bẫy “thu nhập trung bình”? Ngay những quốc gia đã phát triển cũng từng xảy ra hiện tượng trên, làm cho nền kinh tế của họ bị trì trệ triền miên như nước Nhật trong hơn một thập niên vừa qua.
Cần có sự điều chỉnh chiến lược phát triển
Nhìn lại tình trạng nền kinh tế nước ta. Sau 25 năm đổi mới, hàng xuất khẩu của chúng ta ngoài sản phẩm nông nghiệp thô, tài nguyên thô, phần còn lại cũng chỉ là sản phẩm gia công nhờ yếu tố lao động rẻ. Nếu so với Trung Quốc về cạnh tranh trên thị trường thế giới thì Việt Nam yếu kém mọi mặt. Nguyên nhân là năng suất lao động của ta quá thấp nên hàng hóa của ta không thể cạnh tranh được (chưa kể những chi phí phi kinh tế do cơ cấu của bộ máy hành chính bất hợp lý, hiệu suất kém tạo ra).
Đó cũng là nguyên nhân quan trọng khiến nền kinh tế Việt Nam không thể vươn lên thứ bậc cao hơn trong mối quan hệ phân công sản xuất toàn cầu. Sự yếu kém này làm mất đi không ít cơ hội để nước ta đuổi kịp các nước xung quanh trong tương lai.
Sau sự kiện tăng lương đồng loạt tại Trung Quốc vừa qua, có thể sẽ có nhiều doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc chuyển đến nước ta. Đây cũng là một cơ hội tốt, nhưng ẩn sau đó là nhiều nguy cơ vì phần lớn các doanh nghiệp nước ngoài đến nước ta vẫn mong tận dụng được yếu tố lao động giá rẻ. Như vậy, có thể chúng ta sẽ phải đương đầu với thách thức tương tự của Trung Quốc sau sự kiện Foxconn nếu không có sự chuẩn bị trước.
Hiện nay, tại các thành phố lớn, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) đã xảy ra hiện tượng thiếu lao động trầm trọng. Do đời sống đắt đỏ, lương không đủ sống nên công nhân buộc phải về quê. Hiện tượng đó không thể xem thường, cần phải có một sự điều chỉnh chiến lược phát triển ngay từ bây giờ.
Xin đề xuất ý tưởng về điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nước ta như sau. Về cơ bản, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội phải được xây dựng trên:
a. Xu thế phát triển chung của thế giới. Đó là bảo vệ môi trường sinh thái trước sự biến đổi khí hậu nhằm đảm bảo môi trường sống tốt cho con người, có chế độ dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe hợp lý.
b. Tiềm năng của quốc gia. Đương nhiên đó là điều kiện địa lý, thiên nhiên, khoáng sản, nguồn nước… và nhất là tiềm năng con người.
c. Tình trạng và khả năng hiện tại của nước ta. Nước ta vẫn còn là nước nông nghiệp với gần 70% dân số sống gắn bó với nông thôn. Trình độ của đa phần người lao động còn thấp. Bộ máy quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, trí tuệ và chất xám của xã hội chưa được phát huy mạnh mẽ.
Trên cơ sở nhận định trên, nên chăng chọn mũi đột phá từ mặt trận nông nghiệp (bao gồm nông, lâm và ngư nghiệp), có tác động trực tiếp đến 70% dân cư nước ta và đến các nguồn tiềm năng của quốc gia. Đây cũng là chuỗi ngành sản xuất từ sản phẩm truyền thống thuần túy đến các sản phẩm có hàm lượng khoa học cao nhất, hiện đại nhất nhờ ở công nghệ sinh học hiện đại.
Mọi ngành công nghiệp khác cũng như những ngành khoa học hiện đại khác đều xoay quanh trục xương sống này. Hướng chiến lược lấy mặt trận nông nghiệp làm trục có thể giúp ta định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong 50 năm nữa, tránh được tình trạng mâu thuẫn giữa năng lực - năng suất với mức sống - tiêu dùng đã nêu ở trên.
Xây dựng bếp ăn Việt Nam
Để khởi đầu, có thể chọn một ngành kinh tế mũi nhọn nào đó và mọi chính sách của Nhà nước cũng như chiến lược giáo dục, đào tạo phải nhằm vào mục tiêu chiến lược của ngành này. Để cùng hình dung, xin nêu một ví dụ về sự đồng bộ cần có nếu ta chọn một trong những điểm đột phá bắt đầu cho chiến lược trên là xây dựng bếp ăn Việt Nam:
1. Tìm hiểu, định vị, chuẩn hóa món ăn Việt Nam theo:
- Thành phần thực phẩm trong món ăn đối với sức khỏe con người trong thời đại hiện nay (thời đại dư thừa protein).
- Thành phần thực phẩm đối với môi trường thiên nhiên (có phải sử dụng quá nhiều tài nguyên thiên nhiên để tạo ra nguồn thực phẩm không?).
- Hình thức chế biến cũng như cách thức sử dụng… có phù hợp với cuộc sống văn minh, tâm sinh lý con người không?
- Những ưu và nhược điểm đối với cơ thể con người hay đối với môi trường thiên nhiên.
Ở góc độ này, quả thật món ăn Việt Nam về cơ bản có ưu thế hơn các món ăn của các nước khác. Chỉ có điều là để đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch và quá trình chế biến hợp vệ sinh thì cần phải cố gắng hơn.
2. Tổ chức quy hoạch sản xuất nguồn thực phẩm đúng chuẩn (thiên nhiên, đảm bảo môi trường, tổ chức bảo quản đúng quy trình vệ sinh…).
3. Đào tạo tay nghề và phổ biến kiến thức chế biến thức ăn Việt (lập viện nghiên cứu, trường dạy nghề nấu ăn chính quy, xây dựng phong cách ăn, phong cách phục vụ bữa ăn, tạo công cụ phục vụ bữa ăn...).
4. Tạo thị trường, lấy thị trường nội địa làm gốc, khuyến khích tổ chức lễ hội, khuyến khích sử dụng thức ăn Việt Nam đúng chuẩn, văn minh hiện đại, từ giá bình dân đến những yến tiệc cao cấp.
5. Nhà nước đề ra chủ trương, chính sách nhằm đảm bảo thị trường thực phẩm Việt Nam tăng trưởng tốt.
6. Xây dựng cơ quan kiểm tra chất lượng, đảm bảo lợi ích người tiêu dùng, hướng dẫn các nơi xây dựng thành công thương hiệu món ăn Việt Nam và quảng bá ra thế giới.
Từ những ngành nghề xoay quanh định hướng chiến lược mới, có thể xây dựng chính sách kêu gọi đầu tư, chính sách hợp tác vận dụng công nghệ mới với nước ngoài. Tất nhiên rất cần kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực từ thấp đến cao, có số lượng, chất lượng tương ứng với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội ta.
Nhờ vậy, ta có thể tránh được tình trạng khủng hoảng tinh thần của người lao động cũng như xóa bớt khó khăn cho các nhà đầu tư khi giá thành sản phẩm gia tăng hay buộc phải chuyển đổi cơ cấu mặt hàng. Điều quan trọng hơn là có được một chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững dựa trên xu thế phát triển của thời đại và đi lên từ chính những nguồn tiềm năng của quốc gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận