20/01/2007 16:12 GMT+7

Chống chồng chéo từ câu chuyện của các bộ

ĐÀM VĂN thực hiện
ĐÀM VĂN thực hiện

TTCT - Nhu cầu từ thực tiễn, từ cải cách hành chính, rồi nhu cầu chống chồng chéo giữa các bộ với nhau, giữa các bộ với các ban của Đảng đặt ra bài toán phải tinh gọn bộ máy nhà nước.

IosCp62E.jpgPhóng to

Từ hiệu quả và chức năng của một số bộ hiện nay, TS Trần Xuân Giá (nguyên trưởng Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, nguyên bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư) nêu ý kiến:

- Hiện nay tôi chưa muốn nêu vấn đề bộ A, bộ B phải giải thể hay sáp nhập vào một bộ khác mà chỉ nêu lên những vấn đề thuộc nguyên tắc tổ chức để tránh chồng chéo. Ngày xưa, Liên Xô chia bộ theo chuyên ngành hẹp, nên có đến hơn 104 bộ và cơ quan ngang bộ.

Đến nay, không còn nước nào tổ chức bộ máy nhà nước theo cách đó nữa. Nước CHND Trung Hoa rất to, nhưng địa phương của họ ít, số bộ cũng chỉ tương đương VN. Nền công nghiệp của họ phát triển mạnh mẽ đến như vậy nhưng họ không có bộ công nghiệp. Hay như bộ kế hoạch - đầu tư một thời tôi làm bộ trưởng, nhiều nước cũng không có.

Mặc dù Trung Quốc đã phát triển theo kế hoạch nhưng họ cũng không có bộ kế hoạch - đầu tư. Bài toán hiện nay của chúng ta là chống chồng chéo trong bộ máy nhà nước. Mà chống chồng chéo ở đây là có ca giữa bộ với bộ, giữa bộ với ban của Đảng, giữa các vụ của các bộ với nhau, rồi giữa các vụ trong một bộ... Đôi khi có vấn đề cần hỏi ý kiến của các vụ trong một bộ thôi đã nhiêu khê không kém gì sự nhiêu khê khi có một bộ hỏi ý kiến các bộ khác.

* Về nguyên tắc, không phải cứ có một ngành nào đó là phải tạo một bộ để quản ly nó?

- Không cần như thế. Quản lý nhà nước nên quay về ba việc: thứ nhất là chuẩn bị cơ chế chính sách, bao gồm kế hoạch, qui hoạch phát triển. Thứ hai là tổ chức triển khai chính sách. Thứ ba là kiểm tra sự thực hiện. Trong việc hoạch định chính sách thì không chính sách phát triển nào lại bé đến mức chỉ áp dụng cho một ngành, một lĩnh vực rất hẹp.

Cũng không cần thiết tạo ra rồi đổ tiền vào nuôi một bộ chỉ để làm chính sách, lập chiến lược cho một ngành hẹp. Qui chế thì có thể có, nhưng chính sách thì nên dựa vào chính sách chung. Nhất là trong thời buổi hiện nay, khi xu hướng tương tác ngày càng mạnh thì cần những chính sách dựa trên qui hoạch đa ngành rộng để không tạo điều kiện cho anh này nhưng vô tình lại làm tổn hại anh kia hoặc tổn hại môi trường.

* Nhưng rõ ràng hiện nay, nhiều bộ của ta đang tồn tại để quản một lĩnh vực hẹp như xây dựng, giao thông vận tải, hay thủy sản?

- Nếu tách được quản lý nhà nước ra khỏi quản lý sản xuất kinh doanh như đã nêu trong nhiều văn kiện của Đảng và Nhà nước ta, thì có thể tinh giảm các bộ. Tôi lấy ví dụ như Bộ Xây dựng, nếu ta làm cái việc đã nói tư lâu là tách các tổng công ty xây dựng, các đơn vị kinh tế ra theo cơ chế không còn bộ ngành chủ quản, thì Bộ Xây dựng sẽ được bớt đi số lượng ghê gớm công việc mà hiện nay đang làm.

Trong chừng mực đó có nên để tồn tại Bộ Xây dựng hay không rõ ràng là một vấn đề đặt ra. Hoặc như với Bộ Giao thông vận tải, sự chồng chéo, trùng lặp dễ thấy ở đây là có nhiều công ty xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, một số thuộc Bộ Giao thông vận tải, một số khác thì lại thuộc Bộ Công nghiệp... Nếu có qui định quản lý hoạt động xây dựng thôi, đáng ra chỉ một người làm, ở đây lại là ba người làm. Chỉ xét Bộ Giao thông vận tải, nếu tách các công ty trực thuộc ra, chỉ riêng việc làm chính sách xây dựng cầu đường thì có nên để riêng một bộ hay không hay nó thuộc lĩnh vực xây dựng.

Quản lý xây dựng nói chung thì nên để ở một cơ quan nào đó làm. Như vậy rất cần quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng nhưng không phải tạo một bộ máy để chỉ huy, can thiệp quá sâu vào công việc sản xuất kinh doanh liên quan đến xây dựng như hiện nay. Đặt ra vấn đề đó có thể chỉ cần một nơi ra các chính sách về xây dựng, và như vậy có thể sáp nhập một số bộ với nhau.

* Nếu tính toán như vậy thì rất nhiều bộ có thể đã chồng chéo chức năng và có thể sáp nhập, như Bộ Xây dựng và Bộ giao thông Vận tải, Bộ Thương mại và Bộ Công nghiệp, cả Bộ Kế hoạch - đầu tư và Bộ Tài chính?

- Khi còn là bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư, có lúc tôi đã kiến nghị bộ của tôi có thể sáp nhập với bộ khác thành Bộ Kinh tế để chức năng của nó được mở ra. Tôi cũng đã được nghe nhiều ý kiến mà tôi thấy thích hợp như đưa toàn bộ phần chi ngân sách về Bộ Kinh tế; Bộ Tài chính không nên vừa thu, vừa chi, mà chỉ nên tập trung vào thu.

Hay có ý kiến cho rằng không nên tách thành hai bộ, một bộ công nghiệp chuyên quản lý nhà nước về sản xuất và một bộ như Bộ Thương mại chuyên quản lý về lưu thông. Về lưu thông, sản xuất quyết định tiêu dùng, nhưng đến lượt nó tiêu dùng có vai trò rất quyết định đối với sản xuất, đề ra yêu cầu về số lượng, chất lượng, cơ cấu cho sản xuất. Như vậy chức năng hai bộ vẫn còn nguyên nhưng tích hợp vào một rất hợp lý. Do đó, câu hỏi đặt ra hiện nay là có nhất thiết phải tồn tại một lúc hai bộ: Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại không?

* Lịch sử để lại nhiều bộ ra đời trên cơ sở sáp nhập nhiều bộ từ thời bao cấp. Chúng ta đã từng sáp nhập mạnh, nhưng thời gian không đặt ra chuyện sáp nhập tiếp như thế tính ra đã là dài?

- Tôi nghĩ nên tư duy bắt đầu từ nhiệm vụ, chức năng quản lý của Nhà nước để đặt ra các cơ quan quản lý chứ không nên có cơ quan quản lý nhà nước rồi đặt ra chức năng cho nó. Và không nên nghĩ, dứt khoát phải có một bộ để đưa ông A đầy năng lực nào vào đó. Nhiều bộ thành lập trên cơ sở sáp nhập các bộ từ thời bao cấp nên nó ngược với tư duy trên, vì thế chồng chéo là khó tránh. Nên bắt đầu từ khối lượng công việc cần làm. Một số lĩnh vực nào đó vốn là một khối thống nhất mà ta chia nhỏ ra quản lý thì ngoài việc chồng chéo còn tạo ra sự cắt khúc, làm giảm hiệu lực quản lý vĩ mô của Nhà nước.

* Sự chồng chéo của các bộ ít khi được thừa nhận trên tầm vĩ mô, vì mỗi bộ có một chức năng khác nhau; nhưng đi từ thực tế đời sống thì chồng chéo khá nhiều?

- Theo tôi, điều đó đúng. Sự chồng chéo vĩ mô lại dễ thấy ở những địa bàn hay địa điểm vi mô nào đó. Ví dụ với một tổng công ty công nghiệp lớn thì Bộ Tài chính cũng có phần trách nhiệm, ngân hàng cũng có phần, Bộ Kế hoạch - đầu tư có phần, rồi tổng công ty đó còn trực thuộc một bộ, ngành cụ thể. Khi động đến việc gì, họ phải đi xin nhiều người, và chính cái sự “xin” này là do phân công các bộ không rõ ràng gây ra.

Khi phân công, cần thống nhất tổng số công việc của Chính phủ là cái có trước, trên cơ sở đó chia ra cho các bộ chứ không phải ngược lại. Nhưng khi làm nghị định về chức năng, nhiệm vụ của các bộ thì lại không phải lúc nào cũng tuân theo nguyên tắc đó. Trong hoạt động thực tiễn, đôi khi có những việc A mà bộ C nghĩ mình không thể không giải quyết vì nó có liên quan đến công việc của bộ mình, nên khi các bộ tự xây dựng chức năng nhiệm vụ để đem ra Chính phủ bàn thì nhiệm vụ, quyền hạn mở rộng hơi quá sang các lĩnh vực khác. Rồi họ mở thêm các vụ chuyên môn để quản, thế là chồng chéo với vụ của bộ khác.

* Nếu tư duy từ khối lượng công việc mới tạo ra các bộ thì theo ông, khối lượng công việc của Chính phủ ta hiện nay có cần tới 26 bộ không? Nếu không thì bao nhiêu là đủ?

- Theo tôi là không cần nhiều thế. Khi chúng ta chuyển sang cơ chế thị trường, khối lượng công việc khác thời (bao cấp) phải cầm tay chỉ việc rất nhiều. Tuy theo yêu cầu mới có thể đòi hỏi phải lập một bộ mới để quản lý tốt hơn một lĩnh vực đang phát triển nào đó; nhưng hiện tại, căn cứ vào khối lượng công việc thì số lượng bộ, tên của bộ phải thay đổi. Nhiều nước trên thế giới đã thay đổi theo từng thời kỳ, căn cứ vào công việc của Chính phủ. VN hiện tại có thể có nhiều phương án khác nhau như giảm 4-6 bộ, hoặc chỉ nên giảm vài ba bộ. Tùy thuộc bước đi và tùy thuộc sự chuẩn bị về nhân sự (tức là tạo cho được một đội ngũ cán bộ hành chính thật sự chuyên nghiệp), tôi nghĩ trước mắt chỉ cần 22-23 bộ.

* Chúng ta đã đề ra nhiều dự án để cải cách hành chính, nâng cao năng lực bộ máy. Theo ông, nếu giảm một số bộ không cần thiết thì cải cách hành chính sẽ có bước đột phá ngay không?

- Cái gốc nằm ở đó. Chúng ta đặt ra vấn đề cải cách hành chính đã được 14 năm rồi. Nội dung cải cách hành chính lúc bấy giờ là cải cách thể chế, cải cách bộ máy, cải cách cán bộ, và sau này đặt ra thêm cải cách hành chính công. Nhưng rồi thấy làm như vậy thì lớn quá, khó quá, toàn diện quá, nên chúng ta chọn khâu cải cách thủ tục làm khâu đột phá.

Nhưng đến giờ phút này, kết quả 14 năm thực hiện cho thấy cải cách hành chính chưa thành công. Trước đây có thời kỳ tôi rất cố gắng cùng tổ thi hành Luật doanh nghiệp năm 1999 bỏ giấy phép con. Bàn mãi và bỏ được hơn 200. Nhưng gần đây lại chui ra vô số giấy phép con nữa, còn tinh vi hơn. Như vậy không thể giảm thủ tục hành chính mà không bắt đầu từ cải cách thể chế. Bộ máy đặt ra vấn đề một cửa, nhưng nó có quá nhiều cửa con, quá chồng chéo, không giải quyết nổi vấn đề thủ tục hành chính. Tại sao cứ tạo ra nhiều cái cửa rồi yêu cầu nó phải một cửa liên thông? Thà không có nhiều cái cửa vẫn hơn!

* Từ trước đến nay, khâu cải cách nào của ta cũng khó vì đau đầu nhất luôn là vấn đề: con người?

- Bất kể cải cách vĩ mô nào cũng đều đau. Nhưng các nhà lãnh đạo phải xác định nên chịu đau một lần hay chịu đau dai dẳng. Từ trước đến nay chúng ta có chính sách đãi ngộ khuyến khích người ta đi vào con đường quan chức. Đấy là cái sai. Nên tạo cho họ nhiều con đường, và con đường nào cũng có thể đạt được vinh quang cá nhân. Nhiều cán bộ bây giờ đã bắt đầu thấy trách nhiệm quá nặng nề, nên không còn thích con đường quan trường chật hẹp. Theo tôi, nếu theo hướng đó cải cách hành chính sẽ thành công.

Công việc cải cách bộ máy không phải một lúc là xong, nhưng không nên để kéo dài năm này sang năm khác. Thời điểm hội nhập hiện nay là một cơ hội tốt: nó tạo áp lực nếu không cải cách sẽ khó vươn lên, sẽ thua ngay trên sân nhà, nhưng nó cũng tạo cơ hội nếu biết vươn lên đúng lúc. Không nên đặt ra lý do nên giữ lại Bộ Thuy sản vì bộ này xuất khẩu đến 3 tỉ USD. Việc xuất khẩu 3 tỉ USD là dân làm đấy chứ! Nếu đặt vấn đề như vậy thì ngành da giày, dầu khí xuất khẩu còn gấp mấy lần ngành thủy sản, chẳng lẽ lại tạo thêm một bộ da giày, một bộ dầu khí nữa...?

ĐÀM VĂN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên