09/02/2013 16:30 GMT+7

Chọn Việt Nam là điểm đến

ĐÔNG HÀ
ĐÔNG HÀ

TTXuân - “Rolls-Royce” (Anh) - một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới về năng lượng và dịch vụ trên đất liền, ngoài khơi và hàng không vũ trụ - đã mở nhà máy sản xuất các thiết bị trong ngành khảo sát địa chấn và máy móc phục vụ tàu, giàn khoan tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Sản phẩm của Công ty TNHH Rolls-Royce Việt Nam (gọi tắt Rolls-Royce VN) được xuất khẩu hoàn toàn và là một phần quan trọng trong chuỗi sản phẩm toàn cầu của tập đoàn này.

lHffw7SI.jpgPhóng to

Các kỹ sư, công nhân Việt Nam cùng kỹ sư Per Ringstad (Na Uy) trao đổi khi vận hành thử một chiếc tời thủy lực - Ảnh: Đông Hà

Tháng 6-2012, nhà máy sản xuất của Rolls-Royce mang tên Công ty TNHH Rolls-Royce Việt Nam chính thức xuất hiện tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo giấy phép đầu tư, Rolls-Royce đầu tư sản xuất vào hai ngành chính là: hệ thống tời, hệ thống bốc dỡ tự động và cáp bốc dỡ cho tàu, giàn khoan, quy mô 1.000 sản phẩm/năm; chế tạo cấu kết thép phục vụ công nghiệp dầu khí và đóng tàu, quy mô 3.000 tấn/năm. Đến nay, Rolls-Royce VN là nhà máy duy nhất tại Việt Nam chế tạo, sản xuất tời thủy lực và các thiết bị phục vụ khảo sát địa chấn.

Thị trường đầy tiềm năng

Rolls-Royce hiện đã phát triển được một mạng lưới khách hàng rộng khắp gồm 600 hãng hàng không, 4.000 công ty điều hành máy bay dân sự, máy bay thương mại và trực thăng, 160 cơ quan quân sự, trên 2.000 khách hàng trong lĩnh vực hàng hải gồm 70 đơn vị hải quân và có khách hàng trong lĩnh vực năng lượng trên 120 quốc gia. Rolls-Royce có hơn 39.000 nhân viên tại trên 50 quốc gia.

Nhận thấy thị trường cơ khí hàng hải, đóng tàu của các nước khu vực Đông Nam Á ngày càng gia tăng, sau một thời gian nghiên cứu, Rolls-Royce đã quyết chọn Việt Nam là điểm đến mà không chọn Thái Lan hay Indonesia. “Bởi vì chúng tôi nhận thấy Việt Nam là đất nước, là thị trường đầy tiềm năng, nhiều tương lai tốt cho hoạt động sản xuất các sản phẩm ưu việt, có uy tín của Rolls-Royce” - đại diện Rolls-Royce lý giải.

Ông David John Priestley, tổng giám đốc Rolls-Royce VN, cho biết sản phẩm tại Việt Nam là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Rolls-Royce cho lĩnh vực hàng hải. Những sản phẩm này đã và đang đóng vai trò tích cực trong việc hỗ trợ các dự án trên phạm vi quốc tế, trong khu vực và cả ở Việt Nam.

Đến nhà máy của Rolls-Royce VN những ngày cuối năm 2012 sẽ cảm nhận được tiêu chuẩn, cung cách làm việc ở một nhà máy “5 sao”. Tại đây, yếu tố an toàn lao động được đặt lên hàng đầu. Ông Doãn Đình Bính - giám đốc nhân sự Rolls-Royce VN - cho biết tất cả kỹ sư, công nhân vào làm việc trong nhà máy đều được đào tạo, giáo dục về an toàn một cách khắt khe, nghiêm chỉnh.

Thứ hai hằng tuần, những kỹ sư, công nhân sản xuất trực tiếp được cho học, cho nghe về an toàn lao động. Mỗi tháng, nhà máy tổ chức một chủ đề về an toàn lao động cho toàn thể nhân viên cùng thảo luận, trao đổi, đưa ra các góp ý, chỉnh sửa. “Nhân viên nào có những sáng kiến về an toàn lao động sẽ được áp dụng và thưởng” - ông Bính cho hay. Trong xưởng lắp ráp có lối đi riêng dành cho người đi bộ. Mỗi công nhân hàn được chia lô một ô nhỏ và có vách ngăn. Nơi những chiếc tời thủy lực đang được vận hành thử bị hạn chế đi lại bằng rào sắt vây xung quanh. Khuôn viên xung quanh nhà máy được trồng cây xanh, hoa khá nhiều và mát mẻ.

Về tầm quan trọng của sản phẩm Rolls-Royce tại VN đối với chuỗi sản phẩm toàn cầu của tập đoàn này, ông Bính cho biết đối với một tàu khảo sát địa chấn, bộ phận tời để thu và rải đường dây cáp thu tín hiệu địa chấn rất quan trọng. Bộ phận này quyết định năng suất, công suất của một tàu khảo sát địa chấn. Và những sản phẩm của Rolls-Royce VN được xuất khẩu sang Na Uy, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.

3guQG4aW.jpgPhóng to
Tời thủy lực dùng cho tàu khảo sát địa chấn được Rolls-Royce VN sản xuất - Ảnh: Đông Hà

Người Việt chịu khó, ham học hỏi

Tổng giám đốc Rolls-Royce VN David John Priestley khẳng định điểm mạnh của kỹ sư, công nhân người Việt chính là chịu khó, ham học hỏi. “Tất cả kỹ sư, công nhân người Việt đều đáp ứng tốt yêu cầu của công ty về kỹ thuật và ý thức chấp hành về an toàn lao động” - ông Bính nói.

Trước khi tuyển kỹ sư vào làm việc, Rolls-Royce đã gửi họ đi đào tạo lại 2-4 tháng ở nhiều nước khác nhau nơi có nhà máy của Rolls-Royce. Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện cho các sinh viên mới ra trường có cơ hội tiếp cận môi trường làm việc chuyên nghiệp của Rolls-Royce, tập đoàn này còn phối hợp với Hội đồng Anh và Đại học Aston (Anh) để tuyển chọn những sinh viên ưu tú vào thực tập, tập nghề tại Rolls-Royce.

Tại một chiếc tời sắp được hoàn thiện, chúng tôi gặp Trần Văn Công (30 tuổi) - tổ trưởng tổ lắp ráp ống thủy lực - cùng với kỹ sư Per Ringstad (người Na Uy) đang vận hành thử tốc độ quay của chiếc tời. Công cho biết anh tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành cơ khí động lực và phải qua ba vòng thi tuyển, phỏng vấn anh mới thành công nhân chính thức của Rolls-Royce VN. Nhờ chịu khó tìm tòi, học nghề, trau dồi tiếng Anh, đáp ứng tốt công việc nên được bổ nhiệm làm tổ trưởng. “Muốn thành công trong môi trường làm việc “5 sao” như ở Rolls-Royce đòi hỏi mỗi người phải tự tìm tòi và tự phát triển mình trong công việc” - anh Công chia sẻ.

Kỹ sư sản xuất cao cấp Nguyễn Thanh Hải (37 tuổi) nhận xét việc chế tạo, sản xuất một chiếc tời thủy lực đòi hỏi phải có sự cẩn thận, tỉ mỉ không khác gì chế tạo chiếc “siêu xe” Rolls-Royce. Do đó kỹ sư, công nhân lao động trực tiếp cần sự cần cù, cẩn thận đến từng chi tiết để sản phẩm ra đời vừa đảm bảo kỹ thuật, vừa mang tính mỹ thuật.

“Người nước ngoài quý kỹ sư, công nhân Việt Nam ở điểm học rất nhanh, đáp ứng được yêu cầu công việc cũng như khả năng quản lý, tay nghề của lao động Việt Nam” - anh Hải chia sẻ. Trước khi được nhận vào làm, anh Hải được Rolls-Royce đưa sang Na Uy học một tháng rưỡi. Sau này khi về Việt Nam, những kinh nghiệm, bài học tiếp thu được ở nước ngoài anh đều chia sẻ cho kỹ sư, công nhân lớp sau.

Đánh giá về ngành hàng hải tại Việt Nam, tổng giám đốc Rolls-Royce VN nhận định ngành này đang trải qua những giai đoạn đầy thử thách. Trong tương lai không xa, ngành này sẽ nhanh chóng phục hồi và Rolls-Royce rất tự hào khi được đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam. “Việt Nam đang hướng đến là một quốc gia công nghiệp vào năm 2020. Muốn thành công đòi hỏi mỗi thành phần xã hội và các doanh nghiệp phải hợp sức để vượt qua những năm đầy thách thức này” - ông David John Priestley nói.

Hành trình Rolls-Royce vào Việt Nam

Tiền thân của nhà máy Rolls-Royce hiện tại ở Khu công nghiệp Đông Xuyên, phường Rạch Dừa, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là Công ty TNHH ODIM Việt Nam (Na Uy) được thành lập vào năm 2007, bắt đầu đi vào hoạt động sản xuất vào tháng 10-2009. Đầu năm 2010, ODIM đã sáp nhập vào Tập đoàn Rolls-Royce. Tháng 6-2012, Công ty TNHH ODIM Việt Nam chính thức đổi tên thành Công ty TNHH Rolls-Royce VN.

Trước đó, vào năm 2007, Rolls-Royce đã mở văn phòng đại diện tại Hà Nội. Hiện nhà máy của Rolls-Royce VN có khoảng 70 công nhân lao động trực tiếp, trong đó có 15 kỹ sư người Việt.

ĐÔNG HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên