01/08/2005 08:07 GMT+7

Chơi diều thời @ ở Hà Nội

Theo VietNamNet
Theo VietNamNet

Háo hức trở lại với thú chơi dân dã này, người Hà Nội vẫn một công đôi việc. Những con diều thời hiện đại thành cớ để đi yêu, thành chiến binh để cá cược, thành lá sớ cầu khấn thành đạt và thoả nguyện ước mơ.

a151R9bj.jpgPhóng to
Háo hức trở lại với thú chơi dân dã này, người Hà Nội vẫn một công đôi việc. Những con diều thời hiện đại thành cớ để đi yêu, thành chiến binh để cá cược, thành lá sớ cầu khấn thành đạt và thoả nguyện ước mơ.

Diều "sớ", diều "tình"

Quảng trường sân vận động Quốc gia Mỹ Đình chiều cuối tuần, người thả diều đông nghịt. Lẫn trong cả trăm trẻ nhỏ và phụ huynh là những cặp nam thanh nữ tú thơm phức nước hoa với phấn son đăm đắm trông lên trời cao. Những cánh diều trên không chỉ là chất xúc tác cho cuộc tình tự của họ thêm đậm đà hương vị. Trong bóng chiều vàng nhập nhoạng, từng đôi một yên vị trên yên xe máy; nàng cầm ống dây canh diều đằng trước, chàng ngồi ôm sát sạt phía sau. Ở trên cao, con diều tội nghiệp chốc chốc lại chao đảo theo nhịp tay khao khát của chàng.

Khi những phút háo hức ngắm diều qua đi, con diều trở thành mối bận tâm không cần thiết; có đôi đặt ống dây xuống đất, lấy một túi nước ngọt và ngô luộc to tướng chặn lên. Rồi cả hai đắm chìm trong ánh mắt nhau, quên phắt con diều nghiêng ngả.

Có đôi ra quảng trường mua diều nhưng không thả vì... phải dành sức để yêu; con diều cô độc rũ cánh trên ghi-đông.

Bà Cúc, quê ở làng Bá Giang, xã Hồng Hà, Đan Phượng, Hà Tây - nơi có hội diều nổi tiếng vào ngày rằm tháng 3 âm lịch hàng năm, nay bán diều rong trên quảng trường sân vận động Mỹ Đình cho biết: những ngày cuối tuần, non nửa người ra đây không phải để tìm niềm vui thả diều; thường là các nhóm học sinh, sinh viên tụ tập vui chơi hoặc những đôi yêu nhau. Nhiều cô cậu ra đây chỉ để tìm phút lãng mạn ngắm bầu trời rợp những cánh diều bay.

Bà Cúc cũng từng thấy nhiều người ra quảng trường không để ngắm, chỉ thả diều rồi... cắt dây cho bay lên trời. Bà Cúc nhớ mãi một cậu bé đeo kính cận dày tuần nào cũng được bố đưa đến đây. Trên diều của cậu chỉ ghi độc 1 chữ MẸ. Hỏi ra mới biết, năm ngoái mẹ cậu bé qua đời vì bệnh ung thư da.

Đợt tuyển sinh ĐH, người chuyên thả diều rồi cắt dây đều là học sinh luyện thi. Một khách hàng của bà Cúc đã lấy bút bi nắn nót ghi lên thân chiếc diều vừa mua dòng chữ: "Kính lạy Trời Phật che chở, phù hộ độ trì cho con đỗ trường ĐH Văn hoá. Con xin hết lòng hậu tạ"(!). Rồi lẹt đẹt chạy đà, vất vả lắm mới đưa được con diều lên cao. Lẩm nhẩm cầu khấn, cậu cầm kéo cắt đứt dây cho con diều vút lên tìm các đấng tối cao "ngự" chốn trời xanh.

Phía Chùa Hà (nổi tiếng linh thiêng, gần nhà con gái bà Cúc), học sinh đến cầu thi đậu còn đông hơn. Chị này kể, chiều nào cũng có hàng chục cô cậu cùng cha mẹ mang sớ, lễ vật vào chùa khấn vái rồi ra khu đất trống gần đó thả diều, cắt dây cho bay lên không trung, mặc xe cộ qua lại như mắc cửi.

Nhìn những cảnh ấy, bà Cúc bồi hồi nhớ thuở ấu thơ, anh em bà theo ông nội ra đồng thả rồi cắt dây diều để kêu cầu no ấm. Trên những cánh diều làm bằng cật tre và giấy dó (còn gọi là giấy Nam) ngày ấy, thường có chữ Lộc, có khi là Nhân, Phúc hoặc Nhẫn.

Diều "chiến"

"Trẻ lớn" thì thả diều như thế; trẻ nhỏ thời nay chơi diều cũng khác xưa. Chiều chiều, ra bãi đất trống của công trường công viên Chelsea, sát khu dân cư tổ 36 phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, sẽ tận mắt thấy cuộc kịch chiến của những "phi hành gia" diều lấp lánh trên thân dòng chữ "Hoangtubongdem99", "Hocdemachet", "Mackenodinhe", "Hiepsileloi", "Giamdocsongoc"...

Một "chiến binh" ở đây, Tùng (11 tuổi, HS trường THCS Yên Hoà) cho biết: Diều lên được cao nhất mà không nhào, không đứt, không "cưa" đổ diều khác sẽ "ẵm" giải. Giải khá "đậm": diều và 1.000 đồng (hoặc nửa giờ được "bao" chơi game) của tất cả các chủ diều thua trận trong "hội". Nên "dân chơi" lúc nào cũng phải căng thẳng nắm chặt ống dây, mắt đăm đắm dõi "chiến binh", hệt trong một trận "kịch chiến" half-line hay MU trên màn hình vi tính.

Tùng bảo, để thắng "đẹp" nhiều trận liên tiếp, phải tốn nhiều công phu và mánh khoé. Phải biết lừa lúc "đối thủ" mải mê với diều, giả bước quýnh quáng, giẫm vào chân, va mạnh vào hắn. Diều "thù" sẽ đảo cánh, hoặc "cưa" ngay vào những chiếc khác rồi liệng xuống đất như chơi.

Với "diều nhà", quyết không được lơi là chăm sóc. Để diều không đứt, dây tuyệt đối không được để căng. Khi diều đòi dây, phải nới từ từ, từng ít một để diều không đảo, không "cắt" dây diều khác. Khi đã thả hết dây, phải giật nhẹ để giữ độ cao. Diều chao, phải chạy, kéo mạnh dây lên. Cứ thế, người chơi không thể 1 phút dứt mắt khỏi cánh diều, rời tay khỏi ống dây.

Đám con gái thì không dại gì mà nhễ nhại mồ hôi với dây, với ống như vậy. Chỉ ngắm diều dăm phút đã thấy mệt mắt, lại cúi xuống chòng chọc vào cuốn truyện tranh trên tay. Một số cũng được bố thả hộ diều, nhưng mới cầm ống dây được mươi phút đã nhờ người canh hộ hoặc thu dây, hạ diều.

Diệu Anh (10 tuổi, Khu tập thể ĐH Thuỷ Lợi, đường Chùa Bộc - nơi bầu trời chỉ toàn nhà ống và dây điện) còn được ông chở ra tận quảng trường Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình vào mọi chiều thứ 7, diễu khắp nơi trên yên xe máy với chiếc diều bay lất phất phía sau, hoặc thi thoảng được cầm ống một con diều đã lên cao tít của trẻ khác với giá thuê 7.000 đồng/30 phút.

Nghịch cảnh diều

Nhiều người Hà Nội yêu diều bảo, chưa bao giờ thú chơi diều ở Thủ đô lại nở rộ như 3 năm trở lại đây; đặc biệt là hè năm nay. Nơi nào cũng thấy bán diều, chỗ trống hiếm hoi nào cũng được tận dụng để thả diều. Hầu hết các "bãi diều" (thường ở sân trường học, tập thể cao tầng cũ, khu đô thị, quảng trường không có biển cấm thả diều) đều không còn chỗ chen chân từ khoảng 6h chiều.

Thế nhưng, trong hằng hà sa số những chiếc diều vải sơn màu rực rỡ, đủ mọi kiểu dáng, sản xuất hàng loạt theo kiểu "hàng chợ", bán giá vừa túi tiền (10.000 - 30.000 đồng/chiếc) đầy rẫy các hiệu sách, siêu thị hay ngay tại các "bãi diều", đố tìm được một chiếc diều tự tạo bằng cật tre, giấy phèn và sáo trúc.

Cũng đố mà tìm thấy một chỗ đủ thoáng mát có thể ngả lưng, lim dim mắt ngắm cánh diều cõng sáo vi vu như thời chưa xa, khi bầu trời Hà Nội chưa biến thành khoảng không hình ống, chưa bị vây bủa bởi các loại dây dợ chằng chịt và lớp lớp những ngôi nhà cao tầng.

Khoảng không là món quà xa xỉ. Việc bỏ công sức và tốn thời gian tìm kiếm những tre ngâm, giấy bồi, kỳ cạch nào chẻ, nào chuốt, khoét, dùi lỗ, xe dây... để nắn khung, uốn dáng khiến mười đầu ngón tay trầy xước, lên chai và dính lép nhép bột hồ còn xa xỉ hơn.

Bàn tay người lớn, trẻ con Hà Nội đã quen múa rào rào trên bàn phím, tìm niềm vui dễ dãi qua khối thông tin khổng lồ và ngàn vạn trò chơi, cuộc chat trên màn hình vi tính.

Thạc sĩ Văn hoá học Trần Ngọc Tuấn (Viện nghiên cứu văn hoá - Việt Khoa học xã hội Việt Nam) buồn rầu nhận định: Người dân đô thị chơi diều đã khác xưa. Thực dụng hơn (thả diều để cá cược, vì mê tín, ganh đua hoặc đơn giản, chỉ để vận động, ra mồ hôi thải chất độc và giảm stress). Hiện đại và lười nhác hơn (dùng diều mua sẵn, chạy đà bằng... xe máy). Sang trọng hơn (diều đứt dây, không tìm nhặt; thả xong mỗi ngày rồi... vứt). Và cũng vất vả hơn (phóng xe hàng chục cây số mới tìm được bãi thả trong khi xưa kia, ven hồ, sân nhà, ngoài phố, trên bờ đê; đâu đâu cũng có thể thả và ngắm diều bay).

Tuy cánh diều thời nay không còn giúp người chơi rèn luyện tính cần cù, kiên nhẫn và sáng tạo nhờ các công đoạn làm và thả như trước, nhưng theo ThS Tuấn, vẫn là liều thuốc "dưỡng sinh" giúp giải toả ưu phiền, nâng cao hưng phấn, sống khoẻ và có ích.

Dù ở các bãi thả diều có những cảnh nghịch mắt đến đâu thì hiện tượng người Hà Nội trở lại với cánh diều vẫn là một tín hiệu vui, phản ánh nhu cầu giải trí lành mạnh của người dân Thủ đô và sức hấp dẫn bất diệt của một thú chơi dân dã.

Theo VietNamNet
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên