Phóng to |
Thùng máy cần phù hợp với cả bộ máy |
Việc chọn thùng máy tính (case) để chứa các linh kiện phần cứng của máy tính tưởng chừng đơn giản, chọn sao cho bắt mắt là được. Tuy nhiên, về sau, khi sử dụng có thể bạn sẽ hối tiếc khi đã lỡ chọn case có không gian bên trong quá chật hẹp, thao tác tháo lắp đĩa cứng vướng tứ tung, khung sắt lắp đĩa cứng bị thòng xuống, không nhìn thấy các đèn LED tín hiệu ở mặt trước...
Tính tiện dụng
Để đảm bảo được tính tiện dụng của case, bạn hãy bỏ qua sự cầu kỳ ở mặt trước của nó; hoặc nếu muốn đảm bảo cả 2 yếu tố này, bạn hãy “điểm mặt” 3 cái case ưng ý nhất rồi hãy khảo sát và so sánh tính tiện dụng bên trong để chọn ra một.
Đầu tiên, bạn hãy quan sát mặt trước của case. Nếu nút bấm nguồn (nút power), nút bấm khởi động nóng (nút reset) lòi ra khỏi bề mặt case khá nhiều thì hãy bỏ qua, bởi chúng có thể làm cho máy tính của bạn tự tắt ngang hoặc khởi động khi vô tình chạm mạnh tay vào, nhất là những gia đình có trẻ em. Hiện nay, trên thị trường có loại case thiết kế nút power ở dạng nhựa trong suốt (to cỡ bằng nắp chai bia; nằm ngang bề mặt case) có đèn LED xanh hoặc đỏ ở xung quanh chiếu thẳng vào nên trông rất đẹp lúc về đêm.
Tiếp theo, bạn chú ý đến vị trí đặt 2 ngõ cắm USB và ngõ cắm headphone (màu xanh), micro (màu hồng hoặc đỏ). Hãy chọn loại case bố trí các ngõ cắm này ở khu vực nửa trên của case để không phải cuối xuống tìm khi muốn cắm đĩa flash USB, headphone. Sau đó, quan sát 2 đèn LED báo nguồn (màu xanh) và truy xuất dữ liệu đĩa cứng (màu đỏ). Bạn nên ưu tiên chọn loại case bố trí 2 đèn này ngay trên bề mặt hoặc loại có nút power trong suốt, không nên chọn loại bố trí 2 đèn này ở phía dưới một tấm nhựa đen vì bạn chẳng thấy gì khi không nhìn trực diện. Tuy nhiên, nếu đã lỡ chọn và đang dùng loại case có 2 đèn báo bị che khuất dưới tấm nhựa đen thì hãy dùng tuốt-nơ-vít dẹp cạy bỏ tấm nhựa đen đó đi để lòi 2 đèn LED xanh và đỏ ra ngoài.
Tính an toàn
Sau khi chọn mặt case, bạn hãy nhờ nhân viên bán hàng mở nắp thùng ra để xem, bạn cũng có thể tự mở xem nếu case được trưng bày ở bên ngoài và dễ mở.
Trước hết, bạn hãy xem phần khung (nằm ngay sau mặt thùng máy) lắp các ổ đĩa cứng, CD, DVD. Nếu khung này ở dạng lưng chừng, không chạm đến phần mặt đáy của case thì thế nào nó cũng sẽ bị thụng xuống khi bạn lắp đĩa cứng vào, hoặc bị biến dạng theo chiều rộng khiến cho 4 mấu sắt nâng đĩa cứng bị đẩy ra xa làm cho đĩa cứng bị rớt xuống case trước khi bạn vặn hoặc tháo các ốc vít đính chặt đĩa cứng với case. Do vậy, bạn hãy chọn loại case có khung này được đính chặt vào mặt đáy của case; tất nhiên là giá loại case như vậy sẽ đắt hơn loại case có khung lưng chừng khoảng từ 50.000 đồng trở lên.
Còn nếu muốn vừa an toàn và vừa dễ dàng trong việc tháo lắp đĩa cứng thì hãy chọn loại case mà cửa khung lắp các ổ đĩa hướng sang bên hông case thay vì hướng ra sau. Đặc biệt hơn nữa, các loại case đắt tiền sẽ không dùng ốc vít để vặn nữa mà sẽ thay bằng các chốt khóa giữ chặt đĩa cứng, ổ đĩa CD, DVD.
Trong trường hợp chọn loại case có khung lắp các ổ đĩa hướng ra sau, bạn hãy chú ý đến kích thước của mainboard. Nếu mainboard có kích thước lớn (thường là loại có nhiều chức năng), bạn nên chọn loại case cao và dài để không bị vướng RAM hoặc quạt tỏa nhiệt CPU khi tháo lắp đĩa cứng.
Tiếp đến, bạn kiểm tra trên bề mặt miếng sắt đặt mainboard, nếu có các ụ chứa lỗ vặn ốc thì hãy chuyển sang loại không có các ụ này, tức là chỉ có các lỗ vặn ốc nằm ngang với bề mặt khung. Bởi vì, các ụ nâng mainboard thường có kích thước to hơn các trụ đồng gắn vào khung nên có thể sẽ làm chập mạch trên mainboard. Hơn nữa, các ụ đó rất dễ bị tuột gai khi vặn ốc quá giới hạn.
Sau cùng, bạn xem trên nắp đậy phía bên trái của case có quạt hút hay ống nhựa hút gió hay không. Loại case dùng quạt hút bên hông sẽ làm cho nhiệt độ bên trong case dễ thoát ra ngoài, giảm nhiệt độ cho tất cả các phần cứng trong máy tính. Còn loại dùng ống nhựa thay quạt hút chỉ làm tăng lượng không khí hút vào cho quạt làm mát CPU. Chính vì giá trị quạt hút đắt hơn ống nhựa nên giá loại case dùng quạt hút bên hông cũng sẽ đắt hơn.
Các yếu tố khác
Khi đã chọn được case, nghiễm nhiên bạn sẽ có bộ nguồn (PSU). Thật ra bộ nguồn này do nơi bán tự chọn và tính vào giá case, chứ hãng sản xuất case thường không làm bộ nguồn. Vì vậy, nếu bạn muốn máy chạy ổn định hơn thì hãy bỏ thêm chừng vài trăm nghìn đồng nữa để đổi sang bộ nguồn có thương hiệu (như Acbel, Cooler Master, Huntkey...). Bạn có thể xem lại bài viết trên LBVMVT 230 để biết cách tính và chọn bộ nguồn cho phù hợp.
Mặt trước của case mới thường có một thanh nhựa nằm trên cùng giả mặt ổ đĩa DVD. Một số nơi lắp máy tiếc không tháo bỏ thanh nhựa này hoặc dời nó xuống phía dưới mà lắp ổ đĩa DVD vào sau nó. Khi bạn bấm nút trên mặt giả ổ đĩa DVD này thì sẽ chạm vào nút bấm Eject của ổ đĩa DVD để khay ổ đĩa bật ra bình thường, nhưng khi bấm lại nút đó thì khay đĩa thường bị phần nắp của mặt giả ổ đĩa DVD chặn lại. Về lâu dài, khay đĩa có có thể bị vênh, dây cua-roa bị dãn hoặc gãy các bánh răng truyền động. Do vậy, bạn hãy bỏ hẳn thanh nhựa giả mặt ổ đĩa CD khi lắp ráp máy tính hoặc yêu cầu nơi bán bỏ ra khi họ giao máy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận